GS Đặng Ứng Vận: Đổi mới giáo dục chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống
Thực tiễn đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, công việc đổi mới chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống khi thấm đến giáo viên THÌ đã kết thúc một quy trình đổi mới do những bức xúc bị ứ đọng trong quá trình đổi mới CHẬM được giải quyết đòi hỏi một sự đổi mới khác.
Đó là một trong 4 kiến nghị của GS.TSKH.NGND Đặng Ứng Vận, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, hiện là Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình gửi tới báo Dân trí.
Duy trì và phát triển phân hệ tinh hoa trong một nền giáo dục đang đại chúng hóa mạnh mẽ để bồi dưỡng nhân tài, có năng lực cạnh tranh với thế giới.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, được coi là thời cơ lớn, bước ngoặt quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Triển khai thực hiện NQ 29 cũng gặp phải những thách thức không nhỏ.
Đó là sự hạn chế về nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực, sự không đồng đều về trình độ phát triển cũng như kỳ vọng giữa các vùng miền và tầng lớp dân cư, sự chưa đồng thuận trong xã hội về các mục tiêu và phương thức đổi mới và những hạn chế về năng lực quản lý giáo dục của toàn hệ thống.
Để vượt qua những thách thức này đòi hỏi phải có một bước chuyển biến chiến lược trong việc tổ chức thực hiện, vốn là trách nhiệm của những người quản lý và cũng là khâu yếu nhất trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam.
Với tinh thần đó, chúng tôi kiến nghị với Đại hội Đảng bốn kiến nghị:
Thứ nhất: Đẩy nhanh tiến trình đổi mới giáo dục
Quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn có tính lịch sử hoặc đổi mới nhanh đế sớm có hiệu quả, thường đi kèm theo một cú sốc cho toàn hệ thống, đòi hỏi nhà trường phải được tái cơ cấu để có thể chịu đựng được cú sốc ấy hoặc diễn biến đổi mới tuần tự để đảm bảo tính ổn định của hệ thống và dần dần thay đổi cơ cấu trường học mà tiến độ đổi mới đòi hỏi.
Thực tiễn đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, công việc đổi mới chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống khi thấm đến giáo viên THÌ đã kết thúc một quy trình đổi mới do những bức xúc bị ứ đọng trong quá trình đổi mới CHẬM được giải quyết đòi hỏi một sự đổi mới khác. Lúc đó, lại phải bắt đầu cho một chu kỳ mới của sự đổi mới, trong khi chưa kịp đánh giá đầy đủ những tư tưởng đổi mới “cũ” đã có tác dụng đến đâu, cái gì cần duy trì, cái gì cần thay đổi.
Nếu muốn đáp ứng nhu cầu nhân lực và chất lượng con người cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì phải chọn phương án thứ nhất đồng thời có những chính sách quản lý đổi mới phù hợp sao cho, một mặt thúc đẩy tiến trình đổi mới, mặt khác đảm bảo được sự ổn định hệ thống. Những ý tưởng mới về quản lý giáo dục của NQ29 như: ” đặt hàng cho giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục” đã tạo tiền đề cho những chính sách quản lý đổi mới này.
Video đang HOT
Thứ hai: Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội phát triển giáo dục
Có thể nói rằng những ý tưởng mới về quản lý giáo dục nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu nhà trường thực sự gắn liền với xã hội, nhà trường “mở” với xã hội. Cộng đồng và phụ huynh được tham gia vào việc ra những quyết sách chiến lược và hợp tác xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc chống tiêu cực trong giáo dục được thể chế hóa.
Giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, là những thành tố không thể thiếu và quyết định tới chất lượng và hiệu quả giáo dục. “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn . (Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/ 1957 ).
Mặt khác, để đảm bảo nguồn lực cho phát triển giáo dục thì đầu tư cho giáo dục phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư dàn trải theo kiểu phân chia phúc lợi, tất yếu dẫn đến giảm hiệu quả phát triển. Đồng thời, khi đầu tư của Nhà nước được tập trung, việc huy động nguồn lực từ xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Hoàn thiện thể chế huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục là hết sức cần thiết.
Thứ ba: Tái cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục.
