Gốc cây nguyên bọc nilon: “Chúng tôi không trồng như thế”
Đại diện Công ty cây xanh Hà Nội khẳng định đơn vị này không trồng cây để nguyên bọc nilon.
Cây xanh đổ, lộ nguyên bầu lưới nilon trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Hà Đông
Sáng 28/7, cơn bão số 1 ảnh hưởng đến Hà Nội, gây mưa to, gió giật mạnh khiến hàng trăm cây xanh gãy đổ.
Những cây mới trồng cách đây vài tháng trên phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học… cũng bị bật tung gốc để lộ phần hố nông, rễ cụt không bám sâu được vào đất.
Đặc biệt, nhiều cây còn nguyên bọc lưới nilon, bao tải, dây chằng khiến người dân không khỏi lo ngại vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, lo cho tính mạng của người dân khi cây đổ.
Liên quan đến vấn đề này, chiều tối ngày 29.7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.
Trả lời về việc nhiều cây mới trồng bật gốc để lộ nguyên bọc lưới, nilon có phải là kỹ thuật mới hay sự cẩu thả khi trồng cây, ông Trung nói: “Tôi có thể thẳng thắn trả lời rằng trồng cây để nguyên bầu nilon không phải công nghệ mới và sai quy trình, kỹ thuật. Đơn vị nào trồng tôi chưa rõ nhưng tôi chắc chắn anh em công nhân của công ty không bao giờ trồng cây như vậy. Hiện chúng tôi đang dốc sức dọn dẹp sau bão, đảm bảo cảnh quan thành phố”.
Ông Trung cho hay, trên địa bàn TP Hà Nội, ngoài Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh HN còn có 15 đơn vị khác tham gia trồng, chăm sóc cây xanh.
Sau khi cơn bão số 1 đổ bộ, Công ty đã huy động 100% cán bộ công nhân thay phiên nhau làm việc suốt 24 giờ để dọn dẹp cây gãy đổ, đảm bảo giao thông cho thành phố.
Video đang HOT
Cây sấu đổ trên đường Dương Đình Nghệ, để lộ lớp bọc bao tải
Theo TS. Nguyễn Trọng Bình, Trưởng khoa Lâm học, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, việc bọc lưới nilon, bao dứa đảm bảo tránh tổn thương rễ cây khi di chuyển nhưng khi trồng bắt buộc phải bỏ lớp bọc này.
“Để nguyên bọc lưới trồng, cây vẫn sống, sinh trưởng nhờ lớp đất trong bọc. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian rất dài để rễ cây có thể đâm ra, bám vào lớp đất trên vỉa hè, nếu gặp gió to sẽ bật gốc. Nguyên tắc trồng cây đô thị hay cây lâm nghiệp không được để nguyên bọc lưới, đặc biệt bao dứa bọc kín”, TS Bình nói.
Chuyên gia cây xanh này cho rằng nguyên nhân cây mới trồng ở Hà Nội đã bật gốc là do kỹ thuật không phù hợp.
“Nền đất vỉa hè ở Hà Nội chứa quá nhiều tạp chất, gạch, bê tông, cát. Nếu chỉ đào 40 – 50cm đặt cây, chèn đặt, cây sẽ rất chậm phát triển. Để cây mới trồng bám rễ chặt phải đào hố rộng, sâu, đổ thêm đất dinh dưỡng vào đó”, TS Bình cho hay.
Theo số liệu được thống kê đến cuối giờ chiều 28.7 của Thanh tra Giao thông Hà Nội và Điện lực Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.110 cây xanh bị gãy, đổ; 14 biển báo giao thông; 2 hộp đèn quảng cáo gãy đổ ra lòng đường, vỉa hè, dải phân cách gây cản trở giao thông; 29 trạm biến áp bị ảnh hưởng cùng 90 vị trí cột điện trung, hạ thế bị nghiêng hoặc gãy, đổ.
Theo Danviet
Cận cảnh phượng vĩ mới trồng đã ra hoa ở Hà Nội
Nhờ áp dụng công nghệ để cây phượng ra hoa quanh năm, một số cây đã ra hoa trái mùa, sinh trưởng tốt sau một thời gian ngắn Hà Nội triển khai trồng một loạt phượng vĩ ở một số tuyến phố.
Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, một số cây phượng vĩ mới trồng ở Hà Nội đã ra hoa
Mới đây, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói với các cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 18/7: "Hà Nội đang áp dụng công nghệ trồng cây ra hoa quanh năm, phấn đấu để cây phượng Hà Nội sẽ khác Hải Phòng là ra hoa quanh năm. Ngoài ra, sẽ có những cây phượng ra hoa tím"
Chủ tịch TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Vừa qua có ý kiến về việc thành phố trồng cây vào mùa hè. Tôi có thể đảm bảo 98% cây trồng mùa hè sẽ sống nhờ công nghệ tạo rễ cho cây phát triển tất cả mùa trong năm. Làm như vậy mới đảm bảo kế hoạch trồng một triệu cây xanh trong 5 năm".
Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến phố mới trồng phượng vĩ như Xã Đàn, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn... cây sinh trưởng tốt, đặc biệt một số cây đã ra hoa nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến
Hàng loạt tuyến đường ở Hà Nội như Xã Đàn, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn... được Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội trồng rất nhiều phượng ở dải phân cách. Cây có đường kính khá lớn khoảng 30 cm, cao chừng 4-5 m. Sau một thời gian rất ngắn, theo khảo sát của phóng viên, cây sống đến 98%.
Cây được trồng vào mùa hè nhưng nhờ áp dụng công nghệ tạo rễ cho cây phát triển tất cả mùa trong năm nên chỉ sau một tháng, cây đã phát triển rất tốt, một số cây đã ra hoa. Hình ảnh phượng vĩ ra hoa trên phố Xã Đàn
Hàng phượng vĩ mới trồng dọc trên dải phân cách trên phố Xã Đàn, sau một tuần đã mọc mầm xanh
Trên dải phân cách đường Ô Chợ Dừa, phượng được trồng thành ba hàng, tất cả đều sinh trưởng tốt. Phân tích đặc tính sinh học cho thấy hoa phượng thích hợp trong đô thị, Hà Nội trồng nhiều loại cây này tại dải phân cách tuyến đường vành đai 1.
Thành phố đang thực hiện trên dải phân cách giữa những tuyến phố lớn tạo thành 3 tầng xanh: Cỏ, cây bụi và cây tầm cao có hoa đẹp. Hà Nội hiện đã trồng được khoảng hơn 300 cây phượng ở dải phân cách giữa các tuyến phố như Kim Liên - Xã Đàn, Hoàng Cầu, Đại Cổ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng...
Cây tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng.
Chủ tịch TP Hà Nội phân tích trong cuộc tiếp xúc các cử tri quận Hoàn Kiếm (ngày 18/7): "Phượng là cây đô thị và khác cây xà cừ là có hoa. Tới đây thành phố sẽ cắt tỉa để phượng không mọc tự do, tạo bóng mát 2 bên. Điều quan trọng lá phượng nhỏ, khi rụng có thể trôi xuống cống khi mưa và xe hút bụi có thể hút được, đó là cơ sở khoa học cho việc trồng phượng"
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội: "Chọn cây phượng có đường kính lớn để trồng trên dải phân cách giữa của nhiều tuyến phố thì thời gian phủ xanh đô thị sẽ nhanh hơn. Trồng tuân thủ đúng kỹ thuật sẽ không sợ nấm mốc xâm nhập. Việc trồng ở dải phân cách giữa có nhiều ưu điểm như ít công trình ngầm, cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường".
Với mục tiêu tăng cường chất lượng môi trường của thành phố, UBND thành phố đã phát động chương trình Một triệu cây xanh trồng mới đến năm 2020. Dự kiến cây xanh được trồng mới, bổ sung, thay thế tại 7 khu vực.
Theo Hồng Phú (Dân Việt)
Hà Nội sẽ trồng cây phượng hoa màu tím, nở quanh năm Hà Nội sẽ áp dụng công nghệ trồng cây mới đối với cây phượng. Hơn nữa, Hà Nội sẽ trồng phượng tím, nở hoa quanh năm. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XV, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, rất quan tâm tới vấn đề cây xanh trên...