Goldman Sachs điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ ngày 6/9 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nền kinh tế số 1 thế giới trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng sẽ chi tiêu ít đi do biến thể Delta đang khiến đại dịch COVID-19 tái bùng phát.
Container hàng hóa được xếp tại cảng Los Angeles, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Bloomberg News, trong một báo cáo gửi các khách hàng, nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman Sachs cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021 hiện được dự báo là 5,7%, thấp hơn mức dự báo 6% hồi cuối tháng 8.
Theo Walker, hạn chế trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng dường như đang lớn hơn, do biến chủng Delta đã ảnh hưởng đến tăng trưởng quý III, trong khi các gói kích thích tài chính giảm dần hiệu quả cũng như sự hồi phục chậm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ là những khó khăn trong trung hạn, cho thấy “chặng đường gian nan” phía trước với người tiêu dùng Mỹ hơn các dự báo trước đây.
Goldman Sachs cũng nâng dự báo tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên 4,2% vào cuối năm nay, từ mức 4,1% ước tính trước đó. Những điều chỉnh dự báo của Goldman Sachs được đưa ra sau khi Bộ Lao động Mỹ hồi tuần trước cho biết số lượng việc làm mới thấp hơn dự kiến trong tháng 8 cùng với tỉ lệ thất nghiệp 5,2% cho thấy sự chậm lại đáng kể trong tăng trưởng việc làm do đợt bùng phát COVID-19 liên quan đến biến thể Delta hiện nay.
Theo tờ USA Today, số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ đã tăng 316% kể từ ngày Lễ Lao động năm ngoái (thứ 2 đầu tiên của tháng 9) cũng như số ca nhập viện cũng tăng 158% so với cùng kỳ. Số ca nhập viện cao cũng đã khiến nhiều bang thiếu hụt các giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU) sẵn có cho bệnh nhân.
WB nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc lên 8,5%
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 8,1% lên 8,5%, song lưu ý rằng đà phục hồi hoàn toàn cho nền kinh tế này đòi hỏi có tiến triển lớn trong hoạt động tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo bổ sung thêm các dấu hiệu tích cực cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Theo WB, hoạt động tại các nhà máy và sức chi tiêu của người dân nước này đã trở lại mức cao hơn trước khi đại dịch bùng phát, mặc dù chính quyền đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát đi lại ở một số khu vực để chống lại sự bùng phát của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
WB cho biết Trung Quốc đang trên đà đạt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào đầu mùa hè. Song sự phục hồi kinh tế hoàn toàn sẽ đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc đạt những tiến bộ liên tục để đảm bảo triển khai tiêm chủng trên diện rộng.
Sang năm 2022, WB cho biết mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống còn 5,4% khi sự phục hồi từ giai đoạn sụt giảm tăng trưởng lịch sử trên toàn cầu vào năm 2020 dần giảm tốc và các hoạt động kinh tế đều trở lại bình thường.
Mức dự báo nêu trên tăng so với bản báo cáo đưa ra hồi tháng 4/2021. Khi đó, WB nhận định Trung Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế Đông Á duy nhất đạt được sự phục hồi "hình chữ V" với sản lượng phục hồi và vượt trên mức trước đại dịch.
Kinh tế Trung Quốc trong quý I/2021 đã tăng 18,3%, mức cao kỷ lục so với cùng kỳ năm 2020, khi đà phục hồi sau tác động của dịch COVID-19 ngày càng tăng tốc. Mức tăng nói trên vẫn thấp hơn dự đoán 19% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, nhưng là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ ít nhất là năm 1992 khi số liệu tăng trưởng theo quý chính thức bắt đầu được thu thập. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận mức tăng 6,5% trong quý IV/2020.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ dao động gần mức cao nhất của 14 tháng Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2021 dao động gần mức cao nhất của 14 tháng trong bối cảnh tâm lý lạc quan về thị trường việc làm đã giúp giảm bớt những lo ngại về lạm phát ngày càng tăng và việc chính phủ giảm dần các biện pháp hỗ trợ tài chính. Tiêu dùng là động lực chủ...