Gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến cầu và khối lượng tín dụng tăng
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến cầu tín dụng và khối lượng tín dụng tăng nên Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, nghiên cứu để có lượng tín dụng bổ sung một cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu khôi phục nền kinh tế để gói 2% có đủ dư địa về tín dụng.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quán xuyến nguyên tắc điều hành tín dụng trên các cơ sở về kiểm soát lạm phát.
Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, không chỉ về tổng cầu tín dụng nói chung, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang đề xuất tăng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng để triển khai gói hỗ trợ. Việc này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến và sẽ có xem xét, tính toán trong điều hành để đưa ra mức room phù hợp, đáp ứng các mục tiêu trong quan hệ tổng thể của kinh tế vĩ mô.
Ngay từ đầu năm đến nay, sau khi đã phối hợp xây dựng cơ chế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nguồn vốn ngân hàng là kênh quan trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp để tập trung vào hỗ trợ các nhiệm vụ phục hồi kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng nhưng phải hướng tín dụng vào tất cả lĩnh vực trọng yếu, cần thiết có sự tập trung nhiều hơn để khôi phục nhanh. Vì thế, tín dụng đến gần cuối tháng 5 đã tăng 7,75% so với đầu năm 2022. So với thời điểm này của năm 2021 thì hầu hết tăng gấp đôi.
Tín dụng được tăng dàn trải trên tất cả lĩnh vực cần thiết, lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao thông, vận tải, khách hàng, nhà hàng… có mức tăng trưởng lên tới 8,24%, gần gấp đôi năm 2021. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy các ngành, lĩnh vực này đã khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh tín dụng bằng các giải pháp như giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ, hạ lãi suất… nên đã góp phần đạt mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế vĩ mô.
Video đang HOT
Phó Thống đốc khẳng định, nhiệm vụ của ngành ngân hàng phải quản lý việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2% được đúng đối tượng, đúng quy định, minh bạch, rõ ràng, không để trục lợi chính sách.
Theo đó, Thông tư 03/2022/TT-NHNN về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ ràng về các cấp trách nhiệm, kể cả địa phương trong việc xử lý vi phạm chính sách, có thể tiến hành thu hồi khoản vay nếu xác định doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích. Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ cử các đoàn thanh tra, giám sát cũng như phối hợp với các cơ quan kiểm toán, kiểm toán nhà nước… để quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng đạt được theo mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được hạ chuẩn tín dụng, phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng. Đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính lo về vấn đề ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về đối tượng thụ hưởng, thực hiện hỗ trợ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, bước đầu triển khai có thể gây lúng túng, hay thiếu thống nhất nên các bộ, ngành cần phải tích cực phối hợp giải quyết sớm để tránh gây ách tắc.
Ngân hàng cạnh tranh lãi suất hút dòng tiền trở lại
Lãi suất huy động của các ngân hàng đang ngày một cạnh tranh khi liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua.
Tính riêng trong tháng 5/2022, đã có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần. Động thái này của các ngân hàng phần nào đã hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, trong tuần cuối tháng 5, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), từng là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, đã điều chỉnh tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi tại quầy của Techcombank tăng 0,3%/năm lên mức 6,3%/năm với khách hàng ưu tiên khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi online, lãi suất cao nhất cùng kỳ hạn cũng lên tới 6,5%/năm.
Với khách hàng thường, Techcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 5,85 - 5,95%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,45%/năm so với trước nếu gửi tại quầy. Còn gửi tiền online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 6,3%/năm.
Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, với tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của VPBank tăng từ 6,1%/năm lên mức 6,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng, tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm...
Đáng lưu ý, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 2 của ngân hàng này kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tại lần tăng trước đó, có kỳ hạn được điều chỉnh tăng tới 0,8%/năm.
Cũng là một trong những ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã điều chỉnh lãi suất một số kỳ hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng tới 0,4%/năm so với mức cũ. Sau điều chỉnh, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của Kienlongbank có thể nhận mức lãi suất tối đa lần lượt lên đến 6,75%/năm và 6,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.
Ngoại trừ nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua với mức tăng dao động từ 0,1 - 0,4%/năm. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng từ 0,5 - 1%/năm.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Đây là lý do lãi suất huy động đã liên tục nhích tăng trong nhiều tháng qua.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay trong ngắn hạn cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong dài hạn, lãi suất cho vay có thể sẽ biến động phù hợp với cung cầu của nền kinh tế.
Còn theo Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong hơn 2 năm qua, lãi suất huy động đã liên tục giảm sâu để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh. Do đó, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động là không còn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng rất mạnh. Nếu các ngân hàng không tăng lãi suất huy động thì thanh khoản sẽ rất căng và không thể đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh.
"Việc tăng lãi suất huy động là điều tất yếu để hút dòng tiền từ các kênh đầu tư trở lại ngân hàng và dự báo thời gian tới lãi suất này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Nhưng tôi kỳ vọng mức tăng sẽ không quá lớn, dao động từ 0,5 - 1%/năm", ông Thịnh nhận định.
Thực tế, tiền gửi vào ngân hàng đã ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Dự báo về xu hướng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết lãi suất huy động sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... vẫn khá hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022.
Mới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được đặc biệt quan tâm. Khách hàng vay vốn sẽ được giảm lãi suất trực tiếp từ kỳ trả lãi ngày 20/5/2022 đến cuối năm 2023 hoặc đến khi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hết hạn mức.
Nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh tăng mạnh nhưng nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm nay. Việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng hơn trong thời gian tới, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế theo đó sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tăng dư nợ tín dụng cần phải đảm bảo chỉ tiêu lạm phát, ổn định vĩ mô.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, tính toán làm sao cho lượng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế một cách phù hợp nhất, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế, vừa để gói hỗ trợ 2% lãi suất có đủ dư địa để triển khai nhanh và hiệu quả nhất", Phó Thống đốc khẳng định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/5, tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng 7,75% so với cuối năm 2021 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định. Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN Phó Thống...