Gỡ khó cho đấu giá đất
Đồng Nai đã đưa ra đấu giá hàng loạt khu đất công để lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Các khu đất lớn đấu giá đều có quy hoạch dự án để doanh nghiệp (DN) mua được có thể triển khai. Tuy nhiên thực tế, việc quản lý đất đấu giá còn nhiều bất cập.
Khu vực đảo Ó – đảo Đồng Trường trên hồ Trị An sẽ được đưa ra đấu giá. Ảnh: H.GIANG
Tính từ năm 2019 đến nay, Đồng Nai đã đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất của gần 10 khu đất lớn và thu về hơn 6 ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Số tiền trên được tỉnh sử dụng vào đầu tư các công trình giao thông quan trọng của tỉnh và các địa phương, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội.
* Những vướng mắc cần tháo gỡ
Hiện nay, có 3 vấn đề chính đang vướng mắc với các thửa đất lớn đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất cần phải tháo gỡ sớm để tạo thuận lợi cho cả DN trúng đấu giá và đơn vị quản lý.
Vấn đề thứ nhất là để triển khai dự án căn cứ vào Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Đầu tư thì trước khi đấu giá quyền sử dụng đất cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa thống nhất được đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc lập chủ trương đầu tư. Điều này ảnh hưởng đến các DN sau khi đấu giá được khu đất muốn triển khai dự án ngay sẽ gặp khó khăn.
Điểm khó thứ hai là một số DN sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng nhưng lại chậm trả tiền gây khó cho tỉnh trong việc thu hồi nợ. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định chi tiết về việc thu hồi dự án của DN đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không triển khai theo tiến độ đã quy định.
Video đang HOT
Ông Lê Sĩ Lâm, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Một số khu đất sau khi đấu giá đang gặp khó trong việc cấp chủ trương đầu tư vì chưa có phân định rõ ràng là đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong lập hồ sơ. Do đó, tỉnh sẽ xem xét để phân công cho các sở, ngành, địa phương thực hiện để tạo thuận lợi cho DN trúng đấu giá đất triển khai các dự án”.
Theo đề xuất của các sở, ngành, địa phương đối với các thửa đất sau khi đấu giá xong, DN mua được khu đất chậm trả tiền sẽ căn cứ vào quy định của ngành Thuế để xử lý. Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho hay: “Những khu đất lớn khi đấu giá được Sở TN-MT giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Thời gian qua, nhiều DN sau khi trúng đấu giá kéo dài thời gian không nộp số tiền còn lại, Sở chưa có biện pháp xử lý triệt để. Vì vậy, Sở TN-MT đã đề xuất UBND tỉnh giao cho ngành Thuế tìm phương án để giải quyết vấn đề này cho phù hợp”.
Ông Thường còn cho biết thêm, dù trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất nêu rõ, DN trúng đấu giá đất sau 2 năm không triển khai dự án sẽ được xem xét gia hạn thêm 2 năm nữa. Quá thời hạn trên DN không thực hiện dự án sẽ bị thu hồi đất. Tuy nhiên quá trình thực hiện lại vướng vì trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai năm 2013 không quy định chi tiết trường hợp này.
* Tìm giải pháp tháo gỡ
Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ đưa ra đấu giá hàng trăm ha đất “vàng” để lựa chọn các nhà đầu tư có thực lực về tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, đấu giá đất là một trong những giải pháp để tỉnh có thêm vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Do đó, tỉnh sẽ ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến những khu đất lớn đưa ra đấu giá để làm dự án.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Võ Hoàng Phương cho biết: “Sở KH-ĐT đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh là căn cứ vào Luật Đầu tư phân công cụ thể cho các sở, ngành trong việc lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư cho phù hợp. Theo đó, với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất thuộc UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư sẽ giao cho Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các đơn vị lập hồ sơ. Những dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư thì Sở TN-MT hoàn thành thủ tục đấu giá đất sẽ do Sở KH-ĐT chủ trì lập hồ sơ”.
Liên quan đến việc các DN trúng đấu giá đất chậm nộp tiền, Cục Thuế Đồng Nai đề xuất, tới đây trong các phương án đấu giá đất, tỉnh nên quy định rõ thời hạn nộp tiền và quá thời hạn sẽ tính lãi suất như các trường hợp chậm nộp thuế chuyển nhượng quyền sử đất không đấu giá. Đồng thời, UBND tỉnh có thể căn cứ vào các quy định của ngành Thuế để hủy kết quả đấu giá nếu quá thời gian không nộp đủ số tiền.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỉnh đã lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về các vướng mắc liên quan đến các thửa đất công đưa ra đấu giá để tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo thuận lợi cho DN. Tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành các quy định cụ thể để các DN trúng đấu giá quyền sử đất tại Đồng Nai triển khai các dự án đúng lộ trình và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với khu đất mình đã đấu giá được. Trường hợp DN cố tình chây ì, kéo dài thời gian không nộp số tiền còn lại của khu đất trúng đấu giá thì sau 120 ngày, UBND tỉnh sẽ hủy kết quả đấu giá, thu hồi khu đất và DN sẽ mất tiền đặt cọc.
Phó thủ tướng chỉ đạo xây dựng phương án giá điện
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu và xây dựng phương án giá điện năm 2021, dựa trên đánh giá kỹ chi phí đầu vào.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có một số chỉ đạo về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021. Ông nhấn mạnh cần điều hành giá một cách một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xử lý nghiêm thông tin đẩy giá bất động sản lên cao
Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.
Đồng thời, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thông tin để thổi giá đất. Ảnh: Quốc Nam.
Bộ Xây dựng cũng được giao rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu xây dựng giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời cần tham mưu Thủ tướng và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cũng như có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.
Ưu tiên cung ứng thép cho thị trường nội địa
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Cũng liên quan đến thép, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Liên hộ được lưu ý tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn để triển khai các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa nhằm mục tiêu bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội.
Phổ cập môn bơi cho học sinh: Bài toán khó của nhiều trường Tai nạn đuối nước vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với xã hội khi mỗi năm tỉnh có từ 15-20 trẻ bị thiệt mạng thương tâm, trong đó có những vụ thiệt mạng từ 2-3 em cùng lúc, ngay trong một gia đình. Hố chứa nước tưới cà phê từng cướp đi sinh mạng của 3 học sinh ở ấp 4,...