‘Green Book’: Chuyến đi kỳ lạ ‘khám phá’ nỗi đau phân biệt chủng tộc
‘ Green Book’: Chuyến đi kỳ lạ ‘khám phá’ nỗi đau phân biệt chủng tộc
Bộ phim mới giành ba giải Quả cầu vàng của đạo diễn Peter Farrelly là một góc nhìn đau đáu nữa về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ hồi thập niên 1960.
Trailer bộ phim ‘Green Book’ Tác phẩm dựa trên sự kiện có thật với những thông điệp mạnh mẽ lên án nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Thể loại: Tâm lý, tiểu sử
Đạo diễn: Peter Farrelly
Diễn viên chính: Viggo Mortensen, Mahershala Ali, Mike Hatton, Dimeter Marinov, Linda Cardellini
Zing.vn đánh giá: 7/10
Green Book là bộ phim dựa trên những sự kiện có thật, và mới giành ba giải tại Quả cầu vàng 2019.
Trong giới văn nghệ sĩ nước Mỹ vào thập niên 1960, Don Shirley (Mahershala Ali) là một trường hợp đặc biệt. Ông không chỉ là thiên tài piano cổ điển từng được đào tạo ở tận Liên Xô xa xôi, mà còn sở hữu tấm bằng tiến sĩ tâm lý học và nói thành thạo rất nhiều thứ tiếng.
Tài năng và danh tiếng giúp Don Shirley có một cuộc sống đáng mơ ước trong căn hộ xa hoa nằm ngay phía trên Thính phòng Carnegie nổi tiếng, và cả những người bạn quyền lực trong chính trường nước Mỹ như anh em Tổng thống John F. Kennedy – Tổng chưởng lý Robert Kennedy.
Nhưng dù có tài hoa đến đâu, dù có giàu sang đến mấy, Don Shirley vẫn phải chấp nhận một sự thật rằng làn da màu đen của bản thân vẫn khiến mình trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong quãng thời gian này.
Đặc biệt tại các bang miền Nam của nước Mỹ – quê hương của phe thất trận trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vì cố níu kéo chủ nghĩa nô lệ, người da đen vẫn bị phân biệt đối xử một cách tệ bạc. Tình hình những năm 1960 chẳng khác thế kỷ XIX là bao khi có những nô lệ da màu vẫn phải oằn mình phục vụ chủ đồn điền là người da trắng.
Do đó, khi Don Shirley quyết định lên đường cùng hai nghệ sĩ da trắng khác trong nhóm tam tấu của mình là Oleg (Dimeter Marinov) và George (Mike Hatton) để thực hiện chuyến lưu diễn xuyên qua các bang miền Nam nước Mỹ, ông cảm thấy bản thân cần có một người tài xế đủ tin cậy trên những cung đường, đủ mạnh mẽ để giúp mình vượt qua trở ngại chắc chắn sẽ nảy sinh từ nạn phân biệt chủng tộc.
Người được Don Shirley thuyết phục để đảm nhận vị trí khó khăn ấy là Frank “Tony Lip” Vallelonga (Viggo Mortensen). Vốn là nhân viên “bảo an” tại hộp đêm nổi tiếng Copacabana của thành phố New York, người đàn ông gốc Italy đột ngột thất nghiệp vì nơi làm việc phải đóng cửa để sửa chữa, trong khi người vợ Dolores (Linda Cardellini) và hai con trai đang rất cần những đồng tiền lương của Frank để trang trải cuộc sống.
Nội dung chính của bộ phim là chuyến đi bão táp dành cho hai người đàn ông khác biệt về tính cách, màu da.
Chẳng thể đi cầm hết đồ đạc để trả tiền thuê nhà, và cũng không muốn đảm nhận những phi vụ mờ ám của nhóm người đồng hương, Frank Vallelonga cuối cùng đành miễn cưỡng nhận lời Don Shirley. Anh quyết định xa vợ con trong vòng hai tháng để rong ruổi trên những nẻo đường miền Nam nước Mỹ cùng người nghệ sĩ piano thiên tài.
