GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa
Chấm điểm cho Chính phủ và Bộ TN&MT trong việc tìm ra thủ phạm Formosa gây ra vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, GS Đặng Hùng Võ nói: “Chắc chắn là 10.
GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ, Bộ TN&MT trong vụ Formosa
Ngay sau buổi họp báo Chính phủ chiều nay, 30/6 về nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT về những vấn đề liên quan.
Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân
PV: Ông có bất ngờ không trước thông tin Chính phủ công bố Formosa Hà Tĩnh chính là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh văn biển miền Trung trong thời gian qua?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi không bất ngờ.
PV: Mức bồi thường 500 triệu USD mà Formosa đưa ra cho vụ việc vừa rồi có phải là mức bồi thường lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này?
Ông Đặng Hùng Võ: Với môi trường thì đây không phải là vụ lớn nhất nhưng với Việt Nam thì đó là mức bồi thường lớn nhất. Trên thế giới, nhiều vụ ô nhiễm môi trường lớn hơn nhiều.
Thứ hai, đây là tiền người ta cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế của người dân do sự cố môi trường gây ra.
PV: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về việc Formosa nhận trách nhiệm trễ như vậy?
Ông Đặng Hùng Võ: Chả cứ Formosa, nhiều nhà đầu tư cứ cố gắng chối được đến lúc nào hay lúc đó. Nó thể hiện phông văn hoá không cao, trách nhiệm xã hội không lớn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thái độ của Chính phủ cũng như Bộ TN&MT trong vụ việc này?
Ông Đặng Hùng Võ: Chính phủ đã có những bước đi khá tốt. Đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có những quyết định hiệu quả để dẫn đến ngày hôm nay Formosa phải thừa nhận mình là người gây ra sự cố môi trường và nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả.
PV: Liên quan đến việc tìm ra thủ phạm của sự cố môi trường này, trên mạng xã hội đã không ít ý kiến cho rằng thời gian tìm ra thủ phạm là quá dài. Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này? Liệu khoảng thời gian 84 ngày như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ là dài so với một vụ án môi trường như thế này, thưa ông?
Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên là nhiều trường hợp nếu làm không khéo chúng ta còn không chỉ ra được ai là thủ phạm, ai gây ra sự cố môi trường và gây ra như thế nào.
Video đang HOT
Vì thế hiện nay, chúng ta làm được việc khiến Formosa phải thừa nhận, tâm phục khẩu phục, mình là người gây ra và chấp nhận chịu trách nhiệm thì phải nói rằng chúng ta đã làm được việc quá tốt.
Để xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân, mà chúng ta tìm ra luận cứ khoa học thì cũng không phải là đơn giản. Người dân thì cứ bày tỏ sự nóng ruột và tạo sức ép cho Chính phủ. Nhưng không phải trường hợp nào cũng tìm ra được thủ phạm.
Tôi cho là Chính phủ đã hoàn thành một trách nhiệm rất lớn trước dân. Và người dân cũng cần phải có niềm tin hơn nữa vào Chính phủ.
“Tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm”
PV: Liên quan đến Formosa thì nhiều báo đã thống kê những vụ việc về môi trường mà công ty này phải đền bù với số tiền hàng triệu USD. Qua việc này, chúng ta cần phải có cách nhìn như thế nào đối với công tác thu hút đầu tư trước những doanh nghiệp có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường, tránh để xảy ra một Formosa thứ hai?
Ông Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, thu hút đầu tư là một việc nhưng không được đánh đổi. Chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi để họ có lợi nhuận, nhà nước có lơi, người dân có lợi.
Đó là việc các nước khác vẫn làm, các nước châu Âu vẫn làm và họ vẫn bảo vệ môi trường rất tốt. Chúng ta đừng vướng vào một tư duy là cứ phát triển thì phải huỷ hoại môi trường. Điều đó là không đúng.
Mà chúng ta thấy là vẫn phát triển được và vẫn bảo vệ được môi trường trong lành. Đó là việc chúng ta phải làm.
Tất nhiên, ở châu Âu thì có thể có nhiều nhà đầu tư tử tế, họ làm vừa tốt việc đầu tư kinh tế nhưng họ cũng làm việc bảo vệ môi trường rất tốt. Vì thế, chúng ta phải rà soát và định hình lại để vẫn đảm bảo môi trường đầu tư tốt mà vẫn bảo vệ được môi trường.
PV: Ông có nghĩ rằng cơ chế giám sát việc bảo vệ môi trường của các nước ở châu Âu như ông vừa đề cập đến tốt hơn của chúng ta?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi có thể nói là văn hoá của những doanh nghiệp đầu tư tương tự cao hơn, trách nhiệm với xã hội cao hơn, trách nhiệm với môi trường cao hơn. Thành ra, đôi khi không cần giám sát thì họ vẫn tự nguyện thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường rất đầy đủ.
