Góc tối đằng sau những kênh YouTube nhí “triệu đô”: Bị lạm dụng, tuổi thơ bị đánh mất và sự biến chất của người lớn tham lam
Đằng sau thế giới diệu kỳ đầy màu sắc của những kênh Youtube nhí kiếm tiền triệu USD, là tấn bi kịch mà không phải ai cũng hiểu thấu.
Trong thời đại mà truyền thông xã hội lên ngôi, bất cứ thứ gì tạo ra “views” đều có thể kiếm tiền. Đi đầu trong xu hướng này, phải kể đến Youtube, nền tảng video có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Tên miền “Youtube.com” được kích hoạt lần đầu tiên vào ngày 14/2/2005 bởi 3 nhân viên đầu tiên của PayPal (nền tảng thanh toán trực tuyến) Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim.
Đến mùa hè năm 2006, Youtube trở thành một trong những website phát triển nhanh nhất thế giới (xếp hạng 5 theo thống kê của Alexa). Cũng trong năm 2006, có khoảng 100 triệu video được xem hằng ngày trên Youtube, chưa kể khoảng 65.000 video được tải lên mỗi ngày và trung bình 20 triệu lượt truy cập hàng tháng.
Có thể khẳng định, sự ra đời của Youtube đã làm thay đổi cách kiếm tiền của nhiều triệu con người trên thế giới. Bên cạnh Facebook, Twitter và Instagram, Youtube được coi là mạng xã hội video với lượng người dùng khổng lồ và đa dạng.
Khi YouTube trở thành “ mỏ vàng” của những đứa trẻ
Đóng vai trò kết nối hàng trăm triệu người trên thế giới, nhóm Youtuber nhí (dưới 12 tuổi) có thể tiếp cận nhiều triệu người đăng ký bằng những video âm nhạc, đánh giá đồ chơi và nhiều hơn thế nữa. Nhiều người tin rằng, Youtube đã trở thành bàn đạp cho sự nghiệp của trẻ em trong ngành giải trí. Dưới đây là 2 trong số những Youtuber nhí kiếm hàng trăm nghìn cho đến triệu USD từ nền tảng này.
Boram Tube Vlog/Boram Tube ToysReview – 32 triệu người theo dõi
Bé gái Boram, 6 tuổi, là ngôi sao của 2 kênh Youtube Boram Tube Vlog và Boram Tube ToysReview. Với tổng cộng 32 triệu người theo dõi, Boram đã trở thành một trong những Youtuber nổi tiếng nhất Hàn Quốc.
Điều khiến nhiều người bất ngờ chính là, Boram mới chỉ đăng video từ năm ngoái. Thế nhưng, sự vô tư hồn nhiên của cô bé đã giúp 2 kênh Youtube Boram Tube Vlog và Boram Tube ToysReview thu hút tới 10 tỷ lượt xem (theo thống kê của website thống kê Social Blade)
Ngoài ra, thu nhập ước tính hàng tháng của Boram Tube Vlog lên tới 3,6 triệu USD (42,7 triệu USD/năm) còn Boram Tube ToysReview là 779.000 USD mỗi tháng (9,4 triệu USD/năm).
Fantastic Adventures – gần 1 triệu người theo dõi
Fantastic Adventures là một kênh Youtube thú vị với trẻ em. Trong đó, 7 anh chị em trong gia đình của bà mẹ Machelle Hackney sẽ đóng giả làm hiệp sĩ, tham gia nhiệm vụ tìm kiếm bánh quy hoặc đồ chơi dưới dạng trò chơi giải đố.
Đến thời điểm bị Youtube cấm cửa, Fantastics Adventures đã có gần 1 triệu người theo dõi, tổng lượng xem đạt hơn 250 triệu.
Có thể, bạn sẽ tự hỏi vì sao kênh Youtube thiếu nhi này bị sờ gáy? Câu chuyện dưới đây của Boram Tube Vlog và Fantastics Adventures sẽ hé lộ phần nào mặt tối của ngành công nghiệp “video trẻ em”.
