Góc GATO: Ngoài khổ tâm vì yêu Hà Lan, cuộc sống của Ngạn ‘Mắt biếc’ cũng rất ổn khi có xe máy riêng, công việc ổn định, lắm… gái theo
Học giỏi, ra trường công việc ổn định, có nhà riêng, tài chính độc lập, có thể nói, cuộc sống của Ngạn chính là giấc mơ của bao người!
Chẳng phải là quá sai khi nói rằng mười người xem Mắt biếc sẽ có tới chín người thương cảm cho mối tình đậm sâu mà Ngạn ( Trần Nghĩa) dành cho Hà Lan ( Trúc Anh). Dáng người gầy gầy xương xương, đôi mắt buồn, gương mặt khắc khổ cùng những hành động quan tâm, chăm sóc Hà Lan hết mực khiến khán giả thấy đau khổ thay cho Ngạn.
Tuy nhiên, nếu gạt đời sống tình cảm ’sóng gió’ của Ngạn qua một bên, thì cuộc sống bên ngoài của thầy giáo trường làng này cũng chẳng đến nỗi tệ, nếu không muốn nói là khá tốt.
Là cháu trai cưng, học giỏi, đàn hay
Theo những nét khắc họa ít ỏi trên màn ảnh rộng, cha Ngạn là người khá gia trưởng, nóng tính, mẹ và anh sợ cha ‘một phép’. Vì thế, chuyện anh chàng hay phải ‘ăn lươn’ bởi mấy trò nghịch ngợm là khó tránh khỏi. Nhưng chỉ cần Ngạn khóc vài tiếng, bà nội sẽ xuất hiện ngay lập tức để giải vây cho anh.
Ngạn là con trai duy nhất trong nhà, được bà nội yêu thương, chiều chuộng. Bà nội luôn sẵn sàng lắng nghe tất cả những tâm sự của cháu trai, kể cả chuyện sau này lớn lên, Ngạn muốn cưới Hà Lan.
Song, không phải vì được chiều mà Ngạn hư hỏng hay quậy phá. Anh chàng học giỏi có tiếng, tới mức mẹ Hà Lan từng bảo con gái sang nhà Ngạn học chung, hay cậu Nghĩa – bố Dũng cũng nhờ vả Ngạn kèm cặp con trai mình, giúp Dũng lên lớp.
Bên cạnh đó, Ngạn cũng là một ‘boy văn nghệ’, có thiên phú về âm nhạc, đàn hay hát giỏi. Chẳng cần học qua bất cứ trường lớp chính quy nào, Ngạn vẫn tự tin đánh đàn, khoe giọng trong đêm lửa trại, sáng tác được hẳn mấy bài hát cho riêng Hà Lan.
Công việc ổn định, tài chính độc lập
Gia cảnh nhà Ngạn xếp vào tầng lớp bình dân, không khá giả, nhưng anh chàng vẫn được học hành đầy đủ, chưa đói ăn thiếu mặc bữa nào. Trong suốt những năm cấp ba trên thành phố, anh ở trọ nhà cậu Nghĩa – chủ cửa hàng thuốc Tây, thế nên cảnh sống càng thêm đủ đầy.
Học xong, Ngạn có ngay một suất về lại làng Đo Đo làm thầy giáo, không hề phải lăn tăn hay lo nghĩ. Có thể thấy, công việc của Ngạn tương đối thuận buồm xuôi gió, chẳng bao giờ lo gặp phải ‘drama’ chốn công sở.
Sau khi trở về Đo Đo một thời gian, Ngạn trở thành ‘chàng trai vàng trong mắt nhiều cô gái’: sống một mình, chi tiêu tự quyết, có xe máy riêng, nhà riêng, việc làm ổn định, lại được mọi người trọng vọng, gu thời trang thư sinh, lịch lãm với áo sơ mi, quần Tây thẳng thớm, dép quai hậu, phụ kiện đi kèm có đồng hồ vàng và mắt kính.
Có nhiều bóng hồng vây quanh
Nhưng nào phải tới khi Ngạn bước tới ngưỡng cửa 30 tuổi, sống đời sống ‘độc thân hoàng kim’, anh giáo làng mới được nhiều cô để ý. Khi mới tấm bé – là cậu trò nhỏ trong trường tiểu học, Ngạn đã là ‘người trong mộng’ của Hồng (Thảo Tâm).
