Grab phải bồi thường 41,2 tỷ đồng cho Vinasun
Đại diện VKSND TPHCM cho rằng Grab hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Trong quá trình hoạt động, Grab đã vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho Vinasun nên đề nghị phải bồi thường 41,2 tỷ đồng cho hãng taxi nội này.
Đại diện Vinasun và Grab tại phiên tòa Ảnh: Văn Minh
Ngày 23/10, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Cty CP Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và bị đơn- Cty TNHH GrabTaxi Việt Nam (gọi tắt là Grab).
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TPHCM nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.
Theo đại diện VKSND TPHCM, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, khẳng định Grab hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, tương tự như Vinasun.
Cụ thể, Grab đã tuyển tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá. Grab còn thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản của mình. Tài xế Grab phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách.
“Grab quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này. Hơn nữa, Grab cũng có quy định thưởng phạt với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đón khách đối với từng tài xế”, đại diện VKSND chỉ ra.
Mặt khác, Grab có hành vi trái pháp luật khi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Video đang HOT
Grab cũng có hành vi khuyến mại trái quy định khi thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trên giá cước vận chuyển, trong đó có những chuyến xe giá 0 đồng.
Từ đó, đại diện VKSND TPHCM cho rằng có đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.
Trong vụ kiện này, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM vì cho rằng, dù Grab là một công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực tế hoạt động, Grab là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Grab đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi và có hành vi khuyến mại nhằm gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Chính điều này đã gây thiệt hại cho Vinasun nên hãng taxi nội này khởi kiện Grab ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng.
Sau khi VKSND trình bày quan điểm, HĐXX dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 29/10 tới đây.
Grab: Đòi bồi thường là không có cơ sở!
Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, phù hợp với Đề án 24 của Bộ GTVT về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, Grab cũng phủ nhận việc cạnh tranh không lành mạnh với Vinasun qua các chương trình khuyến mại. Đối với việc giảm sút doanh thu hay lợi nhuận của Vinasun không do Grab gây ra do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại của hãng taxi nội là không có cơ sở.
VĂN MINH
Theo TPO
Vinasun tố Grab "đã lách né 13 điều kiện kinh doanh"
Vinasun cho rằng: Grab đã lách né 13 điều kiện kinh doanh trong đó có cả việc tiếp tục báo lỗ nhằm lách thuế.
Đại diện cho Grab (đứng giữa) cho rằng rất vô lí nếu Grab phải chịu trách nhiệm cho những biến động trên thị trường của các doanh nghiệp khác, bao gồm cả Vinasun.
Phiên xét xử chiều 18/10 toà cho hai bên đối chất nhau liên quan đến vấn đề giám định thiệt hại của Vinasun .
Trước đó do Grab không đồng ý kết quả giám định thiệt hại của hai công ty do Vinasun thuê nên đề nghị tòa lựa chọn. Tòa đã trưng cầu Công ty Giám định Cửu Long để tính toán thiệt hại của Vinasun.
Grab hỏi về số lượng đầu xe của Vinasun và cho rằng số tiền thiệt hại mà Vinasun cho là do Grab gây ra theo cách tính toán thiệt hại mà Công ty Cửu Long thực hiện là không chính xác. Một doanh nghiệp kinh doanh taxi có hơn 6.500 xe mà theo báo cáo trong năm 2016 chỉ có trung bình hai xe nằm bãi không kinh doanh mỗi ngày thì không thể bị thiệt hại do hoạt động của Grab gây ra. Đại diện Grab cho rằng, Vinasun mất khách hàng là do thái độ của tài xế, thời gian khách hàng phải bỏ ra khi chờ đón xe, chất lượng xe...
Tuy nhiên Vinasun khẳng định đó là một phần của những nguyên nhân gây thiệt hại của Vinasun, không thế cắt khúc ra để hỏi. Chính nguyên nhân khuyến mãi tràn lan, giá cước rẻ của Grab mới là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho Vinasun vì khách hàng bỏ Vinasun để chọn Grab.
Ông Trương Đinh Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) nêu thêm, nếu việc giá rẻ hơn khi cùng điều kiện kinh doanh thì khác. Nhưng nhưng giá Grab rẻ hơn Vinasun là do Grab hoạt động như đơn vị kinh doanh vận tải, lách né 13 điều kiện kinh doanh, chịu mức thuế khác hẳn Vinasun: Grab chịu mức thuế dành cho 1 đơn vị công nghệ. Và do Grab vốn điều lệ chỉ 20 tỉ nhưng do báo lỗ trên 1.700 tỉ để trợ giá, khuyến mãi, tiêu diệt taxi truyền thống.
Phía Vinasun cho rằng: Một khi số liệu báo lỗ lớn hơn doanh thu thì nghĩa vụ thuế rất thấp so với doanh thu, số lượng phương tiện hoạt động Cụ thể năm 2014, Grabtaxi đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng nhưng lỗ 51,7 tỷ đồng, nộp thuế 28 triệu đồng.
Năm 2015, Grabtaxi đạt doanh thu 33,7 tỷ đồng, báo lỗ 441,8 tỷ đồng, nộp thuế 11,4 tỷ đồng.
Năm 2016, Grabtaxi đạt doanh thu 193, 6 tỷ đồng, báo lỗ 444,7 tỷ đồng, nộp thuế 16,1 tỷ đồng.
Năm 2017, Grabtaxi tiếp tục báo lỗ 788 tỷ đồng nâng tổng số lỗ luỹ kế lên 1726 tỷ đồng, nộp thuế 73 tỷ đồng.
Trong khi cùng kỳ, Vinasun với số lượng xe chỉ bằng 1/6 - 1/8 số lượng xe của Grab đóng thuế năm 2014 là 43,6 tỷ đồng, năm 2015 là 312,2 tỷ đồng, năm 2016 là 312,8 tỷ đồng. Năm 2017, mặc dù khó khăn như vậy, người lao động bỏ đi, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, Vinasun vẫn đóng góp vào ngân sách nhà nước 270,9 tỷ đồng. Khoản tiền trên chưa kể số tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
"Cùng với đó việc Grab đốt nhiều tiền cho khuyến mại lớn nhưng vẫn duy trì vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng. Vậy mục đích ở đây là gì? Mục đích đầu tư phát triển Việt Nam hay là mục tiêu triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước, chiếm lĩnh vị trí độc quyền rồi quay sang chèn ép người lao động, người tiêu dùng Việt Nam?", đại diện Vinasun nói.
Phiên tòa tiếp tục vào sáng 19/10.
Yên Trang
Theo baogiaothong
Nếu Vinasun thắng, các công ty taxi khác cũng kiện Grab thì sao? Trong tâm bão vụ Vinasun kiện Grab, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu Vinasun thắng kiện và Grab buộc phải bồi thường 41 tỷ đồng, các công ty taxi khác cũng quay ra kiện Grab thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào? Vụ kiện Vinasun - Grab đang trong thời điểm nóng . Ảnh minh họa: Internet...