Gotez, Monotape và Darrys trở thành 3 nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành nhạc qua hãng Spinnin’ Records Asia
Những năm gần đây, các nghệ sĩ của Vpop ngày càng khẳng định được tiềm năng phát triển ra thị trường thế giới, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ.
Với mini album “ Vietnamese Nu Breed”, Gotez, Monotape và Darrys đã trở thành 3 nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành sản phẩm qua hãng Spinnin’ Records Asia.
Mới đây, Spinnin’ Records Asia tiếp tục gây dấu ấn tại khu vực châu Á qua việc phát hành “Vietnamese Nu Breed” – mini album chính thức đầu tiên của hãng. Qua đó, những viên ngọc đầy tiềm năng của cộng đồng nhạc Dance là Gotez, Monotape và Darrys đã thể hiện tài năng của mình qua các tác phẩm. Mỗi bản nhạc đều mang nét đặc trưng về phong cách sản xuất nhạc của từng nghệ sĩ, từ khác biệt trong giai điệu cho đến những âm thanh điện tử được sử dụng. Bên cạnh đó, họ đều là những nghệ sĩ đang tạo được dấu ấn rất đáng ghi nhận trong thị trường nhạc Dance tại Việt Nam. Chính tài năng âm nhạc của họ đã tạo ấn tượng mạnh đối với Spinnin’ Records.
Nghệ sĩ mở đầu mini album “Vietnamese Nu Breed” là Gotez – nhà sản xuất 16 tuổi vừa mới bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình. Cậu luôn mong muốn kết nối với mọi người bằng âm nhạc vì tin rằng đó là thứ ngôn ngữ mà ai ai cũng có thể hiểu được. Tuy còn trẻ nhưng âm nhạc của Gotez lại rất trưởng thành và tràn đầy năng lượng, điều này được thể hiện rõ qua ca khúc “Talking Heads” trong mini album. Ca khúc mở đầu với giọng hát cuốn hút cùng giai điệu ấm áp, sau đó lại khiến người nghe ấn tượng với những “cú” drop đậm chất future house. Đặc biệt, khán giả chắc chắn không thể bỏ qua phần giữa đầy mê hoặc với đoạn phát triển tinh tế, dần tiến về cao trào của ca khúc.
Tuy còn trẻ nhưng âm nhạc của Gotez lại rất trưởng thành và tràn đầy năng lượng.
Với tác phẩm “Vietnam Radio”, nghệ sĩ 21 tuổi Monotape đã đem đến cho người nghe một bản phối tech house rất mới lạ. Bên cạnh giai điệu cuốn hút, phần sample được lấy từ lời mở đầu quen thuộc của Đài tiếng nói Việt Nam ngay lập tức tạo được dấu ấn in đậm trong tâm trí khán giả. Là một trong số ít các nghệ sĩ phối lại bản hit “Gene” của Binz và Touliver, kỹ năng sản xuất của Monotape dần được chú ý từ đó. Anh tiếp tục khẳng định tài năng của mình khi hợp tác trong các ca khúc cho SlimV, Soobin Hoàng Sơn… Bị ảnh hưởng bởi nét thanh lịch và sự thu hút vượt thời gian của dòng nhạc house cũng như các yếu tố âm nhạc hiện đại khác, Monotape đã tạo được phong cách đặc trưng cho mình và sẵn sàng tiếp nối cho làn sóng nhạc điện tử của Việt Nam.
Monotape là một chàng trai trẻ đến từ Hà Nội – nơi anh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả yêu nhạc.
Mini album kết thúc với Darrys – DJ/producer đầy triển vọng và đã hoạt động trên thị trường nhạc Dance Việt Nam từ lâu. Anh tham gia với một sản phẩm âm nhạc đầy chất riêng mang tên “Signal X”. Năng lượng ca khúc được đẩy lên dần qua từng nhịp nhạc điện tử, trước khi chuyển sang những hiệu ứng âm thanh sắc sảo, đưa khán giả vào không gian giai điệu đậm chất bass house. Darrys được công chúng biết đến chủ yếu qua những bản phối lại cho các nghệ sĩ nổi tiếng như Tiên Tiên, Rhymastic, Soobin Hoàng Sơn… Ngoài ra, anh cũng đã âm thầm làm việc với tư cách là nhà sản xuất và nhà soạn nhạc cho một số nghệ sĩ đình đám của Việt Nam. Cuối cùng, đây là lúc để kinh nghiệm cùng những kĩ năng hoàn hảo giúp anh dẫn đầu và tỏa sáng.
Darrys từng biểu diễn tại Ravolution Music Festival – một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất Việt Nam.
