Gốc rễ chống Covid-19 thành công của Cuba
Cuba từ lâu đã tập trung vào công tác phòng dịch trong cộng đồng và điều đó giúp họ có thể nhanh chóng phản ứng hiệu quả trước Covid-19.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hồi đầu tháng 6 thông báo Covid-19 tại nước này đã được kiểm soát sau 8 ngày không ghi nhận bất kỳ ca tử vong mới nào do nCoV.
Thời điểm đó, quốc gia với 11,2 triệu dân ghi nhận hơn 2.200 ca nhiễm và 83 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng ba. Đến nay, sau gần ba tháng, Cuba báo cáo hơn 3.700 ca nhiễm và 91 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong chỉ là 8,02/1.000.000 dân, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nướ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latin.
Các bác sĩ Cuba ngày 8/6 trở về Havana sau hai tháng rưỡi hỗ trợ vùng Lombardy, Italy, chống Covid-19. Ảnh: AP.
Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 một lần nữa đưa hệ thống y tế Cuba lên bản đồ thế giới, giúp họ nhận về không ít lời tán thưởng.
Quy định bắt buộc đeo khẩu trang, cách ly nghiêm ngặt người nhiễm hoặc nghi nhiễm tại các cơ sở tách biệt và hình thức phạt tiền, thậm chí phạt tù người vi phạm các biện pháp an toàn sức khỏe đã góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan tại địa phương.
Nhưng với nhiều người, chính hệ thống y tế miễn phí toàn dân của Cuba mới là yếu tố chủ chốt giúp họ chống đỡ tốt trước đại dịch.
Một ấn phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng mô tả y tế của Cuba là “một trong những hệ thống hiệu quả và độc đáo nhất thế giới”. Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi nó là “hình mẫu” cho các quốc gia khác trên thế giới.
Bất chấp cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu kinh phí và hàng thập kỷ bị Mỹ cấm vận, Cuba vẫn có tỷ lệ bác sĩ cao nhất toàn cầu, với 8,4 bác sĩ trên 1.000 dân, theo Ngân hàng Thế giới.
Người dân Cuba có tuổi thọ trung bình đạt 79 năm, cao hơn mức trung bình thế giới là 73 năm và chỉ thấp hơn rất ít so với các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Thụy Sĩ hay Singapore. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Cuba cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Video đang HOT
Cuba lâu nay đã tập trung vào y học gia đình, công tác cộng đồng và phòng chống dịch bệnh. Họ duy trì mạng lưới gồm hàng trăm phòng khám đa khoa trên khắp đất nước, bên cạnh các văn phòng chỉ gồm một y tá một bác sĩ đặt ở hầu hết các khu dân cư.
Cách tiếp cận mang tính cộng đồng này đã phát huy tác dụng khi Covid-19 bùng phát.
Hàng chục nghìn bác sĩ, y tá gia đình và các sinh viên y khoa đã được điều động đến gõ cửa từng nhà mỗi ngày để kiểm tra xem người dân có bất kỳ triệu chứng nhiễm nCoV nào không, như ho hoặc sốt.
Cách làm như vậy giúp chính quyền phát hiện sớm các ca bệnh tiềm tàng và áp dụng kịp thời những biện pháp an toàn đối với người dân.
Đây là cách tiếp cận không mới ở Cuba. Các bác sĩ gia đình từ trước tới nay vẫn thực hiện các cuộc điều tra, thăm khám nhằm tìm ra những căn bệnh có thể lây truyền trong cộng đồng cư dân. Mỗi mùa thu, các nhân viên y tế lại đến từng nhà để kiểm tra những ca bệnh sốt xuất huyết, một sinh viên y khoa cho hay.
“Chúng tôi không sở hữu những công nghệ hiện đại như các nước giàu nhưng chúng tôi nắm trong tay lượng lớn nhân lực có trình độ cao với tinh thần đoàn kết và vì cộng đồng”, một bác sĩ thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe cho khu dân cư nói.
Lương của các bác sĩ Cuba không quá cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất tồi tàn cũng như thiếu nguồn cung y tế. Tuy nhiên, nhờ Trường Y khoa Mỹ Latinh (ELAM) danh tiếng, Cuba vẫn tiếp tục nuôi dưỡng được một lượng lớn sinh viên ngành y. Bên cạnh đó, các bác sĩ ở Cuba luôn nhận được sự tin tưởng và kính trọng của người dân.