Tái cơ cấu tổ chức hệ thống là để đáp ứng đòi hỏi ổn định hệ thống khi đẩy nhanh tiến trình đổi mới, là yếu tố cốt lõi để nhà trường và hệ thống giáo dục có thể thích ứng với việc tiếp nhận nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau. Cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục mới cần đảm bảo ba nguyên tắc cơ bản: năng động, đáp ứng và hiệu quả. Năng động là để dễ thích ứng với những thay đổi trong tiến trình đổi mới, đáp ứng là để thực hiện sứ mạng của hệ thống giáo dục đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội, hiệu quả là để nâng cao chất lượng phát triển giáo dục.
Hệ thống cần đảm bảo tính liên thông và nhất quán giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Chú trọng phân luồng trong trung học cơ sở và trung học phổ thông. Duy trì và phát triển phân hệ tinh hoa trong một nền giáo dục đang đại chúng hóa mạnh mẽ để bồi dưỡng nhân tài, có năng lực cạnh tranh với thế giới. Tái cơ cấu hệ thống các trường sau trung học theo chức năng để đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho các giai đoạn phát triển của nền kinh tế đang trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa tiến tới kinh tế tri thức.
Cần tái cơ cấu tổ chức nhà trường. Nhà trường kiểu mới với các tiêu chí cơ bản: tự chủ, nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm, dân chủ và mở đối với xã hội sẽ là chỗ dựa vững chắc để vượt qua những thách thức và biến động của tiến trình đổi mới.
Về hệ thống quản lý, cần tái cơ cấu Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo để thực sự là một cơ quan quyền lực quyết định những vấn đề chiến lược, cốt lõi và nhạy cảm ở những thời điểm quan trọng. Cần có một bộ phận nghiên cứu chính sách giáo dục (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp) phục vụ cho Ủy ban này, trong đó có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý, giảng viên và những đối tác không chuyên, những người sử dụng các sản phẩm của giáo dục, từng bước đạt tới trình độ tiên tiến của các diễn đàn công cộng và thảo luận công khai về giáo dục.
Thứ tư: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhà trường
Khi đặt vấn đề xã hội tham gia đánh giá chủ trương, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước thì phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhà trường cần phải chuyển từ việc thực hiện thụ động các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước sang việc tổ chức và hướng dẫn các cơ sở, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tham gia vào quy trình thực hiện và góp phần hoàn thiện chính sách. Tư duy chính sách được rót từ trên xuống kết hợp với tư duy thực hiện được đúc kết trong thực tiễn và đề xuất từ dưới lên sẽ khép kín chu trình chính sách và đảm bảo sự thành công của đổi mới giáo dục.
Từ một góc độ khác, trong bối cảnh nền kinh tế tư nhân ngày càng mở rộng, tỷ trọng các doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế cũng như tỷ trọng các trường tư thục trong hệ thống giáo dục VN sẽ ngày càng tăng. Nếu không sớm xác định phương thức lãnh đạo mới để có thể duy trì thực chất và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở tư nhân thì sẽ hành chính hóa và hình thức hóa sự lãnh đạo đó. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng sẽ thu hẹp dần phạm vi lãnh đạo của mình.
Kinh nghiệm của một số trường đại học tư thục cho thấy phương thức lãnh đạo của Đảng trong một trường tư thục nên là phương thức lãnh đạo mềm, không hành chính hóa, không áp đặt bằng các chỉ thị, nghị quyết mà bằng trí tuệ, bằng tư duy sáng tạo và bằng gương mẫu thực hiện.
GS.TSKH.NGND. Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường Đại học Hòa Bình
Theo Dantri
Đào tạo giáo viên - Khâu then chốt đổi mới giáo dục
Đào tạo, bồi dưỡng người thầy từ thời điểm còn là sinh viên của các trường sư phạm sẽ giúp nền tảng giáo dục Việt Nam có sự thay đổi căn bản hơn. Vấn đề tưởng "cũ" nhưng vẫn hết sức thời sự.
Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Trong hai ngày 4-5/2 tại Đà Nẵng, gần 500 lãnh đạo, giảng viên, cán bộ các trường đại học, cao đẳng sư phạm và Sở Giáo dục-Đào tạo trong cả nước đã cùng nhau trao đổi các phương pháp đổi mới giáo dục trong Hội thảo "Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay nền giáo dục Việt Nam đang thoát ly dần phương pháp tiếp cận truyền thống, từ nền giáo dục trang bị kiến thức, kĩ năng cho người học chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực cho họ.