Video đang HOT
Mini album “Vietnamese Nu Breed” đã mang đến cho khán giả một lát cắt đặc trưng về thị trường nhạc Dance hiện tại ở Việt Nam, từ những giai điệu đầy năng lượng, những giọng hát ngọt ngào đến những âm thanh điện tử rất đặc trưng. Có rất nhiều những làn gió âm nhạc mới và vô cùng tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Spinnin’ Records Asia đã phần nào đem những tài năng này đến gần hơn với các khán giả yêu nhạc trên toàn thế giới, đồng thời góp phần mở rộng con đường tiến ra thị trường quốc tế của các nghệ sĩ Việt Nam trong tương lai.
Thảo
Có khả thi hay không nếu như nghệ sĩ tổ chức concert theo hình thức trực tuyến?
Trước tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, nghệ sĩ cũng như các công ty giải trí hoàn toàn rơi vào thế bị động vì "tiến không được, mà lùi cũng không xong".
Việc giữ kết nối với fan cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cũng từ những gian nan đó, nhiều phương hướng đã được đưa ra dựa theo hoàn cảnh của cả nghệ sĩ và công chúng, trong đó có việc tổ chức concert online. Vậy việc này có khả thi hay không?
Hàng loạt concert và sự kiện âm nhạc bị hoãn hoặc hủy bỏ
Hiện tại, dịch bệnh COVID -19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chính phủ nhiều nước đã phải ban lệnh cấm tụ tập đông người và yêu cầu người dân giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo đó, tất cả các hoạt động văn hoá xã hội như sự kiện âm nhạc và các buổi concert buộc phải bị huỷ bỏ hoặc dời lại. Vì vậy, dù lịch trình đã được đề ra rất lâu trước đó và có không ít người hâm mộ cũng đã đặt vé trước nhưng buộc lòng các nghệ sĩ vẫn phải tạm hoãn những tour diễn của mình lại.
Cũng như bất kì sự kiện nào, khi các buổi concert đột ngột phải hoãn lại, người nghệ sĩ lẫn đội ngũ của mình phải chịu tổn thất ở nhiều mặt. Bên cạnh việc bồi thường cho các khoản như huỷ thuê địa điểm tổ chức hay tạm ngừng hợp tác với các nhà tài trợ, phía nghệ sĩ cũng phải sắp xếp để hoàn lại vé cho người hâm mộ trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, concert không diễn ra cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên hậu cần cũng mất đi việc làm của mình. Các công ty chuyên phụ trách cho thuê địa điểm, thiết bị âm thanh, máy móc sân khấu,... cũng mất đi một khoản thu nhập.
Các concert bị hoãn lại hoặc huỷ bỏ khiến nhiều nhân viên hậu đài mất đi công việc của mình.
Hơn hết, người nghệ sĩ chính là người chịu thiệt hại nhiều nhất khi vừa không có lợi nhuận từ concert, vừa không thể gặp gỡ và giao lưu cùng người hâm mộ của mình. Thông thường, việc tổ chức concert có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy doanh số album, các mặt hàng ăn theo cũng theo đó được tiêu thụ nhiều hơn. Các concert bị huỷ đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để thu được lợi nhuận ở những mảng này, đồng thời khiến các nghệ sĩ dè đặt hơn trong chuyện phát hành album mới vào thời điểm này.
Để phần nào duy trì sự kết nối giữa mình và người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ đã thực hiện những buổi phát sóng trực tiếp để biểu diễn cho fan xem. Sự phát triển của các nền tảng livestream đã có dịp phát huy công dụng của mình và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, các tổ chức từ thiện cũng ra sức kêu gọi và tập hợp các nghệ sĩ tham gia những buổi phát sóng gây quỹ của mình như chuỗi concert "#TogetherAtHome" của tổ chức Công dân Toàn cầu, "Living Room Concert" của đài iHeartRadio hay sắp tới là "One World: Together At Home" của WHO.
Concert trực tuyến được tổ chức bởi đài iHeartRadio và kênh truyền hình FOX của Mỹ.
Tuy nhiên, đàn hát trực tuyến cho fan chỉ là giải pháp tạm thời cho các nghệ sĩ. Tuy qua hình thức này, họ có thể kết nối với khán giả, giao lưu hoặc kêu gọi quyên góp, nhưng về cơ bản người nghệ sĩ vẫn phải đối mặt với việc mất những nguồn thu chính. Một số ca sĩ đã bắt đầu đính kèm những đường dẫn liên kết đến các trang thanh toán để nhận quyên góp từ người hâm mộ sau những buổi livestream. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì việc này có còn tác dụng hay không? Câu hỏi được đặt ra ở đây là "Nếu các nghệ sĩ tổ chức hẳn một concert online có thu phí người xem thì liệu sẽ hiệu quả hay không?".
