Gỡ chỗ vướng mắc nhất
Sau gần 10 năm triển khai Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn khá nhiều bất hợp lý. Khiếu nại, tố cáo về thu hồi, bồi thường đất chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất. Bởi thế, ngay từ đầu năm mới 2013, Bộ Tài nguyên – Môi trường, lần đầu tiên đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Liệu những giải pháp, hiến kế có tạo được cú đột phá?
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng căng thẳng và kéo dài này đã được phân tích, mổ xẻ quá nhiều. Đó là do tổ chức thực hiện chính sách chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Giá đất bồi thường chủ yếu thực hiện theo bảng giá cố định nên thấp hơn so với giá thị trường. Một số địa phương cho rằng, giá đất thực tế quá xa giá thị trường nên “đẻ” ra mâu thuẫn, kiện tụng. Vướng mắc tích tụ nhiều nhất là khâu chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nhất là giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Việc lập và thực hiện phương án bồi thường của một số dự án rơi vào tình trạng “tù mù”, không đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trong khi đó, không ít nơi, sau khi thu hồi đất coi như được việc của mình, đẩy người dân vào sống trong các khu tái định cư theo kiểu “mang con bỏ chợ”. Chất lượng công trình, chất lượng sống chẳng những không có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mà còn tệ hơn. Không thể phủ nhận một thực tế, quỹ đất cũng chưa được đầu tư đúng mực về kinh phí và nhân lực để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất đã được phê duyệt. Đất thì chưa “sạch”, Nhà nước lại thiếu tiền giao cho các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện dự án đầu tư.
Vì thế dẫn đến tình trạng thu hồi đất và giao đất, chỉ định cho chủ đầu tư thuê đất, cho phép họ ứng vốn để trả trước tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nên phát sinh khiếu kiện trong dân. Hơn thế, ở tầm vĩ mô, do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Nhà nước thay đổi quá nhiều qua các thời kỳ, càng khiến gia tăng tình trạng so bì hơn thiệt, khiếu nại, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong cùng một dự án nhưng thu hồi đất qua nhiều thời gian. Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường ở một số địa phương “ nóng” nhất thừa nhận, khó nhất trong thời gian qua về chuyện thu hồi và bồi thường đất chính là sự thay đổi liên tục của các chính sách khiến cho người thực hiện “xoay như chong chóng”.
Thậm chí, có những dự án “nằm vắt” qua các “đời” nghị định khác nhau, chênh lệch khá lớn nên rất lúng túng khi giải quyết. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cho rằng, chính sách thay đổi nhiều nhưng trong quá trình ban hành chính sách mới lại không có tính kế thừa nên cấp cơ sở rất khó “xoay xở” khi thực hiện.
Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn sẽ “ xoay chuyển” tình thế với những nội dung, quy định rất mới về thu hồi đất, bồi thường, giá đất. Điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai mà dư luận đặc biệt quan tâm là, người dân sẽ được tham gia trong quá trình xây dựng, phê duyệt, giám sát việc thực hiện phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Không thể hy vọng tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, cho nên cần tập trung gỡ chỗ vướng mắc nhất.
Theo ANTD
Hà Nội: Còn 112.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ
Ngày 5.11, Sở TNMT TP.Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã cấp được hơn 1.057.645 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt 95% đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tại khu vực đô thị và nông thôn.
Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 112.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (GCN) các loại. Trong đó được phân loại thành 12 dạng sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật về đất đai, nhưng chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết hoặc căn cứ giải quyết còn thiếu, chưa rõ ràng và vượt thẩm quyền của thành phố. Ngoài ra, các trường hợp mua nhà tại các dự án nhà ở, ngay từ năm 2001 đến tháng 5.2012, TP.Hà Nội đã giao đất cho 370 dự án phát triển nhà với tổng diện tích 121.433.750m2 đất, tương đương với khoảng 520.695 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự phải cấp GCN, trong đó, có 20.000 trường hợp mua nhà ở đã được cấp GCN, còn 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo Sở TNMT, những vướng mắc này do có trường hợp hồ sơ cấp GCN là nhà cấp 4, nhưng thực tế đã xây 3 - 4 tầng kiên cố hay một số khu tập thể, nguồn gốc diện tích cấp đất cho chủ sử dụng rất ít (chỉ 20 - 30m2), nhưng hồ sơ đề nghị cấp lên đến hàng trăm mét vuông. Tương tự tình trạng này tại khu vực nông thôn cũng có, do lấn chiếm, chiếm dụng đất công...
Cũng theo Sở TNMT Hà Nội, trong những năm qua công tác cấp GCN quyền sử dụng đất cho các tổ chức còn đạt tỉ lệ rất thấp khoảng 27%. Cụ thể: Đến nay, TP.Hà Nội mới chỉ cấp GCN quyền sử dụng đất cho 5.208/19.247 thửa đất. Khi tiến hành công tác kê khai, cấp GCN thì tổ chức, DN phải thực hiện xong bước chuyển DN Nhà nước sang Công ty CP. Về vị trí đất các đơn vị xin cấp GCN phải thực hiện theo các thủ tục được UBND TP quy định như: Xác định lại diện tích thực tế đang quản lý, sử dụng xin thỏa thuận của Sở QHKT, chỉ giới đường đỏ các vị trí được cải tạo, hoặc xây mới phải thực hiện lập dự án... Đây là nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong kê khai, gây khó khăn cho công tác cấp GCN cho đơn vị....
Theo laodong
Phòng tránh tai nạn đường sắt cho học sinh Sáng qua 4 - 3, Đội CSGT số 8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh tại trường THCS Trần Phú, Phú Xuyên. Những nội dung tuyên truyền đã góp...