Gỏi cá nhái
Cá nhái có nhiều ở vùng biển Phú Yên. Ngư dân săn bắt loại cá này ngoài khơi xa bằng cách câu hoặc đánh lưới. Loại cá có đặc điểm riêng với thân hình tròn to, dài như con chình biển, da trơn màu nâu đen, thịt trắng chắc, xương có màu xanh. Thịt cá nhái được xem là món đặc sản bởi nó thơm ngon, ít. Và chắc rằng không nhiều người được ăn, hảo hớn hơn nữa là món gỏi.
Gỏi cá nhái, đặc sản Phú Yên ít người biết đến, nhưng những ai đã từng có dịp thưởng thức đều thích thú khó quên.
Cá nhái sống ở vùng biển khơi, nước có độ mặn cao. Người làm món gỏi đòi hỏi chế biến công phu. Cá chọn làm gỏi phải là con cá tươi. Để được loại cá này chỉ có những người trực tiếp đi câu, người thường muốn ăn phải dặn những người đi biển trước, hoặc sáng sớm phải ra tận bờ biển chờ ngư dân vào rồi chọn mua con cá tươi ngay trên bãi cát, còn dính nước biển.
Thường một con cá nhái độ từ 1 – 2kg sẽ chế biến được cho 3 – 5 người ăn. Sau khi chọn cá đem về, phải giữ cá luôn luôn trong độ lạnh bằng cách ngâm đá lạnh. Con cá được cắt bỏ phần đầu và lòng (phần này nấu canh với bầu cực ngon), dùng dao bén cắt dọc theo từng đoạn rồi lọc bỏ da, xương, chọn phần thịt, thái nhỏ từng miếng vuông mỏng, ngâm vào trong nước muối có đá lạnh ướp. Đều đặn từng miếng nhỏ như vậy đến khi thái hết con cá chúng ta sẽ có một số lượng nhiều. Sau khi thái xong cá, xả và vắt khô nước muối rồi dùng một lượng nước chanh đã vắt sẵn ra chén đổ vào ngâm với cá độ 15 phút, đợi thịt cá chuyển sang màu trắng hẳn rồi dùng tay vắt thật khô, bỏ vào tủ lạnh.
Không thể thiếu khi ăn món này là các gia vị kèm theo. Cần phải có là các loại rau thơm như tía tô, húng, ngò gai, ngò thơm và nhất định phải có đậu phụng rang, hành tây xắt nhỏ, xoài băm, khế, bánh tráng nướng cùng một chén mắm nhỉ, ớt tỏi chanh đường…
Video đang HOT
Có nhiều cách ăn, tuỳ theo từng người. Hoặc trộn chung cả phần thịt cá đã ướp với các loại gia vị rau hành đậu phụng vào một cái dĩa lớn rồi khi ăn gắp ra từng dĩa nhỏ ăn dần; hoặc cứ để riêng phần cá một bên, phần rau một bên, khi ăn có thể gắp mỗi thứ từng ít bỏ vào chén kèm với tí chanh, ít bánh tráng nướng bóp nhỏ, chan tí nước mắm với rau thơm, kèm trái ớt hiểm rồi ăn một cách ngon lành. Ngon nhất là ăn món này với lai rai tí rượu ngon.
Những người bạn từ xa đến vùng biển Hòn Yến Phú Yên quê tôi, lúc đầu được mời món này có vẻ e ngại vì sợ thịt cá còn sống, tanh khó ăn. Thế nhưng khi ăn được vài miếng, nhất là khi cảm nhận được vị dai ngọt mềm của thịt cá với dư vị của rau thơm kèm nước mắm nhỉ làng Yến, kể cả những người khó tính nhất cũng phải ồ lên rằng: ngon, ngon quá. Vì thế không cần uống bia mà chỉ ít rượu ngâm sẵn, mọi người có thể ăn ngon lành, no bụng. Mấy hôm sau về đến nhà vẫn còn nhớ gọi điện thoại khen ngon một lần nữa và không quên nhắc rằng, khi nào có dịp trở lại nhất định mình sẽ chọn món này. Ăn món cá nhái mới biết rằng có nhiều món ngon ở biển mà ta chưa hề biết hết.