Lợi nhuận từ concert online, liệu có dễ dàng?
Trong số các nghệ sĩ chọn nền tảng livestream để biểu diễn trực tiếp, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Yungblud đã tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất. Buổi biểu diễn trực tuyến của anh thu hút được hơn 360 lượt xem, cao gấp 200 lần lượng vé trung bình mà anh từng bán được cho một đêm diễn tại tour diễn châu Á của mình. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu dựa trên số lượng vé bán ra trung bình thì nam ca sĩ đã có thể mang về cho mình doanh thu lên đến 32 triệu đô USD chỉ bằng một buổi biễu diễn online. Thử áp công thức này lên BTS, nếu nhóm tổ chức concert online thì lợi nhuận thu về có khả năng lên đến hơn 1 tỉ USD. Những số liệu này đã mở ra một hướng đi mới cho các nghệ sĩ: tổ chức concert online có thu phí. Tuy nhiên, số tiền ước tính trên vẫn là lý thuyết và việc kiếm lợi nhuận từ concert online liệu có thật sự dễ dàng như vậy không?
Ngoài số liệu do các chuyên gia tính toán, không ai thật sự biết Yungblud đã thu về được cho mình lợi nhuận chính xác là bao nhiêu. Nhưng đây vẫn có thể chỉ là một trường hợp may mắn, khi ngay cả anh chàng cũng không đoán trước được rằng lại có nhiều người vào xem concert của mình đến thế. Liệu rằng khi các nghệ sĩ khác cũng làm điều tương tự, họ sẽ thành công như nam ca sĩ này? Điều đó, concert online, vẫn là một ván bài đầy rẫy những rủi ro và trở ngại tiềm ẩn cho những ai đang có ý định thực hiện thay thế concert thường.
Yungblud nảy ra ý tưởng tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất thay cho tour diễn bị huỷ bỏ.
Trước hết, nhìn lại một tháng vừa qua, nền công nghiệp âm nhạc đều bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ doanh số album tụt giảm khá nhiều, lượt nghe nhạc trực tuyến trên toàn cầu cũng ghi nhận những tỉ lệ giảm đáng lo ngại. Đại dịch toàn cầu đang kéo nền kinh tế và nhiều ngành công nghiệp khác đi xuống, đời sống hằng ngày của người dân khắp nơi bị đảo lộn và ngày một khó khăn hơn. Theo đó, lượng người có nhu cầu tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí cũng không nhiều vì còn nhiều mối lo khác, đặc biệt là việc chi một số tiền ra vào thời điểm này để xem concert online.
Ở một concert thông thường, việc có những khán giả bí mật ghi hình lại hoặc phát sóng trực tiếp cho bạn bè xem miễn phí vốn đã ảnh hưởng không ít đến lượng người mua vé. Hầu hết các concert của nghệ sĩ đều đã phải đưa ra lệnh cấm đem các thiết bị có chức năng ghi hình vào concert, đồng thời rất nghiêm ngặt trong việc ngăn chặn kịp thời những hành động phát tán nội dung concert ra bên ngoài. Nếu không có kế hoạch bảo mật, sẽ rất khó khăn cho nghệ sĩ và êkíp trong việc kiểm soát không cho bên thứ ba phát lại concert của mình. Không những thế, chắc chắn sẽ xảy ra việc một người mua vé xem concert và chia sẻ tài khoản của mình cho nhiều người khác xem mà không cần mua thêm vé.
Việc nội dung concert bị phát tán ra ngoài do khán giả ghi hình lại sẽ ảnh hưởng đến lượng vé bán ra.
Bên cạnh đó, chênh lệch múi giờ của cũng là một bài toán khó giải quyết khi một nghệ sĩ quyết định tổ chức concert online. Các tour diễn concert được tạo ra và đi qua rất nhiều thành phố trên toàn thế giới nhằm mục đích tạo điều kiện cho khán giả ở khắp đều có thể tham gia. Và nếu không có nhiều buổi diễn được phát sóng ở các khung giờ khác nhau, nhiều khán giả có thể sẽ không tìm được khung giờ thích hợp cho múi giờ của mình để xem concert online.
Quan trọng không kém, ngoài việc được xem trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, một trong những lý do khiến người hâm mộ luôn mong muốn ít nhất một lần tham gia concert chính là bầu không khí sôi động của khán đài. Concert trở thành nơi hàng nghìn người cùng chung sở thích hoà vào nhau, cùng tận hưởng những đêm nhạc hoành tráng được đầu tư kĩ lưỡng về mặt âm thanh, ánh sáng và những màn tương tác đặc biệt do nghệ sĩ chuẩn bị. Đó là điều không thể cảm nhận được khi khán giả chỉ có thể ngồi ở nhà theo dõi concert qua màn hình.
