Giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn tái hoà nhập cộng đồng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình mong muốn thân nhân gia đình của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện với vai trò là điểm tựa, là tổ ấm hãy là chỗ dựa để người thân của mình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi lễ công bố Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Trại giam Quyết Tiến (Ảnh: CAND).
Ngày 3/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã dự Lễ công bố Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Trại giam Quyết Tiến ( Bộ Công an).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới, lần đầu được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, khẳng định chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ. Khuyến khích người đang chấp hành án phạt tù ăn năn, hối cải, tích cực lao động, cải tạo để được hưởng khoan hồng.
Phó Thủ tướng căn dặn các phạm nhân cần phấn đấu học tập, lao động, cải tạo ở trại giam, vững vàng hơn trong cuộc sống, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy định của địa phương, nghĩa vụ của mình. Từ đó sớm được cơ quan có thẩm quyền công nhận chấp hành xong án phạt tù, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện ở địa phương, nhất là trong việc quản lý, giám sát, giáo dục và giúp đỡ, tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật, nghĩa vụ trong thời gian thử thách.
Đồng thời mong muốn các phạm nhân chưa được hưởng chính sách tha tù trước thời hạn có điều kiện lần này hãy nỗ lực phấn đấu, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy định của trại giam, tích cực lao động, cải tạo để sớm đủ điều kiện và được hưởng sự khoan hồng.
Video đang HOT
Đặc biệt, Phó Thủ tướng mong muốn thân nhân gia đình của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện với vai trò là điểm tựa, là tổ ấm hãy là chỗ dựa để người thân của mình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng…
Biểu dương nỗ lực của Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan và cán bộ chiến sỹ, các cơ sở giam giữ trên cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làmtốt công tác xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân, công tác quản lí, giáo dục, giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú tại địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tha tù trước thời hạn ở địa phương, nhất là trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật trong thời gian thử thách.
Được biết, trong đợt này, cả nước có khoảng trên 3.000 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong đó Trại giam Quyết Tiến có 69 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.
Theo Dantri
"Cán bộ thanh tra phải dũng cảm đấu tranh với cái sai, không bị mua chuộc"
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh: "Cán bộ thanh tra phải thật sự tận tuỵ với công việc, dũng cảm trong đấu tranh với cái sai và không bị mua chuộc".
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Thanh tra Chính phủ ngày 27/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà toàn ngành thanh tra đạt được.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém mà ngành thanh tra cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, đề ra giải pháp khắc phục. Đó là việc kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm (có vụ việc kết luận nhiều lần), có vụ việc thanh tra chỉ ra khuyết điểm nhưng xử lý thế nào lại không nêu, quản lý đoàn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp tiêu cực trong tiến hành thanh tra, chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao, giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm. Có vụ việc còn thiếu chính xác, chưa khách quan, công dân chưa đồng tình, bức xúc, kéo dài.
Tình hình khiếu nại tố cáo còn tiềm ẩn nhiều khó lường, phức tạp, khiếu nại lên Trung ương tăng cao, giải quyết việc việc khiếu nại tố cáo còn chậm, tỷ lệ giải quyết thuộc thẩm quyền thấp so với kế hoạch đề ra (71,5%). Quá trình giải quyết còn né tránh, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo tại hội nghị.
Trong khi đó, công tác phòng chống tham nhũng của nhiều cấp, nhiều ngành còn thiếu quyết liệt, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Cán bộ thanh tra phải thật sự tận tuỵ với công việc, dũng cảm trong đấu tranh với cái sai và không bị mua chuộc".
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng.
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ ra những nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo kéo dài, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giá đất, bền bù, tái định cư. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng.
"Các kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, các trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển sang cơ quan điều tra, đồng thời gửi cho Viện Kiểm sát biết để theo dõi, phối hợp"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời đẩy mạnh giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra để thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước. Chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm kết luận thanh tra phải được thực hiện hiệu quả, kiểm tra sau thanh tra, ai gây ra phải cũng phải xử lý, không có chuyện "hạ cánh an toàn".
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng; tập trung thanh tra các vụ việc nhạy cảm, có nhiều dư luận, xã hội bức xúc.
"Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định quyết tâm của toàn ngành, sẽ nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2018 toàn ngành đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 9.873 tỷ đồng, 32.627 ha đất; đã kiến nghị thu hồi hơn 7.875 tỷ đồng, và 357 ha đất.
Qua thanh tra đã phát hiện 80.600 tổ chức, cá nhân có vi phạm, tổng số tiền vi phạm 5.553 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.156 tỷ đồng.
Theo Dân Trí
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị cho đợt tha tù trong tháng 8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, để thực hiện tốt chính sách nhân đạo, khoan hồng trong đợt toà án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho các phạm nhân trong tháng 8/2018, các cơ quan chức năng như Bộ Công an, UBND các tỉnh thành cần hỗ trợ, giúp người được đặc xá hoà nhập cuộc sống....