Các Youtuber nhí “miệng còn hôi sữa” nhưng đã bị ép trở thành lao động chính của gia đình
Video đang HOT
Khoảng 5 năm trở lại đây, trào lưu làm Youtube đã nở rộ trên thế giới – đặc biệt là các kênh Youtube cá nhân. Trong đó, hầu hết các Youtuber đều là người trẻ nhưng nắm bắt được các xu hướng và thị hiếu của người xem. Đáng kể nhất, nhiều Youtuber nổi tiếng, kiếm tiền triệu USD vẫn là trẻ em dưới 10 tuổi.
Boram, 6 tuổi, là ngôi sao của 2 kênh Youtube Boram Tube Vlog và Boram Tube ToysReview
Trên thực tế, dù tài năng và giỏi giang sớm đến thế nào, các cháu bé cũng không thể một mình quay dựng video và đánh bóng tên tuổi trên Youtube. Thông thường, đằng sau sự thành công của các kênh Youtube nhí là cả một đội ngũ chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm sản xuất video.
Điều này khiến người dùng mạng tự hỏi: Dưới độ tuổi lao động nhưng phải chật vật tham gia sản xuất video mỗi ngày, liệu những Youtuber nhí có cuộc sống đúng nghĩa của một đứa trẻ?
Tuần trước, trang tin địa phương Maeil Business Newspaper cho hay, Boram Family, công ty của gia đình bé Boram, đã chi hơn 8 triệu USD (khoảng 186 tỷ đồng) để mua lại tòa nhà 5 tầng ở Cheongdam-dong, Gangnam – một trong những khu vực ăn chơi, giàu có và đắt đỏ bậc nhất Hàn Quốc.
Một bản sao có chứng thực của sổ đăng ký bất động sản cho thấy, tòa nhà mà gia đình Boram mua lại vào ngày 3/4 có diện tích sàn lên tới 258,3m2.
Có thể nói, Boram chính là “thần Tài” của gia đình. Thế nhưng sau khi thông tin về việc Boram Family chi 8 triệu USD để mua nhà ở Gangnam, đã dấy lên những cáo buộc lạm dụng trẻ em đối với cha mẹ Boram.
Trang tin Korea Herald nhấn mạnh: “Vào tháng 9/2017, chương trình Save The Children đã cáo buộc những người giám hộ của bé Boram, cho rằng họ đã kiếm tiền bằng cách đặt những đứa trẻ vào tình huống có thể khiến chúng bị suy sụp về tinh thần. Ngoài ra, việc thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em.”
Cụ thể, người xem nhận ra hành động và thái độ kỳ lạ của Boram trong nhiều video như: Trộm cắp tiền, đập phá đồ chơi cho đến giả vờ chuyển dạ trong đau đớn. Áp lực của dư luận đã khiến bố mẹ của Boram xóa hết những video kể trên và công khai xin lỗi khán giả.
Cách đây khoảng 4 tháng, bà mẹ Machelle Hackney 48 tuổi, đứng sau kênh Youtube nổi tiếng Fanstastic Adventures ở Arizona đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng những đứa trẻ mà ả nhận nuôi để sản xuất video. Cụ thể hơn, Machelle Hackney thường xuyên tra tấn và nhốt 7 đứa trẻ trong tủ quần áo rồi bỏ đói chúng trong nhiều ngày liền.
Machelle Hackney và 1 trong 7 đứa bé mà ả nhận nuôi
Đằng sau vẻ ngoài thánh thiện nhận và tốt bụng, nhận nuôi tới 7 đứa trẻ là một người phụ nữ tàn bạo – Hackney khai nhận thường xuyên dùng bình xịt hơi cay để đe nẹt những đứa con, thậm chí không cho ăn uống và cấm chúng đi vệ sinh.