Các công ty tại Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ điều khiển đồng loạt lightstick của fan trên toàn khán đài để tăng thêm hiệu ứng ánh sáng bắt mắt của các concert.
Vậy concert online còn có cơ hội nào hay không?
Bên cạnh những rủi ro, không thể phủ nhận concert online là hình thức đáng để mong chờ với những lợi ích như đem lại lợi nhuận cho nghệ sĩ trong mùa dịch, cung cấp việc làm cho đội ngũ thực hiện, cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc mới lạ... Trước khi có thể thật sự tổ chức một concert online, các nghệ sĩ cũng đang có khá nhiều cách để tạm thời kết nối với người hâm mộ của mình. Chẳng hạn như mới đây, nhóm BTS đã quyết định sẽ chiếu lại toàn bộ tất cả các concert trước đây trên kênh chính thức cho fan xem miễn phí. Hay như nữ ca sĩ Meghan Trainor, cô vừa thông báo với người hâm mộ về một tour diễn quanh... nhà, tận dụng mọi ngóc ngách trong nhà từ phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ cho đến sân sau để biểu diễn gây quỹ.
Scott Cohen - Giám đốc Đổi mới của Tập đoàn Warner Music từng chia sẻ những suy nghĩ của mình về hình thức này trong một bài viết của trang Forbes. Ông tiết lộ rằng từ trước khi đại dịch xảy ra, nhiều dự án lớn đã được xem xét về việc tố chức các sự kiện "ảo" nhằm lường trước các ảnh hưởng của môi trường đến các chuyến lưu diễn. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng và tốc độ phát triển chóng mặt của COVID-19 đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu cũng như phát triển hình thức biểu diễn mới mẻ này. Bên cạnh đó, Scott cũng dự đoán rằng concert online có thể không chỉ dừng lại ở dạng phương án tạm thời mà thậm chí là có thể sẽ trở thành một hình thức chính thống trong ngành công nghiệp âm nhạc sau này.
Khi công nghệ thực tế ảo phát triển mạnh, việc tổ chức và tham gia các concert ảo sẽ không còn là chuyện viễn tưởng.
Scott Cohen tiếp tục: "Các bạn có thể tưởng tượng các nghệ sĩ sẽ lên lịch các tour diễn của mình bằng cách định vị địa lý các chương trình ảo theo từng thành phố và mỗi chương trình sẽ là độc nhất đối với khán giả đó". Nếu dự án thành công, đồng thời có được công nghệ tốt để bảo mật, những rủi ro về mặt rò rỉ nội dung concert sẽ được giải quyết, việc tổ chức concert online cũng sẽ trở nên khả thi hơn. Vị giám đốc này cũng dự đoán rằng một số trải nghiệm âm nhạc trực tiếp sẽ phát triển thành một môi trường thực tế ảo. Công chúng hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai khi công nghệ thực tế ảo (VR và AR) phát triển đủ để trình chiếu một concert, đồng thời cho phép khán giả tương tác với nghệ sĩ, với các khán giả khác và thay thế được cho một concert thông thường.
Tất nhiên, cho đến khi những công nghệ hiện đại đó hoàn thiện hay các rủi ro được giải quyết, các nghệ sĩ vẫn đang hết mình trong việc kết nối với khán giả nhằm giữ "độ nóng" của mình. Vì thế trong tình hình hiện tại, các nghệ sĩ, công ty âm nhạc và cả các đơn vị tổ chức sự kiện đều phải trong tình thế "liệu cơm gắp mắm". Biết đâu được, tình hình tương lai sẽ có những diễn biến theo hướng tích cực hơn, đi kèm theo đó nghệ sĩ sẽ là những sáng tạo mới, những phương pháp hay hình thức biểu diễn mới để có thể kết nối gần hơn với người hâm mộ của mình.
Thảo
BTS xác nhận hai kỉ lục mới chỉ trong một ngày, trở thành nghệ sĩ bán album chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Hàn Quốc Theo như công bố mới nhất từ bảng xếp hạng Gaon, BTS tiếp tục tạo nên những thành tích đáng nể trong sự nghiệp âm nhạc của nhóm. Chỉ trong một ngày, hai kỉ lục về lượng bán đĩa lại tiếp tục trao về tay BTS. Vào ngày 9/4, trang thống kê âm nhạc uy tín Gaon đã cho công bố những dữ...