Góp đất với doanh nghiệp, nông dân xứ Thanh đưa cà rốt xuất ngoại
Liên kết sản xuất được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân ổn định đầu ra cho nông sản, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Xác định được điều này, những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) luôn quan tâm, khuyến khích nông dân và các HTX bắt tay làm ăn với doanh nghiệp trong việc trồng cà rốt xuất khẩu.
Nông dân thành công nhân trên đồng ruộng
Ông Lê Trọng Hòa – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoằng Hóa cho biết: Huyện là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên thời gian qua sản xuất trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, người dân chưa chú trọng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
Trước thực trạng trên, phòng đã định hướng phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 – 30% so với sản xuất thông thường và góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam mong muốn mở rông diện tích cà rốt để giúp bà con nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: H.D
“Thay vì sản xuất nhỏ lẻ không hiệu quả, khi góp đất cho doanh nghiệp thuê, ngoài nguồn thu từ quỹ đất cho thuê, người nông dân có thể tăng thu nhập bằng công việc chuyên nghiệp hơn trên mảnh đất của mình. Đây chính là hiệu quả của mô hình liên kết với doanh nghiệp để trồng cà rốt xuất khẩu tại huyện Hoằng Hóa” – ông Hòa chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Vụ đông xuân 2018 – 2019, Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam đã thuê 52ha đất canh tác của trên 1.000 hộ dân tại 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu và Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, để trồng cà rốt xuất khẩu. Đây vốn là những diện tích sản xuất cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí một số diện tích còn bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Huyện Hoằng Hóa đã phối hợp chính quyền, tổ chức đoàn thể các xã tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, cho doanh nghiệp thuê lại trong 10 năm, với giá 1,7 triệu/sào/năm. Từ năm thứ 6 trở đi, giá thuê đất sẽ tăng thêm 25%. Hiện lứa cà rốt đầu tiên đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 3 tấn củ/sào.
Vụ thu hoạch đầu tiên, cà rốt cho năng suất khoảng 3 tấn củ/sào. Ảnh: H.D
Cà rốt sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam sơ chế đóng gói tại nhà máy đặt trên địa bàn xã Hoàng Lưu để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Mô hình sản xuất cà rốt theo chuỗi đã tạo việc làm cho 165 lao động tại vùng nguyên liệu và nhà máy với thu nhập bình quân từ 4,5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi góp 2 sào đất cùng với nhiều hộ dân trong xã cho doanh nghiệp thuê để trồng cà rốt, ông Nguyễn Huy Cương (ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa) đã trở thành một trong những công nhân phụ trách hệ thống nước tưới tự động cho vùng trồng cà rốt của doanh nghiệp, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Điều ông thấy phấn khởi là trên thửa đất trước kia mình chỉ trồng được cây kê, cây lạc, nay đã hình thành vùng nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu.
“Cùng thửa đất như thế nhưng có doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì thấy rõ hiệu quả kinh tế. Ngoài tiền cho thuê đất, một số người dân còn được nhận làm công nhân của công ty. Chúng tôi cũng rất mong công ty hoạt động hiệu quả, ổn định và thực hiện đúng cam kết với nông dân” – ông Cương cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Lưu – bảo vệ cánh đồng cà rốt của Công ty Kim Huy phấn khởi khoe: “Chúng tôi cho công ty thuê đất với giá 1,7 triệu đồng/sào trong thời hạn 10 năm. Kế từ năm thứ 6 trở đi, doanh nghiệp trả cho người dân thêm 25% nữa. Sau khi thuê đất, công ty giao cho tôi bảo vệ cánh đồng cà rốt với thu nhập 4 triệu đồng/tháng”.
Mong muốn liên kết bền vững
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu – ông Lê Ngọc Hạnh cho biết: Năng suất của vụ cà rốt đầu tiên đạt khoảng 80 tấn/ha, cao hơn dự tính khoảng 20 tấn/ha. Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam đã đặt vấn đề với địa phương tăng diện tích sản xuất cây cà rốt từ 18ha lên 30ha. Thành công của mô hình đã tạo tiền đề cho xã Hoằng Lưu tiếp tục xây dựng các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, các hình thức liên kết sản xuất hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Lâm – người được giao giám sát quá trình sơ chế cà rốt tại xưởng của Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam cho biết: Mục tiêu của công ty là tích tụ được 110ha cà rốt để sơ chế xuất khẩu nhưng hiện tại công ty mới chỉ tích tụ được 52ha. Công suất sơ chế của xưởng có thể đạt 80 tấn củ/ngày nhưng nguyên liệu hiện mới chỉ được 20 tấn củ/ngày.
Còn theo ông Lê Trọng Hòa – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoằng Hóa, địa phương vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích trồng cà rốt. Huyện sẽ nghiên cứu, đánh giá và nếu thấy đây là mối liên kết bền vững, huyện sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp lớn.
Bà Bùi Thị Khánh – nông dân xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa chia sẻ thêm: Sản xuất cánh đồng mẫu lớn, liên kết với các doanh nghiệp giúp nông dân chúng tôi giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất do tất cả đều được cơ giới hóa. Không chỉ vậy, nông dân cũng được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…
Theo Danviet
Thanh Hóa: Tranh thủ mưa bão, trời mát nông dân đổ xô đi cấy
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, có nơi nhiệt độ đã vượt mức 40 độ C ở Thanh Hóa khiến nông dân khốn khổ. Chính vì vậy, để đảm bảo đúng thời vụ và thuật lợi cho cây lúa phát triển tốt nhất, tranh thủ ảnh hưởng của bão số 2, xuất hiện mưa liên tục không ngớt trên diện rộng nông dân Thanh Hóa vẫn đội mưa ra đồng chăm sóc và cấy lúa.
Theo ghi nhận của phóng viên mặc dù ở Thanh Hóa trời mưa to nhưng nông dân ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vẫn mặc áo mưa tranh thủ ra đồng để làm đất cấy lúa.
Bà con nông dân nhiều xã ở huyện Hoằng Hóa tranh thủ cấy lúa dưới mưa bão để đảm bảo kịp thời vụ.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Lê Thị Hằng ở xã Hoằng Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết: Do những ngày trước năng nóng kéo dài, đất ruộng của gia đình ở trên cao lại khô nên đến thời vụ nhưng không thể cấy lúa được. Do ảnh hưởng của bão số 2 nên mưa kéo dài, thời tiết lại mát mẻ, vì vậy người dân chúng tôi phải tranh thủ ra đồng để cấy lúa lúa mưa bão.
Dù mưa bão nhưng bà con nông dân vẫn ra đồng.
Còn bà Nguyễn Thị Nga (ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nói: Trơi mưa to nhưng bà con ở đây đều mặc áo mưa để ra đồng làm cỏ, cấy lúa. Thà chịu ướt một hôm còn hơn là phải cấy lúa dưới trời nắng nóng như những ngày qua. Cấy lúa thời tiết mưa mát như thế này thì cây lúa phát triển tốt nhất.
Do ảnh hưởng của bão số 2, Thanh Hóa xuất hiện mưa trên diện rộng nhiều giờ liên tục nhưng bà con vẫn tranh thủ ra đồng.
Đang Phụ vợ vận chuyển mạ, ông Hồ Quang Thành (ngụ xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hồ hởi cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 2 biển động nên không ra khơi được, tranh thủ tôi phụ vợ cấy sào lúa. Dù trời mưa nhưng từ sáng sớm bà con ở đây đã gọi nhau ra đồng để chăm sóc lúa cho kịp thời vụ.
Theo Danviet
Quảng Bình: Đất nứt nẻ, hồ cạn trơ đáy, lúa héo úa vì khát nước Những ngày này, nhiều cánh đồng lúa vụ hè thu của người dân tỉnh Quảng Bình đang cạn khô, đất nứt nẻ, nguy cơ mất trắng hàng ngàn ha lúa đang hiện hữu trước mắt. Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, hàng ngàn ha lúa vụ hè thu vừa gieo...