Giúp việc ở Hà Nội bỏ về quê ‘né’ dịch Covid-19
Sau khi Hà Nội xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, lo sợ dịch bệnh lan rộng, nhiều người giúp việc đã bỏ về quê. Một số trung tâm giúp việc tạm thời đóng cửa chờ tình hình ổn định.
Nhiều gia đình Hà Nội chật vật mới tìm được giúp việc trong “mùa” dịch Covid-19 – Ảnh N.Thắng
Tăng lương, thêm ưu đãi vẫn không giữ được giúp việc
Sau tết, khó khăn lắm gia đình chị Phương Nga, ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới tìm được giúp việc trông con, nhưng cuối tuần qua, người giúp việc xin về quê “một đi không trở lại”. Chị Nga kể: “Bác giúp việc nói chồng ốm, xin phép về quê. Chủ nhật vừa rồi lại thấy gọi điện báo chồng không cho lên Hà Nội làm nữa vì nghe khu chung cư của mình có người bị cách ly, sợ lây bệnh Covid-19. Mình hứa tăng lương từ 5 triệu lên 5,5 triệu, bác ấy vẫn không chịu”.
Đang mùa dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em và người già, nhiều gia đình “quán triệt” người giúp việc hạn chế ra ngoài đường, không về quê thăm gia đình, bà con. Tuy nhiên, quy định của các gia chủ khiến nhiều giúp việc không thoải mái, cộng thêm tâm lý lo sợ dịch bệnh, nên đã đòi về quê. Chị Kim Thoa, ở quận Hà Đông, cho hay: “Về quê thời điểm này đi tàu xe, sinh hoạt tập thể rất khó kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh. Mình chỉ mới nhắc nhẹ thế mà bác giúp việc đã tự ái bỏ về quê. Gọi điện đến các trung tâm tìm người thì nơi nào cũng bảo phải chờ. Tuần này, hai vợ chồng đành thay nhau xin nghỉ ở nhà làm online”.
Trên các diễn đàn giúp việc gia đình, giúp việc theo giờ, câu lạc bộ giúp việc sinh viên… những ngày qua, rất nhiều người đăng tải thông tin tìm người giúp việc theo giờ với mức lương 150.000 đồng/buổi, 70.000 đồng/giờ, nếu ăn ở tại nhà giá 5 – 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, nhiều người còn sẵn sàng trả thêm tháng lương thứ 13, tiền tàu xe, tiền gửi xe tháng (với người giúp việc theo giờ)… tuy nhiên, nhu cầu thì nhiều, nhưng nguồn cung vô cùng khan hiếm.
Hành trình một vòng trái đất của nữ doanh nhân – bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19
Cần chương trình đào tạo giúp việc
Là công ty chuyên cung ứng lao động giúp việc gia đình, tạp vụ văn phòng, lao động phổ thông, anh Nguyễn Mạnh Cường, quản lý Công ty TNHH và dịch vụ An Tâm (quận Nam Từ Liêm), cho biết dịch bệnh những ngày qua đã làm giảm 50% số lượng lao động giúp việc gia đình tại công ty. “Chúng tôi tuyển dụng lao động khắp cả nước, trong đó đông nhất vẫn là các lao động nông thôn khu vực phía bắc như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Thanh Hóa… Những năm trước, trung bình mỗi tháng tuyển từ 60 – 70 người, năm nay số lượng giảm đi một nửa. Nhiều lao động tuyển dụng xong nhưng trả lời chờ hết dịch mới lên Hà Nội đi làm”, anh Cường than thở. Trong bối cảnh khó khăn chung, anh Cường cho hay, công ty chỉ còn cách cố gắng duy trì tuyển dụng, khai thác tìm nguồn từ các địa phương để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
Trong khi đó, Công ty Thiên Kim chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh tại các khu chung cư ở Hà Nội mới đây cũng đã phải gửi thông báo tới các khách hàng tạm dừng dịch vụ trong 1 tuần, từ 9 – 15.3. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, quản lý Công ty này, cho biết sau khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh số 17 nhiễm Covid-19, đã có những thông tin làm hoang mang dư luận. “Nhân viên chúng tôi dọn vệ sinh theo giờ tại các gia đình, căn hộ chung cư, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với chủ nhà, những người trong căn hộ, nên họ rất lo lắng khi thông tin dịch bệnh lan truyền. Chúng tôi đã phải quyết định tạm dừng cung cấp dịch vụ. Dù biết sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của công ty, nhưng sức khỏe và an toàn của mọi người là quan trọng nhất. Đến ngày 10.3, các nhân viên cũng đã về quê hết”, chị Hồng cho hay.
