Góp sức chăm lo cho người yếu thế
Trong lúc khó khăn, người yếu thế, người lao động nghèo luôn nhận được sự quan tâm động viên của nhân dân và chính quyền Thủ đô.
Bên cạnh những dãy phố khang trang, đèn sáng lung linh thì đâu đó ở Hà Nội còn có những xóm trọ nghèo.Nơi ấy có những con người ở nhiều miền quê khác nhau tìm đến Thủ đô để mưu sinh. Nhưng do dịch bệnh, công việc ít, người lao động nghèo, người yếu thế lại không thể về quê do thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/UBND. Trong lúc khó khăn, người yếu thế, người lao động nghèo luôn nhận được sự quan tâm động viên của nhân dân và chính quyền Thủ đô.
Nối dài những vòng tay ấm
Đoàn viên thanh niên quận Ba Đình tặng quà cho người nghèo, người neo đơn, người yếu thế trên địa bàn. Ảnh TTXVN phát
Nằm khuất hẳn phía sau những ngôi nhà cao tầng ở đường An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) là dãy nhà trọ thấp, nhỏ được làm cách đây khoảng chục năm. Mỗi căn phòng trọ rộng chừng hơn chục mét vuông – nơi ở của những lao động quê tại nhiều tỉnh thành của cả nước. Bên trong không có gì đáng giá, ngoài những thùng xốp treo cao dường như rất lâu chưa lấy xuống để làm đồ đựng hàng, chạy chợ; chiếc nồi cơm điện nhỏ, đôi quang gánh và cái quạt điện.
Tán cây khế nhiều năm tuổi trồng phía trước che khuất hết ánh sáng, làm khu trọ vốn đã ẩm thấp lại càng thêm u tối. Có khách, chị Trần Thị Thoa (quê Nam Định) mới với tay bật đèn phòng trọ.
Chị Thoa giãi bày, ngày thường không có dịch chị đi lấy hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) rồi đi bán lẻ ở các phố. Ngoài ra chị còn đi làm giúp việc theo giờ, thu nhập mỗi tháng trừ chi tiêu, ăn uống, điện nước, nhà trọ chị cũng để ra được khoảng từ 2 – 3 triệu đồng.
Thế nhưng khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, nhất là từ ngày 24/7, thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/UBND với yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, chị cũng như nhiều người lao động ngoại tỉnh bất đắc dĩ bị “mắc kẹt” ở nhà trọ. Không có việc, mấy chị em cùng xóm trọ với chị Thoa chỉ biết đi ra đi vào, quét sân quét ngõ xóm trọ cho đỡ buồn chân tay nhưng lòng thì rầu rĩ. Không có thu nhập, chị Thoa mang những đồng tiền tiết kiệm ra chi tiêu, vì thế bữa ăn hàng ngày cũng tằn tiện hơn, chỉ vỏn vẹn cơm với rau luộc.
Chị Thoa tâm sự: “Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đặt ra nhưng thú thật, không có việc làm cũng rất cơ cực. Cũng may, trong những ngày giãn cách xã hội luôn nhận được lời động viên, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, sự quan tâm tặng quà của chính quyền địa phương nên cũng vơi đi bớt cực khổ, có thêm động lực vượt qua đại dịch”.
Không chỉ tại quận Ba Đình mà trên địa bàn Hà Nội, có khá nhiều người lao ngoại tỉnh đang không thể về quê. Dịch COVID-19 đã “cướp đi” việc làm và thu nhập, đẩy họ đến chỗ khó khăn.
Trao đổi với bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội), quận đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ, chia sẻ với những người lao động, người yếu thế gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Video đang HOT
Theo bà Diễm, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” cùng đạo lý “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rác”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, UBND quận đã chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc để chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Riêng đối với phong trào, việc làm ủng hộ người nghèo, người yếu thể do dịch COVID-19, UBND quận chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền các phường cần có những việc làm thực chất, chân tình không vì “đánh bóng” hình ảnh, giảm đi giá trị nhân văn. Nhờ đó, việc “đi chợ giúp dân” cho những hộ bị cách ly, già yếu, neo đơn được thực hiện; trao tặng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với “Bữa cơm ấm lòng” được triển khai. Đặc biệt, thời gian qua, tại địa điểm 57 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (Ba Đình), trong 1 tiếng buổi sáng mỗi ngày, khoảng 300 suất ăn được phát tới tay người nghèo, người gặp khó khăn, người không có thu nhập.
