Giữa vòng xoáy trầm cảm
“Ta vụn vỡ từ bên trong. Và cái chết cũng là một lựa chọn…”, L.V.T.H. (29 tuổi, nhân viên kinh doanh) viết lên trang Facebook của H. những dòng chán nản, tuyệt vọng.
Nhiều bạn bè ngạc nhiên trước dòng trạng thái vì biết H. vốn lạc quan, có cuộc sống đáng mơ ước với mức lương khá cao. Có người động viên, cũng có người buông lời trêu ghẹo: “Tâm thần hả mậy? Ờ thì đi chết đi”.
Chết thì dễ, sống mới khó
T.H. bỏ việc giữa sự sửng sốt của nhiều người. H. quyết định dừng cuộc sống bằng thuốc ngủ, nhưng may mắn được gia đình phát hiện, cứu sống. Nhớ lại hành động nông nổi, H. cho biết giai đoạn đó thấy cái chết không hề đáng sợ, mà là một sự giải thoát.
“Trong hộc tủ phòng ngủ mình lúc đó đầy những lọ thuốc ngủ, thuốc an thần. Mình biết bản thân bị trầm cảm, có đi khám bác sĩ và điều trị. Cũng từng chia sẻ về căn bệnh của mình, nhưng cảm giác là không ai lắng nghe, không ai hiểu… Công việc áp lực lại không phải lĩnh vực mình yêu thích. Những nỗ lực của mình dường như không mang lại giá trị gì cho xã hội. Với mình, chết đơn giản, sống mới khó. Không ai biết về cuộc chiến chống lại ý nghĩ tự tử mình phải đối mặt mỗi ngày”, H. kể.
Cũng rơi vào trạng thái mất phương hướng trong cuộc sống như H., V.T.T.D. (27 tuổi) thấy tương lai mù mịt vô vọng khi chia tay người yêu. D. suy nghĩ nhiều về cái chết, để được giải thoát khỏi đau khổ hiện tại vì đến việc thở thôi cũng khiến cô mệt mỏi, và cũng để người yêu cũ phải hối hận. Sau đó, mất hơn 1 năm, D. mới vượt qua được cú sốc và chiến thắng bản thân, may mắn vì có người thân, bạn bè bên cạnh lắng nghe, chia sẻ.
Người trẻ, nếu không tự mình thoát khỏi áp lực, sẽ dễ rơi vào vòng xoáy trầm cảm (Ảnh minh họa)
Theo TS Phạm Thị Thúy, Phòng Tham vấn tình yêu hôn nhân gia đình – Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm ở các bạn trẻ thường xoay quanh 3 điểm: gia đình, công việc và tình yêu. Cụ thể là áp lực học hành, công việc không thuận lợi, so sánh bản thân với người khác để rồi nghi ngờ giá trị bản thân, bị người yêu bỏ, áp lực tiền bạc… Khi bị trầm cảm, bạn trẻ mất phương hướng trong cuộc sống, không biết phải làm gì, luôn thấy tương lai mù mịt vô vọng.
Video đang HOT
“Những ca tôi đang điều trị, các bạn trẻ thường tự đánh giá tiêu cực về chính họ. Suy nghĩ về cái chết là một trong những dấu hiệu bị trầm cảm nặng. Họ chỉ nghĩ được, cái chết là sự giải thoát, trước sau gì cũng chết nên sớm thoát khỏi nỗi khổ này càng sớm càng tốt. Và nếu như bản thân không tự nỗ lực vượt qua trầm cảm, không có người để giãi bày chia sẻ, họ sẽ chọn cái chết… Điều này cực kỳ nguy hiểm, đáng báo động”, TS Phạm Thị Thúy cho biết.
Hãy lắng nghe con nhiều hơn
“Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ… Con biết thực lực của con đến đâu… Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả…”. Sau khi viết xong bức thư tuyệt mệnh, em H.T.C. (16 tuổi) buông mình từ lầu 4 nơi em đang theo học. Sự ra đi của T.C. và bức thư tuyệt vọng về áp lực học tập, áp lực từ gia đình em để lại ngày nào vẫn còn đó đầy day dứt, với người ở lại.
