Góc khuất kiếm bộn tiền của dịch vụ hỏa táng
Ngày nay, hỏa táng người chết được cho là một hình thức an táng văn minh, tiết kiệm chi phí cho tang chủ. Trong những năm gần đây, số gia đình chọn hình thức hỏa táng khi có người thân mất đi tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên, chủ trương thì rất đúng, nhưng liệu có phải, tang chủ nào cũng gặp thuận lợi khi chọn hình thức an táng này hay không thì lại là chuyện khác.
Theo giới thiệu của nhân viên nhà tang lễ thì thủ tục làm lễ hỏa táng khá đơn giản. Gia đình chỉ cần mang giấy chứng tử có dấu xác nhận của chính quyền địa phương hoặc bệnh viện đến là có thể đăng ký thực hiện. Giá cả và tiền dịch vụ sẽ được thỏa thuận theo khung giá chung của nhà tang lễ. Thế nhưng, sự thực lại khác xa lời nhân viên nói.
Tư vấn hoả táng – có như không?
Trong vai người có nhu cầu đặt chỗ để làm lễ hỏa táng cho người quen mất, chúng tôi có mặt tại đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) để được tư vấn về các thủ tục cần thiết. Khi có mặt, cũng vừa lúc diễn ra hai đám tang khiến không gian của khu vực đài hóa thân Hoàn Vũ dường như chật lại. Từng dòng người mỗi nơi đổ về ngày càng đông, nét mặt của các tang chủ cùng khách viếng thể hiện nét tôn nghiêm và nuối tiếc khi chuẩn bị tiễn đưa người thân về bên kia thế giới.
Theo quan sát của PV, khuôn viên đài hóa thân khá rộng, được bố trí thành 2 phòng lớn để tang chủ đón tiếp khách cũng vừa là nơi làm lễ truy điệu người đã khuất. Mỗi một đám tang chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 20 – 30 phút là hoàn tất các thủ tục trước khi đưa xác vào hỏa táng. Sau đó, người nhà tang gia tùy nghi di tản và chờ lấy hài cốt theo nhu cầu, tuân thủ theo các quy định của ban tổ chức lễ tang.
Đài hoá thân Hoàn Vũ Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Đang lớ ngớ và tỏ ra bị “ngợp” trước độ “hoành tráng” của đài hóa thân Hoàn Vũ, tôi được một chủ quán nước ở khu vực cho biết: “Hôm nay vắng đấy, mọi hôm, cuối giờ chiều vẫn đông nghịt người. Mà chưa hết đâu, vẫn còn vài ba đám nữa đang trên đường xuống. Thế chú là người quen của đám trước hay đám sau?”. Khi biết ý định của khách, người bán nước bật mí: “Trong mấy năm gần đây, số lượng người chọn hình thức hỏa táng ngày càng tăng. Bởi vậy, các dịch vụ ăn theo cũng ngày càng nở rộ. Do đặc thù của hình thức hỏa táng nên các dịch vụ tang lễ ở đây cũng có nhiều điểm khác so với các hình thức an táng khác. Nếu không nắm rõ các quy trình cụ thể, tang chủ không những lúng túng trong xử lý tình huống mà có thể còn mất tiền oan cho các loại “cò” nhà tang lễ.
Theo quan sát của PV, đồ lễ phục vụ cho việc hỏa táng đều được ban tổ chức lễ tang ở đây chuẩn bị rất chu đáo, đáp ứng mọi nhu cầu của tang chủ. Trong phòng dịch vụ không thiếu bất cứ thứ gì từ quan tài, quách, tiểu… cho đến bát hương, nhang đèn. Mỗi thứ đều được niêm yết giá cụ thể với mức cao thấp, khác nhau tùy loại. Tuy nhiên, giá cả ở đây so với giá thị trường lại cao hơn hẳn, có sản phẩm cao hơn mấy chục phần trăm. Đa số người bán nước nơi đây đều khuyên, có thể mua được cái gì ở ngoài thì nên mua vì giá cả ở ngoài vừa rẻ, chất lượng lại chẳng thua kém gì.
