Giúp người Afghanistan ‘thấy như ở nhà’ tại Mỹ
Trong một nhà kho ngoài thủ đô Washington, hàng chục tình nguyện viên bận bịu xếp bàn ghế, giường, để chuẩn bị căn hộ cho người tị nạn Afghanistan.
Laura Thompson Osuri, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Home Not Borders (HNB), cầm tờ danh sách khi chỉ đạo nỗ lực thiết lập nhà mới cho hàng nghìn người tị nạn Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này.
Nhà kho nằm ở Landover, ngoại ô thủ đô Washington, tràn ngập vô số đồ quyên góp trong những tuần gần đây. Osuri lục tìm các thùng lớn để lấy đồ đạc, giường, đồ dùng nhà bếp, ly và đĩa, trong lúc các tình nguyện viên đang khiêng một chiếc ghế sô pha da lên ôtô.
Levan Kuck (trái) và Mike Wong (phải), tình nguyện viên của Homes Not Borders, chất đồ đạc lên xe ở Landover, Maryland. Ảnh: AFP
HNB thành lập năm 2019 tại Maryland, là một trong số các tổ chức hoạt động khắp nước Mỹ chuyên giúp đỡ và cung cấp đồ đạc cho người tị nạn khi họ tới Mỹ. Từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8 và gây ra cuộc di tản lớn của dân thường Afghanistan, số lượng người tái định cư mà HNB cần giúp đỡ không ngừng tăng lên.
“Bình thường chúng tôi chỉ làm việc một, hai ngày một tuần mà bây giờ làm tới 4 ngày, 6 ngày”, Osuri nói.
Video đang HOT
Những người tị nạn mới đến được nhận khoảng 1.200 USD từ chính quyền liên bang để mua đồ đạc cơ bản như giường hay bàn. “Nếu không có chúng tôi quyên góp, họ sẽ phải tự trả tiền. Vì vậy chúng tôi cố gắng chu cấp bằng hoặc trên nhu cầu của họ, để họ dành tiền chi tiêu thứ khác khi tới Mỹ”, bà giải thích.
Levan Kuck, một tình nguyện viên lâu năm, cho hay mục đích của họ là giúp đỡ những người mới đến Mỹ cảm thấy như đang ở nhà. “Chúng tôi làm cho ngôi nhà thật ấm cúng, trang trí tường, cố gắng khiến căn hộ giống như nhà của chúng tôi, phối hợp màu sắc và mọi thứ”, Kuck bày tỏ.
Một buổi sáng gần đây, các tình nguyện viên thu thập đồ đạc cho một đôi vợ chồng Afghanistan đến Mỹ theo Thị thực Nhập cư Đặc biệt cấp cho những người từng làm việc cho chính quyền Mỹ và đang sợ bị Taliban trả thù.
Hai người sống trong một căn hộ thuê trên AirBnB từ khi đến và sắp chuyển tới chung cư ở Riverdale, phía đông Washington. Khu chung cư là nơi sinh sống của những người Afghanistan đang trải qua quá trình thích nghi khó khăn để định cư ở một đất nước mới sau khi rời khỏi quê hương.
“Nơi chốn, con người, nhà cửa, văn hóa, mọi thứ đều khác biệt”, Masuda Stanekzi, 37 tuổi, người Afghanistan tới Mỹ từ tháng 11/2017 cùng chồng là phiên dịch viên cho Mỹ tại Kabul và 4 con, nói.
“Nhưng mọi người đã chuẩn bị cho chúng tôi nhà cửa, mọi thứ cần thiết, đồ ăn trong tủ lạnh, thảm, ghế sô pha, bàn ăn, chúng tôi thực sự trân trọng điều này, cảm thấy vô cùng thoải mái”, cựu y tá đang sống trong khu chung cư bày tỏ.
Làm quen với cuộc sống mới “không dễ dàng” nhưng gia đình Stanekzi được hàng xóm đồng hương giúp đỡ và họ định sẽ làm điều tương tự với những người mới đến.
Masuda Stanekzi, một người tị nạn Afghanistan tới Mỹ năm 2017 cùng chồng con, tâm sự về quá trình thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ. Ảnh: AFP
Khi họ ổn định cuộc sống tại Riverdale, “chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc. Tôi sẽ hỏi họ cần giúp đỡ gì không, ví dụ như lái xe đưa họ tới chỗ họ muốn đi”, Stanekzi nói.
“Mọi người dân ở Afghanistan đều muốn được giúp đỡ. Chúng tôi không thể giúp gì cho họ, nhưng ít nhất có thể giúp đỡ khi họ tới đây. Nếu họ yêu cầu, chúng tôi sẽ luôn sẵn lòng”, cô cho biết.
Nhiều sáng kiến quyên góp cá nhân đang nhân rộng khắp nước Mỹ để giúp đỡ người tị nạn Afghanistan. “Chúng tôi ở đây để giúp họ, để họ biết rằng họ không chỉ có một mình”, Fatima Popal, chủ nhà hàng tại Washington đang tổ chức thu gom quần áo, nhu yếu phẩm và hàng hóa khác cho người tị nạn Afghanistan mới đến Mỹ, nói.
“Tôi biết không ai muốn rời bỏ quê hương cả”, người phụ nữ 41 tuổi nhớ lại cuộc chạy trốn của mình khỏi Afghanistan năm 1987. “Chúng tôi cũng là người tị nạn đến từ một cuộc chiến khác”.
Sinh con trên máy bay sơ tán khỏi Afghanistan
Một phụ nữ ngày 21/8 sinh con trên chuyến bay của quân đội Mỹ sơ tán người dân khỏi Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm nay, Bộ tư lệnh cơ động trên không của quân đội Mỹ cho biết người phụ nữ lâm bồn trên vận tải cơ C-17 trong chặng thứ hai của hành trình rời Afghanistan từ một căn cứ ở Trung Đông đến căn cứ lớn hơn ở Đức do Mỹ điều hành.
Nhân viên y tế tại căn cứ không quân Ramstein, Đức, hỗ trợ bà mẹ Afghanistan rời vận tải cơ C-17 sau khi cô sinh con trên máy bay ngày 21/8. Ảnh: Reuters.
Không quân Mỹ cho biết người mẹ bắt đầu gặp biến chứng khi máy bay đang ở độ cao hơn 8.500 m, do áp suất không khí trong máy bay thấp hơn. Vì thế, chỉ huy vận tải cơ đã quyết định giảm độ cao để tăng áp suất không khí trong máy bay, giúp ổn định và cứu sống người mẹ.
Khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ không quân Ramstein ở Đức, các nhân viên từ đội quân y 86 của không quân Mỹ đã hỗ trợ người mẹ sinh em bé trong khoang hàng của vận tải cơ C-27. Người mẹ và bé gái sau đó được chuyển đến một cơ sở y tế gần sân bay trong tình trạng tốt.
Mỹ và các đồng minh đã phải chật vật xử lý hàng nghìn công dân nước ngoài và người Afghanistan đang cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản quyền lực. Căn cứ không quân Ramstein là một điểm trung chuyển quan trọng cho những người di tản khỏi Afghanistan.
Tổng thống Mỹ sẽ tham dự hội nghị G7 đánh giá tình hình Afghanistan Nhà Trắng ngày 22/8 xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong ngày 24/8 để thảo luận về tình hình hiện nay ở Afghanistan, trong đó có hoạt động hỗ trợ nhân đạo dành cho những người tị nạn...