Gói hàng Nguyễn Xuân Đường gửi lên Hà Nội và những lô đất vàng tự nhận sở hữu
“Gói hàng bí ẩn”, nguồn cơn khiến vợ chồng Đường – Dương bị khởi tố, bắt giam có mối liên quan với những lô đất vàng ở trung tâm TP Thái Bình.
Trước khi bị bắt, trên trang cá nhân, vợ chồng Nguyễn Thị Dương – Nguyễn Xuân Đường đăng thông tin rao bán hàng trăm bất động sản tiền tỷ, trong đó có những lô “đất vàng” thuộc khu Trung tâm dịch vụ y tế TP Thái Bình.
Tuy nhiên, Đường – Dương không phải là chủ sở hữu của những lô đất trên. Công ty TNHH Nam Thái, đơn vị vừa mới trúng đấu giá dự án, mới là chủ sở hữu thực sự.
128 lô “đất vàng” nằm trong khu Dịch vụ y tế TP Thái Bình (phường Trần Lãm) vừa được tỉnh mang ra đấu giá
Theo đó, ngày 1/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, công nhận chủ đầu tư thực hiện “Dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm (TP Thái Bình)”.
Công ty Nam Thái trúng đấu giá khu đất 9.428,5m2, gồm 128 lô liền kề, trong đó có nhiều lô đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh các công trình shophouse.
Giá khởi điểm trong thông báo đấu giá là 192 tỷ 780 triệu 854 ngàn 800 đồng. Công ty Nam Thái trúng đấu giá 192 tỷ 790 triệu đồng, cao hơn mức giá khởi điểm là hơn… 9,1 triệu đồng (có lẻ).
Công ty Nam Thái bỏ giá cao hơn khởi điểm là hơn 9,1 triệu đồng cho 128 lô đất vàng
Dự án nằm trong khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình – nơi quy hoạch các BV Mắt, Tâm thần, Đa khoa tỉnh, BV Nhi, Phụ sản An Đức, viện Lão khoa… và hình thành “chợ thuốc” đầu mối lớn nhất tỉnh.
Một lô đất 65m2 tại khu vực này được rao bán với giá 2,6 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều lần giá khởi điểm và giá trúng đấu giá.
Còn những lô đất có vị trí đẹp thì giá cao hơn nhiều. Một chủ DN thẳng thắn: “Giá một căn shophouse ở vị trí đắc địa tiếp giáp mặt đường Lê Quý Đôn phải lên tới 6 – 7 tỷ đồng, tương đương trên dưới 50 triệu/m2″.
Giới đầu tư bất động sản tại Thái Bình nhận định, 128 lô đất này là “miếng bánh” mà họ rất thèm khát. Tuy nhiên, dù tham gia đấu họ cũng không có cơ hội trúng vì “không thể cạnh tranh”.
Số phận dự án
Trước khi có tên gọi “Dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm” để đưa ra đấu giá, dự án này có tên gọi khác, được điều chỉnh quy hoạch với nhiều quyết định thay đổi chủ trương đầu tư.
Chủ đầu tư ban đầu của khu đất trên là công ty CP Thương mại dịch vụ Y tế Thái Bình (trụ sở tại TP).
Số phận “long đong” của một dự án
Ngày 2/1/2015, đơn vị này được UBND tỉnh cho thuê 17.502,1m2 đất vị trí tại phường Trần Lãm, thời hạn thuê 50 năm để xây dựng “Trung tâm dịch vụ tổng hợp và Trung tâm dược mỹ phẩm, thiết bị y tế”.
Sở TN&MT (khi đó ông Trần Ngọc Tuấn làm Giám đốc) đại diện UBND tỉnh đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất. Hơn một năm sau, vào ngày 3/8/2016, Thái Bình có văn bản điều chỉnh dự án, cho phép chủ đầu tư triển khai xây dựng “Tổ hợp dịch vụ Thương mại và công trình nhà phố Shophouse phục vụ lĩnh vực y tế”. Bí thư tỉnh Thái Bình giai đoạn này là ông Phạm Văn Sinh.
Tháng 9/2016, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chi tiết 1/500 khu Trung tâm y tế tỉnh. Hai tháng sau, chủ trương đầu tư xây dựng “Tổ hợp dịch vụ Thương mại và công trình nhà phố Shophouse phục vụ lĩnh vực y tế” được chấp thuận.
Ngày 16/11/2016, Thái Bình ra quyết định công nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Thông báo đấu giá dự án gồm 128 lô đất vàng tại trung tâm TP Thái Bình
Ngày 29/6/2017, Thái Bình ra quyết định điều chỉnh diện tích đất thuê, cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, không qua đấu giá.