“Trong thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, các phường trên địa bàn đã tặng hàng trăm suất quà, trị giá từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/suất. Ngoài ra, các phường còn tặng nhu yếu phẩm gồm gạo, mì tôm, trứng, bánh kẹo, rau… cho các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc làm này góp phần giúp các hộ nghèo, người mất việc làm có thể duy trì sức khỏe để vượt qua thời điểm dịch bệnh”, bà Phạm Thị Diễm thông tin thêm.
Tiếp thêm động lực để vượt qua đại dịch
Điểm phát hàng miễn phí nhu yếu phẩm cho người lao động nghèo, người yếu thế… Ảnh TTXVN phát
Ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (Ba Đình) cho hay, địa phương đã phối hợp với nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng hàng vài chục suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh đang trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hiện, nhiều “mạnh thường quân” tiếp tục mong muốn được phối hợp với phường để được quan tâm, chăm lo cho người nghèo, người thuê trọ trên địa bàn. Phía UBND phường cũng đang sắp xếp thời gian và địa điểm hợp lý để tặng quà cho người nghèo, người yếu thế đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá, những ngày qua, nhiều người dân, doanh nghiệp mặc dù đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch nhưng vẫn tìm đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để quyên góp, ủng hộ. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện bằng những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp đã tiếp thêm động lực cho những người ngày đêm căng mình nơi “tuyến đầu” vượt qua khó khăn và cả những người yếu thế có cơ hội ổn định cuộc sống. “Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, mong muốn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bằng tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình tiếp tục chung sức, đồng lòng và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng” để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ.
Theo tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đến ngày 29/7, toàn thành phố đã hỗ trợ tổng số hơn 54 tỷ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Ngoài các chính sách chung, xuất phát từ đặc thù của địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt kinh phí hỗ trợ hộ nghèo không có người tham gia thị trường lao động, không là lao động tự do, mà gia đình gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự kiến, thành phố có khoảng hơn 3.000 hộ được hỗ trợ với mức hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng/hộ. Theo hướng này, một số hộ cận nghèo trên địa bàn cũng sẽ phần nào vơi bớt được khó khăn trong đại dịch.
Giảm áp lực nợ xấu ngân hàng thời COVID-19
Các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là từ nửa đầu năm 2021 đến nay đang tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng.
Giải pháp nào để giảm áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh?
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.
Nhìn lại quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thời gian qua, ông đánh giá như thế nào?
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng kể từ khi đưa vào triển khai đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Nghị quyết 42 tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Mặt khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ các bộ ngành đến chính quyền địa phương các cấp, tòa án... cùng tạo điều kiện hỗ trợ cho việc hoàn tất thủ tục thi hành án, xử lý tài sản đảm bảo. Hơn nữa, người dân nhận thức được trách nhiệm trả nợ cao hơn nhiều so với trước.
Tổng số nợ xấu xử lý từ khi thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) đến nay khoảng 550 nghìn tỷ đồng; trong đó 350 nghìn tỷ đồng xử lý theo Nghị quyết 42, chiếm 66%. Trong 350 nghìn tỷ đồng đó có 150 nghìn tỷ đồng là khách hàng tự trả nợ. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã tăng gấp đôi so với trước khi có Nghị quyết 42.
Nợ xấu cũ còn chưa xử lý hết, nợ xấu mới lại có nguy cơ tăng cao do dịch COVID-19, vậy chúng ta phải đối mặt với vấn đề này thế nào, thưa ông?