Nhắc tới Hồng, người ta sẽ nghĩ tới ngay một biểu tượng ‘mới nổi’ của xu thế ‘cọc đi tìm trâu’. Biết Ngạn yêu Hà Lan đậm sâu, Hồng vẫn quyết định làm ‘trái tim bên lề’, chờ Ngạn tới năm 35 tuổi. Trong quá trình đợi chờ này, không ít lần Hồng ra tín hiệu, hoặc nói thẳng rằng bản thân cô muốn nấu cơm, chăm sóc cho Ngạn.
Ngoài Hồng, Trà Long (Khánh Vân) – con gái Hà Lan cũng mang tình đầu gửi trao Ngạn. Đứa bé rụt rè ngày nào lớn bổng thành thiếu nữ xinh đẹp, lanh lợi, tràn đầy sức sống, không ngần ngại ngỏ lời với người đã chăm sóc mình từ lúc mới lọt lòng.
Quả thật, Ngạn chính là ví dụ điển hình của câu nói ‘lắm mối tối nằm không’, có nhiều bóng hồng vây quanh nhưng Ngạn vẫn không mở lòng với ai.
Trailer Mắt biếc
Xoay quanh câu chuyện tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan, nguyên tác Mắt biếc từng lấy đi biết bao nước mắt của người đọc. Lớn lên bên Hà Lan tại làng Đo Đo, Ngạn đã yêu cô, nhưng Hà Lan lại say mê Dũng, có con với anh ta rồi bị ruồng rẫy.
Vì thương Hà Lan, Ngạn hết mực chăm sóc Trà Long – con của Hà Lan. Sự tiếp xúc kề cận cùng lòng biết ơn, tin tưởng khiến Trà Long có tình cảm với Ngạn, và ngay chính lúc này, Ngạn quyết định ra đi.
Hiện tại, phim Mắt biếc đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Theo tiin
'Mắt biếc': Có nhiều điều để chú ý ngoài câu chuyện tình yêu day dứt, khắc khoải của Ngạn - Hà Lan - Trà Long
Nhắc về 'Mắt biếc' của màn ảnh rộng, người ta còn nhớ tới cô giáo Hồng thẳng thắn, kiên trì, nhớ đoàn tàu chứa đầy sự tiếc nuối, hay nhớ những bản nhạc phim buồn da diết.
Nhắc tới Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh,người ta sẽ nhớ ngay tới mối tình đậm sâu Ngạn dành cho Hà Lan, cũng như những rung động đầu đời mà Trà Long - con gái Hà Lan dành cho Ngạn.
Nhưng, hơn cả tình yêu đôi lứa, Mắt biếc phiên bản màn ảnh rộng của Victor Vũ không chỉ mang tới vùng quê bình dị lẫn thị thành tấp nập, đem đến cái hồn của từng gương mặt như bước ra từ trang sách, mà còn không ngại đưa vào phim nhân vật mới, xây dựng được cả hình ảnh giàu tính ẩn dụ xuyên suốt phim.
Đoàn tàu - cái kết mở đắt giá nhất phim
Cho đến gần cuối phim, khi Trà Long nhắc tới câu nói: 'Ở đời có hai thứ tuyệt đối không thể bỏ lỡ. Một là chuyến xe cuối cùng. Hai là người thật lòng thương mình' và Ngạn ngồi trên tàu, nước mắt dàn dụa, người xem mới giật mình nhận ra đường ray, tàu hỏa đã xuất hiện trong phim tới vài lần.
Khi còn học cấp ba tại Huế, Ngạn có tới cây cầu dành cho tàu hỏa bắc ngang sông. Ngạn đứng yên bên đầu cầu, như chờ tàu chạy qua, như chờ cơ hội bắt đầu tình cảm giữa mình và Hà Lan. Cho tới tận hai mươi năm sau, Ngạn mới bước lên chuyến tàu của riêng mình, chuyến tàu của sự ra đi, bỏ lỡ, và làm lại từ đầu.