Video đang HOT
Tiếp tục tìm tới phòng ký hợp đồng để hỏi các thủ tục cần thiết, chúng tôi chứng kiến, nhân viên ở đây chăm chú đọc báo, chẳng cần quan tâm xem khách cần gì, khi vừa mở lời thì chị này chặn ngay: “Thế người nhà đã mất chưa”. Nhận được câu trả lời: “Người nhà đang nguy kịch, em đến hỏi cặn kẽ các thủ tục trước” thì chị này nhát gừng: “Thế thì cứ đợi mất đã, sau đó mang ngay giấy báo tử, có dấu xác nhận của chính quyền hoặc bệnh viện tới đây càng sớm càng tốt. Nếu gia đình xem “thầy” thì cứ xem xét cẩn thận rồi đến đây ký hợp đồng”. Nói xong, nữ nhân viên này lại tiếp tục đọc báo, không giải thích gì thêm về các thủ tục cần thiết, công đoạn ra sao. Chưa hiểu sự việc ra sao, chúng tôi tiếp tục hỏi giá cả thì người này hất hàm, ngước mắt nhìn lên tấm bảng chi chít chữ cách đó không xa nhấn mạnh: “Tất cả đều được ghi chép trên đó, cần thì lấy bút ra mà ghi”, vừa dứt lời chị ta lại tiếp tục “cắm mặt” vào tờ báo.
Nhìn vào bảng giá với “ma trận” dịch vụ, các loại sản phẩm phục vụ công tác hỏa táng khiến chúng tôi hoa cả mắt. Muốn hiểu tường tận bảng này, chắc phải mất mấy giờ ghi chép, nhẩm tính, cộng dồn mới có thể áng chừng số tiền mà mỗi gia chủ phải bỏ ra. Từ chỗ là người cần được tư vấn, vậy mà khi tiếp xúc với người của ban tổ chức lễ tang, chúng tôi rơi vào tình trạng hụt hẫng bởi “cần tư vấn mà có cũng như không”. Thử hỏi, với những người có nhu cầu thật sự, trong lúc tang gia bối rối, gặp kiểu tiếp khách, ứng xử như vậy, họ sẽ ra sao khi phía trước là cả chặng đường dài cần phải giải quyết? Đó còn chưa kể tới, khi đề cập tới thủ tục đặt chỗ làm lễ hỏa táng, nhân viên ở đây cho biết: “Anh về xem ngày, chọn giờ trước, sau đó đến đây đặt lịch và thống nhất ngày giờ làm lễ hỏa táng với ban tổ chức. Các thủ tục còn lại, nếu gia đình có nhu cầu, chúng tôi sẽ lo chu đáo tất cả mọi chuyện, gia đình hoàn toàn có thể yên tâm”.
Những khoản phí không niêm yết
Theo chỉ dẫn của nhân viên phòng hợp đồng tang lễ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát giá các loại dịch vụ được niêm yết trên bảng giá của đài hóa thân này. Theo đó, có hai loại dịch vụ là dịch vụ trước lễ hỏa táng và dịch vụ sau hỏa táng. Dịch vụ sau hỏa táng được niêm yết khá cẩn thận và chi tiết với đủ các sản phẩm và loại hình khác nhau. Tuy nhiên, dịch vụ trước lễ hỏa táng lại rất sơ sài, chỉ gồm giá hỏa táng và giá thuê xe. Trong khi đó, những khoản phí phát sinh trong quá trình diễn ra lễ tang thực sự rất nhiều và những khoản đó đều không được niêm yết khiến cho nhiều tang chủ hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Th. – một “cò” hoả táng người chết trong khu vực cho biết: “Mặc dù hiện nay đài hóa thân Hoàn Vũ đã được tăng cường thêm các lò hỏa táng nhưng vì ngày càng nhiều người chọn hỏa táng nên đôi khi xảy ra tình trạng quá tải. Trong khi đó, tất cả các gia đình đều “xem giờ đẹp” để làm hỏa táng nên dẫn đến chuyện trùng giờ, trùng ngày. Nhiều gia đình vì muốn hỏa táng đúng giờ đẹp đành phải lùi lại giờ, lùi lại ngày hoặc không thì phải chấp nhận tổ chức vào đêm khuya rất phiền phức. Vì vậy, tốt nhất là nên đặt lịch càng sớm càng tốt, bởi lẽ nhiều gia đình mất mấy ngày mà không chọn được giờ hỏa táng phù hợp”. “Nếu gia đình có việc, cần giúp đỡ thì cứ alo ngay cho chị, mọi cái để chị lo liệu, còn chi phí sẽ theo giá chung của thị trường, em không phải lo hơn thiệt gì đâu” – cò Th. nhấn mạnh.