Gai góc là thế, dạn dày kinh nghiệm với dân giang hồ là thế, nhưng Frank không thể ngờ rằng đây sẽ là chuyến đi bão táp, đặc biệt là với người hành khách có nước da màu đen ngồi phía sau xe, bất chấp việc hai người đã cố gắng làm theo đúng hướng dẫn của “Green Book” – tài liệu hướng dẫn cách đi lại cho các tay lái da màu.
Qua từng chặng biểu diễn của Don Shirley, đi sâu từng dặm vào trong lòng miền Nam nước Mỹ, Frank Vallelonga và Shirley nhận ra rằng ngay giữa nước Mỹ hiện đại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện hữu một cách nặng nề. Đó là nỗi đau đè chặt lên cuộc sống ngột ngạt của những người da đen vốn đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau trong suốt chiều dài lịch sử.
Thử nghiệm đáng ngạc nhiên của Peter Farrelly
Green Book là bộ phim thứ 14 trong sự nghiệp đạo diễn của Peter Farrelly, nhưng mới là thử nghiệm đầu tiên của vị đạo diễn 62 tuổi bên ngoài thể loại hài hước.
Dẫu vẫn có đâu đó một số chi tiết hài, Green Book thực tế không phải là một tác phẩm “thọc cười” – dòng phim đã giúp Peter Farrelly và người em trai Bobby Farrelly thành danh từ thập niên 1990 với những bộ phim như Dumb and Dumber (1994) hay There’s Something About Mary (1998).
Peter Farrelly (thứ hai bìa trái) gây ngạc nhiên cho nhiều người khi thực hiện Green Book bởi trước đây tên tuổi ông và người em trai vốn gắn bó chặt chẽ với thể loại hài hước.
Tuy là một lựa chọn nghệ thuật gây ngạc nhiên đối với nhiều khán giả, nhưng có lẽ việc thử nghiệm với thể loại mới là điều cần thiết, nếu không muốn nói là hơi muộn đối với Peter Farrelly, sau thất bại thảm hại về chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm gần đây như Movie 43 (2013) và Dumb and Dumber To (2014).
Dựa trên câu chuyện có thật của Frank Vallelonga và Don Shirley qua ngòi bút của chính cậu con trai nhà Vallelonga, trong lần thử sức đầu tiên với phim tâm lý, Peter Farrelly đã lựa chọn đề tài đang thu hút rất nhiều sự quan tâm tại Hollywood, nhưng cũng không dễ dựng thành một tác phẩm hay, hấp dẫn người xem.
Đó là nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ nói chung, và đặc biệt là ở các bang miền Nam – nơi đạo luật Jim Crow đã biến cuộc sống của người da đen trở thành địa ngục trần gian.
Thành công và chưa thành công
Được đặt trong bối cảnh lịch sử giàu sự kiện, có bộ đôi nhân vật chính có thật với nhiều nét tính cách đặc sắc, Green Book đã thành công trong việc kể lại một câu chuyện đáng nhớ về chuyến hành trình “khám phá” tệ phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ của Don Shirley và Frank Vallelonga, và cũng là cuộc hành trình khai phá cho một tình bạn mới mẻ giữa hai con người tưởng chừng không thể khác biệt hơn.
Với nhiều phân đoạn gây sốc vì sự phân biệt chủng tộc tàn nhẫn nhưng lộ liễu đến mức khó tin ở một quốc gia dân chủ như nước Mỹ, chắc chắn Green Book sẽ góp thêm tiếng nói mới để giúp khán giả hiểu hơn về những nỗi đau mà người da màu đã và đang phải gánh chịu, nhất là ở các bang miền Nam nước Mỹ.
Green Book góp thêm tiếng nói ý nghĩa giúp lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, dù rằng nhiều thông điệp của bộ phim còn khá lộ liễu.
