Grab đối thoại với tài xế: Nhiều người thất vọng!
Dù Grab khẳng định họ và tài xế “đang ngồi chung một con thuyền” nhưng hãng vẫn giữ mức khấu trừ mới khiến nhiều tài xế thất vọng!
Tài xế GrabBike diễu hành phản đối mức khấu trừ mới khi Nghị định 126 có hiệu lực.
Giải trình các câu hỏi của tài xế trong buổi đối thoại trực tuyến giữa ban giám đốc Grab và đại diện các tài xế về việc thực hiện Nghị định 126 diễn ra hôm nay (10/12), bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, việc tăng giá cước là một việc làm tình thế khi Nghị định 126 có hiệu lực với mức áp thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng lên 10%.
Theo bà Vân, trong suốt 3 năm, cho dù kinh tế khó khăn, vật giá có thay đổi và nhiều lần anh em gửi yêu cầu đến Grab mong muốn tăng giá cước nhưng Grab vẫn không điều chỉnh.
“Đầu tháng 12 Grab đã tinh tế điều chỉnh giá cho tất cả các dịch vụ và đâu đó anh em Grab cũng bị thiệt thòi một chút, nhưng nói đến thuế 10% là người tiêu dùng chịu”, vị này nhấn mạnh.
Đại diện Grab Việt Nam khẳng định đang làm đủ mọi cách để giải quyết và duy trì hoạt động của nền tảng, cũng như tăng khuyến mãi để anh em Grab có thêm nhiều cuốc xe.
Video đang HOT
“Grab và các đối tác tài xế “ngồi chung một con thuyền”. Khi tài xế có cuốc xe thì Grab mới có doanh thu. Grab không có ngày hôm nay nếu không có sự đồng hành không biết mệt mỏi từ phía đối tác tài xế”, bà Vân nói.
Trả lời câu hỏi của tài xế: “Trong thời gian này, khi thuế VAT đã bị thu trên tài xế, vậy sau đó có văn bản hướng dẫn khác, đối tác có được hoàn lại không?”, đại diện Grab khẳng định, Grab sẽ hoàn trả VAT cho tài xế nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chính thức, điều chỉnh hợp lý hơn.
Đối với câu hỏi: “Tại sao đối tác tài xế chỉ thu hộ thuế mà thu nhập lại giảm?”, dù không đưa ra được câu trả lời cụ thể nhưng Grab cho biết, ngay từ khi Nghị định 126 được soạn thảo, hãng đã có văn bản góp ý cho dự thảo đến Tổng cục Thuế và Văn phòng Chính phủ nhưng không nhận được phản hồi.
Theo đó, Grab và các tài xế xe công nghệ sẽ phải chịu thêm những gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ trước quy định thu thuế mới.
Sau hơn 2 tiếng đối thoại, nhiều tài xế cảm thấy thất vọng vì không đạt được mục đích đưa khấu trừ về mức cũ, nội dung phản hồi cũng không mới.
Tại buổi trao đổi, Grab cũng khẳng định hãng tiếp tục tuân thủ Nghị định 126 vì đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Theo đó, vẫn giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ 27,273% (áp dụng từ ngày 5/12) đối với tài xế GrabBike trên mỗi cuốc xe.
Hàng trăm tài xế "vây" trụ sở Grab ở Hà Nội
Hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ đã tập trung nhau "vây" trụ sở của Grab tại phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối việc doanh nghiệp này tăng giá cước, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe.
Từ sáng ngày 7/12, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ đã kéo nhau đến vây kín trước trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhằm phản đối việc doanh nghiệp này tăng giá cước, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe từ ngày 5/12.
Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân.
Hầu hết, các tài xế tập trung nhau ở đây là các tài xế GrabBike. Họ cho biết, hiện Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe của tài xế . Tiếp đó là trừ tiếp 10% số tiền mà họ được hưởng.
"Ví dụ, một người chạy cuốc được 100 nghìn đồng, sẽ bị trừ mất 20 nghìn đồng tiền phí cho Công ty. Đối với số còn lại là 80 nghìn đồng, bị trừ tiếp 10% VAT (là 8.000 đồng) nữa. Thực tế còn lại chúng tôi được hưởng chỉ là 70 nghìn đồng. Việc tăng giá cước như vậy rất bất công", một tài xế chia sẻ.
Các tài xế đồng loạt tắt app, yêu cầu được làm việc với đại diện Grab.
Ghi nhận của PV cho thấy, càng về trưa lượng tài xế kéo về trụ sở Grab ở phố Duy Tân càng đông, tất cả đều tắt app và mong được làm việc với đại diện Công ty. Lực lượng Công an sở tại phải huy động lực lượng đến hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.
Tài xế cho rằng, việc Grab tăng giá cước như hiện nay là điều bất công đối với các tài xế?
Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab đã tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.
Cụ thể, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ Grab Car 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27 nghìn đồng, cao hơn 2 nghìn so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng,... tăng 3 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1 nghìn đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1 nghìn đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Hiện nay, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.5 nghìn đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2km đầu tiên) tăng từ 3.4 nghìn đồng lên 4 nghìn đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Tăng thuế taxi công nghệ: Ai là người phải gánh? Theo quy định mới có hiệu lực từ 5/12, xe công nghệ sẽ bị áp mức thuế 10% thay vì mức 3% như hiện tại. Ai sẽ là người chịu khoản phí tăng thêm này? Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 19/10/2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12/2020....