Anh Đặng Thái H. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người vừa mới làm lễ hỏa táng cho người thân ở đài hóa thân Hoàn Vũ cho biết: “Giá dịch vụ mà người ta tư vấn cho tôi trọn gói vào khoảng 13 – 15 triệu đồng”. Mọi việc sau đó đều do ban tổ chức lễ tang làm hết, mình chỉ cần trả tiền và thụ hưởng dịch vụ. Mặc dù vẫn có một số công đoạn không thật sự hài lòng một cách mỹ mãn nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc phát sinh đối với những đám hỏa táng khác ở chỗ, nếu họ không ký hợp đồng trọn gói mà chỉ lựa chọn từng phần sẽ có những khoản đội giá rất lớn (tăng khoảng từ 3 – 5 triệu đồng), khiến không ít tang chủ phải giật mình.
Anh Nguyễn Trung T. ở quận Hà Đông, Hà Nội phân trần: “Tôi đã tìm hiểu và được tư vấn về các thủ tục hỏa táng, nhưng cũng không thể hình dung hết “chiêu trò” kiếm tiền từ các tang chủ của đài hoá thân. Cụ thể, khi tôi đến tư vấn, họ khuyên nên mua áo quan của họ để tiện cho việc hỏa táng. Tuy nhiên, do nghĩ rằng sẽ mất công thuê xe lên tận đó chở áo quan về nên tôi đã mua áo quan ở cơ sở gần nhà. Khi thực hiện hỏa táng, họ thu thêm của tôi 300.000 đồng phí áo tang khác chủng loại so với áo tang họ quy định. Khi tôi hỏi lý do thì họ cho biết, phí này sẽ được tính như là phí kiểm tra và sửa lại cho hợp với việc hỏa táng (như tháo đinh, tháo những bộ phận trang trí trên áo quan…). Tiền đội giá so với giá niêm yết lên tới 30%, chưa kể phí phát sinh ngoài luồng.
Tiếp đến, mặc dù bảng biển đề chờ lấy tro ngay trong ngày với khoản phí là 200.000 đồng, thế nhưng lại có rất nhiều chuyện xoay quanh đó. Họ lại viện lý do đông, không kịp thời gian như yêu cầu… chỉ với mục đích kênh thêm tiền. Nếu tang chủ gật đầu đồng ý thì mọi chuyện sau đó lại đâu vào đấy?”.
Phải chịu thêm những khoản phí bất ngờ Anh T. tâm sự: “Khi một người thân trong gia đình mất, mọi người rất bối rối nên xử lý công việc theo kiểu “chỉ đâu, đánh đấy”. Chúng tôi đến nhờ nhân viên tư vấn, họ bảo trọn gói là ngần này tiền với những thủ tục cụ thể. Thế nhưng, khi nhiều khoản lạ phát sinh, hỏi ra thì họ bảo thế này, thế kia. Đúng vào thời điểm tang gia bối rối, họ nói gì, tang chủ nghe vậy”.
Theo Quỳnh Chi – Phạm Văn
Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 2): Nghề sống nhờ xác chết
Trong giới dịch vụ mai táng, chỉ có những người tẩm liệm và bốc mộ mới tiếp xúc trực tiếp với xác chết. Trong suy nghĩ của nhiều người, đó là cái nghề kinh dị.