Một số cảnh quay đẹp về thiên nhiên nước Mỹ, cách bộc lộ tâm sự, tình cảm rất khác nhau của một Don Shirley lịch lãm nhưng cô độc và một Frank Vallelonga thô lỗ nhưng luôn tràn đầy tình yêu cho những người thân thiết, cũng giúp bộ phim trở nên dễ xem và lôi cuốn, bất chấp chủ đề nặng nề của tác phẩm.
Song, có lẽ vì đây mới là tác phẩm tâm lý đầu tiên của Peter Farrelly, cách mà ông truyền tải các thông điệp về bình đẳng sắc tộc, về sự cần thiết của tình cảm trân trọng giữa con người với con người trong một xã hội hiện đại có cảm giác còn gượng ép và lộ liễu.
Thay vì những hình ảnh ẩn dụ nhẹ nhàng mang tính khơi gợi giúp khán giả tự tìm ra cho mình thông điệp, đa phần chi tiết hay câu thoại mang tính biểu tượng trong Green Book đều được lồng ghép một cách khá vụng, khiến khán giả cảm thấy mình như đang bị ép phải cảm nhận, phải hiểu những ý tưởng cụ thể của đạo diễn.
Và một khi đã bị gò bó như vậy, thì dù thông điệp, ý tưởng có đẹp đến mấy, người xem vẫn có cảm giác gợn không cần thiết đối với một tác phẩm nhẹ nhàng và giàu cảm xúc như Green Book.
Thêm vào đó, việc biểu đạt các thông điệp qua những mô-típ truyền thống, gò bó cũng khiến Green Book phần nào đó trở nên “dễ đoán” và mất đi sự mới mẻ cần thiết đối với một tác phẩm tiểu sử về hai nhân vật hết sức đặc biệt, nhưng chưa từng được khai thác trên màn ảnh lớn như Don Shirley và Frank Vallelonga.
Diễn xuất ở mức tròn vai
Trên một khía cạnh nào đó, Green Book có thể được coi là phiên bản ngược của Driving Miss Daisy (1989) – bộ phim chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ thập niên 1940-1950 thông qua những chuyến đi của người tài xế da đen Hoke Colburn (Morgan Freeman) và bà goá phụ người Do Thái giàu có Daisy (Jessica Tandy).
Nhưng sự trùng hợp giữa hai tác phẩm có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Bởi Driving Miss Daisy của đạo diễn Bruce Beresford là tác phẩm sâu sắc và mang tính gợi mở rất cao. Chất lượng nghệ thuật vượt trội của bộ phim sau đó được công nhận bằng bốn tượng vàng Oscar vào đầu năm 1990, trong có ba giải quan trọng là Phim truyện, Nữ diễn viên chính và Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Với cách tiếp cận thua kém nhiều mặt, sẽ là rất khó để Green Book có thể lặp lại thành tích của Driving Miss Daisy trong mùa trao giải thưởng điện ảnh 2018-19, hay cụ thể là lễ trao giải Oscar 2019.
Sự tương tác giữa Don Shirley với Frank Vallelonga là điều đáng quý nhất trong khía cạnh khai thác nhân vật.
Diễn xuất không quá ấn tượng của dàn diễn viên là một điểm yếu khác của Green Book.
Ngoại trừ Linda Cardellini phần nào đó chứng tỏ năng lực qua vai Dolores Vallelonga, dàn diễn viên phụ của Green Book không để lại dấu ấn nào đối với khán giả. Thậm chí, một số gương mặt còn tỏ ra nghiệp dư. Họ hợp hơn ở thể loại hài “nhảm” chứ không phải một dự án nghiêm túc, đòi hỏi sức nặng.
Ngay cả Mahershala Ali trong vai Don Shirley và Viggo Mortensen trong vai Frank Vallelonga cũng chỉ có thể được coi là tròn vai, nhất là khi so sánh với những vai diễn đáng nhớ hơn nhiều của họ như Juan trong Moonlight (2016) hay Tom Stall của trong A History of Violence (2005).
Có lẽ sự tương tác giữa Don Shirley và Frank Vallelonga, chứ không phải chân dung riêng rẽ của từng nhân vật, qua sự thể hiện của Ali và Mortensen, mới là điểm nhấn lớn nhất về mặt xây dựng nhân vật và diễn xuất của Green Book.