3 trong số 7 đứa trẻ thường xuyên bị Hackney lạm dụng để sản xuất video
Người phụ nữ quái ác này bị cáo buộc 7 tội lạm dụng trẻ em, 5 tội giam giữ bất hợp pháp và bỏ rơi trẻ em, chưa kể 2 tội danh lạm dụng tình dục trẻ em.
Những đứa trẻ tội nghiệp nói với cảnh sát rằng, “mẹ Hackney” sẽ tra tấn dã man nếu chúng không tham gia hoặc diễn xuất chưa tốt trong các video. Chỉ cần mắc 1 lỗi nhỏ, bị xịt hơi cay hoặc bỏ đói là chuyện bình thường.
Theo báo cáo điều tra của cảnh sát Arizona, 7 đứa trẻ buộc phải nghỉ học để chúng có nhiều thời gian diễn xuất trong các video Youtube của “mẹ Hackney”. Chúng cũng nhiều lần bị mẹ ép tắm nước đá để quay video.
Khi cảnh sát ập vào nhà Hackney và phát hiện ra lũ trẻ bị bỏ đói, cảnh tượng vô cùng đáng thương đã diễn ra: 1 đứa trẻ tu hết 3 chai nước trong chưa đầy 20 phút; 1 đứa trẻ khác được cảnh sát tặng khoai tây chiên nhưng không dám ăn vì sợ mẹ ngửi thấy và đánh đập; 1 đứa đã ngất xỉu vì không được cho ăn đã 2 hôm trước khi cảnh sát đến.
Hiện tại, Hackney đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra còn Youtube đã đình chỉ kiếm tiền trên kênh Fantastic Adventures.
Trên đây mới chỉ là 2 trong số vô vàn trường hợp trẻ em bị lạm dụng để kiếm tiền từ Youtube. Có thể khẳng định, việc phải diễn xuất và xuất hiện trước công chúng từ tấm bé ảnh hưởng tiêu cực đến tâm, sinh lý của trẻ. Nhiều chuyên gia tâm lý Singapore khẳng định, việc nổi tiếng và được tiếp xúc với tiền từ quá sớm sẽ khiến trẻ gặp nhiều rắc rối cũng như mất đi nét hồn nhiên ngây thơ. Ở lứa tuổi này, các em chưa đủ nhận thức để đương đầu với những mặt trái trong ngành giải trí, dễ tự mãn, trượt dài và mắc các thói hư tật xấu khi lớn lên.
(Tổng hợp)
Theo afamily
Bài đăng trên mạng xã hội tưởng như vô hại, nhưng chúng lại là mỏ vàng cho hacker
Để bạn có thể tự bảo vệ mình và nơi làm việc, hãy nghe lời khuyên từ một người thừa khả năng xem ảnh Facebook mà cũng hack được người khác.
Tự hào về môi trường làm việc của mình không phải điều gì đáng lên án. Tuy nhiên nếu bạn có thói quen selfie nơi công sở, chụp ảnh tập thể để lưu lại những khoảnh khắc vô tư chốn làm việc, thì những dòng dưới đây sẽ khiến bạn phải suy nghĩ đôi chút.
Hacker vẫn dạo quanh mạng xã hội để tìm kiếm ảnh, video hay bất cứ chi tiết gì có thể giúp đỡ họ trong công cuộc phá hoại. Cụ thể hơn, những nội dung bạn chia sẻ công khai trên mạng xã hội có thể bị biến thành công cụ tấn công nơi bạn làm việc.
Nếu bạn không tin, thì hãy cân nhắc tới việc ai đang đưa ra lời cảnh báo: tôi đang trích dẫn nội dung Stephanie Carruthers đăng tải trên Fast Company. Carruthers là thành viên cốt cán của đội hacker X-Force Red thuộc IBM, chuyên gia trong lĩnh vực đào bới bài đăng trên mạng xã hội để tìm ra những lỗ hổng bảo mật tiềm năng.
Dưới đây là những ý chính Stephanie "Snow" Carruthers nêu ra.