Để đạt được yêu cầu này, đội ngũ giáo viên các cấp học phải tiếp cận mục tiêu theo phương pháp hiệu quả hơn, thì cần đổi mới cách tiếp cận, thiết kế nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện nay đội ngũ giáo viên đã phát triển cơ bản đúng hướng. Sứ mệnh của các trường sư phạm trọng tâm trước đây là đào tạo giáo viên mới, thì hiện nay trọng tâm là bồi dưỡng giáo viên theo từng cấp học, phát triển năng lực của sinh viên sư phạm.
Nếu năng lực thực hành của sinh viên sư phạm yếu thì khi ra trường, việc truyền đạt kiến thức của họ có thể vẫn theo lối cũ mà không khuyến khích học sinh phát triển tư duy.
Do đó, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng cần đào tạo để sinh viên sư phạm là những người có năng lực trong giảng dạy, có khả năng phát huy sức sáng tạo và tiềm năng của bản thân học sinh. Phải đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học từ nặng về truyền dạy một chiều sang phát huy tính chủ động sáng tạo. Từ hình thức chủ yếu là dạy học trên lớp sang coi trọng hơn tổ chức hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng (Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo & Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ giáo dục chưa hợp lý để tạo động lực đủ mạnh phát huy tiềm năng của đội ngũ này theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và số lượng. Nên đây cũng là vấn đề cần được cải thiện.
Hiện nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với gần 8.000 giảng viên, trong đó gần 50% có trình độ thạc sĩ, còn lại là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ...
Theo dự báo, trong giai đoạn từ nay đến 2020, mỗi năm sẽ có 2% giáo viên các cấp nghỉ hưu. Để bù đắp số lượng giáo viên, cần khoảng 150.000 người thay thế. Đồng thời, mỗi năm sẽ có khoảng 17.000 giáo viên có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và 45.000 giáo viên cần đào tạo lại.
Do đó, ngành Giáo dục cần qui hoạch, sắp xếp để không chỉ đảm bảo số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu mà còn phải quan tâm chất lượng giảng dạy của từng giáo viên theo hướng chuyên nghiệp.
T.S Michel J.Welmond, Trưởng nhóm chuyên gia giáo dục của WB tại Việt Nam cho rằng, người giáo viên bán chuyên nghiệp sẽ có phong cách giảng dạy cơ bản và theo khuôn mẫu. Người giáo viên chuyên nghiệp sẽ kết nối giữa giáo viên với giáo viên và giáo viên với học sinh để giải quyết những vấn đề gặp phải trong lớp học, trường học.
Các đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng tổ chức, tái cấu trúc mô hình quản lý hệ thống sư phạm và quản lý nhà trường, các khoa, tổ, bộ môn theo yêu cầu đổi mới hiện nay. Xây dựng chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá không thể theo tư duy cũ khiến nền giáo dục trì trệ.
Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
T.S Michel J.Welmond còn đề xuất ý tưởng phát triển mạng lưới các trường sư phạm chịu trách nhiệm đào tạo, kết nối, nghiên cứu và phát triển các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Mạng lưới này sẽ giám sát và đánh giá hoạt động đào tạo, hỗ trợ phát triển giáo viên theo nhu cầu giảng dạy mới.
Đổi mới cơ bản và toàn diện ngành Giáo dục cần có những bước đột phá. Trong đó phát triển đội ngũ và đổi mới cơ chế là vấn đề then chốt cần được quan tâm đặc biệt. Nếu ngành Giáo dục thay đổi được nền tảng này, chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ học sinh phát triển toàn diện cả thể chất, năng lực, tư duy và kĩ năng sống.
Hồng Hạnh
Theo_Báo Chính Phủ
Những thành tựu 70 năm phát triển của nền giáo dục Việt Nam 70 năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã góp phần chủ đạo trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, thoát khỏi tình trạng nước nghèo với nhiều thành tựu to lớn. Dấu ấn giáo dục và đào tạo trong 70 năm qua góp...