Công ty CP Thương mại dịch vụ Y tế Thái Bình đã nộp hơn 76,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tương đương gần 8,1 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, ngày 21/12/2017, UBND tỉnh bất ngờ ban hành quyết định thu hồi dự án, hoàn trả số tiền hơn 76,1 tỷ đồng chủ đầu tư đã đóng.
Dù bị thu hồi song thực tế, dự án đã được triển khai. Nhiều dãy shophouse được xây dựng gần hoàn thiện, được chia thành các ô, phân lô, xây dựng hạ tầng. Nhiều khu gần hoàn thiện chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Những lỗ hổng trong đấu giá đất tại Thái Bình đang được điều tra, phát hiện
Cho tới tháng 2/2020, Thái Bình mới đưa dự án (lúc này có tên gọi “Dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm – Khu Trung tâm y tế Thái Bình) ra đấu giá. Công ty Nam Thái trúng đấu giá, được thừa hưởng toàn bộ hiện trạng của dự án (gồm hạ tầng và các công trình đang xây dựng).
Trong số 192,79 tỷ đồng tiền bán dự án, Thái Bình phải trích ra hơn 44 tỷ đồng để trả cho nhà đầu tư ban đầu là Công ty CPTM DV Y tế Thái Bình.
Một sự trùng hợp, 2 dự án được Thái Bình phê duyệt trúng đấu giá trong cùng ngày 1/4 (Dự án nhà ở thương mại xã Đông Mỹ và dự án Nhà ở thương mại – khu Trung tâm dịch vụ y tế Trần Lãm) đều do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) mà Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm vừa bị bắt tạm giam chủ trì đấu giá.
Hồ sơ bất động sản bên trong gói hàng vợ chồng Đường gửi xe lên Hà Nội
Theo nguồn tin của VietNamNet: Hồ sơ bất động sản tại vị trí đất vàng ở trung tâm TP Thái Bình có liên quan đến “gói hàng” mà vợ chồng Đường thuê nhà xe mang lên Hà Nội để gửi cho người nhận.
Vì không giao đúng hẹn, vợ chồng Đường đã hành hung nhân viên nhà xe vào ngày 30/3 tại nhà riêng nên đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, bị bắt tạm giam.
Nhận định về thông tin này, một lãnh đạo tỉnh cho biết, “phải chờ cơ quan điều tra công bố kết luận”.
Vợ chồng Đường Dương dùng mánh khóe nào để đấu giá đất?
Để trúng thầu nhiều lô đất trong một phiên đấu giá cũng như nắm giữ những khu đất "vàng" ở Thái Bình, vợ chồng Đường Dương giở nhiều chiêu trò, mánh khóe.
Tóm gọn loạt lô đất "vàng"
Trước khi vướng vòng lao lý, bị vạch trần hàng loạt tội ác gây bức xúc dư luận, Nguyễn Xuân Đường (SN 1971) và Nguyễn Thị Dương (SN 1980) cùng trú tại phường Kỳ Bá (TP Thái Bình) được biết đến là cặp vợ chồng sở hữu nhiều lô đất "vàng" ở trung tâm TP Thái Bình, cũng như vị trí trung tâm ở các huyện trên địa phận tỉnh Thái Bình.
Lời chào bán 128 lô đất của vợ chồng Đường Dương.
Có thể kể ra như khu đất Nhà máy Bia (đường Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình); khu dân cư liền kề Shophouse (sau Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa, TP Thái Bình); dự án khu dân cư tại xã Bình Nguyên, xã Vũ Ninh của huyện Kiến Xương (Thái Bình)...
Tại mỗi dự án, vợ chồng Đường Dương đều sở hữu ít nhất từ 5 đến hàng trăm suất đất. Thời điểm tháng 10/2019, khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Bình Nguyên (Kiến Xương), theo danh sách, Nguyễn Thị Dương trúng 5 lô (03, 11, 19, 21, 28) với diện tích 100m2/suất, giá trúng hơn 5,3 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Mạnh Hằng - Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên - cho biết, bà Dương đóng tiền và làm các thủ tục liên quan nhưng sau đó bán trao tay tất cả các lô đất trên, hưởng lãi vài chục triệu đồng/suất.
Tại xã Vũ Ninh (Kiến Xương), vợ chồng Đường Dương cũng trúng hơn 30 lô đất trong khi dự án có 46 lô đất với diện tích gần 100m2/lô nhưng có tới 700 hồ sơ đăng ký.
