Gỏi bòn bon thơm ngon, mát lòng
Gỏi bòn bon là món ngon quen thuộc trong đời sống ẩm thực người dân xứ Quảng, luôn đồng hành với những chủ bếp chuộng thực phẩm sạch. Món này phù hợp để thưởng thức quanh năm, không “kén” tiết trời.
Nguyên liệu đi kèm với bòn bon là thịt ba chỉ, tôm, ớt, tỏi, đậu phụng, hành phi, chanh, rau thơm và nước mắm. Gỏi bòn bon làm rất thủ công, qua nhiều công đoạn nên đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ, khéo léo. Trước tiên, tách riêng từng múi bòn bon.
Lấy móng tay cái ấn mạnh vào đáy quả, vỏ sẽ bung ra dễ dàng để tách múi, bỏ hạt. Không nên lột vỏ từ cuống quả, vỏ bị xé rách vừa dính mủ vừa giữ lớp lụa mỏng ngăn chia từng múi, ăn không ngon.
Video đang HOT
Tôm chọn đúng loại tôm đất tức tôm sông, tôm suối; phải là tôm đất chứ tôm biển, tôm nuôi đều không ngon. Tôm còn nhảy tưng tưng, bấm đầu, đuôi, rửa sạch cho vào nồi rang chín. Nếu ưa vị béo thì thêm vài lát thịt ba chỉ luộc chín đã cắt nhỏ. Trộn đều bòn bon với tôm thịt.
Gỏi bòn bon ngon hay không phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật pha chế nước mắm. Cứ một muỗng nước mắm hòa với hai muỗng đường, một muỗng nước cốt chanh, một trái ớt băm nhuyễn. Đánh đều nước mắm, đường, chanh, ớt đến khi hỗn hợp đã dậy mùi thơm nồng. Phi chín dầu ăn với hành, tỏi. Cuối cùng trộn gỏi bòn bon với dầu, nước mắm sao cho hợp khẩu vị của người thưởng thức. “Bạn” đi cùng gỏi bòn bon là bánh phồng tôm giòn tan hoặc bánh tráng nướng.
Khi bày biện món ăn, thêm đậu phộng rang giã dập, một ít rau quế, rau húng lên trên đĩa gỏi. Hẳn lúc thưởng thức, ai cũng đều cảm nhận được vị chua chua, ngọt ngọt, cay thơm nồng nàn… Đặc biệt, gỏi bòn bon có tác dụng giải bia rượu, kích thích vị giác, xứng đáng “góp mặt” trong những bữa ăn sum họp gia đình, bè bạn thân hữu.
Theo Thanhnien
Món phặc nhường của người miền núi
Bí đỏ thường được đem nấu canh xương heo, thái lát xào tỏi, hoặc nấu cháo bí đỏ, chè bí đỏ. Đây là những món ăn quen thuộc, ngon và bổ. Còn người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn lại có món bí đỏ hấp thịt (tiếng địa phương là phặc nhường), ngon, lạ miệng lại dễ làm.
Bí đỏ ở đây được trồng nhiều. Tháng 3, tháng 4 âm lịch, khi gieo ngô, bà con lại trồng xen vài mươi hốc bí ở bờ rẫy, chân nương. Tháng 7, tháng 8, mùa bẻ ngô cũng là mùa trẩy bí. Nhà nào bí đỏ cũng chất đầy trên gác bếp, để dành ăn quanh năm. Bí đỏ hấp thịt bằm là món ăn truyền thống của đồng bào.
Làm món này cũng đơn giản. Bí để nguyên cả vỏ, bổ ra, nạo bỏ ruột, rửa sạch, thái miếng vuông quân cờ. Thịt heo ba chỉ hoặc thịt vai băm nhỏ, ướp muối mắm, bột nêm vừa ăn. Thịt này đem trộn với bột gạo nếp hoặc bột đao, bột năng thành một hỗn hợp vừa nhuyễn vừa dẻo. Rồi viên lại thành từng viên. Cứ mỗi miếng bí "cõng" một viên thịt trộn bột. Xong đem hấp cách thuỷ trong chảo hoặc đồ trong chõ như đồ xôi vậy.
Miếng bí vàng thắm vừa bở vừa bùi. Thịt băm pha bột nếp vừa giòn vừa dẻo. Tất cả các vị béo bùi, mặn ngọt hoà quyện thật đậm đà, ăn không ngấy. Có người ăn chay còn làm món bí đỏ hấp xôi đậu xanh để ăn trong những ngày rằm, mồng một. Nếp và đậu xanh ngâm qua đêm cho no nước. Rồi mỗi miếng bí được phủ một lớp nếp đậu, đem đồ. Khi chín đem ra, miếng bí vuông chằn chặn lùm lùm lớp xôi đậu xanh bên trên, trông đẹp như chiếc oản. Chưa ăn đã thấy ngon.
Với lũ trẻ con trong bản, bí đỏ còn như một món ăn chơi. Những đêm thu mưa lạnh hay những đêm đông rét mướt, ngồi chơi bên bếp lửa, bọn trẻ lại rủ nhau làm bí đỏ ăn. Bí đỏ bổ ra từng miếng như ta bổ dưa hấu, nạo bỏ sạch ruột rồi đem hấp. Khoảng mươi phút là bí chín. Đơn sơ vậy thôi mà ngon lạ. Miếng bí nóng hôi hổi, bở như khoai lang luộc, vừa ngọt vừa bùi. Ăn đến no mà không chán.
Bí đỏ, món ăn dân dã, qua bàn tay chế biến của người miền núi trở nên lạ miệng và thật hấp dẫn./.
Theo Dulichvn.org.vn
Gỏi sứa - món ăn nhiều người mê Cả nhà tôi "say đứ đừ" với món khai vị thanh mát, đặc sắc và thú vị này. Không khó để tìm nguyên liệu làm gỏi sứa. Có sứa rồi thì ghé mua thêm vài trái chuối chát, trái xoài xanh, rau thơm, rau ngổ, hành khô, tỏi, ớt, chanh, gừng... và đậu phụng quê cùng vài cái bánh tráng nướng. Đem sứa...