Giữa trời nắng, dân vẫn ngập ngụa trong nước
Dù trời đang nắng chang chang nhưng toàn bộ con hẻm 476 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh vẫn ngập trong nước. Mùi hôi thối bốc lên khiến cả trăm hộ dân khốn khổ.
Sống cùng… nước cống
Trong ngày 22/8, toàn bộ con hẻm dài khoảng 200 mét bị ngập sâu, cá biệt có đoạn ngập đến nửa thân xe gắn máy. Thực tế, chỉ cần một cơn mưa nhỏ thì toàn bộ nhà dân ở đây đều ngập trong nước.
Giữa trời trưa nắng, tất cả những ngôi nhà ở đây điều đóng cửa kín mít vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ nước bẩn ngập ngụa trong hẻm.
Dù trời đang nắng chang chang nhưng toàn bộ con hẻm 476 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh vẫn ngập trong nước.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (50 tuổi), chủ nhà số 476/2A cho biết, cả tháng nay mọi sinh hoạt của gia đình bà đều bị ảnh hưởng do nước tràn vào nhà. Những lúc nước lớn cả gia đình phải sinh hoạt trên một chiếc giường vì nước ngập… cả nhà. Đi trong nhà mà phải trèo trên mặt ghế, mặt bàn mà đi.
Nước ngập vào cả nhà dân khiến cuộc sống đảo lộn.
Bà Hà Thị Thu, ngụ tại nhà số 476/13 cũng cho biết, trước kia, những lúc mưa lớn nước rút không kịp thì gây ngập, sau vài tiếng đồng hồ là rút ngay, nhưng bây giờ trời nắng mà hẻm cũng ngập.
Muốn đi ra đầu hẻm, bà con phải mang ủng cao.
Ông Phạm Văn Minh ngụ nhà số 476/12 bức xúc: “Trước đây gia đình tôi ngủ không cần phải mắc mùng, nhưng kể từ ngày con hẻm ngập kéo dài thì muỗi và ruồi nhiều vô kể. Sơ hở một chút là muỗi đốt đỏ cả chân, phải treo mùng và bật quạt suốt cả đêm để cho muỗi khỏi đốt”.
Video đang HOT
Bà Nhung tiếp lời: “Khi nào triều cường còn khổ hơn, nước cống tràn vào nhà, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mà triều rút rồi nhưng nước ngập chẳng rút theo, ứ đọng mãi mới khô. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chúng tôi chết mất”.
Ngập do công trình chống ngập
Theo người dân sống trong hẻm 476 Nơ Trang Long, sở dĩ có tình trạng ngập nặng như hiện nay là do đơn vị thi công đào đường lắp đặt cống thoát nước trên đường Nơ Trang Long làm việc cẩu thả, phá hệ thống thoát nước hiện có.
Ông Phạm Văn Minh cho biết, trước đây không có tình trạng này, mưa xong là nước rút hết liền. Kể từ ngày đơn vị thi công đào đường, lấp cống thoát nước ở đầu hẻm mới có tình trạng ngập kéo dài như vậy.
Khi nước bốc hơi, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc khắp hẻm.
Bà Hà Thị Thu cho rằng: “Không biết họ thi công kiểu gì mà lấp luôn cái cống thoát nước. Sau nhiều lần chúng tôi phản ánh lên UBND phường, đơn vị thi công đặt cái máy bơm ở đầu hẻm để hút nước, nhưng bơm cho có vậy thôi chứ chỉ cần một cơn mưa nhỏ thì đâu lại vào đấy cả thôi”.
Theo xác minh của PV, khu vực này đang thi công công trình Xây dựng hệ thống thoát nước đường Nơ Trang Long (đoạn từ Nguyễn Xí đến cầu Băng Ky) do Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM làm chủ đầu tư.
Thủ phạm gây ngập là… công trình chống ngập.
Mục tiêu của dự án là giải quyết vấn đề thoát nước, chống ngập đồng thời góp phần hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trong khu vực. Tuy nhiên, chống ngập thì chưa thấy đâu nhưng tình trạng ngập úng ở đây đang ngày càng nặng nề hơn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Ngày 24/8, trả lời PV, Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông số 3 Cao Xuân Lộc cho biết trong ngày 23/8, đơn vị đã kiểm tra sai phạm tại khu vực này và đã xử phạt nhà thầu lỗi làm hỏng hệ thống thoát nước công cộng, yêu cầu nhà thầu khôi phục lại hệ thống thoát nước cho người dân.
Cùng ngày, Dân trí đã liên hệ với chủ đầu tư là Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP thì đại diện đơn vị này cho biết là trước đây có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này.
Vị này cho biết: “Theo đơn vị thi công báo cáo là do ảnh hưởng của mưa và triều cường nên ngập cục bộ chừng 1 – 2 tiếng đồng hồ, trung tâm có yêu cầu nhà thầu đặt máy bơm nước đầu hẻm để khắc phục tạm thời tình trạng ngập tại đây khi có mưa lớn và triều cường”.