Cuba bị nhiều nước chỉ trích vì áp dụng các biện pháp cách ly hà khắc với những người nghi nhiễm nCoV và người tiếp xúc với họ, thay vì chỉ yêu cầu họ tự cách ly ở nhà như hầu hết các nước khác vẫn làm. Dù vậy, hệ thống quản lý tập trung của Cuba giúp chính phủ có thể huy động nguồn lực nhanh chóng nhằm chiến đấu với đại dịch, các chuyên gia từ Đại học London (ULC) hồi tháng 6 nhận định trong một bài viết.
William Leogrande, chuyên gia về châu Mỹ Latinh tại Đại học Mỹ ở Washington, đồng tình cho rằng mô hình y tế của Cuba giống như được thiết kế riêng để đối phó Covid-19.
“Chúng ta đều biết rằng nhanh chóng xác định các ca nhiễm, truy tìm nguồn tiếp xúc và cách ly là cách duy nhất giúp ngăn chặn virus khi chưa có vaccine. Và vì phương châm của họ là phòng ngừa nên hệ thống y tế Cuba hoàn toàn phù hợp để thực hiện chiến lược ngăn chặn đó”, Leogrande nhận xét.
Kinh nghiệm y tế của Cuba không chỉ được ghi nhận ở trong nước. Khi các cộng đồng bản địa Canada hồi tháng 4 kêu gọi chính quyền liên bang giúp đỡ họ chống Covid-19, trong đơn kiến nghị có một lưu ý rằng: “Rất nhiều thủ lĩnh Manitoba yêu cầu các bác sĩ Cuba nhanh chóng tới hỗ trợ cộng đồng của họ”.
Thực tế, việc Canada, một quốc gia G20, yêu cầu được hỗ trợ nhân lực y tế từ Cuba, một quốc đảo nghèo khó và kém phát triển hơn nhiều, không phải điều quá bất thường.
Cuba có truyền thống gửi y bác sĩ ra nước ngoài hỗ trợ các nước khác trong cái gọi là “ngoại giao y tế”. Hơn 6 thập kỷ qua, các bác sĩ Cuba đã được điều tới khắp châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Tổng cộng, Cuba đã cử hơn 400.000 nhân viên y tế tới làm việc tại trên 160 quốc gia.
Các bác sĩ Cuba đã tới hỗ trợ Pakistan sau trận động đất thảm khốc hồi năm 2005, tới giúp đỡ Haiti chống dịch tả năm 2010 và tới Tây Phi chung tay chống đại dịch Ebola năm 2014.
Các cộng đồng bản địa Canada không phải những người duy nhất tìm kiếm sự giúp đỡ từ Havana để chống Covid-19.
Kể từ khi dịch bùng phát, các đội chuyên gia y tế Cuba đã được điều động tới trên 20 quốc gia, như Nam Phi, Mexico, Mozambique hay miền bắc Italy, nơi bị ảnh hưởng nặng nền nhất bởi dịch bệnh ở châu Âu. Họ phối hợp với các y bác sĩ địa phương điều trị cho bệnh nhân, bất chấp rào cản về ngôn ngữ.
Cuba mới đây tặng Việt Nam hàng nghìn lọ thuốc giúp điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, một đoàn chuyên gia y tế Cuba cũng đã được cử đến Việt Nam để hỗ trợ chống dịch. Trong thời gian cách ly y tế theo quy định tại Học viện Quân y, các chuyên gia này thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch trực tuyến với các bác sĩ quân y Việt Nam. Sau cách ly, đoàn chuyên gia Cuba sẵn sàng vào vùng tâm dịch cùng các y bác sĩ Việt Nam.
Số lượng yêu cầu giúp đỡ được gửi tới Havana lớn đến mức Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Angel Portal Miranda hồi cuối tháng ba phải viết trên Twitter rằng: “Cuba đã dang rộng cánh tay của mình không ít lần nhưng chưa bao giờ làm điều đó nhiều và trong thời gian ngắn như hiện nay”.
Sự tham gia vào nỗ lực chống dịch bệnh toàn cầu đã giúp “đội quân áo blouse trắng” của Cuba nhận được không ít lời khen ngợi từ quốc tế cũng như lời cảm ơn từ những cộng đồng địa phương mà họ đã giúp đỡ.
Cuba cử 'đội quân áo choàng trắng' tới hỗ trợ Ý chống COVID-19
Cuba từng cử các "đội quân áo choàng trắng" tới các nước gặp thảm họa, chủ yếu là hỗ trợ các nước nghèo.Đây là lần đầu tiên họ tới hỗ trợ Ý, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.
Các bác sĩ Cuba cầm ảnh của nhà lãnh đạo Castro trong lễ tiễn lên đường tới Ý ở Havana hôm 21-3 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 22-3 đưa tin Cuba đã cử một đoàn bác sĩ và y tá tới Ý lần đầu tiên vào cuối tuần này, để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19 theo đề xuất của chính quyền vùng Lombardy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Ý hiện nay.
Quốc gia vùng Caribe này từng cử các "đội quân áo choàng trắng" tới các nước gặp thảm họa, chủ yếu là hỗ trợ các nước nghèo, kể từ cuộc cách mạng Cuba năm 1959. Chẳng hạn các bác sĩ Cuba từng ở tuyến đầu chống dịch tả ở Haiti và chống Ebola ở Tây Phi trong thập niên 2010.
Với hơn 50 y bác sĩ được cử đi trên, đây là lần đầu tiên Cuba cử một đội nhân viên y tế khẩn cấp tới nước Ý, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, cho thấy khả năng "ngoại giao y tế" của Cuba.
Đây là đoàn y bác sĩ thứ 6 mà Cuba gửi tới các nước để hỗ trợ chống dịch COVID-19 những ngày qua. Các nước khác có y bác sĩ Cuba tới hỗ trợ chống COVID-19 là Venezuela, Nicaragua, Jamaica, Suriname và Grenada.
"Tất cả chúng tôi đều lo sợ, nhưng vì chúng tôi phải hoàn thành nghĩa vụ cách mạng nên chúng tôi đã gạt nỗi sợ sang một bên" - Leonardo Fernandez, 68, một chuyên gia về chăm sóc tăng cường, chia sẻ hôm 21-3 ngay trước khi lên đường.
Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu. Nước này đã ghi nhận 4.825 ca tử vong do COVID-19 (cao nhất thế giới) và 53.578 ca nhiễm.
Giulio Gallera, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Lombardy, đã nhờ các y bác sĩ Cuba tới hỗ trợ. Tuy nhiên, không rõ có thỏa thuận nào giữa họ hay không.
Cuba đã xây dựng được một hệ thống chăm sóc sức khỏe mà nhiều quốc gia đang phát triển từng thèm muốn, nhờ vào sự hỗ trợ kinh tế từ Liên Xô trước đây.
Tuy nhiên nhiều bệnh viện Cuba hiện nay đã xuống cấp và người Cuba cho biết họ khó tiếp cận thuốc men. Đây là một tình cảnh mà theo chính quyền Havana phần lớn là do lệnh cấm vận nhiều thập niên của Mỹ, còn theo giới phân tích là do nền kinh tế không hiệu quả của Cuba.
Cuba là một trong những quốc gia có tỉ lệ bác sĩ bình quân đầu người cao nhất thế giới. Và các "đội quân áo choàng trắng" đã góp phần xây dựng hình ảnh của Cuba.
Cuba đang tăng cường nhiều biện pháp đối phó COVID-19. Số ca nhiễm ở nước này tới nay là 25 ca.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm 20-3 cho biết nước này sẽ đóng cửa biên giới, cấm người nước ngoài không phải thường trú nhân nhập cảnh từ ngày 24-3, một biện pháp được đánh giá sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế và ngành du lịch của Cuba.
BÌNH AN
Chủ tịch Cuba lên tiếng về vụ tấn công sứ quán Cuba ở thủ đô Washington Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel gọi vụ nổ súng tại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington của Mỹ là vụ tấn công khủng bố. Vụ xả súng được thực hiện tuần trước bởi Alexander Alazo, 42 tuổi, gốc Cuba vào rạng sáng ngày 30/4. Tay súng đã sử dụng một khẩu súng trường bắn vào cổng ra vào sứ quán Cuba...