Theo chị Hồng, công ty đã khuyến cáo nhân viên về quê hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ; nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng bằng cách uống trà gừng mật ong. “Dịch bệnh không trừ một ai, chúng tôi chỉ có thể bảo vệ nhân viên bằng cách này. Nếu tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, nhân viên sẽ tiếp tục ở lại, công ty tiếp tục dừng cung cấp dịch vụ cho đến khi tình hình ổn định. Cũng may khách hàng thông cảm với chúng tôi”, chị Hồng chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho hay, đa phần giúp việc ở Hà Nội đều là lao động nông thôn, ngoại tỉnh, có trình độ học vấn không cao, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm. Khi thuê người giúp việc, chủ nhà thường không có văn bản giấy tờ, mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, khiến người giúp việc tự ý bỏ việc, tự ý đòi tăng lương; hoặc chủ nhà có thể tự ý cho người giúp việc thôi làm nếu thấy không hài lòng.
Bên cạnh đó, theo bà Liễu, do dịch bệnh kéo dài, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội cho sinh viên nghỉ học, nên nhiều bạn trẻ còn ở quê chưa lên Hà Nội. “Các gia chủ muốn có được nguồn giới thiệu người giúp việc tin cậy, muốn biết những thông tin chính xác về gia cảnh, địa chỉ sinh sống của người sẽ giúp việc cho gia đình mình, cần có giao kết bằng hợp đồng, hoặc nên thông qua các trung tâm uy tín”, bà Liễu nói, và mong muốn để việc kết nối cung – cầu cho lao động giúp việc gia đình chuyên nghiệp, hiệu quả, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa nghề giúp việc gia đình vào đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo khung chương trình thống nhất.
Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm giúp việc gia đình những dịp cao điểm, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị khảo sát chi tiết về thị trường lao động, qua đó nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề giúp việc gia đình để đề xuất các giải pháp kết nối cung – cầu phù hợp, hiệu quả.
Theo Thanh niên
Những ngành nghề phải có chứng chỉ mới được tuyển dụng
Dự kiến quý 1/2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH sẽ ban hành thông tư danh mục ngành nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc có qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng.
Sắp tới, lao động phải qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng - Mỹ Quyên
Đến năm 2030, bắt buộc ở tất cả ngành nghề
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thông tin: "Đây là mục tiêu mà chúng tôi dự kiến thực hiện từ lâu, nhưng để đưa vào thành quy định thì phải có quá trình tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Ban đầu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi có không ít doanh nghiệp không ủng hộ, vì nếu tuyển lao động qua đào tạo thì sẽ phải trả lương cao hơn so với lao động phổ thông.
Một số doanh nghiệp lấy lý do nếu tuyển lực lượng lao động lớn để làm công việc đơn giản mà phải tuyển người đã qua đào tạo thì sẽ không có nguồn để tuyển. Chẳng hạn hiện nay có nhiều nghề tuyển lao động không qua đào tạo như may mặc, xây dựng, nhân viên trong các nhà hàng khách sạn dưới 3 sao... ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng, năng suất lao động và thương hiệu của chính doanh nghiệp".
Ngược lại, ông Hùng cho biết có những doanh nghiệp lại rất ủng hộ chính sách tuyển dụng này vì sẽ giúp chất lượng lao động nâng cao và doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Hùng, quy định sẽ được thực hiện theo lộ trình. Dự kiến năm 2020 sẽ ban hành thông tư với quy định đến năm 2022 sẽ có hơn 10 nghề nằm trong nhóm ngành nghề độc hại, lao động phải được đào tạo bài bản mới được tuyển dụng. Đến năm 2025 sẽ mở rộng thêm các ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ...; dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng khách sạn, pha chế, chăm sóc khách hàng... Đến năm 2030, bắt buộc 100% ngành nghề, người lao động phải được đào tạo các bậc từ sơ cấp đến CĐ, trong đó nhiều nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới được tuyển dụng.
Cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn lao động
"Việc chuẩn hóa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất cần thiết và phải được thực hiện đồng bộ. Điều này không chỉ tác động tích cực tới doanh nghiệp mà còn góp phần vào việc thực hiện chính sách phân luồng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Lao động qua đào tạo nghề được tuyển dụng, trả lương cao thì học nghề sẽ có sức hấp dẫn và thu hút người học ngay từ sau THCS", ông Hùng nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho rằng hầu hết ngành nghề về kỹ thuật đều cần phải được trang bị kiến thức bài bản và cần có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới làm việc chuẩn xác, hiệu quả.
