Gỡ rào cản, lâm sản lập kỷ lục
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về thị trường do những hàng rào kỹ thuật mới, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ vẫn tiếp tục cán những kỷ lục mới. Có được điều đó là do thời gian qua ngành chức năng đã rất nỗ lực tháo gỡ các rào cản thương mại.
Xuất siêu 4 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều trong 6 tháng qua, ổn định ở mức xấp xỉ 20% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.
Hơn 200.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (ảnh tư liệu). Ảnh: I.T
“Bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết đúng nghĩa” – ông Trị nói.
Tháo gỡ các rào cản thương mại được coi là một trong những động lực giúp ngành gỗ đạt được thành công như hôm nay. Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, chúng ta đã tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp; chủ động cung cấp thông tin pháp lý, thông tin thị trường gỗ và lâm sản trên toàn cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam.
Video đang HOT
“Điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT), cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành gỗ; đồng hành các doanh nghiệp đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài” – ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệt quả kinh tế cao, ổn định về trữ lượng và đầu ra cho người dân đã góp phần nâng cao vị thế gỗ Việt. Không chỉ giúp duy trì tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo vai trò phòng hộ, duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý rừng bền vững còn tạo vùng nguyên liệu chủ động, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với Chương trình phê duyệt các hệ thống chứng chỉ rừng (PEFC).
Tiếp tục tái cơ cấu
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, để giữ vững thành quả của ngành, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống. Tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đánh giá mức độ thiệt hại về rừng, đề xuất ngay phương án khôi phục diện tích rừng bị cháy; tập trung chỉ đạo giải quyết các điểm nóng về phá rừng và vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, để nâng cao giá trị ngành gỗ, các địa phương cần tạo cơ chế để phát triển các cơ sở chế biến gỗ công nghệ cao. “Hiện, Nghệ An, Bình Dương, Bình Phước đã thành lập các khu chế biến gỗ công nghệ cao. Vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT phải tiếp sức cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng” – ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị ngành lâm nghiệp tiếp tục tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính. “Thứ nhất là dứt khoát thực hiện giảm điều kiện kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là xử lý văn bản trên mạng. Hiện, 98% văn bản thông thường của Bộ đã được phát hành và ký chữ ký điện tử. Thực hiện tốt việc sắp xếp hiệu quả các nông lâm trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị rừng” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Theo Danviet
Ngành chế biến gỗ hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
Với kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018, gỗ và sản phẩm gỗ trở thành một trong những mặt hàng nông sản mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất. Tiếp nối đà tăng trưởng đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD.
Xuất siêu gần 7 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị XK của các ngành hàng nông sản. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành. Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Thị trường XK lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản.
Kết quả XK mà ngành lâm nghiệp đạt được trong năm nay đã vượt mục tiêu phấn đấu đặt ra từ đầu năm là 9 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trong bối cảnh hiện tại, đây là kết quả khá ấn tượng. Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của toàn ngành trong năm 2018 là sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc đàm phán, chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU vào ngày 19.10.2018. Đây được coi là bước ngoặt lớn, cùng với việc triển khai đồng bộ Luật Lâm nghiệp sẽ góp phần hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thuận lợi, mang lại giá trị kim ngạch 8,7 tỷ USD. T.L
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Nguyên nhân đem tới thành công trong XK lâm sản năm nay chính là sự thúc đẩy, tạo hứng khởi bằng cơ chế chính sách và bằng những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 hội nghị chuyên đề về lâm nghiệp và tạo hứng khởi tốt. "Các DN đầu tư vào ngành này, tôi đánh giá rất cao khi họ đều có lợi nhuận, có thể nói là cao hơn một số ngành nghề khác, đồng thời các DN đầu tư vào ngành rất bền vững. Những người làm XK gỗ và lâm sản đều có ý chí và thực hành rất cao khi nói không với sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp. Điều này góp phần giúp Việt Nam thực hiện rất thành công việc đóng cửa khai thác rừng tự nhiên nhưng chúng ta vẫn có nguồn gỗ nguyên liệu trong nước khoảng 25,7 triệu mét khối trong năm 2018, duy trì nhập khẩu khoảng 8 triệu mét khối gỗ quy tròn, trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. Nguồn nguyên liệu trong nước tăng lên rất nhanh chóng, đáp ứng gần 80% nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong tầm tay
Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6,0%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.
Đánh giá về tính khả thi của mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích: Năm 2018, kim ngạch XK tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2019, toàn ngành đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, nghĩa là đặt mức tăng trưởng khoảng 1,2 tỷ USD so với năm 2018. Đây chưa phải là kỳ vọng cao hơn và mục tiêu có tính khả thi cao. Trước hết, về mặt thị trường, trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam có thể tranh thủ được những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn.
"Rõ ràng, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch XK đồ gỗ rất lớn. Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, một số mặt hàng của Trung Quốc đang chịu áp thuế cao ở một số thị trường. Như vậy, các đối tác có thể sẽ hướng về thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Các cam kết cũng như quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này vẫn đang tốt" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Năm 2019, Việt Nam có thể tăng sản lượng gỗ khai thác trong nước thêm 1,5 triệu mét khối cho nguyên liệu. Bên cạnh đó, số DN đã và đang đầu tư vào các ngành hàng này tăng lên. "Đây đều là những DN sản xuất hướng về hàng XK. Các DN mới đây đã thông tin với Bộ, các đơn hàng tổng hợp lại trong năm 2019 có thể tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Bởi vậy, phương án đặt ra tăng lên 1,2 tỷ USD là hoàn toàn khả thi" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Xung quanh câu chuyện chế biến, XK gỗ nói riêng và phát triển ngành lâm nghiệp nói chung trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo toàn ngành cần triển khai đầy đủ, đồng bộ Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua mới đây; triển khai quyết liệt, tích cực nội dung của Hiệp định VPAFLEGT để hướng đến một ngành lâm nghiệp bền vững, có trách nhiệm.
Theo Danviet
Kỷ lục: Xuất khẩu lâm sản đạt 5,3 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tiếp tục đạt con số kỷ lục với mức 5,3 tỷ USD, trong đó xuất siêu 4 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý I/2019 tăng 4,32%; ước quý II/2019 tăng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm...