Google dọa đi, Microsoft đã vội đến Australia
Công cụ tìm kiếm của Microsoft đang thua xa Google về lượng người dùng toàn cầu, nhưng công ty này tự tin tuyên bố có thể hạ bệ Google ở ít nhất một khu vực.
Chính phủ Australia đã thiết kế bộ quy tắc có thể buộc Facebook, Google trả phí cho các nhà xuất bản tin tức địa phương vì lưu trữ tin bài trên nền tảng của họ. Cả 2 công ty công nghệ Mỹ dọa sẽ chặn những dịch vụ quan trọng ở Australia nếu luật mới được thông qua.
Theo Android Authority , CEO của Google Australia, Mel Silva, đã trả lời trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng công ty sẽ rút Google Search khỏi Australia nếu bộ quy tắc trở thành luật.
Microsoft Bing sẵn sàng mở rộng tại Australia nếu Google rút khỏi thị trường này.
Ngoài Google, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng liên hệ với chính phủ Australia vào tuần trước để thảo luận về bộ quy tắc và tác động của nó đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook từng cảnh báo có thể chặn người dùng Australia chia sẻ các tin tức địa phương trên nền tảng.
Về phía Microsoft, The Australian đưa tin CEO Satya Nadella đã liên hệ Thủ tướng Scott Morrison, nói rằng công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft có thể mở rộng tại Australia nếu Google rời khỏi thị trường này.
“Có thể nói rằng Microsoft khá tự tin. Tôi nhận thấy điều này khi nói chuyện với Satya vào hôm trước”, Thủ tướng Australia trả lời phóng viên của Gizmodo . Như vậy, thắc mắc được nhiều người quan tâm rằng chính phủ Australia có tự tin vào công cụ tìm kiếm nào để lấp đầy khoảng trống của Google hay không đã được giải đáp.
Video đang HOT
Xét về thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu năm 2020 (theo số liệu từ WebFX ), Google đang dẫn đầu với 91,54%, theo sau là Microsoft Bing với 2,44%, 2 vị trí tiếp theo lần lượt là Yahoo với 1,64% và Baidu 1,08%.
Dù xếp thứ 2 toàn cầu nhưng khoảng cách giữa Bing và Google là quá xa, chưa kể đến thị phần ở Australia của họ chỉ vỏn vẹn 4% (theo Statcounter ). Theo Android Authority , sẽ không công bằng nếu công cụ tìm kiếm này vươn lên vị trí số một chỉ nhờ vào việc đối thủ lớn nhất là Google rời đi.
Hiện tại, câu hỏi được đặt ra là liệu Google có mạo hiểm trao hẳn một thị trường vào tay đối thủ không. Nếu chọn rời đi vào thời điểm này, họ có thể gặp khó khăn để giành lại thị phần khi quay lại Australia trong tương lai.
Bài học cho Google từ vụ kiện của Microsoft
Google được cho là có thể rút kinh nghiệm từ cuộc chiến pháp lý giữa chính phủ Mỹ và Microsoft 20 năm trước để tránh nguy cơ suy yếu vì vụ kiện.
Khi chính phủ Mỹ quyết định chống lại Microsoft - một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, Google mới chỉ là một dự án trong trường đại học. Dù hai thập kỷ đã trôi qua, vụ kiện vẫn còn nguyên tính thời sự.
Năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty phần mềm của Bill Gates lợi dụng sự thống trị về hệ điều hành máy tính để chèn ép những phần mềm mà họ coi là mối đe dọa đối với sự bá chủ của Windows.
Cuộc xung đột kéo dài 4,5 năm, vắt sang cả thế kỷ 21, phơi bày nhiều hành vi phản cạnh tranh của Microsoft. Hãng cuối cùng đã dàn xếp với Bộ Tư pháp để nhận một án phạt không quá nghiêm khắc. Nhưng cũng từ đó, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của gã khổng lồ phần mềm dần suy yếu. Hãng chỉ thực sự phục hồi trong nửa thập kỷ trở lại đây nhờ chuyển đổi chiến lược từ "thiết bị và dịch vụ" sang những mảng kinh doanh hướng đến smartphone, cloud và công nghệ mới dưới thời CEO Satya Nadella.
Theo Telegraph, số phận như vậy có thể đang chờ đợi Google. Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ kiện hãng dịch vụ tìm kiếm đã có hành vi độc quyền bất hợp pháp. Google được cho là đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để thuyết phục hoặc ép buộc các công ty như Apple, Samsung đồng ý chọn Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone.
Cuộc chiến pháp lý với chính phủ Mỹ có thể để lại hậu quả lâu dài cho Google. Ảnh: Forbes.
Ở đây có sự tương đồng đáng chú ý giữa Microsoft và Google. Microsoft bị kiện vì dựa vào các nhà sản xuất máy tính Windows để quảng bá Internet Explorer và loại đối thủ Netscape Navigator - trình duyệt phổ biến lúc bấy giờ.
