Gói bánh chưng Tết ở thủ đô Paris, Pháp
Không chỉ có các thành viên Hội sinh viên Việt nam tại Paris, còn có một bạn người Pháp say sưa cùng tham gia gói bánh chưng.
Tết đến, Xuân về, tụ họp nhau cùng gói những chiếc bánh chưng mang hương vị quê hương là hoạt động không thể thiếu của bà con người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Với các bạn trẻ sinh viên ở thủ đô Paris, một ngày cùng nhau gói bánh chưng là một hành động có ý nghĩa lớn ghi nhớ cội nguồn của mình.
Tụ họp nhau từ sáng sớm tại quán “Ngôi nhà Việt Nam” – địa điểm quen thuộc của cộng đồng, các hội đoàn người Việt tại Pháp, các bạn sinh viên trong Hội sinh viên Việt nam tại Paris cùng nhanh nhẹn bắt tay vào việc. Từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ… Ai vào việc người nấy đúng phân công chi tiết đã lên lịch từ nhiều tuần trước.
Nguyễn Trí Bảo, Chủ tịch Hội sinh viên Việt nam tại Paris cho biết:”Ý tưởng xuất phát từ việc ai cũng biết đến cái bánh chưng nhưng không nhiều bạn biết trực tiếp gói chiếc bánh của ngày Tết quê hương ra sao nên chúng em đã nghĩ tụ họp nhau trong một buổi để cùng học nhau tập gói bánh. Nhiều thành viên đã thức trắng đêm qua để chuẩn bị, nhưng chúng em rất vui khi thấy các bạn hào hứng và dù là lần đầu tiên các bạn cũng gói được những chiếc bánh thật đẹp”.
Nhiều bạn tâm sự rất thật rằng đây là lần đầu tiên gói bánh chưng, với nhiều bạn là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. Tùy theo công việc được phân công, các bạn gọi điện thoại về nhà “cầu cứu” kinh nghiệm của mẹ, của bà ; hay tìm trên mạng những video, thông tin hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn gói bánh chưng.
Bạn Minh Việt vừa chỉnh sửa chiếc bánh chưng đầu tiên mình gói cho vuông vứt, vừa hào hứng chia sẻ:”Em thấy gói bánh không khó lắm, dù đây là lần đầu em gói bánh. Em thấy với con trai, viết cắt, gấp lá và tính toán gói một chiếc bánh không khó lắm. Em thấy rất thú vị và thích, em chụp hình các khâu gói bánh từ nãy và sẽ gửi ảnh về khoe với mẹ”.
Video đang HOT
Tại Paris, do cộng đồng người Việt đông, việc kiếm các nguyên liệu cần thiết không hề khó, từ lá dong, lạt đến gạo, đến đỗ. Riêng khuôn thì được nhờ mang từ Việt nam sang. Nhưng giá thành các nguyên vật liệu thì rất đắt đỏ. Và cái khó của các bạn sinh viên là chỉ đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên việc vận chuyển một khối lượng lớn gạo, đỗ, thịt, lá, lạt… cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và nhiệt huyết. Để bánh ngon, việc ướp thịt nhân bánh hay ngâm gạo, ngâm đỗ được các bạn tính toán làm từ hôm trước.
Bạn Hoàng Phương Thảo cho biết:”Trước đây, em không hề biết việc gói bánh chưng và tham gia với Hội, em mới bắt đầu học. Từ khâu chuẩn bị, em đã hỏi mẹ là mua bao nhiêu lá dong và mỗi lần thắc mắc gì là em lại gọi cho mẹ và từ hôm qua, em có lên mạng xem cách gói bánh chưng. Trước đây em không biết cách gói, giờ được học từ khâu chuẩn bị, mua lá mua gạo ở đâu, căn bao nhiêu gạo, bao nhiêu thịt để cho một cái bánh. Với em đây là một việc rất ý nghĩa, như trở về với cội nguồn của mình”.
Không chỉ có các thành viên Hội sinh viên Việt nam tại Paris, còn có một bạn người Pháp say sưa cùng tham gia gói bánh chưng. Bạn Francois cho biết: “Tôi rất vui khi được biết cách gói bánh, tôi đã được ăn bánh chưng nhiều mà giờ mới biết các công đoạn để có chiếc bánh chưng thơm ngon là thế nào. Mình được bạn dẫn đến tham dự và rất hào hứng được gói bánh chưng và tuần tới là đón Tết Việt cùng các bạn Việt nam ở đây”.
Gói bánh chưng ngày Tết, một phong tục phổ biến và gần gũi của người Việt, đang được các bạn trẻ Việt nam du học tại Pháp duy trì và thực hiện. Với các bạn, càng đi xa, càng nhớ và thấy quý những giá trị của ngày Tết truyền thống và càng mong muốn trở về với cội nguồn của mình./.