May mắn thay, trong trường hợp của tôi, những "nạn nhân" đang trả lương để tôi tấn công họ. Tên tôi là Snow, một thành viên của đội ngũ hacker cấp cao công tác tại IBM, đội của được biết tới với cái tên X-Force Red. Các công ty thuê chúng tôi về để tìm ra các lỗ hổng bảo mật trước khi kẻ gian có thể lợi dụng chúng.
Đối với tôi, điều này đồng nghĩa với việc lục lọi Internet để tìm kiếm thông tin, lựa cách lừa nhân viên tiết lộ ra những nội dung nhạy cảm, đôi khi còn là giả dạng để trà trộn vào đội ngũ nhân viên làm việc tại văn phòng.
Những bài đăng công khai trên mạng xã hội là một mỏ vàng đích thực, những chi tiết đó giúp ích rất nhiều trong những đợt "công kích" của nhóm. Ở nền của một tấm ảnh, có thể nhìn thấy rất nhiều thứ, từ thẻ an ninh cho tới màn hình laptop, hay thậm chí những tờ giấy nhớ ghi lại mật khẩu.
Không ai muốn trở thành lỗ hổng bảo mật cả. Vì thế, hãy để tôi giải thích cách những bài đăng tưởng như vô hại đó giúp chúng tôi - hay những kẻ gian tiềm năng khác - tấn công vào tổ chức của bạn.
Điều đầu tiên, bạn có thể ngạc nhiên vì thông tin này đấy: trong tổng số những lần rà soát mạng xã hội, thì 75% nguồn thông tin tới từ nhân viên mới hoặc thực tập sinh. Thế hệ trẻ ngày nay lớn lên cùng mạng xã hội, vậy nên họ hứng khởi chia sẻ những hợp đồng thực tập, những cơ hội việc làm mới ngay khi có thể.
Cộng thêm việc các công ty không ngay lập tức đào tạo nhân viên cách chú tâm tới vấn đề bảo mật, thảm họa sẽ sớm xảy ra.
Biết được điểm yếu này, cộng thêm những hashtag cụ thể nữa, cho phép tôi nắm được hàng tấn thông tin chỉ sau vài giờ. Những hashtag thường thấy như #job, #firstday, ... đi kèm với #têncôngty là ví dụ đơn giản nhất.
Tôi sẽ tìm gì trong những bài đăng như vậy? Có 4 loại bài đăng nhiều rủi ro nhất, tương đương với việc đem lại nhiều cơ hội cho hacker nhất.
Ảnh chụp tập thể
Ảnh của bạn với đồng nghiệp thân thiết khi nghỉ ăn trưa hay làm hoạt động gì đó cùng nhau chứa đựng nhiều thông tin hơn bạn tưởng. Ở phông nền tấm ảnh, chỉ cần xuất hiện một cái poster nêu lên sự kiện teambuilding sắp diễn ra, lịch trình họp hành gì đó hoặc địa chỉ email chẳng hạn, bạn sẽ đứng trước nguy cơ bại lộ những thông tin liên quan.
Đơn cử như trong trường hợp lộ mail, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được một email khả nghi nào đó mà khi ấn vào, bạn sẽ chính thức biến thành lỗ hổng bảo mật của công ty.
Các thứ thẻ mà công ty cấp cho nhân viên
Thoạt nghe thì điều này có vẻ hiển nhiên lắm, nhưng thực sự bạn sẽ bất ngờ tột độ khi thấy nhân viên mới chụp cận cảnh thẻ an ninh mới được cấp, nhất là khi mới nhận được thẻ hoặc khi mới nghỉ việc.
Chỉ cần biết vẻ ngoài của cái thẻ ra sao, việc tạo ra một sản phẩm y hệt không khó. Tôi có thể copy, paste xong tự in ra một cái thẻ y hệt với một khuôn mặt khác, chỉ mất vài phút là xong. Có thể cái thẻ này không hoạt động được trên máy quét, nhưng bạn sẽ lại bất ngờ một lần nữa khi biết: chỉ cần cười thủ tục, giơ thẻ ra cho nhân viên an ninh kiểm tra qua loa là có thể dễ dàng đi vào.
