‘Google cố tình giết thương hiệu Android’
Fabrizio Capobianco, chủ tịch và nhà sáng lập của Funambol, một công ty chuyên về mã nguồn mở trên di động, đã có một bài chia sẻ khá thú vị với Gizmodo.
Sẽ có những ngày mà bạn nhận ra một xu hướng trở nên cực kỳ rõ ràng. Ngày hôm nay là một ngày như vậy.
Tôi đã thấy thương hiệu Android dần dần biến mất. Đầu tiên là Nexus xuất hiện, sau đó Samsung đưa ra thương hiệu Galaxy, làm cho cái tên Android trở nên mờ nhạt hơn. Giờ đây, cái tên Android đã trở nên vô hình.
Lúc đầu, tôi nghĩ Google đã phải chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ sẽ phải gánh chịu thất bại trước các đối tác của mình, nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng đây không phải là một sự tình cờ. Đây không phải là một xu hướng. Đây là một cố gắng có chủ đích. Của Google.
Tại Hội nghị Thế giới Di động (MWC) năm ngoái, Android có mặt ở khắp mọi nơi. Khu vực Android là khu vực rộng lớn nhất. Android là trọng tâm và các nhà phát triển phần cứng chỉ là phụ.
Năm nay Android vắng mặt tại MWC 2013. Không một khu vực nào dành riêng cho Android, không một gian hàng nào. Hoàn toàn biến mất.
Nếu bạn đọc các tin tức và quảng cáo về HTC One, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cái tên Android. HTC đang cố gắng quảng bá thương hiệu của mình, Android thì chìm sâu vào khung nền phía sau. Hoàn toàn biến mất.
Dĩ nhiên, Android đang chiếm thế thượng phong. Android thống trị đến mức nếu bạn nói rằng bạn đang bán “một chiếc điện thoại Android”, bạn giống như là một công ty chung chung rẻ tiền. Không ai muốn điều đó, họ muốn trở nên sành điệu và khác biệt. Để Android lại cho các công ty Trung Quốc chuyên sao chép!
Tuy vậy, không chỉ có các nhà phát triển phần cứng. Chính Google đang giết chết thương hiệu Android. Họ rời xa cái tên Android khi đổi tên Android Market thành Google Play, và bây giờ họ đang tiếp tục rời xa cái tên đó.
Video đang HOT
Họ muốn Google trở thành thương hiệu, chứ không phải là Android.
Thương vụ đầy rủi ro? Tôi không chắc. Ai quan tâm tới Android? Các nhà phát triển. Chỉ có các nhà phát triển thôi.
Kể cả nếu bạn “dìm” thương hiệu này xuống, các nhà phát triển vẫn sẽ biết tới nó. Điều đó sẽ không tạo sự khác biệt. Bạn sẽ không mất các nhà phát triển nếu bạn đang “dìm” thương hiệu Android xuống.
Tuy vậy, việc sở hữu 2 thương hiệu sẽ gây khó hiểu cho người tiêu dùng. Google đang lên kế hoạch mở các cửa hàng bán lẻ. Họ đã mua một công ty sản xuất phần cứng (Motorola). Họ đang thay đổi, và họ muốn đặt cái tên “Google” lên phía trước, là trung tâm.
Có ai để ý tới từ iOS? Không ai cả (ồ, có bạn, nhưng bạn là người nghiện công nghệ).
Tất cả mọi người đều biết tới cái tên Apple. Họ biết tới cái tên iPhone và iPad. iOS là để dành cho người nghiện công nghệ. Đó là cái tên bị ẩn giấu. Đó giống như là một cái tên dành riêng cho những người phân biệt được động cơ V12 và V6 vậy.
Android đang thống trị đến mức, nó có thể bị giết chết. Bởi vì nó chỉ là những thứ bên trong. Những thứ quan trọng, giờ là ở bên ngoài.
Android đã biến mất. Bị giết chết bởi cha đẻ của mình.
Theo VnReview
Vì đâu Nokia vẫn sản xuất điện thoại giá rẻ?
Tại sự kiện MWC 2013, bên cạnh việc ra mắt hai chiếc Lumia mới là Lumia 720 và Lumia 520 thì hãng điện thoại Phần Lan Nokia cũng đã giới thiệu thêm 2 feature phone mới là Nokia 105 và 301. Hành động của Nokia khiến tôi khá bất ngờ bởi các hãng sản xuất phần cứng từ trước tới nay chỉ tổ chức sự kiện nhằm ra mắt những siêu phẩm smartphone của họ thì Nokia vẫn chọn một hướng đi khác khi tiếp tục trung thành với dòng điện thoại phổ thông. Câu hỏi đặt ra là tại sao Nokia vẫn tiếp tục sản xuất điện thoại giá rẻ?
1. Feature phone vẫn bán được
Từ lâu, hãng điện thoại Phần Lan đã nổi tiếng với những sản phẩm feature giá rẻ như Nokia 1100, 1110i, 1200.... Cho đến hiện tại, xu thế đó vẫn chưa thay đổi vì nhìn chung, khi muốn mua một chiếc điện thoại chỉ để nghe gọi trong khoảng thời gian dài, rất nhiều người sẽ lựa chọn một chiếc feature phone của Nokia. Đây sẽ là lợi thế không nhỏ một khi Nokia tiếp tục sản xuất dòng điện thoại này bởi trong tương lai gần feature phone tuy bị thu hẹp về quy mô nhưng vẫn chưa thể tuyệt diệt.
1110i, chiếc điện thoại "bá đạo" một thời của Nokia.
Vẫn còn đó là nhu cầu khá lớn dành cho dòng điện thoại giá rẻ đến từ những nước đang phát triển nói chung hay đơn cử như những người dùng thích sự đơn giản, tiện dụng trong việc sử dụng điện thoại như một công cụ để nghe và gọi. Được biết, trong quý IV năm ngoái, Nokia đã tiêu thụ được khoảng 79,6 triệu chiếc điện thoại, trong đó có 9,3 triệu chiếc Asha và 4,4 triệu chiếc smartphone Lumia, tăng từ 2,9 triệu máy trong quý III và 2,2 triệu chiếc điện thoại Symbians.
Qua số liệu báo cáo này, chúng ta có thể thấy được rằng feature phone của Nokia không chỉ bán được mà còn bán được rất nhiều. Có lẽ một phần là bởi các đối thủ chính của hãng đã ngừng phát triển feature phone nên giờ đây Nokia đang chiếm đến thị phần rất lớn ở phân khúc feature phone toàn cầu. Dù việc thống trị thị trường đang sụt giảm này không thể là một chiến lược lâu dài tuy vậy nó cũng giúp Nokia có thêm thời gian để xây dựng chiến lược cho thị trường smartphone.
2. Lãi dù không nhiều
Chắc chắn rằng một chiếc feature phone khi được bán ra không thể lãi bằng một chiếc Lumia được "tẩu tán" nhưng ít nhất thì dòng sản phẩm này vẫn sẽ đem tiền về cho Nokia. Những đồng tiền này thực sự quý giá nếu chúng ta đặt trong bối cảnh cựu vương di động này đang ngập trong muôn vàn khó khăn đến nỗi đã phải bán cả trụ sở của mình. Dù ít dù nhiều thì đó vẫn là khoản lãi cần thiết để quay vòng vốn sau đó duy trì các hoạt động cốt lõi, cần thiết trong bộ máy hoạt động nhằm tiếp tục phát triển.
Lumia 520, smartphone chạy Windows Phone 8 với giá chỉ 3,8 triệu đồng.
3. Lấy ngắn nuôi dài
Mặt khác, lợi nhuận của từ dòng điện thoại giá rẻ này cũng sẽ giúp Nokia có thể "lấy ngắn nuôi dài" với dòng smartphone Lumia. Sau những chật vật thì doanh số bán hàng của Lumia đang dần tăng lên dù chưa thể xua tan đi những "bóng mây u ám". Các smartphone của Nokia thực chất không hề tồi khi so sánh với các sản phẩm khác nhưng lại mang trong mình khuyết điểm rất lớn là Windows Phone. Chính vì sự thiếu thốn trong các tính năng cũng như ứng dụng của Windows Phone mà nhiều người dùng đã quay ngắt đi với những chiếc Lumia để đến với các thiết bị Galaxy. Cũng phải thừa nhận rằng chính sách của Nokia khá là bảo thủ khi chỉ chọn một nền tảng Windows Phone làm "hồn" cho các sản phẩm của mình.
Điện thoại Windows Phone 7 không tạo được những cú hích lớn về mặt doanh số cho Nokia.
Chính bởi khó khăn đến từ nền tảng Windows Phone "sơ khai" khi so sánh với Android và iOS mà Nokia vẫn cần ra mắt thêm những smartphone Windows Phone mới hơn ở nhiều phân khúc nhằm hướng đến nhiều đối tượng người dùng. Qua đây, quyết định này cũng sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho các smartphone của hãng.
Tuy nhiên, chi phí để phát triển một sản phẩm điện thoại không phải là nhỏ. Thế nên, cựu vương ngành di động một thời này rất cần đến những khoản lợi nhuận có được từ feature phone để lấy đó nuôi sống Windows Phone cho đến ngày nền tảng này lớn mạnh có thể cạnh tranh được với Android hay iOS.
4. Duy trì và gây sức ảnh hưởng tới thị trường
Với những con số mà báo cáo của Nokia đưa ra, nhu cầu dành cho phân khúc điện thoại giá rẻ vẫn rất lớn. Thế nên không chỉ là vấn đề lợi nhuận, tiếp tục sản xuất điện thoại giá rẻ còn giúp Nokia duy trì và gây sức ảnh hưởng lên thị trường.
Bên cạnh đó, hãng công nghệ Phần Lan còn duy trì được một lượng khách hàng trung thành từ lâu của mình khi họ sử dụng điện thoại giá rẻ do mình tạo ra. Khi đã có niềm tin của Nokia với các sản phẩm giá rẻ nhưng độ bền cao, những người dùng này nhiều khả năng sẽ lựa chọn những smartphone của Nokia khi nâng cấp điện thoại. Đây lại là tiền đề để những smartphone Windows Phone của Nokia có thể bán được và đem lợi nhuận về cho hãng này. Đây có thể coi là một nước đi khá đúng đắn và phù hợp với Nokia ở thời điểm hiện tại.
5. Tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư
Tiếp tục sản xuất và kinh doanh điện thoại giá rẻ, Nokia vẫn có thể khiến các nhà đầu tư của mình an tâm hơn qua những con số báo cáo tài chính về doanh số bán hàng hay lợi nhuận. Khi đã yên tâm hơn về tương lai của công ty, họ sẽ sẵn sàng bỏ thêm tiền giúp Nokia nghiên cứu và phát triển thêm những mẫu smartphone ấn tượng hơn.
Hiện nay, Nokia đã để Samsung vượt mặt trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hãng điện thoại Phần Lan vẫn đứng ở vị trí thứ 2. Trong đó, công lớn thuộc về doanh số từ các dòng điện thoại giá rẻ, còn các smartphone Lumia chạy Windows Phone 8 vẫn mới chỉ dừng ở mức khởi đầu lạc quan.
Thị phần điện thoại trong năm 2012 và 2011.
Kết luận
Cách đây vài tháng, ngay cả những người lạc quan cũng khó có thể hình dung rằng Nokia sẽ có thể hồi sinh. Tuy nhiên, với chiến lược lấy ngắn nuôi dài, duy trì lợi nhận từ dòng điện thoại feature phone để từ từ tăng sức cạnh tranh cho các smartphone Lumia, Nokia có thể sẽ tiến những bước dù chậm nhưng chắc chắn. Bên cạnh đó, hãng điện thoại Phần Lan cũng cho thấy hướng đi đúng đắn khi phân khúc điện thoại giá rẻ vẫn sẽ trở thành một miếng bánh "béo bở" có khả năng sinh lời.
Theo Genk
5 xu hướng ngành di động tại MWC 2013 Trong khi smartphone màn hình lớn được ưu ái tại các nước phát triển thì điện thoại giá rẻ vẫn có vị thế lớn ở những thị trường đang phát triển. Sự kiện MWC 2013 vừa kết thúc không tạo được nhiều sức hút cho người dùng như trước đây bởi số lượng sản phẩm "bom tấn" quá ít. Tuy vậy, PCMag cho...