Theo khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, hiện có 6% dân số tại TPHCM bị trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 – 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 – 27 tuổi.
Cách đây vài ngày, sự việc đau lòng về vụ tự tử tại nhà riêng của hai chị em song sinh đang theo học lớp 10 tại Trường Quốc tế Australia (AIS) tại TPHCM khiến không ít người hoang mang. Dù nguyên nhân dẫn đến vụ tự tử chưa được xác định, nhưng lờ mờ sau đó là câu hỏi bỏ ngỏ về việc các em không thể chia sẻ câu chuyện của bản thân mình.
Sau vụ việc, ông Roderick Crouch, Hiệu trưởng điều hành trường, gọi đây là một bi kịch và qua sự việc này ông cũng nhắn nhủ với phụ huynh về mối liên kết rất quan trọng nâng đỡ tinh thần cho con cái: “Hãy dành thời gian bên con, nghe con nhiều hơn, hãy ôm con và cho chúng biết các bạn yêu chúng như thế nào”.
Để tránh con mình rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, TS Phạm Thị Thúy khuyên các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống với con. Hãy để ý những biểu hiện như con buồn chán, rối loạn giấc ngủ, tăng hay sụt cân bất thường, khuôn mặt hay u sầu… Cũng có những đứa trẻ rất giỏi che đậy cảm xúc với cha mẹ, nhưng dù giỏi đến đâu, nếu quan tâm thì cha mẹ vẫn sẽ nhìn ra những biểu hiện bất thường nơi con mình”, chị Thúy chia sẻ.
Rõ ràng, với những người trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm thì chỉ người trong cuộc mới hiểu được căn bệnh này đáng sợ thế nào. Rất nhiều người bên ngoài tỏ ra là mình ổn, vui cười nhưng nội tâm trống rỗng. Thế nên, người trẻ hãy làm giàu con người mình bằng cách học, đi và sống nhiều hơn. Chết không khó, sống mới khó… nhưng đừng lựa chọn cái chết dễ dàng, bởi ta chỉ có một cuộc đời để sống.
TIỂU TÂN
Theo sggp.org.vn
3 năm anh tôi chỉ đắm chìm trong những truyện online
Đối với anh tôi bây giờ, một bữa cơm trong ngày, một bao thuốc lá và chiếc laptop là đủ.
Anh tôi gần 40 tuổi, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình ba mẹ bất hòa, anh luôn phải cáng đáng nhiều việc vì "cơm áo gạo tiền", lại gặp nhiều thất bại trong sự nghiệp lẫn tình duyên.
Từ một thanh niên khỏe mạnh, bình thường, là trụ cột chính trong gia đình, hơn 3 năm trở lại đây anh trở nên lầm lì, ít nói, không chịu ra ngoài làm việc, chỉ quanh quẩn trong nhà, không giao tiếp với ai. Đặc biệt anh luôn thấy chán nản, không còn động lực và mục tiêu trong cuộc sống. Tôi phát hiện anh nghiện đọc truyện trên mạng, gần như dành tất cả thời gian trong ngày cho việc này.
Ban đầu nhà tôi cứ nghĩ việc anh ở nhà, không đi làm là do thất chí và cũng vì trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, những biểu hiện chán nản, bi quan, hay nóng giận với người thân, ngại tiếp xúc với bên ngoài và gần như đắm chìm trong những truyện dài tập trên internet của anh đã kéo dài suốt hơn 3 năm qua. Sau khi tìm hiểu, tôi biết anh bị trầm cảm nặng. Gia đình tôi quan tâm và trò chuyện với anh nhiều hơn, tạo cơ hội, hết lời khuyên nhủ anh hãy ra ngoài đi làm, tiếp xúc bạn bè... Có điều anh ngại khó, ngại cực và quan trọng anh không tìm thấy động lực để kiếm tiền.
Anh tôi giờ sống ở quê với ba mẹ. Ba mẹ rất lo lắng cho anh, có điều ở đây ít thông tin về căn bệnh này, thêm nữa ba mẹ tôi ít tâm lý,vì thế dù đau buồn và bất lực với anh, họ cũng không dám la mắng, chỉ cố chịu đựng. Tôi lo tình trạng này mà kéo dài thêm sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Có điều tôi không biết phải nói như thế nào để anh hiểu được bệnh tình của mình và chấp nhận điều trị.
