Góc “xa xỉ” ở Bình Nhưỡng
Triều Tiên phải gánh chịu hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn của quốc tế, nhưng có vẻ như chúng gây ảnh hưởng rất ít đến đời sống của những người giàu có ở Bình Nhưỡng, những người được tiếp xúc không giới hạn với xe hơi cùng đồ tiêu dùng xa xỉ.
Quầy thực phẩm tại siêu thị ở Bình Nhưỡng.
Nền kinh tế của một Triều Tiên bị cô lập được tin là bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vì chương trình hạt nhân của nước này. Nạn đói trong những năm 1990 đã khiến hàng trăm ngàn người nước này thiệt mạng. Tuy nhiên những cửa hàng xa xỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng lại cho thấy khung cảnh hoàn toàn khác.
Theo AFP, ngày càng có nhiều xe hơi xuất hiện trên đường phố và giao thông ở trung tâm Bình Nhưỡng cũng ngày một nhộn nhịp hơn. Nhiều xe đời cũ, nhưng số lượng xe đời mới của Mercedes, BMW, Lexus, Toyota và Land Rover cũng không ngừng tăng.
Cộng đồng quốc tế đã áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với tất cả các mặt hàng xa xỉ đối với Triều Tiên cũng như ban lãnh đạo nước này vào năm 2009. Tuy nhiên, theo nghị sỹ Hàn Quốc Yoon Sang-Hy, hàng hóa vẫn được cung cấp từ các mạng lưới cung ứng hàng của nước đồng minh Trung Quốc.
Ông cho biết, mặt hàng xa xỉ nhập khẩu của Triều Tiên, trong đó có TV màn hình phẳng, máy quay kỹ thuật số và các thiết bị điển tử khác tăng gần gấp đôi từ năm 2008-2010, tức từ 272 triệu USD lên tới 446 triệu USD.
Video đang HOT
“Bình Nhưỡng không thiếu thứ gì cả”, một người nước ngoài sống ở đây cho biết.
Không có nơi nào minh chứng cho điều này rõ hơn siêu thị hai tầng Pothongang Ryugyong. Siêu thị này trưng bày các mặt hàng nhập khẩu từ thực phẩm, quần áo cho đến đồ điện tử, đồ gỗ. Và chỉ có tiền ngoại mới được chấp nhận.
Một cửa hàng bán đồ trang sức ở Bình Nhưỡng.
Sâm phanh cũng được bày bán, với giá khoảng 70 euro/chai, đắt hơn gấp đôi giá ở Pháp. Ngoài ra còn có rượu vang Bordeaux và Burgundy cùng nhiều nhãn hiệu whisky, gin, vodka và rum.
Những giá hàng thực phẩm chất đầy bơ Đan Mạch, New Zealand cùng pho mát Pháp, châu Âu, thịt bò Australia và hầu hết tất cả các nhãn hiệu đồ uống có ga, ngoại trừ Coca-Cola.
Tokyo áp đặt lệnh trừng phạt thương mại cứng rắn với Triều Tiên song tại siêu thị này vẫn đầy ắp các mặt hàng của Nhật, như thực phẩm, đồ nấu bếp, bát đĩa.
Một dãy hàng khác trưng bày hàng loạt đồng hồ, đồ trang sức, nước hoa ngoại, TV màn hình phẳng và dàn âm thanh nổi đắt tiền.
Khách hàng tại đây là những người giàu có, những doanh nhân mới nổi.
Người dân bình thường Triều Tiên cũng có thể mua đồ nhập khẩu ở một số khu chợ mở. Chợ Tongil ở nam Bình Nhưỡng mở cửa vào năm 2003 và trải rộng 7.000m2.
“Mọi người chen chúc trước những quầy bán đủ thứ: thịt, rau, hoa quả, bia Singapore, mỹ phẩm phương Tây, đồ điện tử Nhật và Hàn Quốc”, một nhà báo Pháp, người từng tới thăm khu chợ nhiều lần, cho biết.
Các cửa hàng và chợ này được cung hàng từ Trung Quốc. Tổng thương mại hai chiều giữa hai nước qua đường biên giới dài 1.415km đã tăng 87% trong nửa đầu năm 2011, lên 3,1 tỷ USD, theo số liệu của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết giá trị thực có lẽ cao hơn nhiều, nếu bao gồm cả việc trao đổi vật liệu thô của Triều Tiên, nước giàu than và quặng sắt, để lấy hàng tiêu dùng của Trung Quốc.
Đối với “các cặp đôi vàng” của Bình Nhưỡng, theo cách gọi của Triều Tiên khi quan chức nhà nước kết hôn cùng với nữ doanh nhân, hai nhà hàng Italia do người nước ngoài điều hành đã mở cửa, bán không chỉ bánh pizza, mì ống mà còn có rượu Italia cùng với Coca-Cola từ Italia.
Một cửa hàng Thụy Sỹ có nước xốt làm từ bơ địa phương cũng có trong thực đơn.
Giới chuyên gia cho rằng, những dấu hiện trên có thể trở thành mạch ngầm để phát triển một nền kinh tế thị trường, nếu Triều Tiên quyết định nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ.
Trung Quốc cũng bắt đầu bằng con đường như thế để thoát khỏi nghèo đói từ 30 năm trước và giờ đây nước này trở thành một siêu cường kinh tế.
Tuy nhiên, bên ngoài Bình Nhưỡng là một khung cảnh hoàn toàn khác. Theo Liên hợp quốc, 1/3 trẻ dưới 5 tuổi ở nước này bị suy dinh dưỡng mạn tính và cả một thế hệ bị kém phát triển sau nạn đói những năm 1990.
Theo Dân Trí