Tất nhiên rằng dù có tài năng đến mấy, Mahershala Ali và Viggo Mortensen cũng khó lòng vượt ra khỏi cách tiếp cận kịch bản mang nhiều tính gượng ép của Peter Farrelly. Do đó, khán giả có quyền cảm thấy tiếc nuối khi Ali và Mortensen không có cơ hội để khắc hoạ một cách sống động hơn, đa chiều hơn hình ảnh của đôi nhân vật chính.
Bất chấp nhiều khuyết điểm, Green Book vẫn là một bộ phim hết sức ý nghĩa.
Tuy còn mắc nhiều khuyết điểm, nhưng chắc chắn rằng sau khi xem phim, không một khán giả nào có thể phủ nhận sự nghiêm túc và trân trọng dành cho đề tài, dành cho nhân vật lịch sử của Peter Farrelly trong Green Book. Chỉ riêng chi tiết ấy cũng đủ giúp đây trở thành bộ phim đáng quan tâm sau những thất bại khó tin trong sự nghiệp của anh em nhà Farrelly.
Nhưng Green Book còn là một bộ phim nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa nằm ở chân dung hai con người sâu sắc theo những cách riêng biệt, nhưng tìm thấy nhau qua một tình bạn lạ lùng.
Ý nghĩa nằm ở cách thức bộ phim làm người xem bị sốc vì nạn phân biệt chủng tộc vô nhân đạo ở miền Nam nước Mỹ. Và ý nghĩa còn nằm ở thông điệp thúc đẩy chúng ta, bất kể màu da, địa vị, phải gắng sống một cách có ý nghĩa, có lòng tự trọng, biết giữ gìn phẩm giá, không chỉ của bản thân mà còn cả những người xung quanh.
Bởi thế, Green Book vẫn là một bộ phim rất đẹp của điện ảnh Hollywood trong năm 2018.
Theo zing.vn
'Green Book' mang câu chuyện cảm động giữa hai người xa lạ đến sưởi ấm giải Oscar 2019
Được khởi chiếu và trao giải thưởng "Phim được khán giả yêu thích nhất" danh giá tại Liên hoan Phim Toronto 2018 vừa qua, bộ phim hài tâm lý "Green Book" kể lại cuộc hành trình và tình bạn lạ thường của một tài xế da trắng và nhạc công da màu. Đường đến Oscar 2019 của "Green Book" đang rất rộng mở.
Đối với đạo diễn Peter Farrelly, người góp một phần làm nên thương hiệu bộ-đôi-anh-em-Farrelly , thể loại phim hài kết hợp các yếu tố nhân văn được dự đoán là có phần quá sức với ông. Tuy nhiên, ông đã chứng minh điều ngược lại. Nhờ vào sự chỉ đạo đầy kinh nghiệm của mình cùng kịch bản súc tích và diễn xuất của các diễn viên vô cùng tuyệt vời, Peter đã làm nên một Green Book hay đột phá. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, kể về tình bạn lạ thường giữa hai người có xuất thân và màu da khác biệt giữa thời kì biến động của nước Mỹ. Với khả năng lan toả, truyền cảm hứng và chạm đến bao tâm hồn yêu nghệ thuật, bộ phim được dự đoán sẽ trở thành đối thủ nặng kí trong cuộc đua Oscar 2019.
Poster phim "Green Book" - câu chuyện tình bạn cảm động được ra mắt vào dịp lễ Tạ ơn.
Trailer phim "Green Book".
"Green Book" là thuật ngữ được dùng để chỉ cuốn cẩm nang du lịch gồm các nhà nghỉ, quán ăn thích hợp và an toàn cho những người da màu, nhằm tránh những rắc rối trong thời kì nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là nỗi ám ảnh của nước Mỹ. Cách đặt tựa thông minh này chính là phép ẩn dụ cho nội dung bộ phim kể về chuyến lưu diễn tám tuần khắp miền Nam nước Mĩ của nghệ sĩ dương cầm da màu giàu có Dr. Don Shirley (Mahershala Ali) và vệ sĩ gốc Ý Tony "Lip" Vallelonga (Viggo Mortensen), người được thuê để đảm bảo tiếng đàn của ông có thể đến được với những người yêu nhạc ở vùng có tư tưởng còn cổ hủ bậc nhất đất nước.
Nghệ sĩ dương cầm giàu có Dr. Don Shirley và vệ sĩ kiêm tài xế Tony Vallelonga.
Lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 60, Green Book bắt đầu với quyết định tìm công việc mới của Tony, sau một lần thất nghiệp, để có thể chu cấp cho vợ là Dolores (Linda Cardellini) và hai con. Hay tin nghệ sĩ dương cầm cổ điển Dr. Shirley đang cần một tài xế kiêm bảo vệ với mức lương khá, Tony đã ứng tuyển song anh vẫn còn do dự chưa nhận công việc vì phải xa nhà, xa vợ con suốt hai tháng ròng. Dù vậy, nghĩ đến khoản tiền lương sẽ mang đến cho gia đình một cuộc sống đầy đủ hơn, Tony nhận lời lên đường cùng Dr. Shirley và người bạn đồng hành đặc biệt là quyển Negro Motorist Green Book hướng dẫn những địa điểm thân thiện với người da màu. Khác biệt về xuất thân, lối sống và cả cách suy nghĩ, hai người đàn ông tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược này đều không hề biết rằng tám tuần sắp tới sẽ là một cuộc hành trình có thể thay đổi cả cuộc đời họ.
Sau khi được công chiếu tại LHP Toronto, Green Book được nhận xét là có nhiều điểm tương đồng với bộ phim kinh điển đoạt giải Oscar danh giá Driving Miss Daisy khi cùng kể về tình bạn lạ thường của hai con người dường như chỉ có điểm chung duy nhất là cùng ngồi trên những chuyến xe. Điều này đã khiến cốt truyện bộ phim có vẻ an toàn và thiếu sự bứt phá. Tuy nhiên, dù tình tiết có phần nhẹ nhàng và dễ đoán, bộ phim vẫn là một hành trình đưa khán giả đi qua những cảm xúc khó quên của Tony, của Dr. Shirley và của chính họ.
Tham gia vào quá trình viết kịch bản cùng đạo diễn Farrelly và biên kịch Brian Currie chính là Nick Vallelonga, con trai của nhân vật chính Tony Vallelonga, người đã kể lại những hồi ức được truyền tải chân thực qua từng thước phim. Bên cạnh đó, Green Book là sự kết hợp vừa đủ giữa thể loại chính kịch và hài kịch. Bộ phim dù khai thác sâu vào khía cạnh nhân văn, định kiến xã hội và nạn phân biệt chủng tộc thời đó, nhưng vẫn không thiếu những khoảnh khắc hài hước được đặt đúng chỗ.
Tuy đạo diễn Farrelly nổi tiếng với những bộ phim hài có phần táo bạo, nhưng lần thử sức với thể loại mới này, ông đã thành công trong việc kể một câu chuyện về tình người, cũng như các vấn đề xã hội nhạy cảm một cách tinh tế. Thay vì những câu bông đùa nhạy cảm, dồn dập thường thấy trong các phim hài của Farrelly, các phân đoạn vui trong Green Book tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với tình huống.
Kỹ thuật điện ảnh cũng là yếu tố góp phần không nhỏ vào việc xây dựng độ chân thực của bộ phim. Với cảm quan mỹ thuật của đạo diễn hình ảnh Sean Porter và nhà thiết kế sản xuất Tim Galvin, thập niên 60 của nước Mỹ hiện lên sống động qua những tông màu xanh vàng hoài cổ. Sự khéo léo chuyển tải câu chuyện thông qua màu sắc này đã cho khán giả cảm giác như đang cùng Tony và Dr. Shirley băng qua những cung đường xuyên rừng chở đầy nắng và tiếng cười. Bên cạnh đó, phần âm nhạc gồm những bản nhạc pop xưa, tương phản với tiếng dương cầm du dương của Dr. Shirley, khiến bộ phim trở nên cuốn hút ngay từ những phút đầu tiên.