Khi được hỏi tại sao có mưa, ngập nhưng đơn vị thi công không bơm thoát nước cho người dân, để xảy ra tình trạng ngập cả ngày trời thì vị đại diện này cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin này. Vị này cũng hứa sẽ yêu cầu đơn vị thi công nghiêm túc thực hiện phương án thoát nước, chống ngập tạm thời cho bà con.
Theo VNE
Thuốc nội 'lép vế' vì bác sĩ quen kê hàng ngoại
Nhiều người bệnh, ngay cả các bác sĩ, lãnh đạo ngành y cũng thừa nhận việc dùng thuốc nội hay ngoại chủ yếu là do người kê đơn. Số ít trường hợp tự đi mua thuốc nội thì cũng chỉ là để chữa các bệnh cảm, sốt thông thường.
Nhiều độc giả của VnExpress.net cho rằng không phải người dân quay lưng lại với thuốc nội mà chính là các bác sĩ. Lý do vì đa số người bệnh đi mua thuốc là theo đơn của bác sĩ. Bác sĩ kê thuốc gì thì mua thuốc đấy, ít ai có đủ trình độ để đánh giá loại thuốc này là thuốc gì, tác dụng như thế nào, thuốc ngoại hay thuốc nội.
"Người dân Việt Nam luôn muốn dùng hàng Việt nhưng đi khám bệnh bác sĩ kê đơn thuốc chứ bệnh nhân sao tự quyết định. Tôi là một sinh viên vẫn phải sống phụ thuộc, khi đi khám bệnh vì tiểu đêm, bác sĩ kết luận không sao nhưng vẫn cho đơn thuốc hết hơn 530.000 đồng, cả tiền khám gần một triệu đồng. Hóa ra là vì toàn thuốc ngoại", bạn Cao Hoa chia sẻ.
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2010, tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện công lập là 15.000 tỷ đồng, trong đó, chưa đến 39% dành để mua thuốc nội. Đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trung tương, số tiền mua thuốc nội chỉ chiếm 12%.
Nguyên nhân của tình trạng này theo nhiều chuyên gia là ở cả 3 phía: người bệnh, bác sĩ và các công ty dược.
Đa phần người bệnh đều mua thuốc theo đúng đơn do bác sĩ kê. Ảnh: N.P.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh), nơi thuốc nội chiếm khoảng 45%, ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc bệnh viện cho rằng tình trạng thuốc nội bị "ế" là do thói quen, tâm lý đã nhiều năm sử dụng thuốc ngoại của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các công ty dược trong nước còn yếu trong khâu quảng bá. Các công ty nước ngoài thường xuyên tổ hội thảo giới thiệu thuốc, tạo khả năng tiếp cận thông tin về thuốc ngoại cho cán bộ y tế thì thuốc nội ít tổ chức mô hình quảng bá này. Việc tuyên truyền thuốc nội lại quá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thông thường có nguồn gốc từ dược liệu.
Với tư cách là một "khách hàng", phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, bản thân người bệnh không biết nhận định thuốc nội, ngoại như thế nào mà bác sĩ là người tiêu dùng chính, còn bệnh nhân là người tiêu dùng đích. Thế nhưng hiện nay, các công ty dược trong nước chưa tiếp cận được đến người kê đơn.
"Doang nghiệp nói thuốc của mình tốt thì phải giải thích cho chúng tôi tại sao tốt, sản xuất như thế nào, nguyên liệu nhập ở đâu, chỉ tiêu kỹ thuật, độ hòa tan... Hầu hết thông tin mà chúng tôi nhận được chỉ là nơi sản xuất, chứng minh tương đương sinh học, nhưng nhiều loại thuốc của mình cũng chưa làm được điều này", phó giáo sư Dũng nói.
Lý giải về việc thuốc nội bị lép vế ngay trên sân nhà, có ý kiến cho rằng là vì người dân, bác sĩ chưa tin tưởng vào chất lượng. Theo phó giáo sư Dũng thì cần phải nói thẳng là nếu so thuốc nội với thuốc sáng chế thì không thể so được.
Thuốc sáng chế là thuốc do một hãng dược phát minh từ đầu đến cuối. Sau một thời gian hết bản quyền, các công ty khác được sản xuất thuốc đấy gọi là thuốc generic. Mục tiêu của việc sản xuất thuốc generic này là hạ giá thành sản phẩm, giúp người dân ở những nước nghèo có cơ hội tiếp cận với thuốc. Các công ty dược trong nước hiện chủ yếu sản xuất thuốc generic.