"Kể cả những nghề liên quan đến an toàn lao động, an toàn thực phẩm, liên quan đến sinh mạng con người, hay những nghề cần hội nhập, cũng cần phải có quy định nghiêm túc. Lao động phải được đào tạo thì mới có tác phong công nghiệp, có ý thức làm việc tốt. Chất lượng và sự chuyên nghiệp của lao động qua đào tạo sẽ giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận và gia tăng sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chấp nhận trả lương cao hơn nhưng có lợi ích lâu dài, thay vì trả lương thấp cho lao động phổ thông nhưng chỉ mang tính thời vụ và không bền vững", ông Cường nêu quan điểm.
Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, cũng nhìn nhận lao động được đào tạo sẽ có đủ kỹ năng và chuyên môn để đảm bảo yêu cầu của công việc. Từ năm 2017, ông Khiêm cũng từng đề xuất về việc gắn kết trường học - doanh nghiệp bằng chương trình đào tạo kép, ưu đãi doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực hành, từ đó doanh nghiệp sẽ có nhìn nhận khác về tuyển dụng lao động, hướng đến việc nâng cao chất lượng nhân lực cho chính mình bằng cách hợp tác với các trường CĐ, trung cấp để đào tạo theo nhu cầu.
Ý kiến
Sẽ khó cho những ngành cần số lượng lao động lớn
Một số doanh nghiệp muốn tuyển một lực lượng lao động lớn, chẳng hạn như may mặc, thì sẽ không có nguồn tuyển nếu bắt buộc họ phải qua đào tạo trường lớp, trong khi đó lao động phổ thông thì lại thất nghiệp. Một số doanh nghiệp tuyển được lao động phổ thông là tốt lắm rồi, có khi còn không có để tuyển. Theo tôi, những công việc đơn giản thì không nên bắt buộc. Chỉ những ngành nghề về chế tạo, lắp ráp... liên quan đến kỹ thuật, hoặc liên quan đến sức khỏe, dịch vụ... và không cần lực lượng lao động quá nhiều thì mới nên bắt buộc
Mai Văn Thiên - Phó ban Quản lý nguồn nhân lực, Tập đoàn dệt may Việt Nam
Nên có 2 dạng đào tạo
Đào tạo sẽ có 2 dạng, một là tại trường nghề dành cho những người có điều kiện, hai là đào tạo tại doanh nghiệp dành cho lao động phổ thông chưa có điều kiện đi học. Thường chỉ một số nghề đơn giản mới tuyển lao động phổ thông, nhưng trước khi đưa họ vào làm việc chính thức, doanh nghiệp vẫn nên liên kết với trường nghề để đào tạo một hay một số mô đun cần thiết để đảm bảo chuyên môn, kỹ năng, tác phong, ý thức làm việc. Với những nghề cần phải có trình độ, kỹ năng, cần tư duy như thiết kế khuôn mẫu, cơ khí, thiết kế máy, lập trình hệ thống... thì cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Ai đạt sẽ được làm việc và trả lương xứng đáng.
Phan Châu Tuấn - Trưởng phòng Huấn luyện nhân sự, Công ty Lập Phúc
Tránh trường hợp có chứng chỉ nhưng kỹ năng không cao
Ngành nghề nào đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt, đổi mới tư duy (như chăm sóc khách hàng, sales, marketing...) sẽ khó tuyển dụng nếu thực hiện theo quy định trên. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của chứng chỉ, bằng cấp nghề trong tuyển dụng, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của đơn vị cấp chứng chỉ nghề, tránh trường hợp người có chứng chỉ nhưng kỹ năng thực tế chưa cao. Có quản lý tốt, kiểm soát chất lượng tốt thì việc yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ mới thực sự xứng đáng.
Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Công ty TNHH phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng - STC
Theo Thanh niên
Ở trường Mầm non Tuổi Hồng "cho đi là còn mãi" Có những gia đình khó khăn, các bé đến lớp không có quần áo thay, các cô bàn nhau làm một cái kệ nhỏ làm tủ đồ "Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận". Trường Mầm non Tuổi Hồng được thành lập từ năm học 2000 - 2001, với quy mô 7 lớp. Đây là trường tư thục, trực thuộc Phòng giáo...