Thùy Vân
Theo_VOV
Màu sắc Việt đậm nét trong Lễ hội đa văn hóa tại Canberra 2015
Lễ hội đa văn hóa là một sự kiện thường niên được tổ chức tại Canberra để tôn vinh đa dạng sắc tộc và chung sống hài hòa giữa các nền văn hóa ở nước Úc. Năm nay, màu sắc và các giá trị văn hóa Việt được đánh giá là thể hiện rõ hơn, đặc sắc hơn ở Lễ hội.
Canberra là thủ đô của nước Úc, với hơn 100 đại sứ quán các nước và các phái đoàn ngoại giao và một cộng đồng cư dân bao gồm các sắc tộc, cá nhân đến từ 170 quốc gia trên thế giới.
Bữa tiệc văn hóa năm nay diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/2/2015, và coi là lớn nhất và hay nhất trong lịch sử hơn 17 năm của Lễ hội với hàng ngàn trăm gian hàng, và nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc của nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau và các cơ quan đại diện ngoại giao trên lãnh thổ nước Úc.
Năm nay, màu sắc và các giá trị văn hóa Việt được thể hiện rõ hơn ở Lễ hội. Bên cạnh hai gian hàng ẩm thực của kiều bào tại Lễ hội còn có Quầy Việt Nam do Đại sứ quán và Hội sinh viên Việt Nam tại Canberra thiết kế và quản lý. Không gian văn hóa này được trang trí với nón quai thao, mặt nạ anh hề, tranh Đông Hồ, các bức tranh thanh lam thắng cảnh Việt, chuồn chuồn tre, cô gái Việt Nam với áo dài truyền thống, tượng cô dâu, chú rể Việt Nam. Một cành mai vàng mang đến không khí Tết đặc trưng cho gian hàng. Đặc biệt, Quầy Việt Nam giới thiệu với các thực khách ba món ăn truyền thống nổi tiếng của mảnh đất hình chữ S là: nem rán (chả giò), gỏi cuốn, và bánh mì paté.
Không gian văn hóa Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan và thưởng thức ẩm thực Việt. Rất nhiều khách nếm thử, và quay lại với gian hàng nhiều lần để thưởng thức ba món ăn. Đa số đều cho rằng đồ ăn Việt thơm ngon, tinh tế, và có hương vị rất đặc trưng. Điều đáng chú ý là nếu như nem rán và gỏi cuốn đã trở nên nổi tiếng, bánh mì paté Việt chưa được nhiều thực khách Úc biết đến. Một khách tham quan đã biết đến bánh mì paté từ lâu, nhưng với nhiều tên gọi khác nhau, "bánh mì", "Vietnamese pork rolls", "Vietnamese Pork and Pâté Sandwich", or "Saigon Rolls". Sự thiếu thống nhất đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phổ biến món ngon này đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Chị Nguyễn Hồng Giang, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Canberra (Úc) cũng là người tham gia tổ chức Quầy Việt Nam, cho biết bánh mì Việt là "quốc hồn, quốc túy", rất ngon, hấp dẫn và tinh tế nhưng chưa có sự nổi tiếng đáng có. Bánh mì paté sẽ là một món ăn được ưa chuộng của Việt Nam, và có được vị thế xứng đáng trên bản đồ ẩm thực của thế giới giống như phở, gỏi cuốn, nem rán nếu chính phủ, các chuyên gia ẩm thực, các nhà hàng Việt chung tay trong một chương trình quốc gia phát triển và quảng bá sản phẩm này.
Theo bác Sam Puddicombe, một người Úc yêu Việt Nam đã nhiệt tình giúp đỡ ban chuẩn bị, thiết kế, và tổ chức Quầy Việt Nam, việc tham gia vào những sự kiện đa văn hóa như thế này là rất cần thiết để bạn bè các nước biết được các tinh hoa văn hóa Việt Nam. Đó cũng là dịp để chúng ta kiểm chứng mức độ lan tỏa của các giá trị Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, học tập cách làm của các nước khác để quảng bá các giá trị, sản phẩm văn hóa. Trong một thế giới rộng lớn, đẹp và hay chưa đủ để trở nên nổi tiếng và xa xỉ, mà cần có các chiến lược, chương trình quảng bá nhất quán và phù hợp để xây dựng thương hiệu.
Lần đầu tiên tham gia Lễ hội, không gian văn hóa Việt Nam do Đại sứ quán và Hội sinh viên Việt Nam tại Canberra đã nhận được nhiều động viên khích lệ của bạn bè quốc tế. Sau Lễ hội Văn hóa Việt Nam (Vietfest) và Tết Cổ truyền, Quầy Việt Nam là một điểm nhấn tiếp theo của văn hóa Việt trên xứ sở của những chú chuột túi.
Hải Trang
(Từ Canberra -Úc)
Ảnh: Hung Nguyen
Theo Dantri
Ấm áp Tết cộng đồng người Việt Nam tại Kansai, Nhật Bản Hôm 8/2, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, đã tổ chức buổi gặp mặt mừng Xuân Ất Mùi 2015. Gần 300 khách mời đại diện cho chính quyền, doanh nghiệp, hội đoàn, tổ chức hữu nghị với Việt Nam, bạn bè quốc tế tại khu vực Kansai, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại...