Gốm Trung Quốc rẻ ‘o ép’ gốm Bát Tràng
Trên con đường đê dẫn vào làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi bắt gặp chiếc xe tải mang biển số Hưng Yên đang chở rất nhiều thùng hàng carton, trên đó in toàn chữ Trung Quốc.
Lần theo chiếc xe này vào trong một cửa hàng bán đồ gốm tại làng gốm Bát Tràng, tấm biển quảng cáo của cửa hàng ghi “chuyên cung cấp bình thủy tinh, lọ hoa, bát đĩa, ấm chén các loại”. Quan sát thấy các thùng hàng in chữ Trung Quốc cũng xếp đầy. Bên trong toàn là đồ gốm, sứ.
Xe tải chở đầy thùng gốm Trung Quốc vào làng gốm Bát Tràng
Khi phóng viên muốn hỏi về xuất xứ của các lô hàng này, các nhân viên bán hàng chỉ xua tay, lắc đầu.
Chợ gốm Bát Tràng một ngày đầu tháng 8, các cửa hàng vẫn kinh doanh như bao năm nay. Những đoàn khách du lịch đến ngó nghiêng, có người mua được vài thứ gì đó, có người chỉ tham quan mà không mua gì. Không thấy ai nhắc đến cụm từ “cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung”. Nhưng nó đang âm ỉ tác động đến ngôi làng gốm cổ hàng nghìn năm tuổi này.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nghe to tát, xa xôi, nhưng thực tế nó đang làm đồng nhân dân tệ bị tụt giá, hàng Trung Quốc vào Việt Nam giá rẻ hơn khiến làng nghề khó khăn hơn. Thực tế thời gian qua việc nhập khẩu hàng gốm Trung Quốc về cũng nhiều hơn do giá giảm”, ông Trần Hải Hậu, tiểu thương chợ gốm Bát Tràng cho hay.
Hiện nay, nhiều mặt hàng của Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam khoảng 20 – 40%. Trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá hơn 5% so với đồng USD thì đồng Việt Nam chỉ mất trên 1%, nghĩa là hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam 4% nhờ chênh lệch tỉ giá.
Dễ thấy, một đơn hàng nhập từ Trung Quốc trước đây có giá 100 triệu đồng sẽ giảm xuống còn 96 triệu đồng. Đó là lý do khiến hàng Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục tăng lên, tăng sức ép cạnh tranh với hàng hoá của doanh nghiệp trong nước. Nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc có thể trầm trọng hơn do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, gốm Bát Tràng cũng như nhiều mặt hàng thủ công khác của Việt Nam, phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn và mẫu mã đa dạng.
Video đang HOT
Theo các tiểu thương tại làng Bát Tràng, giá gốm Trung Quốc đang rẻ hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam khoảng 30%. Nếu đồng nhân dân tệ mất giá thêm 5% có nghĩa hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn hàng Việt 35%, khả năng cạnh tranh sẽ khó hơn.
Những thùng gốm, sứ Trung Quốc xếp đầy trong kho một cửa hàng tại Bát Tràng.
Trước sức ép cạnh tranh, bà Phùng Thị Thuần, một tiểu thương tại chợ gốm Bát Tràng đã phải nhập thêm cả gốm sứ Trung Quốc để bày bán thêm. Bà cho biết, chất lượng gốm Bát Tràng cao cấp hơn do được nung ở nhiệt độ cao hơn. Nhưng do nhu cầu của khách, thích hàng đẹp mà giá rẻ, nên bà nhập cả hàng Trung Quốc về để khách so sánh, lựa chọn.
Mặt khác, hàng Bát Tràng cũng phải giảm giá theo để cạnh tranh, nên lợi nhuận còn rất thấp. Khó khăn với người thợ Bát Tràng càng thêm lớn. Dù rất tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống, nhưng đành lực bất tòng tâm.
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước những vấn đề đáng báo động về sức cạnh tranh cũng như nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
“Tôi đã phát hiện một số cửa hàng gốm ở Bát Tràng nói với khách là gốm Bát Tràng, nhưng đó chỉ là gốm sứ Giang Tây. Đề nghị các cửa hàng phải ghi rõ là gốm sứ nhập từ Giang Tây, Trung Quốc”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bức xúc.
Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay rõ nét nhất vẫn là trên thị trường tiền tệ – tỷ giá. Với những thị trường gần kề Trung Quốc như Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc có xu hướng xuất vào nhiều hơn từ máy móc đến hóa chất, nhựa, cao su và cả gốm sứ. Hàng Việt sẽ đắt hơn và nỗi lo cạnh tranh không nổi là rõ ràng.
Tuy vậy, giá không phải là vấn đề duy nhất trong câu chuyện cạnh tranh. Ông Dần nhắc lại câu chuyện gốm sứ Bát Tràng xuất sang Nhật bị trả lại cả container vì trong sản phẩm lẫn cả tóc của thợ gốm. Do vậy, để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm.
Theo H.Dương/Báo Tin tức
Tổ chức khai quật khảo cổ học tàu cổ đắm tại biển Dung Quất
Chiều 9.7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khởi công khai quật khảo cổ học con tàu cổ bị đắm tại vùng biển Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.
Tham dự khai quật có các nhà nghiên cứu, chuyên môn hàng đầu về khảo cổ học của Việt Nam. Đây là con tàu cổ bị đắm thứ 7 ở nước ta được các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật.
Một góc khu vực biển, nơi phát hiện tàu cổ bị đắm tại Dung Quất.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời các phóng viên tại hiện trường tàu cổ bị đắm.
Tổng diện tích khai quật là 800m2, thời gian khai quật kéo dài từ ngày 29.6-15.9. Sau khi kết thúc khai quật, các đơn vị liên quan có 15 ngày để thu dọn hoàn trả mặt bằng.
Toàn bộ cổ vật thu được trong quá trình khai quật được đưa về tạm nhập vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi để giữ gìn và bảo quản.
Các nhà nghiên cứu chuyên môn và lực lượng chức năng đang theo dõi việc khảo sát, khai quật.
Như đã phản ánh vào tháng 7.2017, trong lúc thi công nạo vét cảng biển tại KKT Dung Quất (huyện Bình Sơn), một số công nhân Công ty TNHH Hào Hưng phát hiện tàu cổ đắm trên nằm cách bờ khoảng 7m, ở độ sâu khoảng 9m.
Qua kiểm tra, các cán bộ chuyên môn đã phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XVI. Theo đó Bộ VH-TT&DL đã giao trách nhiệm cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức khai quật với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Một số hình ảnh PV Dân Việt ghi nhận tại hiện trường:
Lực lượng người nhái đang lặn để khảo sát, đo vẽ con tàu đắm trước khi tiến hành trục vớt.
Tàu của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đang túc trực bảo vệ hiện trường khu vực tàu cổ bị đắm tại vùng biển Dung Quất.
Theo Danviet
"Hoàng tử gốm" đánh thức đất ngủ ngàn năm Như nụ hôn ngọt ngào của chàng hoàng tử đánh thức công chúa khỏi giấc ngủ trăm năm, bằng tình yêu và lòng đam mê, Phạm Văn Vang đã góp phần làm hồi sinh nghề gốm cổ Bồ Bát, vốn đã thất truyền cả nghìn năm trước. Một thời vang bóng Từng là một làng gốm nổi tiếng, trên bến dưới thuyền, giờ...