PV: Nếu chấm điểm Chính phủ và Bộ TN&MT trong trường hợp này, ông chấm điểm mấy?
Ông Đặng Hùng Võ: Chắc chắn là 10. Bởi vì tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm và nguyên nhân của sự cố.
Chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân của sự cố chứng tỏ chúng ta đã tiếp cận vấn đề một cách rất hợp lý, sử dụng cơ sở khoa học là một, cơ sở pháp lý là một. Đó là hai “chân” để chúng ta có thể xử lý tốt sự cố môi trường này.
Xin cám ơn ông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã nhiều lần cùng với các cơ quan chức năng làm việc với Formosa. Đến ngày 28/6, công ty Formosa đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết.
Đồng thời, Formosa cam kết 5 điểm:
1 Công khai xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Cam kết bồi thường với số tiền 500 triệu USD.
3. Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của xử lý nước thải, chất thải, cam kết xử lý triệt để các chất thải độc trước khi đưa ra môi trường theo quy định, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra.
4. Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung xây dựng, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm, nhằm tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.
5. Thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu vi phạm sẽ chịu xử lý của pháp luật Việt Nam.
Theo Soha News
Formosa gây ô nhiễm: Khởi tố vụ án hay không, cơ quan tư pháp sẽ xem xét
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Formosa gây ô nhiễm môi trường thì có khởi tố vụ án hình sự không, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng, tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (giữa) trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.
Thận trọng, chặt chẽ
Xin cho biết quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết tại các tỉnh miền Trung được thực hiện như thế nào? Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước vào quá trình xác định nguyên nhân ra sao?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Việc xác định nguyên nhân cần chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản, đảm bảo chứng cứ khoa học đầy đủ, xác định thủ pham là ai, đấu tranh thế nào. Thứ nhất phải xác định nguyên nhân, cơ chế gì khiến hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Các nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật..., đồng thời thực hiện nhiều hoạt động từ việc xác định sự việc từ vệ tinh... Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của nhà nước đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế. Qua đó cho thấy, quá trình di chuyển của các độc tố là theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên - Huế. Đây là một ổ độc hấp thu kim loại trực tiếp, bản thân nó có nhu cầu ôxy, đi đến đâu lấy ôxy và gây độc tố làm cá chết.
Tuy nhiên để tìm nguồn gây độc, chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải, tập trung vào Formosa, Điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Đoàn kiểm tra về luyện thép, công nghệ môi trường... kiểm tra, và phát hiện sai sót, lỗi trong sản xuất, quản lý vận hành thử nghiệm lỏng lẻo, từ đó có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư phải thừa nhận. Chúng tôi đã cẩn trọng bài bản, chính xác, thuyết phục như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 23/4, Bộ NN&PTNT khẳng định cá chết do độc tố cực mạnh từ môi trường. Ngày 27/4, Bộ TN&MT cho rằng nguyên nhân có thể từ con người và thuỷ triều đỏ. Ngày 4/5, Bộ KH&CN nói đã đủ cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết. Vậy tại sao cho đến nay, gần 3 tháng sau khi sự cố xảy ra mới có thông tin chính thức?
Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh: Ngay khi sự việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm ra nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực và cố gắng cao nhất. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, trong đó có các nhà khoa học nước ngoài. Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận.
Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hiệu quả, công bố thủ phạm là để khắc phục hậu quả. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau.
Việc công bố ai là thủ phạm cần điều tra để xác định chứng cứ, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, địa phương. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân làm chậm quá trình điều tra. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình. Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng cũng xuất hiện sự phản ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận lợi dụng bức xúc để chống đối Đảng, Nhà nước.
Cân nhắc việc khởi tố
Với vụ việc này Cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trước hết, có biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam; xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Nhưng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ.
"Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại", Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư
Việc Bộ TN&MT cấp phép xả thải cho Formosa như thế nào? Trách nhiệm của Bộ TN&MT ra sao?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.
Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương ra sao sau khi phát hiện sự cố?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh: Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Mức đền bù 500 triệu dựa trên cơ sở nào? Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Đây là mức đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, cùng với đó chúng tôi đã yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm.
Theo Văn Kiên - Luân Dũng (Tiền Phong)
Nguyên nhân gây cá chết được truy tìm như thế nào Vệt nước màu đỏ từng nhìn thấy ở Quảng Bình và Hà Tĩnh không phải tảo nở hoa hay phù sa mà là lớp màng sắt hấp thụ các độc tố - sản phẩm từ hoạt động xả thải của Formosa. Sau hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số vùng ven biển miền Trung, Viện Hàn lâm Khoa học và...