Góc giải đáp: Có nên dùng máy phun sương tạo ẩm không, và chị em phải dùng sao cho đúng cách?
Hè về rồi, chị em lại nháo nhào mua máy phun sương tạo ẩm dùng cho mát mẻ, nhưng sự thật thì món này có cần thiết như lời đồn?
Ngay từ khi máy phun sương tạo ẩm bắt đầu được phổ biến tại Việt Nam, nhiều chị em đã không khỏi lo lắng rằng, liệu làn sương đó có thực sự tốt như quảng cáo hay sẽ lại gây thêm nhiều vấn đề khác. Câu trả lời hóa ra không đơn giản như tưởng tượng đâu.
Máy phun sương tạo ẩm là gì? Có bao nhiêu loại?
Về cơ bản, máy phun sương tạo ẩm đều có tác dụng chính là thổi ra một làn hơi nước nhỏ li ti vào không khí để giảm độ khô, được quảng cáo là để dùng với điều hòa và giảm nhiệt độ phòng khi trời nóng.
Máy phun sương hiện có khoảng 4 loại, loại thì dùng quạt để thổi hơi nước, loại thì dùng nhiệt để làm nước bốc hơi, nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là sử dụng sóng siêu âm để “bắn” các giọt nước vào không khí. Loại này ưu điểm nổi trội là giá thành có thể rất rẻ lại đảm bảo an toàn nếu nhà có trẻ nhỏ, đồng thời còn có thêm nhiều tính năng khác, hoặc dùng thay đèn xông tinh dầu cũng được.
Liệu máy phun sương tạo ẩm tốt thật sự, hay lại “chữa lợn lành thành lợn què”?
Có nên dùng máy phun sương tạo ẩm không?
Câu trả lời là có và không. Có là vì những sản phẩm loại này, dù giá rẻ chỉ độ 200.000 đồng thôi, thì cũng hoạt động đúng theo yêu cầu – phun hơi nước để tạo ẩm và giảm nhiệt độ phòng nhanh chóng. Không là vì chị em phải thật cẩn thận trong khi dùng nếu không muốn “lợn lành thành lợn què”.
Về cơ bản, đúng là làn hơi nước, kết hợp với khí lạnh từ điều hòa, sẽ giúp chúng ta cảm thấy mát mẻ hơn nhanh chóng. Chị em cứ thử tưởng tượng đang đi ngoài trời nắng mà lướt qua một dàn phun sương của cửa hàng nào đó là biết, rõ ràng mát hơn hẳn dù chỉ tiếp xúc vài giây ngắn ngủi. Ngoài ra, không khí lạnh từ điều hòa thường rất khô, dễ làm nứt nẻ da, môi hoặc nặng hơn là làm người bệnh mãn tính thêm hen suyễn, dị ứng hay viêm xoang, nhất là trẻ em và người già.
Hơi nước đúng là có tác dụng tốt, nhưng cách chúng ta sử dụng mới là điều quan trọng.
Tuy nhiên, máy tạo ẩm không khí, dù là loại nào đi nữa thì cũng chỉ được sử dụng trong môi trường khô ráo. Nếu độ ẩm không khí quá cao trong một căn phòng kín thì dễ phản tác dụng, gây khó thở, bí bách và thậm chí còn khiến các bệnh hô hấp nặng thêm và nhiều tác hại khác chẳng kém gì trời nồm cả.
Vậy dùng sao cho đúng?
Khi dùng máy tạo ẩm mà không bật điều hòa, chị em cần lưu ý phải mở cửa/cửa sổ cho thoáng để hơi ẩm bay ra ngoài. Những căn phòng có nhiều đồ gỗ, đồ điện tử như TV, máy tính, loa đài hay chăn mền loại dày cũng không phải nơi phù hợp để dùng máy phun sương tạo ẩm thường xuyên vì dễ gây hỏng hỏng, ẩm mốc cực kì khó chữa.
Nếu kết hợp với điều hòa cũng cần cài đặt mức phun sương vừa phải, tránh để mức tối đa vừa tốn điện vừa nhanh cạn nước. Nhiều chị em cũng đã để ý, phun sương quá nhiều trong phòng điều hòa kín cả ngày thậm chí còn gây hại hơn cho những người bị bệnh hô hấp.
Video đang HOT
Dùng máy tạo ẩm trong phòng có nhiều đồ gỗ, chăn nệm dày hay gần đồ điện tử là điều tối kị.
Có một cách đơn giản mà cực hay để biết liệu không khí có đang quá ẩm không, là đặt một chiếc gương nhỏ ở gần máy phun sương. Khi nào mà bề mặt gương bị mờ hết, không tự bốc hơi được nữa thì chính là thời điểm cần tắt ngay máy đi. Ngoài ra, chị em có thể mua thêm ẩm kế để đo độ ẩm mọi lúc một cách tiện lợi. Ngưỡng an toàn và thoải mái nhất là vào khoảng 50 – 70%, cứ theo đó mà chỉnh mức độ phun sương cho vừa vặn là được.
Một lưu ý khác là về nguồn nước sử dụng. Chị em chỉ nên dùng nước đã qua hệ thống lọc để tạo hơi ẩm, vì nguồn nước máy hiện có thể không đủ sạch, chứa nhiều cặn bẩn, chất tẩy rửa dư thừa như Clo mà đều không hề tốt cho sức khỏe nếu phải hít vào phổi thường xuyên.
Chỉ nên dùng nước lọc cho máy tạo độ ẩm, tránh dùng nước máy chưa qua xử lý vì sẽ tạo cặn bẩn sau thời gian dài và khiến chất bẩn phân tán vào không khí.
Hơn nữa, chị em đặc biệt lưu ý phải thường xuyên rửa sạch chiếc máy trước khi thêm nước hoặc sau thời gian dài không sử dụng. Nếu không, vi khuẩn và nấm mốc sẽ dễ dàng sinh sôi nảy nở bên trong lòng máy rồi từ đó khuếch tán vào không khí.
Cũng vì lý do trên, tốt nhất khi đi mua, chị em nên chọn loại máy nào dễ dàng lau rửa, có phần bình chứa nước nhìn thấy rõ bằng mắt thường để tiện bề quan sát xem có cặn bẩn hay nấm mốc bên trong không.
Một chiếc máy tạo độ ẩm nhỏ xinh là cần thiết, nhưng lợi hại ra sao thì “bàn tay ta làm nên tất cả”.
Vậy đấy, chị em à, các loại máy phun sương tạo độ ẩm có tốt hay không, cuối cùng đều phụ thuộc hoàn toàn vào cách chúng ta sử dụng nó!
Một đám mây thì nặng như thế nào?
Mây trông có vẻ nhẹ như bông, nhưng trung bình một đám mây thường nặng trên 450 tấn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi một đám mây có khối lượng là bao nhiêu không? Rõ ràng là câu trả lời phụ thuộc vào kích thước và loại mây. Khối lượng trung bình của một đám mây tích ( cumulus) là khoảng 500 tấn. Vì thế, trong khi mây nhìn thì có vẻ như rất nhẹ nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Sau đây là cách tính khối lượng của một đám mây và lời giải thích tại sao chúng lại không rơi xuống nếu chúng thật sự nặng như vậy.
Cách tính khối lượng của một đám mây
Bạn không thể đặt một đám mây lên bàn cân và cân nó. Khối lượng của đám mây được tính từ thể tích và khối lượng riêng của nó. Thể tích là kích thước ba chiều của đám mây. Khối lượng riêng là khối lượng trên một đơn vị thể tích. Để tìm được khối lượng của một đám mây, cần sử dụng hai công thức sau:
Khối lượng riêng = Khối lượng/Thể tích
Khối lượng = Khối lượng riêng x Thể tích
Các loại mây khác nhau thì có khối lượng riêng khác nhau. Những đám mây vũ tích ( cumulonimbus) mang theo mưa thường có khối lượng riêng lớn hơn những đám mây ti ( cirrus). Một đám mây tích sẽ là một điểm khởi đầu tốt để tính khối lượng riêng bởi vì loại mây này có kích thước và hình dạng khá đều đặn. Các nhà khoa học đã đo được khối lượng riêng trung bình của một đám mây tích là khoảng 0,5 g/m3. Các nhà khí tượng học sử dụng phép đo tốc độ Doppler bằng tia laze để có được giá trị này.
Cách đo kích thước của một đám mây là lái xe với một vận tốc cố định trên bóng của đám mây khi mặt trời chiếu thẳng trên đầu. Nếu bạn biết được vận tốc và khoảng thời gian để đi hết bóng của đám mây thì sẽ tính được chiều dài của bóng - tương đương với chiều dài của đám mây vào buổi trưa - theo công thức sau:
Khoảng cách = Tốc độ x Thời gian
Bằng phương pháp này, người ta đo được một đám mây tích ( cumulus) điển hình có chiều dài khoảng 1km (hay 1.000m). Trong khi các loại mây khác không phải là những khối lập phương hoàn hảo, thì chiều rộng và chiều cao của một đám mây tích khá tương đương với chiều dài của nó, do đó thể tích sẽ là:
Thể tích = Chiều dài x Chiều rộng x Chiều cao
Thể tích = 1.000m x 1.000m x 1.000m = 1.000.000.000 m3
Những đám mây thật khổng lồ! Tiếp theo, đưa các giá trị khối lượng riêng và thể tích vào công thức để tính được khối lượng của một đám mây:
Khối lượng = Khối lượng riêng x Thể tích
Khối lượng = 0,5 g/m3 x 1.000.000.000 m3 = 500.000.000 g = 500.000 kg
Chuyển đơn vị sang tấn thì khối lượng của một đám mây là 500 tấn.
Các đám mây ti ( cirrus) thì có thể tích và khối lượng riêng nhỏ hơn, vì thế chúng cũng nhẹ hơn các đám mây tích. Các đám mây vũ tích ( cumulonimbus) thì có thể tích và khối lượng riêng lớn hơn nhiều so với các đám mây tích ( cumulus), vì thế khối lượng của chúng cũng nặng hơn nhiều. Một đám mây vũ tích có thể nặng tới 1 triệu tấn.
Tổng quan về các loại mây phổ biến theo độ cao
Đám mây tích đặc trưng bởi màu trắng, và nhìn như bông (nằm ở độ cao dưới 2 km)
Các đám mây ti (nằm ở độ cao từ 5 - 13km), ảnh chụp ở El Calafate, Argentina
Mây vũ tích cũng trắng và nhìn như bông, nhưng kích thước lớn hơn nhiều so với mây tích, nằm ở độ cao từ 1 - 8 km
Thứ gì có thể nặng bằng một đám mây?
Thật khó để tưởng tượng 500 tấn nặng đến mức nào. Để dễ hình dung thì khối lượng của một đám mây sẽ tương đương với:
3 con cá voi xanh (mỗi con nặng khoảng 170 tấn)
100 con voi
40 chiếc xe buýt
Một chiếc máy bay chở khách A380 (nặng khoảng 499 tấn)
Một đầu máy hơi nước Big Boy của Union Pacific (nặng khoảng 544 tấn)
Máy biến áp điện (khoảng 580,6 tấn)
Tại sao những đám mây lại không rơi xuống?
Nếu những đám mây nặng đến như vậy thì tại sao chúng lại không rơi xuống mà vẫn lơ lửng trên bầu trời? Câu trả lời là chúng sẽ rơi xuống nếu không có gì nằm giữa chúng và mặt đất. Thế nhưng, những đám mây lại nằm trên một lớp không khí đủ dày để nâng đỡ được chúng. Bạn có thể nghĩ về những đám mây như những con tàu đang đi trên một biển không khí.
Lý do khối lượng riêng của không khí lớn hơn của các đám mây là vì không khí và mây không có cùng nhiệt độ. Và các đám mây còn luôn vận động. Sự bay hơi và ngưng tụ của nước xảy ra bên trong đám mây. Những thay đổi trạng thái vật chất đó hấp thụ và giải phóng năng lượng, làm thay đổi nhiệt độ bên trong đám mây.
Đôi khi, không khí xung quanh một đám mây đủ nóng để hút hết nước của nó. Đám mây trở thành hơi nước phân tán trong không khí và thu nhỏ lại hoặc biến mất. Có những khi thì đám mây lại quá nặng để duy trì sự ổn định, độ cao của chúng sẽ bị giảm xuống hoặc giải phóng hơi nước dưới dạng mưa hoặc tuyết.
Ngọc Anh
Bạn sẽ làm gì nếu có máy điều khiển thời tiết? Thực tế, những thiết bị thời tiết đã được phát minh nhưng việc kiểm soát khí tượng chẳng hề đơn giản và thần kỳ như trong truyện. Ái Duyên - Ngân Phạm