"Xét về khả năng điều trị, khỏi bệnh thì nó tương đương nhau. Nhưng nếu tổng hợp tất cả các tiêu chí để so sánh thì thuốc generic không thể bằng thuốc chính được, dù hoạt chất là giống nhau. Ví dụ, uống vào có mùi vị không ngon bằng thuốc chính, độ tan không được nhiều bằng...", phó giáo sư Dũng chia sẻ.
Quan điểm dùng thuốc của các nước khác trên thế giới là dùng thuốc cho những nhóm nhân dân phù hợp với khả năng chi trả. Có nghĩa là thuốc chính hãng cho người giàu, còn thuốc generic dùng cho đại đa số người dân. Người thầy thuốc phải lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng của người bệnh, kinh tế vừa phải thì dùng thuốc generic, đạt mục tiêu khỏi bệnh, phó giáo sư Dũng phân tích.
Có một điểm bất cập trong thị trường thuốc hiện nay là nước ta cho nhập quá nhiều loại thuốc ngoại của Hàn Quốc, Ấn Độ... cũng là thuốc generic, làm giống như thuốc trong nước. Ví dụ cùng tên thuốc kháng sinh Cefotaxime, dạng tiêm 1g, sản xuất tương đối nhiều. Các công ty dược trong nước nhập nguyên liệu về sản xuất, thuốc tác dụng tốt, nhưng bên cạnh đó nước ta lại nhập hàng loạt thuốc ngoại loại này nhưng cũng chỉ tương đương hàng trong nước.
"Kê những thuốc ngoại như thế mà đắt hơn thuốc nội thì tội gì mình không dùng thuốc của mình. Lý do vẫn kê thì có thể vì hoa hồng hoặc vì các công ty của mình chưa tiếp cận được tới bác sĩ. Công ty dược trong nước đã sản xuất được thuốc đấy thì phải quảng bá, giới thiệu. Tôi sẵn sàng mở cửa cho các công ty dược trong nước vào giới thiệu thuốc mà không mất phí ", phó giáo sư Dũng nói.
Theo ông thì thuốc nội đạt đầy đủ tiêu chuẩn GMP (bộ tiêu chí về thực hành sản xuất thuốc) thì thuốc của Việt Nam cũng như của Mỹ, Anh, Pháp... Nếu thuốc nội tốt ông vẫn kê như một loại thuốc ho giá rất rẻ chỉ có 15.000-20.000 đồng, đã được nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, trong khi thuốc ho nhập ngoại hay được quảng cáo trên tivi có giá gấp 4 lần.
Trong các giải pháp của cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt mà Bộ Y tế đưa ra thì thầy thuốc và cơ sở điều trị là nhóm quan trọng thứ 2 sau cơ chế chính sách. Theo đó, Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện phải nghiên cứu, lựa chọn để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước 5-10% mỗi năm. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng ưu tiên lựa chọn thuốc trong nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng cho rằng, không thể bắt buộc bác sĩ điều trị phải kê đơn thuốc sản xuất trong nước mà khuyến khích, nhưng phải pháp chế hóa bằng một số chủ trương. Chẳng hạn, trong việc đấu thầu thuốc, các bệnh viện dành thị phần cho thuốc nội là bao nhiêu, được bao nhiêu điểm. Nếu không tuân thủ, bệnh viện có thể bị đánh tụt hạng tổng kết cuối năm. Thậm chí giá thuốc nội bằng hoặc thấp hơn thuốc nhập khẩu thì cũng ưu tiên dùng thuốc trong nước.
"Khâu quảng bá cũng rất quan trọng, không chỉ là quảng cáo nhiều trên đài truyền hình hay in bao bì đẹp mà là người bệnh sử dụng thuốc đó phải thực sự hiệu quả trong điều trị. Không thể có chuyện thuốc nhập khẩu uống 1g, thuốc trong nước uống đến 1,5-2 g mới có tác dụng thì làm sao nói tương đương được. Điều đó không thuyết phục được khối quan trọng nhất là khối điều trị", thứ trưởng Quang nhấn mạnh.
Đối với người dân, ông cho rằng cần tuyên truyền để người dân nhận thức, hiểu biết và tin tưởng vào thuốc nội. Người tiêu dùng không biết tương đương điều trị, sinh học, thử nghiệm lâm sàng là gì, mà chỉ biết sử dụng thuốc trong đơn.
Theo VNE
Bé 3 tuổi bị cuốn trôi trong cống thoát nước "Cháu chỉ kịp nhìn thấy 2 tay em giơ lên, rồi bị nước cuốn trôi vào trong cống" - Cô chị gái 8 tuổi hoảng sợ kể lại lúc nhìn thấy em trai 3 tuổi bị nước cuốn. Vào khoảng 11h ngày 1/7, cháu Trần Ngọc Yến Vy (SN 2004) cùng em trai 3 tuổi là Trần Bảo Dũng, là con của vợ...