Theo SGTT
Món lạ: nộm bún giá
Từ những sợi bún trong, trắng ngần các bà nội trợ có thể khéo léo sáng tạo và chế biến thành nhiều món ăn truyền thống khác nhau như: bún riêu, bún ốc, bún đậu mắm tôm...Nhưng có một món ăn mà ít được mọi người biết đến đó là: nộm bún giá. Đây là món ăn dân giã, dễ làm và mang hương vị rất đặc biệt.
Nộm bún không cầu kì, nhưng đòi hỏi nhiều công đoạn và có phần tỉ mẩn. Nguyên liệu để làm nên món ăn này dễ tìm, dường như đi bất kì chợ cóc nào cũng có thể mua được. Tùy theo khẩu phần người ăn trong gia đình mà ước tính lượng mua cho phù hợp.
Với món ăn này chọn nguyên liệu là khâu được các bà nội trợ đặt lên hàng đầu. Nộm bún có hai thứ quan trọng không thể thiếu đó là bún và giá. Bún nên chọn loại sợi nhỏ, trong và mềm, nên đi chợ vào sáng sớm để chọn được mẻ bún mới ra lò, sờ tay vào cảm giác thấy hơi nóng là yên tâm nhất.
Chọn giá đỗ cũng vậy, nếu không cẩn thận sẽ mua nhầm phải loại giá ôi khi trộn với bún sẽ mất đi vị giòn, mát của giá. Nên chọn những gọng giá đỗ có độ dài vừa phải từ 2 - 4 cm, giá mập, không bị gẫy, dập, không thâm và có màu trắng là đủ tiêu chuẩn.
Góp phần tạo nên thành công của món ăn đặc biệt này còn có sự trợ giúp đắc lực của các loại gia vị như: chanh, rau mùi, hành tây, lạc. Chọn và mua nguyên liệu ngon, tươi mới là công đoạn được coi là công phu nhất, khó khăn nhất đối với các bà nội trợ.
Nếu như chọn nguyên liệu được coi là khâu khó tính nhất yêu cầu kinh nghiệm mua hàng của các bà, các chị thì khâu chế biến có vẻ dễ dãi hơn. Chỉ cần đun nước sôi rồi nhanh tay thả giá vào, đảo qua đảo lại cho mất đi vị ngai ngái ban đầu của giá đỗ sống, rồi sau đó để cho ráo nước. Khi trần qua nước sôi phải chú ý không để giá bị nát vì nếu nát khi ăn sẽ không cảm nhận được độ giòn, thanh mát của giá. Lạc giang đem giã nhuyễn, rau sống thái sợi mỏng, nhỏ. Tất cả đem trộn đều cho đến khi gia vị ngấm dần len lỏi vào từng sợi bún, từng gọng giá thì khi ấy món nộm bún của chúng ta hoàn thành. Xúc nộm ra đĩa rắc thêm lạc với dăm ba lát ớt thái mỏng, sức hấp dẫn của món ăn có lẽ chiếm đươc cảm tình của cả những người sành ăn nhất...
Vị thanh mát của giá đỗ, vị béo ngây của lạc rang, độ mềm của những sợi bún, vị chua ngọt đan xen giữa chanh và đường, tất cả sẽ quyện chặt vào nhau và đem đến cho người thưởng thức một dư vị khó tả nơi đầu lưỡi.
Chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng: nộm bún giá là thức quà quen thuộc của con nhà nghèo, nó như một món ăn chay mang chút gì đó của hương đồng gió nội. Bởi một lẽ đơn giản, trong tất cả nguyên liệu để tạo nên món ăn này không tìm thấy chút gì của thịt mà nó là sự góp nhặt những gì giản đơn nhất, tinh tế nhất của các loài rau, loài thực vật.
Với tiết trời nóng bức của Hà Nội có không ít người muốn lựa chọn món ăn khác ngoài cơm, phở. Mong rằng nộm bún giá sẽ là món ăn thay đổi khẩu vị để làm mới hơn nữa thực đơn trong bữa cơm gia đình bạn.
Theo PNO