Google bị cáo buộc có hành vi tương tự nhưng với thủ thuật "hiện đại" hơn. Họ nắm trong tay hệ điều hành phổ biến nhất thế giới và buộc các nhà sản xuất thiết bị di động chạy Android chọn Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định. Họ cũng chi hàng tỷ USD để ký hợp đồng độc quyển với Apple.
Tương tự cách Microsoft nói vụ kiện năm 1998 làm suy yếu sự đổi mới, Google cũng nhận xét quyết định của Bộ Tư pháp là "thiếu sót sâu sắc" bởi người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn những công cụ tìm kiếm khác và Google cũng đang bị cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực.
Từ những sự tương đồng này, Telegraph cho rằng Google có thể rút ra một số bài học để tránh bị vụ kiện làm suy yếu đi như Microsoft trước đây.
Thứ nhất, trong suốt quá trình tố tụng của Microsoft, hàng loạt email nội bộ bị phơi bày, khiến danh tiếng của Bill Gates bị tổn hại, biến ông thành kẻ cuồng tín tàn nhẫn. Google không khuyến khích nhân viên sử dụng các từ như "nghiền nát" và "hại chết" trong email, nên nguy cơ này có thể được kiểm soát.
Bài học thứ hai là hình phạt thực ra không quan trọng bằng sự giám sát. Ban đầu một thẩm phán ra phán quyết chia tách, buộc bộ phận phần mềm của Microsoft tách khỏi bộ phận Windows. Sau khi kháng cáo và đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp, hãng không bị trừng phạt cho những sai phạm trong quá khứ, mà chỉ bị kiểm soát hành vi trong tương lai.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, hậu quả từ vụ kiện cùng sự giám sát pháp lý đã kìm chân Microsoft, làm chệch hướng phát triển và khiến công ty chùn bước, không còn dồn toàn lực cho những công nghệ mới như smartphone, trình duyệt web và dịch vụ online - "lãnh địa" sau này được chinh phục bởi Apple, Google, Facebook...
Cựu CEO Microsoft Steve Ballmer cho biết, ngoài việc bị giám sát, còn có lý do khác cho sự đi xuống của Microsoft. Các kỹ sư hàng đầu của hãng đã dành nhiều năm để phát triển hệ điều hành máy tính Windows Vista. Do vậy, việc tập trung xử lý vấn đề liên quan tới nhu cầu di động - mảng Microsoft có vị trí vững chắc trước khi iPhone xuất hiện - không nhận được mức quan tâm xứng đáng.
Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa Microsoft và Bộ Tư pháp bị công chúng chỉ trích vì hãng vẫn được phép tiếp tục cài sẵn Internet Explorer trong Windows. Người dùng PC quyết định quay lưng với trình duyệt của Microsoft, khiến thị phần trình duyệt của họ dần sụt giảm.
Nhìn từ Microsoft, các vụ kiện độc quyền là dấu hiệu cho thấy một công ty đang mất dần vị thế. Microsoft gặp rắc rối vì sự tụt hậu trên thị trường trình duyệt web - theo cách nói của Bill Gates là bỏ lỡ "làn sóng thủy triều Internet" - khiến họ buộc phải dùng đến các biện pháp phản cạnh tranh để bắt kịp.
Google không hề đi sau về tìm kiếm trực tuyến như Microsoft trong mảng trình duyệt. Trong vụ kiện với Bộ Tư pháp, Google lập luận rằng việc chuyển đổi công cụ tìm kiếm trên smartphone rất dễ dàng, và thị phần Google Search cao là do bản thân người tiêu dùng đánh giá đó là công cụ tìm kiếm tốt nhất, chứ không phải vì các hợp đồng độc quyền cản trở người dùng tiếp cận những dịch vụ khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận thấy trong vài năm qua, kết quả tìm kiếm của Google dần trở nên kém hữu ích, chiếm quá nhiều quảng cáo và những nội dung không cần thiết. Việc Google sẵn sàng chi hàng tỷ USD để trở thành công cụ mặc định trên trình duyệt web cho thấy bản thân họ cũng đang lo ngại sự cạnh tranh.
Vụ kiện của chính phủ Mỹ chống lại Microsoft là dấu hiệu khởi đầu cho sự sa sút của công ty phần mềm. Điều này cũng có thể đúng với Google. Ngoài ra, những "ông lớn" công nghệ khác cũng đang bị đưa vào tầm ngắm về hành vi độc quyền là Facebook, Apple và Amazon.
Google nâng cấp tính năng tìm kiếm Bộ máy tìm kiếm của Google vừa được áp dụng một số thay đổi trong việc hiển thị kết quả tìm kiếm. Google vừa công bố một tinh chỉnh mới về cách thức hoạt động của dịch vụ tìm kiếm đối với người dùng. Công cụ tìm kiếm sẽ cung cấp thêm thông tin về các trang web với nội dung xuất hiện...