Ông Cao, người liệm xác lâu năm của trại hòm Vạn Phước
Ông chủ Chiêu của trại hòm Vạn Phước cho tôi biết dịch vụ mai táng bắt đầu bằng việc tẩm liệm cho người chết cho đến lúc an táng. Nhà nào gọi điện đặt hàng, trại hòm lập tức cử người đến. Trước đây người trang điểm, tẩm liệm hành nghề riêng biệt, nay dịch vụ phát triển, các trại hòm kiêm luôn việc này.
Kỹ nghệ tẩm liệm
Hôm đó, tôi được đi cùng với ông Cao, một "chuyên viên" tẩm liệm, trang điểm của trại hòm. Ông Cao ngoài 50 tuổi, người dong dỏng, da ngăm đen, ánh mắt đục ngầu đặc trưng của dân hành nghiệp xác chết. Nhưng ông có giọng nói nhỏ nhẹ rất tình cảm. Khổ chủ hôm ấy là một người trẻ, chết vì tai nạn giao thông. Trước khi đi ông dặn kỹ, không được chụp hình lúc liệm xác, vì đó là điều cấm kỵ của cả dân nghề lẫn gia chủ. Căn nhà nhỏ nghi ngút nhang khói, tiếng khóc sụt sùi. Ông Cao vừa rít xong điếu thuốc, xoa hai tay vào nhau tiến lại cái giường nhỏ. Thuần thục và nhanh gọn như lập trình, ông cởi bỏ quần áo của người chết, dùng từng miếng bông gòn lớn thấm thứ chất lỏng gồm nước ấm và rượu lướt đều trên từng phần thi thể. Tôi thoáng rùng mình ngó trúng cặp mắt người chết hãy còn trợn ngược trên khuôn mặt trắng ệnh của người chết. Ông khẽ dùng tay vuốt cặp mắt ấy nhắm nghiền lại. Chưa đầy 15 phút, thi thể co quắp đã mềm mại, hai tay gác lên bụng, tươm tất bộ áo quan, như người đang ngủ.
Tôi thắc mắc tại sao gia đình không vuốt mắt thì được ông cho biết nhiều gia chủ sợ không dám vuốt."Chấn thương nội, có lẽ bị xuất huyết não. Thôi thì cũng mừng vì ra đi còn nguyên vẹn"-ông tỉnh bơ chia sẻ. 30 năm làm nghề, tẩm liệm hàng trăm hàng ngàn người chết, ông ớn nhất là xác tai nạn. Có lần liệm cho một người bị tàu hỏa cán làm ba khúc. Ông phải nhặt từng bộ phận đem về ghép lại cho vào bao ni lông rồi bỏ vào quan tài. Loại thi thể thứ nhì mà ông ái ngại là chết trôi và người bị AIDS giai đoạn cuối. Ông kể có lúc đang rửa, da tróc ra từng mảng, thịt thối rửa lở loét bốc mùi tanh tươm."Mấy ngày đầu đi làm, về ói mửa suốt ngày, không ăn uống gì được"-ông kể-"Giờ quen rồi, ngày nào cũng liệm xác, có ngày liệm vài đám".