Mong chuyên gia, quý độc giả, những người có người thân gặp phải tình trạng này tư vấn giúp để anh tôi sớm lấy lại được tinh thần và niềm vui trong cuộc sống. Xin cám ơn!
Linh
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Bạn thân mến!
Đọc câu chuyện bạn chia sẻ, tôi cảm nhận được nỗi lo lắng của bạn về tình hình của anh trai mình và bạn đang rất mong muốn tìm cách để giúp đỡ anh. Bạn muốn anh mình hiểu được tình trạng của bản thân và chấp nhận việc trị liệu. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, việc xác định anh bạn có mắc chứng trầm cảm hay không nên được những người có chuyên môn chẩn đoán trực tiếp, từ đó có cách can thiệp chính xác.
Hiện tại, theo bạn chia sẻ, anh bạn không hề có nhu cầu muốn ra ngoài tiếp xúc với người lạ, hứng thú xã hội ở mức thấp, không có động lực trong cuộc sống. Theo ý kiến của các chuyên gia về trị liệu tâm lý, động cơ của thân chủ khi đến với nhà trị liệu góp phần rất quan trọng đến hiệu quả cuối cùng. Vì vậy cho dù bạn hay gia đình có ép anh đến tìm sự giúp đỡ của bác sĩ hay nhà tâm lý cũng chưa chắc đã đem lại hiệu quả tích cực.
Tôi khuyến khích bạn làm để tác động tích cực đến anh mình, chính là có thể để anh cảm thấy thoải mái chia sẻ với người em ruột. Việc bạn ở gần anh có thể là một lợi thế, nhưng nếu bạn đang ở xa cũng hoàn toàn làm được qua những phương tiện liên lạc hiện nay. Đừng nóng vội đề cập với anh về những gì bạn nghĩ.
Hãy cứ trò chuyện bình thường, hỏi thăm về cuộc sống hàng ngày của anh. Nếu biết anh trai rất thích đọc truyện, bạn có thể nói với anh về những câu truyện anh đang đọc, tương tác với anh nhiều hơn. Mục đích của tất cả những hành động này trước hết là giúp anh dần có thói quen chia sẻ những sở thích, suy nghĩ của bản thân một cách thoải mái; thứ hai sẽ rút ngắn thời gian anh bạn ở một mình cùng laptop, tăng thời gian tương tác trong một ngày.
Giai đoạn này có thể sẽ mất nhiều thời gian, cũng không dễ dàng cho bạn. Điều cần nhất là người thân xung quanh anh bạn không nên vội vã khuyên, giục, hay ép anh ngay lập tức phải giao tiếp với nhiều người, tìm việc, bắt uống thuốc hay đi gặp bác sĩ. Việc này sẽ khiến anh bạn càng trở nên tự ti và thu mình lại vì cho rằng mọi người xung quanh đang nghĩ anh có vấn đề, trong khi anh bạn lại hoàn toàn cảm thấy rất bình thường với cuộc sống hiện tại.
Tôi mong bạn và gia đình hãy đồng hành cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn. Đến khi anh có thể thoải mái hơn với bạn, bạn hãy đề cập một cách khéo léo chuyện hai anh em sẽ đi nói chuyện với nhà trị liệu và luôn nhấn mạnh về việc anh em sẽ đồng hành cùng nhau. Tôi hy vọng bạn sẽ dành sự kiên nhẫn của mình cho anh trai và cùng anh bước từng bước thật chậm mà hiệu quả. Tôi tin bạn luôn có đủ sự quan tâm và yêu thương dành cho anh mình. Chúc bạn và anh trai sẽ luôn bình yên.
Theo vnexpress.net
Đời người hữu hạn hay vô hạn? Đừng ỷ vào quá khứ và cái sắp tới, hãy sống với thực tại. Phật hỏi đệ tử : - Cuộc sống người ta được bao nhiêu? Các đệ tử thay nhau trả lời : - 80 năm - Sai. - 70 năm - Còn sai. - 60 năm - Sai. - Dạ thưa, vậy người ta sống bao lâu ạ? Phật mỉm...