Gỏi mãng cầu xiêm
Mãng cầu xiêm – thứ cây trái có quanh năm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên… và còn gọi là mãng cầu gai, na xiêm, na gai; tên khoa học: Annona muricata. Gỏi mãng cầu xiêm là món ăn lạ miệng, ngon bất ngờ, cho thấy sự phong phú của ẩm thực đất phương Nam với nhiều điều mới lạ mà chúng ta chưa khám phá hết.
Món gỏi mãng cầu xiêm cần phi tôm khô với tỏi cho thơm để trộn vào. Ảnh: Q.T
Mãng cầu xiêm có màu xanh lục, khi chín rục sẽ chuyển sang màu vàng. Vỏ trái rất mỏng, phần thịt màu trắng chứa nhiều hạt màu đen. Trái mãng cầu xiêm nặng trung bình từ 1 – 2kg có khi đến 2,5kg. Trái thường được hái lúc còn xanh cứng, để bốn, năm ngày sau mới ăn, lúc này mãng cầu xiêm ngon nhất vì trái đã chín mềm. Mãng cầu xiêm thường được làm nước giải khát như sinh tố, kem, mứt, kẹo… Không dừng đó, với sự sáng tạo trong chế biến thức ăn của người dân miệt đồng bằng thì trái mãng cầu đã được làm thành món gỏi. Nhất là mùa giáp tết mãng cầu xiêm rộ trái, chắc thịt làm gỏi thì khỏi chê.
Dùng làm gỏi phải chọn trái chín già nhưng còn cứng, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn dày chừng 3 li đem ngâm nước đá cho giòn. Tôm thịt luộc chín, hành tây cắt mỏng, rau thơm trộn chung với mãng cầu. Tuy đã có tôm tươi nhưng món gỏi mãng cầu không thể thiếu tôm khô phi với tỏi cho vàng rồi trộn vào. Để gỏi mãng cầu thêm đậm đà, người ta còn ép lấy nước mãng cầu pha thành nước trộn gỏi. Từ đó sẽ có một sự tổng hoà các vị và hương thơm của mặn, ngọt, chua, cay có trong cả nước mắm, tỏi, ớt, đường,… làm cho món gỏi mãng cầu càng dậy mùi đặc trưng. Thêm dĩa bánh phồng tôm ăn kèm gỏi thì đến những món gỏi trong nhà hàng cũng phải… ghen tương.
Theo SGTT
Đơn sơ bún bì Nam Bộ
Đất Nam bộ là nơi sản sinh ra những món ăn lạ, dân dã, dễ làm. Bún bì là một trong những số đó, khá ngon và để lại trong lòng người ăn những dư âm khó tả.
Thường thì các món ăn khô kèm nước mắm người ta hay cho thêm bì như cơm tấm, bánh tằm, bánh mì để tăng thêm cái hương vị thơm tho, ngọt ngào và cũng vì cái lẽ đó mà món bún bì ra đời. Ở Sài Gòn chắc ít ai biết món ăn ấy nhưng khi về miền Tây mà nhất là Bến Tre bạn sẽ thấy bún bì được bán vào buổi sáng như một món điểm tâm gọn nhẹ, và không chỉ ăn sáng người ta còn làm để ăn trưa, ăn chiều như một món chính.
Để có một tô bún bì ngon trước tiên phải làm nên món bì ngon đã. Thịt để làm bì phải là loại thịt nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và tùy theo cách làm của từng người mà thái sợi thật nhuyễn hay dùng kéo xấp thành từng sợi nho nhỏ. Cả da heo và thịt ram thái sợi sẽ hòa quyện vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Món chủ lực thứ hai là nước mắm, món này phải pha cho thật khéo, không quá nhạt mà cũng không quá mặn, vị ngọt phải đằm cho thật êm đầu lưỡi.
Ăn bún với nước mắm thì khi đi chợ bạn cũng nên chọn loại bún sợi nhỏ món bún mới ngon. Đầu tiên là cho vào tô một nhúm giá sống, gắp lên ấy một gắp bún, rải đều bì lên, cho thêm một ít rau thơm xắt nhuyễn, dưa leo bằm, và tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ nhưng với người sành ăn họ hay chan cho tô bún nổi nước thì mới chịu. Ăn hết tô bún thì húp luôn nước mắm, tận hưởng hết hương vị ngọt ngào thơm tho của món bún bì.
Ở quê thường thì bên hiên nhà nào cũng có một khoảnh rau nho nhỏ, vừa trồng chơi, vừa ăn những khi cần thiết. Rau vườn trồng rất thơm, loại nào mang hương vị đó không nhàn nhạt như vị rau thành phố và dù chỉ chấm nước mắm thôi cũng đủ ngon rồi, nên khi được kết hợp cùng món bún bì thì lại càng thêm sắc, thêm hương khiến người ăn nhớ mãi.
Theo PNO
[Chế biến]-Bữa cơm thêm ngon với lá hẹ Lá hẹ thanh mát và có tác dụng giải nhiệt sẽ giúp bữa cơm gia đình thật ngon và đẹp mắt. Trứng chiên hẹ Thay vì chiên trứng với hành tây như thông thường, bạn hãy thử thay thế nguyên liệu lá hẹ cho món ăn ngon hơn và hấp dẫn nhé. Nguyên liệu: 4 quả trứng vịt 50g hẹ lá, 1 củ...