Phu đào mộ trong giờ rảnh rỗi ở nghĩa trang Gò Dưa
Tôi thoáng thấy trong lỉnh kỉnh đồ nghề ông mang theo có mấy hộp đựng son phấn. "Cái này là để trang điểm cho người chết nếu gia chủ yêu cầu. Hồi trước cũng có nhiều người theo nghề chuyên biệt nhưng nay không còn nữa, trại hòm kiêm luôn"-ông phân tích. Xác chết dù là nam hay nữ đều dùng loại son phấn này. Mặt người chết hầu hết vàng ệnh, môi thâm tím. Ông sẽ phớt lớp phấn nhẹ lên mặt, tô son môi người cho hồng hào. Có nhiều người chết kỳ lạ, mắt vuốt mãi không khép, cứ dựng ngược lên. Phải lấy giấy tẩm rượu đốt huơ lên cho mí mắt mềm ra, lúc đó mới vuốt xuống được. "Thời này ít ai yêu cầu trang điểm, chỉ khi gặp xác chết "xấu" quá, cần xử lý lại cho tươm tất thì mới phải làm"-ông Cao tâm sự. Khó nhất là trang điểm cho những xác giữ lâu. Những người này thường là gia đình giàu có hoặc thân nhân ở nước ngoài. Ngoài việc trang điểm kỹ lưỡng đặt trong quan tài bằng kính để lộ mặt, xác còn phải được bảo quản bằng một công nghệ cực kỳ công phu. Xác chết muốn giữ được lâu phải tiêm ít nhất một lít Phoóc-môn vào vùng mặt và vùng bụng để giữ cho da dẻ hồng hào và vi khuẩn chậm phân hủy. Ngoài ra, còn phải lót xung quanh xác cả chục ký đá khô để giữ lạnh và mỗi ngày phải thay đá một lần. Giá mỗi lít Phoóc-môn như vậy giá 1 triệu đồng, đá khô thì 500 ngàn đồng, do trại hòm đặt từ Đài Loan mang về. Đám càng giàu, càng để lâu thì càng cần nhiều đá. Ông kể vừa đi làm cho đám nhà đại gia, dùng hết 100 ký đá, giữ xác cả tuần lễ để chờ con cháu nước ngoài về dự. Chỉ riêng tiền "ướp xác" cũng đã ngốn gần trăm triệu bạc.
Tiện miệng tôi hỏi luôn giá cả khâu tẩm liệm, ông Cao cười tâm sự, người tẩm liệm chỉ nhận tiền trả ơn của gia chủ, không có giá cố định. Thường thì vài trăm ngàn, đám nào "xộp" thì cỡ một triệu. Có đám nghèo quá quên luôn hậu tạ, ông cũng chẳng bao giờ phàn nàn. "Mình làm phước, có tiền hay không thì cũng phải nhẹ nhàng cẩn trọng để người ra đi yên lòng. Nghĩa tử là nghĩa tận mà"-ông nói nhẹ nhàng.
Nỗi buồn phu bốc cốt
Ngoài việc tẩm liệm, trước đây ông Cao từng hành nghề đào huyệt mộ, bốc cốt... tất tần tật những gì liên quan đến xác chết. Bây giờ đã vào "biên chế" trại hòm, công việc bó hẹp lại. Việc bốc cốt giờ đây cũng do các nghĩa trang tự đảm nhận, không còn bát nháo như trước. Từ chỉ dẫn của ông, tôi đến nghĩa trang Gò Dưa, Q.Thủ Đức. Gặp tôi, ông Sáu Trung, 54 tuổi, một phu đào mộ lâu năm ở nghĩa trang cười rất tươi. Ông già hiền lành đen nhẻm. Ở nghĩa trang này, ông cùng con trai chuyên chăm sóc mộ, đào huyệt và cả bốc cốt, một nghề cha truyền con nối. Ông Trung đã gắn bó với nghĩa trang Gò Dưa gần 25 năm. "Làm nghề này là hưởng lộc người chết để lại, hoa quả trái cây nhiều lắm. Nghề bốc cốt nó vậy, làm cái người ta không dám làm, ăn cái người ta không dám ăn"-ông lởi xởi nói rồi lấy dĩa trái cây trên mộ mời khách.