Với dự án khu dân cư liền kề Shophouse sau Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Công ty BĐS Đường Dương rao bán 128 lô đất.
Như vậy, trước khi bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích, tổng số tài sản liên quan đến các dự án đất tại Thái Bình của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường là một con số rất lớn.
Những "mánh khóe" trong đấu giá đất
Tuy nhiên, theo nhiều người trong giới đầu tư bất động sản ở Thái Bình, để sở hữu được những khu đất "vàng" cũng như chiếm thế thượng phong trong mỗi cuộc đấu giá, vợ chồng Đường Dương đều giở chiêu trò, "mánh khóe". Theo lời kể của một chủ doanh nghiệp ở Thái Bình (giấu tên), khi có trong tay danh sách những cá nhân, tổ chức mua hồ sơ tham gia đấu giá đất, Đường sẽ "họp bàn" và ra giá, mỗi người tham gia đấu giá phải chi cho hắn 2 triệu đồng/m2 thì mới có thể trúng thầu.
Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Đường cũng cho đám đàn em vào mua hồ sơ tham gia đấu giá và dọa nạt những nhà thầu khác. Nếu không thực hiện điều kiện của Đường, những người tham gia đấu giá sẽ bị đàn em của Đường Dương đe dọa, đánh đập.
" Đây được gọi là chiêu "bảo kê" đấu giá", vị chủ doanh nghiệp này bức xúc nói.
Để có được những lô đất "vàng" ở Thái Bình, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương giở nhiều chiêu trò, mánh khóe.
Ngoài ra, theo chủ doanh nghiệp này, khi có các cuộc đấu giá đất, Đường Dương cho quân vào mua hồ sơ và ghi phiếu đấu giá. Người khác vào mua bọn chúng sẽ đe doạ, thậm chí bị dùng vũ lực, đành phải rút lui.
Cũng có những "đại ca" có chút "số má" ở các huyện thuộc tỉnh Thái Bình, không nghe theo sự "chỉ đạo" của Nguyễn Xuân Đường nên không ít lần xảy ra hỗn chiến với quân của hắn.
Mỗi phiên đấu giá, Đường Dương và đàn em trúng nhiều lô đất. Tuy nhiên do mục đích chính là trò mua đi bán lại, không thực sự có nhu cầu sử dụng nên hắn sẽ bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng đất mà trước đó không được đấu giá hay đấu giá không trúng với mức giá cao hơn khá nhiều so với số tiền hắn phải đấu giá đất. Mục đích của Đường là để hưởng chênh lệch kiếm lời.
Nếu không dàn xếp được, đến ngày đấu giá, Đường cho quân chặn ở cổng nơi tổ chức đấu giá, không cho ai vào. Nếu cố tình vào, sẽ bị đe dọa, đánh đập nên cuộc đấu giá sẽ không thành công và hắn cũng không được đấu giá tại phiên đó, khiến phiên đấu giá bị hủy. Sau đó, Đường lại giở chiêu trò khác để đấu giá bằng được.
"V ề tham gia đấu giá ở địa phương nào thì Đường luôn sử dụng đàn em ở địa phương đó. Vì trước đây, hắn có thời gian từng dạy võ ở các lò võ, lớp dạy võ ở các huyện và có mối quan hệ với những đàn em ở địa phương đó", vị chủ doanh nghiệp này thông tin.
Trước những tố cáo về các hành vi phạm pháp của vợ chồng Đường Dương, trả lời VTC News, một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ông đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ rà soát lại các vụ việc trước đây, củng cố hồ sơ để điều tra làm rõ mọi thông tin dư luận phản ánh. " Chúng tôi sẽ quyết tâm làm chứ không nề hà bất cứ việc gì" - vị lãnh đạo này khẳng định.
Hiện, Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục điều tra hành vi Cố ý gây thương tích của cặp vợ chồng này và những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Video: Cận cảnh 2 tòa nhà sừng sững vi phạm trật tự xây dựng của vợ chồng Đường Dương
MINH KHANG - NGUYỄN HUỆ
Nhà đầu tư lao đao bán tháo, cơ hội của người đi "săn" nhà phố giá rẻ Nhà phố từng là loại bất động sản có giá trị cao, thanh khoản tốt luôn được săn đón, được ví như "con gà đẻ chứng vàng" nhưng giờ lại đang khiến nhiều nhà đầu tư lao đao vì tác động bởi dịch Covid-19. Đây là loại hình BĐS rất được giới đầu tư ưa chuộng từ năm 2015 đến nay bởi tính...