Nợ xấu thường đi chậm hơn một bước và độ trễ rất dài. Hiện các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu, xử lý để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn và kết quả triển khai đang rất khả quan, thể hiện sự cố gắng tích cực của các tổ chức tín dụng và ý thức của người dân, khách hàng.
Đồng thời, trình độ nghiệp vụ trong phân tích, thẩm định, đánh giá các khoản vay mới của nhân viên ngân hàng cũng được nâng cao nên hạn chế phát sinh nợ xấu. Tốc độ thu hồi nợ xấu cũ và nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang trên đà tích cực.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cả nền kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng các ngân hàng đã nhìn nhận đánh giá và xây dựng kịch bản riêng của mình.
Song song với thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, ngân hàng cũng chủ động nâng cao năng lực tài chính và vốn tự có để đảm bảo khả năng của mình trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thông tư 03 yêu cầu trích lập dự phòng trong thời gian 3 năm với tỷ lệ trích lập tối thiểu là 30%, nhưng nếu tình hình tài chính của tổ chức tín dụng tốt nên trích dự phòng các khoản nợ đó ngay từ bây giờ để có dự phòng trong tương lai.
Ngành ngân hàng đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào trong việc thu hồi nợ, đặc biệt giữa bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, thưa ông?
Việc thu hồi nợ trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn với các tổ chức tín dụng. Khi khách hàng không phải là đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không có khả năng trả nợ hoặc không trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn trong thời gian dài, ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ, thậm chí cả biện pháp rắn là khởi kiện ra tòa, thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo.
Thêm nữa, việc tiếp cận để đôn đốc thu nợ khách hàng cũng rất khó do phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19 nên chỉ dựa chủ yếu vào ý thức khách hàng trong việc trả nợ.
Bài toán đặt ra cho các ngân hàng là làm sao để tạo hiệu ứng với người dân và khách hàng trong giai đoạn này rằng nếu có điều kiện trả nợ, có nguồn thu nhập thì tập trung vốn để trả những khoản nợ cũ và đề xuất các phương án mới để tiếp tục ổn định kinh doanh và phục hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng nhiều ngân hàng lãi lớn trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất khó khăn là điều bất hợp lý. Quan điểm của ông ra sao?
Cần phải nhìn nhận lợi nhuận ngân hàng một cách toàn diện và khách quan. Đó là kết quả của cả một quá trình dài tái cơ cấu trong 5 năm vừa qua. Các ngân hàng đã dành mọi nguồn lực, đảm bảo nâng vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn CAR. Có ngân hàng không chia cổ tức nhiều năm để dành vốn dự phòng rủi ro.
Mặt khác, các ngân hàng đang thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước nên chưa phải trích dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế có chiều hướng tăng.
Một yếu tố nữa là việc ứng dụng ngân hàng số tạo điều kiện cho người dân, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho ngân hàng. Bởi khi người dân không sử dụng tiền mặt thì số tiền trong tài khoản sẽ tăng lên, chính là khoản tiền gửi không kỳ hạn, tạo điều kiện chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được nới rộng.
Ông dự báo thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng? Giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Đây là bước đi rất phù hợp trong giai đoạn này. Bởi dịch bệnh dù đang rất phức tạp nhưng tôi kỳ vọng với những giải pháp mạnh tay của Chính phủ thì sẽ sớm kiểm soát được.
Khi đó doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi. Các doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh sẽ trở lại với cường độ làm việc cao hơn, nhu cầu vốn lớn hơn, thì ngân hàng cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đó.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho trong nước và xuất khẩu, khi trở lại hoạt động cũng rất cần vốn. Các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội cho phục hồi sản xuất.
Nhìn nhận được điều này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng, tạo tiền đề để từ nay đến cuối năm các tổ chức tín dụng có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Số ca F0 ở Hà Nội và TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội? Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7 trong 15 ngày, còn tại TP.HCM từ ngày 9/7 cho đến nay. Vậy trong thời gian giãn cách xã hội, số ca mắc COVID-19 hai thành phố thay đổi thế nào? Hà Nội Hôm nay tròn một tuần Hà Nội thực hiện giãn cách...