Một cảnh tẩm liệm cho người chết
Nghĩa trang Gò Dưa có hàng ngàn mộ, việc chăm sóc, đào huyệt và bốc cốt có hàng chục người làm, do ban quản trang quản lý. Hồi chưa vào nghĩa trang ông từng đi hành nghề bốc cốt. Danh tiếng ông "nổi" tới mức gặp "ca khó" người ta nghĩ ngay đến tên ông. Ông kể, khó nhất là mộ lính cũ được chôn trong thùng kẽm, đào đất xong phải khoan cắt. Hay những ngôi mộ bằng bê tông chắc, phải đào lỗ chuột, thò tay vào lần mò bên trong lấy ra từng khúc xương. Thấy tôi lợm giọng, như để tăng thêm phần kinh dị, ông Trung cười ha hả vỗ đùi nói: "Nhằm gì. Nhiều xác xương còn dính vào thịt, phải dùng tay gỡ ra".-ông kể tiếp: Có nhiều hài cốt chôn cất thế nào không biết, thịt đã ra hết thành đất, duy chỉ còn cái hộp sọ là vẫn còn não và mắt nhầy nhục bên trong. Mỗi lần như thế, phải cho nước vào bên trong lắc mạnh cho đến khi thứ dịch nhầy nhụa ấy chảy ra hết mới thôi. Có lần ở Long An, nhóm ông nhận bốc mộ giữa cánh đồng nước. Vừa đào mộ lên gặp ngay cái xác nữ trong bao ni lông nổi lềnh bềnh. Nhóm ông phải khuân cái xác lên, tát hết nước trong mộ rồi chôn lại.
Theo lời ông, nghề bốc cốt hãi hùng như vậy nên không nhiều người dám làm. Hồi thập niên 80, 90 thế kỷ trước, giá mỗi lần bốc cốt rẻ cũng năm trăm ngàn đồng, đắt thì một triệu, số tiền không nhỏ. Bây giờ đã vào nghĩa trang, gia đình bốc cốt có hợp đồng, nghĩa trang cho lại bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Cộng với việc chăm mộ và đào huyệt, ông cũng đủ nuôi gia đình. "Làm cái nghề này chỉ mong đủ sống, chứ có ai mong giàu. Mình làm cả đời có khi không bằng người ta bỏ tiền chôn một đám"-ông nói rồi kể. Hơn chục năm trước, ông chứng kiến một lễ chôn cất của một cô gái bị bệnh chết trẻ ở Bình Thạnh. Cả nhà cô đều định cư bên Pháp, của cải ê hề. Gia đình chôn theo người chết cả trăm cây vàng, đeo và rải quanh người. Quan tài người chết được đúc bê tông thành khối dày cả mét bao quanh rồi chôn xuống đất. Sau này bốc mộ, người ta thuê cả xe cầu trọng tải lớn mang khối bê tông ấy xuống Bình Dương chôn cất. "Đó chú thấy, người chết giàu gấp trăm người sống. Đời nó vậy buồn làm chi"-chỉ vào người con trai đang cặm cụi bên mấy ngôi mộ, ông tiếp: "Tui vào nghề hồi nó biết chạy. Giờ nó cũng đã theo nghề hơn chục năm rồi. Cả nhà bốn miệng ăn nhờ cả vào nó".
Tôi hỏi tiếp xúc với xác chết, với xương cốt hoài ông ám ảnh không? Thì ông cười xòa làm riết rồi quen. Người chết không sợ, chỉ sợ người sống. "Làm cái nghề này riết người ta gọi mình là "cô hồn sống", chẳng ai dám lại gần"-ông Trung cười chua chát. Đã chọn nghề này là chấp nhận cô đơn, buồn tủi. Ông nói hàng ngày hai cha con chỉ có nhau là bạn, quân quẩn ở nghĩa trang nói chuyện với nhau. Riết rồi nghĩa trang như nhà, xã hội bên ngoài nhiều khi cha con ông không biết đến. "Ai cũng lo sợ xa lánh thì lấy ai lo cho người nằm xuống? Nhiều lúc cũng muốn kiếm nghề khác làm nhưng lại thấy bứt rứt. Thôi thì mình cứ làm thôi, coi như lấy việc phúc làm của cho con cháu"-ông nói rồi lặp lại giọng cười hiu hắt.
Theo Xahoi
Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo Trong vô số dịch vụ tiễn đưa người đã khuất, họ đạo là nghề cực nhọc nhất. Nhưng đó chỉ là phần nổi... Đưa vào lò hỏa táng LTS: Sài Gòn mỗi năm có chừng 40 ngàn người chết, nhẩm sơ sơ, mỗi ngày có gần 110 con người vĩnh biệt thành phố sang bên kia thế giới. Tổ chức đám ma, an...