"Gửi nhật ký yêu thương, hôm nay tôi ..."
Khi nhân viên tính tới chuyện làm hẳn một video kể lể về một ngày làm việc dài ở công ty, hacker sẽ hí hửng vì vừa vớ bở. Qua nội dung đó, tôi biết được kiến trúc văn phòng, khu vực hạn chế ra vào, bảng đề chi tiết kế hoạch tương lai; xem video cũng đã tương đương với việc đột nhập vào công ty vậy.
Không chỉ thế, màn hình laptop có thể hiển thị những phần mềm bảo mật đã được cài đặt, qua đó tôi có thể gửi tới thiết bị một file độc hại ngụy trang dưới dạng cập nhật phần mềm bảo mật.
Những khiếu nại tưởng chừng chỉ là những lời cằn nhằn vô hại
Văn hóa "review" đã tồn tại từ lâu, có thể coi lời phàn nàn của khách hàng từ thời Ai Cập cổ đại chính là bản review đầu tiên con người từng thực hiện. Ai cũng có thể bị soi xét, công ty bạn không phải trường hợp ngoại lệ. Không cần biết thông tin lọt qua lối nào, tôi chỉ cần nắm rõ điều khiến nhân viên bất bình là sẽ có thể sáng tác được những nội dung độc hại, đánh đúng vào tâm lý nhân viên đang có.
Lấy ví dụ bằng một công ty từng thuê tôi về, nhân viên của họ phàn nàn trên mạng về chỗ đậu xe hơi ít, vậy nên tôi sáng tác ra một bức email trình bày về chính sách đặt chỗ đậu xe mới, đưa lời cảnh báo giả rằng mọi phương tiện nằm ngoài khu vực đỗ xe sẽ bị "cẩu" đi mất. Vô số nhân viên nhận được mail vừa hứng khởi vì có được chỗ đậu xe, lại vừa lo sợ xe bị nhấc đi mất, ngay lập tức ấn vào bản đồ chỗ đậu xe giả mà tôi tạo ra, được đính kèm theo mail. Không ai hay đó là một file độc hại.
Sau khi nghe loạt ví dụ trên, có thể bạn sẽ thắc mắc hacker muốn thâm nhập vào văn phòng bình để làm gì. Ngắn gọn mà nói, vào được trong bốn bức tường văn phòng, tôi đã có thể có được ít nhiều lòng tin. Từ thông tin nhạy cảm được ghi trên bảng phòng họp lẫn mật khẩu Wi-Fi được đính giữa thanh thiên bạch nhật, tôi phá bỏ được rào cản ngăn tôi với những bí mật của công ty.
Những bài đăng trên mạng xã hội có thể cho tôi đủ thông tin, đến mức không cần tới thăm văn phòng tôi cũng biết; bởi lẽ bằng nền tảng mạng xã hội, bạn đã cho tôi nhìn thẳng vào bên trong rồi.
Thế nên, trước khi chia sẻ những bài đăng liên quan tới công việc của bạn, hãy tự đặt câu hỏi: " Trong bài đăng này, liệu có điều gì mà mình không muốn anh hacker tên Snow hay biết không?".
Theo GenK
Cha mẹ YouTuber Hàn bị 'ném đá' vì bóc lột con, kiếm tiền tỷ mua nhà Cha mẹ của ngôi sao nhí 6 tuổi Boram từng dính bê bối lạm dụng con cái trước khi mua nhà tiền tỷ tại khu vực đắt đỏ nhất Hàn Quốc. Boram Family - công ty quản lý hai kênh YouTube của bé gái 6 tuổi Boram - đã mua một tòa nhà năm tầng trị giá 9,5 tỷ won (8,06 triệu USD)...