Google bị phạt thêm gần 390 triệu USD tại Nga
Ngày 18/7, hãng tin Interfax đưa tin tòa án Nga đã phạt Google 21,8 tỷ ruble (387 triệu USD) do tiếp tục không gỡ bỏ các nội dung mà Moskva xem là bất hợp pháp.
Biểu tượng Google trên một màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là lần thứ hai Google bị phạt, với mức phạt dựa trên tỷ lệ doanh thu tại Nga. Hiện Google chưa có bình luận về thông tin trên.
Cuối tháng trước, Cơ quan giám sát thông tin Nga ( Roscomnadzor) cho biết tập đoàn Google đang lần thứ hai đối mặt với mức phạt từ 5-10% doanh thu khi tiếp tục không xóa các nội dung bị cấm, bao gồm thông tin sai lệch trên YouTube liên quan tới các sự kiện tại Ukraine. Trong thông báo, Roscomnadzor nhấn mạnh trang chia sẻ video YouTube đã cố tình tăng cường tuyên truyền thông tin sai lệch về tiến độ của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Cơ quan này nêu rõ việc tái phạm sẽ dẫn tới án phạt tương đương 5-10% doanh thu hằng năm của Google tại Nga. Con số chính xác sẽ được quyết định tại tòa.
Hồi tháng 5, nhà chức trách Nga đã tịch thu hơn 7,7 tỷ ruble (143 triệu USD) doanh thu của Google, số tiền mà hãng được yêu cầu phải thanh toán vào cuối năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Nga trích lại tiền phạt từ doanh thu hằng năm của công ty.
Đồng yen yếu đẩy Tokyo tụt hạng trong danh sách thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu
Tokyo đã từ vị trí thứ ba xuống thành phố đắt đỏ thứ chín đối với những người làm việc ở nước ngoài vào năm 2022, một phần do sự suy yếu của đồng yen so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc Khảo sát về Chi phí sinh hoạt hàng năm do công ty tư vấn Mercer (Mỹ) thực hiện. Mercer thực hiện khảo sát này trong bối cảnh thế giới trải qua năm thứ ba của đại dịch COVID-19, chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động tỷ giá hối đoái và lạm phát tăng cao gây ra sức ép đối với hoạt động chi trả và khoản tiết kiệm của người dân trên toàn thế giới.
Theo kết quả khảo sát năm nay, Hong Kong (Trung Quốc) trở lại đứng đầu danh sách các thành phố đắt nhất thế giới, sau khi nhường vị trí cho thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào năm 2021. Trước đây, Hong Kong được mệnh danh là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong ba năm liên tiếp tính đến năm 2020.
Các thành phố châu Á chiếm 4 trong số 10 thành phố hàng đầu, với Singapore, Tokyo và Bắc Kinh chiếm vị trí từ 8 đến 10.
Trong một bảng xếp hạng riêng biệt Top 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á, các thành phố của Trung Quốc chiếm tới sáu vị trí. Mercer cho rằng việc đồng nhân dân tệ mạnh lên khiến chi phí sinh hoạt ở nước này đắt đỏ hơn.
Ngược lại, việc các thành phố của Nhật Bản và Hàn Quốc có mức chi phí "dễ thở hơn" chủ yếu vì đồng nội tệ của họ yếu đi.
Đối với phần còn lại của Top 10 quốc tế, các thành phố Zurich, Geneva, Basel và Bern của Thụy Sỹ lần lượt chiếm vị trí từ thứ hai đến thứ năm. Đây cũng là những đại diện duy nhất của châu Âu trong nhóm đầu. Tel Aviv của Israel và New York của Mỹ lần lượt đứng ở vị trí thứ sáu và thứ bảy.
Cuộc khảo sát hàng năm của Mercer xếp hạng 227 thành phố bằng cách đánh giá chi phí có thể so sánh của 200 hạng mục, bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm và giải trí. Thành phố New York được sử dụng làm cơ sở so sánh và biến động tiền tệ được đo lường theo đồng USD.
Dự báo chiến tranh Ukraine tiếp tục tác động mạnh tới EU, đẩy cao lạm phát Dự báo kinh tế ngày 14/7 của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ tiếp tục tàn phá quá trình phục hồi kinh tế của khối này trong tương lai gần, làm giảm tăng trưởng hàng năm và khiến lạm phát cao kỷ lục. Ảnh minh họa: AP Theo hãng tin AP, dựa trên các số...