Ngạn rời Đo Đo, rời khỏi miền ký ức lẫn niềm yêu lẫn lộn dằn vặt mình suốt thời gian qua, mong tìm cuộc sống mới. Ngay khoảnh khắc tàu lăn bánh, Hà Lan nhận ra bản thân đã bỏ lỡ người thương cô thật lòng. Cô không đuổi kịp đoàn tàu, đã đánh mất người duy nhất sẵn sàng ở bên mình.
Khác với cái kết trong sách - chỉ nói về quyết định ra đi của Ngạn, cái kết trên phim khiến khán giả day dứt hơn: biết đâu Ngạn và Hà Lan sẽ gặp lại nhau trong tương lai, biết đâu hai người xa nhau mãi mãi.
Có thể nói, Victor Vũ đã liều và đã thành công khi mang chuyến tàu này vào phim. Liều vì người xem đã quen với kết thúc trong sách, và rất có thể cái kết không hợp lý sẽ phá vỡ tất cả cảm xúc phim mang lại từ đầu. Nhưng may mắn thay, cái kết đã góp một phần lớn giúp phim thăng hoa.
Gương mặt mới 'vượt thời đại'
Hồng không phải nhân vật có sẵn trong nguyên tác Mắt biếc, người bạn học chung lớp cấp một, người đồng nghiệp của Ngạn chỉ xuất hiện trong phim.
Tại sao gọi Hồng là gương mặt 'vượt thời đại'? Bởi trong bối cảnh diễn ra Mắt biếc, chuyện con gái chờ đối phương ngỏ lời, tỏ tình rồi kết hôn, lập gia đình sớm gần như là lẽ đương nhiên. Nhưng không, Hồng tới ba mươi lăm tuổi mà vẫn 'ở giá', thực hiện hành trình cọc đi tìm trâu, quyết tâm chờ Ngạn.
Cứ hễ Hồng xuất hiện, công chúng biết ngay sẽ có một phát biểu 'hơi thốn' nào đó chuẩn bị được cất lên. Cô thẳng thắn theo đuổi tình yêu, không ngại ngần tỏ rõ lòng mình cho Ngạn thấy - tính cách chỉ bắt gặp ở những thiếu nữ sinh ra trong thế kỷ hai mươi mốt. Tuy bị chê cười, nhưng Hồng, cùng với Trà Long, là những nhân vật sống thật và sống không hối tiếc nhất Mắt biếc.
Những nhân vật bước ra từ trang sách
Trần Nghĩa đã không phụ lòng những người ngày đêm ngóng chờ Mắt biếc, anh dường như là chính Ngạn trong nét bút của Nguyễn Nhật Ánh. Dáng người Trần Nghĩa mảnh mai, mái tóc hơi dài như tôn lên vẻ thư sinh của chàng trai chỉ chuyên chú vào ba điều: học, chơi đàn, và Hà Lan.
Bước vào phim, Trần Nghĩa ngay lập tức đánh gục nơi sâu nhất trong tâm hồn mỗi người xem bằng ánh mắt tình tứ, nhìn Hà Lan bằng đôi mắt biếc chỉ dành cho riêng cô. Đôi mắt lấp lánh chứa ước vọng yêu đương, trìu mến, sáng lấp lánh giữa rừng sim tím thơ mộng.
Suốt hai tiếng đồng hồ, một trong những điều dẫn dắt khán giả tới với cao trào sau cùng - sự rời đi của thầy giáo làng, chính là từng nét biến hóa trên cặp gương buồn man mác của Trần Nghĩa. Không cần tới lời nói, Ngạn sống trong hình hài của Trần Nghĩa, tỏ bày những buồn đau, khắc khoải, đớn đau, dịu dàng chỉ bằng ánh nhìn.
Đâu có câu thoại nào nói Ngạn khổ tâm biết bao, hay làm gì có ai nói Ngạn tâm sự rằng anh sầu lòng tới nhường nào, nhưng chỉ cần nhìn Trần Nghĩa thôi, bất cứ người nào cũng có thể nghe được tiếng trái tim anh thổn thức.
Có xem phim rồi, người ta mới hiểu tại sao Trúc Anh lại nói Hà Lan là người sống nội tâm. Hà Lan của Trúc Anh yêu phố xá tấp nập, yêu sự hào nhoáng phồn hoa, nhưng thâm tâm khá cô đơn và giấu kín những tâm sự không biết giãi bày cùng ai.
Trúc Anh vào vai Hà Lan khá tròn trịa, đem tới một đôi mắt biếc theo đúng nghĩa đen: lấp lánh như sao xa, đẹp mơ màng khi còn là thiếu nữ, đẹp u hoài khi đã là phụ nữ. Cô khóc, cô cười, cô suy tư đều đẹp, đẹp đằm thắm thấy rõ theo thời gian. Với những phân cảnh đòi hỏi cảm xúc mạnh như lúc sinh Trà Long, nghe Ngạn thổ lộ hay chạy theo đoàn tàu, Trúc Anh đã làm vừa lòng được số đông.
Tuy không xuất hiện quá nhiều, nhưng Trà Long của Khánh Vân gây được ấn tượng mạnh bằng vẻ linh lợi, hoạt bát, thẳng thắn của mình. Và Trần Phong - Dũng, cũng rất thành công khi khiến cho người ta 'ghét' mình qua cái đá lông nheo đa tình hay cái nhếch môi đậm chất sở khanh.
Hình ảnh đẹp, không còn sáo rỗng
Một lần nữa, Victor Vũ lại mang tới cho khán giả những thước phim đẹp đến nao lòng. So với thời Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc gần với làng quê hơn, hình ảnh chân thật hơn, và cũng khiến người xem có nhiều sự đồng cảm, thương nhớ về một thời, một vùng đất nghèo, một thị thành đã xa hơn. Từ đồi sim tím đến bộ áo dài, từng chiếc xe, từng cái biển hiệu, từng góc nhà, đều được tái hiện giống thực tế nhất có thể.
Từ trước tới nay, phim của Victor Vũ mực thước với những công thức 'chuẩn chỉnh': cảnh đẹp, nội dung có lớp lang, luôn có sự ưu tiên cho những gương mặt mới. Từng có một thời, người ta xem phim của anh làm trong niềm hân hoan lẫn sợ hãi: hân hoan vì đẹp, sợ hãi vì sự đẹp lấn át tất cả. Phim duy mỹ, mà thiếu sự kết nối tình cảm giữa các nhân vật, giữa các nhân vật và cảnh quay. Nhưng qua Mắt biếc, người xem đã thấy Victor Vũ đã sử dụng kỹ thuật, thủ pháp làm phim để dùng hình ảnh nâng cảm xúc cho khán giả, chứ không còn 'khoe' tay nghề nữa.
Dàn dựng bối cảnh trong Mắt biếc
Nhạc phim tạo cảm xúc tốt
Điểm vô cùng đáng khen của Mắt biếc là đã kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc, cảm xúc và hình ảnh. Phim sử dụng những bản nhạc xưa, những bản nhạc 'đầm' đúng điệu, ngay cả đoạn nhạc được chọn cũng có lời hát cũng phù hợp với tâm tư nhân vật.
Ca khúc Có chàng trai viết lên phiên bản hòa tấu
Bên cạnh đó, không thể nào bỏ qua ba ca khúc mới ngoài Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh, bao gồm: Từ đó, Nơi ấy, Tôi chỉ muốn nói. Không phải Phan Mạnh Quỳnh, không phải ca sỹ nổi tiếng nào khác, người thể hiện những ca khúc này chính là giọng ca Phạm Đình Thái Ngân - người lồng tiếng cho Ngạn.
Dù không phô diễn quá nhiều kỹ thuật hát phức tạp, nhưng bất cứ nốt nhạc nào, câu hát nào, Thái Ngân cũng chạm được tới trái tim người xem nhờ sự thấu hiểu nhân vật, đẩy cảm xúc phim lên tột bậc.
Mắt biếc được công chiếu trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 20/12.
Theo tiin
9 chi tiết khác truyện của phim 'Mắt biếc': Hồng xuất hiện gây bất ngờ nhưng cũng kéo theo sự thiếu vắng của nhiều nhân vật Mạo hiểm thay đổi những chi tiết từ nhỏ đến lớn trong truyện 'Mắt biếc', Victor Vũ đã thực hiện bước đi mạo hiểm nhưng vẫn khiến khán giả thấy hài lòng. Sau bao thàng ngày trông ngóng, Mắt biếc đã chính thức được công chiếu vào ngày 20/12 vừa qua. Bộ phim được coi là siêu phẩm điện ảnh dịp cuối năm...