Tài xế kiêm vệ sĩ Tony hài hước, xuề xoà và đơn giản...
... trong khi Dr. Shirley luôn nghiêm túc, chỉn chu và có phần kín đáo.
Thành công của phim không thể không kể đến diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính, Viggo Mortensen và Mahershala Ali. Họ vừa thể hiện hai nhân vật có tính cách hoàn toàn trái ngược, lại vừa hợp nhau như hai người bạn tâm giao từ lúc nào. Dù Mortensen hiếm khi đảm nhiệm các vai hài, nhưng ông đã khiến người xem cảm nhận thấy dường như nhân vật Tony được viết nên để dành cho ông. Cách Mortensen hoá thân thành người vệ sĩ huênh hoang, thích pha trò nhưng chân thành và giàu tình người đã chinh phục hoàn toàn trái tim khán giả.
Ngược lại, qua sự thể hiện của Ali, Dr. Shirley ở vị trí một người đàn ông khép kín và trầm mặc với tâm tư giằng xé khiến người xem trăn trở nhiều điều. Người nghệ sĩ dương cầm luôn toát lên vẻ đạo mạo, bình tĩnh, nhưng vẫn có những khoảnh khắc bật ra những cảm xúc không thể kìm nén, thể hiện trọn vẹn hai mặt của mỗi con người.
Màn trình diễn xuất sắc của Mortensen và Ali nhận được không ngớt lời khen ngợi từ giới chuyên môn và được đánh giá là hai ứng cử viên xứng đáng cho đề cử Oscar.
Tony trong khoảnh khắc tạm biệt vợ mình là Dolores và hai con trước khi lên đường.
Dr. Shirley, Tony và hai nhạc công còn lại trong ban nhạc.
Tuy nhiên, việc hai nhân vật chính quá nổi bật đã khiến dàn diễn viên phụ trở nên mờ nhạt và không có nhiều đất diễn. Những người thân trong gia đình của Tony hay người vợ đang ngóng trông từng ngày đều là những nhân vật có nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng có lẽ do cốt truyện đòi hỏi sự tập trung vào hai nhân vật chính nên họ đành lùi bước về sau một chút. Dù không để lại ấn tượng mấy, nhưng từng diễn viên đều thể hiện tròn vai, là những con cờ trắng đen đã được Farrelly sắp đặt có ván cờ lớn mang tên Green Book.
Đây sẽ là bộ phim khiến người xem cảm thấy "ấm lòng" nhân dịp giáng sinh sắp đến
Không tham vọng, không táo bạo và không bứt phá như những bộ phim ra mắt mùa giải Oscar, nhưng Green Book đã hoàn toàn vượt qua mong đợi của giới chuyên môn và khán giả, trở thành một trong những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua mùa giải năm nay. Những thước phim cảm động về tình người, về sự kết nối đồng điệu giữa hai tâm hồn xa lạ, về câu chuyện của hơn 50 năm về trước vẫn còn có thể chạm đến xã hội thời hiện đại sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho mùa lễ hội năm nay. Vì khi bỏ đi những định kiến, xoá đi những khoảng cách và quên đi những khác biệt về màu da, ai trong chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường, và con người thì luôn cần có nhau.
Theo saostar
Dự đoán những hạng mục quan trọng của Quả cầu vàng lần thứ 76 Giải thưởng Quả cầu vàng lần thứ 76 diễn ra vào ngày mai (7/1/2019) hứa hẹn tạo nên nhiều bất ngờ lớn với những bộ phim có đề tài độc đáo cùng những gương mặt diễn viên sáng giá. Phim chính kịch xuất sắc nhất: A star is born Bộ phim đầu tay của đạo diễn, kiêm diễn viên chính Bradley Cooper hội...