Gọi con công an về bán lẩu tôm trong hẻm
Cặp vợ chồng Sài Gòn đã gọi con xuất ngũ ngành công an về truyền nghề nối nghiệp quán lẩu tôm không biển hiệu nhưng luôn đắt khách suốt 28 năm qua trong hẻm nhỏ.
Ông Trần Thọ Phi Hổ (55 tuổi) cho biết số năm hoạt động của quán cũng chính là số tuổi của con trai ông. Ngày trước, em trai ông làm trong vũ trường, 2 – 3 giờ sáng tan làm, nhân viên phục vụ hay rủ nhau đi ăn nên gia đình ông có ý tưởng mở quán. Sẵn miếng đất trống, phía trước là rào tre, đường vào hoang sơ, lầy lội nhưng nhờ mối quan hệ, mỗi đêm dàn nhân viên vũ trường đều ghé quán ủng hộ.
Người này giới thiệu người kia, lượng khách khá dần lên, giờ mở bán cũng thay đổi. Ai cũng khuyên ông nên đặt một cái tên cho quán, nghĩ hoài không ra, thấy xung quanh nhiều tre nên ông đặt luôn là “Quán Tre lẩu tôm”.
Ông Trần Thọ Phi Hổ (55 tuổi) cho biết quán lẩu tôm trong hẻm đã mở được gần 30 năm LÊ NAM
Ông Hổ cười khúc khích kể: “Ngày trước tôi còn chưa đổ hết sân xi măng, khách bước vào quán là phải leo qua miếng gỗ, mưa nước ngập dâng lên quá mắt cá chân, cá lội ở dưới luôn mà khách vẫn ngồi ăn. Nghĩ lại tôi thấy vui lắm, vì được khách thương ủng hộ”.
Sau này, ông nghỉ việc ở công ty cơ khí để về chăm lo từng chút một cho quán, mỗi ngày tu sửa một chút, quán ngày càng khang trang hơn.
Từ ngày mở quán đến nay, quán đã qua nhiều đời đầu bếp nhưng ông Hổ nhận xét vợ ông là người góp công sức nhiều nhất nên quán mới duy trì được đến bây giờ. Ông kể, ngày mới đứng bếp, bà Nguyễn Thị Kim Dung (54 tuổi, vợ ông Hổ) nấu chưa được đậm đà, khách ăn tới góp ý thường xuyên, bà đều mừng rỡ tiếp thu. Mỗi lúc cặm cụi trong bếp, bà đặt cả tâm tình và tấm lòng của mình vào chăm chút cho từng món ăn.
Dần dần mỗi món ăn ở quán có hương vị riêng, không thể nhầm lẫn vào đâu được. “Vợ tôi dốc tâm sức lắm, nhiều ngày khách đông, 11 giờ đêm buông đũa bếp ra là vô phòng nằm vật đó vì bả vai, cánh tay mỏi rã rời. Đôi lúc bị bệnh, bác sĩ yêu cầu nằm viện, vợ tôi cũng xin thuốc giảm đau uống để về đứng bếp tiếp”, ông Hổ nhớ lại.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, 54 tuổi – vợ ông Phi Hổ là người góp công sức nhiều nhất cho quán LÊ NAM
Suốt cuộc nói chuyện, ông Hổ luôn khẳng định, quán lẩu tôm của ông như một quán ăn gia đình, không phải quán nhậu. Không khí ở quán, mối quan hệ giữa chủ – nhân viên – thực khách luôn giống như người trong một nhà.
Với gia đình ông, quán ăn không chỉ là nơi kinh doanh, mà đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Là nơi ông có thể mời những người bà con Việt kiều ghé ăn mỗi lần về thăm quê hương.
Ông bộc bạch: “Công an là ngành cao quý, nhà tôi rất tự hào khi con trai khoác lên mình bộ cảnh phục. Nhưng để duy trì được quán ăn và tâm huyết của cả gia đình nên con tôi cũng chấp nhận theo nghề gia đình sau khi đã xuất ngũ. Tới giờ, vợ tôi đã truyền nghề cho con được khoảng 60%, tới năm sau là vợ chồng tôi có thể yên tâm giao cho con mà đi du lịch rồi”.
Về Cà Mau thưởng thức quy trình làm món 'độc' tiết canh cua
Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển.
Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội rồi trộn với gia vị cho đậm đà
Tiết canh cua ra đời từ đâu? Ai là đầu bếp đầu tiên chế biến nên món ăn có hương vị rất riêng của miền đất cuối trời này?
Có lão ngư miệt biển kể lại rằng: Xưa kia, trong những chuyến đi biển dài ngày, khi nước uống trên thuyền cạn, không kịp trở về hoặc ghé đảo Hòn Khoai để lấy nước ngọt, người đi biển thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Vị mằn mặn, ngòn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, lại không tanh.
Sau này, có người khéo chế biến thành món ăn trong hành trình tìm món lạ đã nhớ đến chất dịch này trong cơ thể cua, và món tiết canh cua ra đời từ đó.
Đúng hay sai ta không quan tâm, chỉ biết trên thực đơn miền cuối đất đã có món tiết canh cua cùng với hành trình mở đất trên xứ này.
Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.
Cua dùng làm tiết canh phải là cua biển, có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ
Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký.
Nhưng chưa hết, vì tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh heo... nên người ta phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác.
Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế... để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.
Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt.
Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia.
Một phần tiết canh cua
Ở những con cua có gạch thì ta lấy phần gạch ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua.
Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.
Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển.
Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon.
Và nhất là, không thể không nhắc đến món tiết canh cua trên mỗi bàn nhậu của cư dân miệt biển sành ăn món như là những cư dân chính hiệu đất Cà Mau.
ĐÀO MINH TUẤN
Bánh cuốn Cao Bằng Bánh cuốn là một trong những món ăn phổ biến nhất ở cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, ai từng một lần tới mảnh đất Cao Bằng, ắt hẳn không thể quên hương vị của món bánh cuốn nơi đây. Bánh cuốn Cao Bằng có hương vị rất riêng, cách làm và cách thưởng thức cũng nhẹ nhàng, bình dị gần gũi...