Giữa sóng gió Eo biển Kerch, người bình tĩnh vẫn là Putin
Ukraine tuyên bố thiết quân luật, EU cân nhắc trừng phạt, Tổng thống Mỹ không vui, còn ông Putin đã nói gì?
Sự hỗn loạn leo thang
Ngày 25.11, ba tàu quân sự của Ukraine bị hải quân Nga tấn công, bắt giữ khi tìm cách đi qua eo biển Kerch. Ngày 26.11, Quốc hội Ukraine thông qua tình trạng thiết quân luật ở các tỉnh biên giới với Nga.
Ngay hôm sau, Tổng thống Poroshenko với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, đã kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh.
NATO cũng lập tức họp khẩn với cả sự tham gia của đại diện từ phía Ukraine. Liên minh quân sự này lập tức khẳng định ủng hộ toàn diện Ukraine. Mỹ điều ngay một máy bay trinh sát hiện đại đến khu vực Biển Đen, nơi xảy ra căng thẳng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã họp gấp và kêu gọi tất cả các bên cần kiềm chế.
Sự hỗn loạn tiếp tục leo thang khi phương Tây tiếp tục có các hành động mang tính khẩn cấp. Ngày 27.11, AFP đưa tin, Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cho biết Liên minh châu Âu EU cân nhắc bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến vụ việc này.
“Về vấn đề bổ sung các biện pháp trừng phạt, thời gian sẽ trả lời – chúng ta có một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới. Mọi thứ dựa vào sự giải thích các sự kiện và hành động của cả hai bên. Tuy nhiên, nó vẫn cần được xem xét.” Áo hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Tổng thống Ukraine Poroshenko muốn ban bố tình trạng chiến tranh trên cả nước với Nga
Về phía Mỹ, ngày 27.11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cáo buộc Moscow “có hành động leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ lên án hành động nguy hiểm này của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga trao trả các tàu và thủy thủ đoàn đang bị bắt giữ, đồng thời tôn trọng chủ quyền trên biển của Ukraine”.
Video đang HOT
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói về hành động của Nga như sau: “Đây hoàn toàn không phải là hành động của một quốc gia sẵn sàng tuần thủ luật pháp quốc tế. Việc cản trở hoạt động qua lại đúng luật của Ukraine ở eo biển Kerch là vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là hành động mà cộng đồng quốc tế phải lên án và không bao giờ chấp nhận”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì phàn nàn vào sáng ngày 27: “Tình hình không tốt. Tôi không vui về nó chút nào”.
Sự điềm tĩnh của ông Putin
Giữa những lộn xộn, căng thẳng leo thang như vậy, ông Putin hoàn toàn im lặng.
Người đầu tiên và duy nhất đến lúc này được Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện, bàn bạc, lại chính là Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo với những gì được Điện Kremlin thông báo thì ông Putin bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc Ukraine quyết định đặt lực lượng vũ trang của mình trong tình trạng cảnh giác và áp dụng quân luật.
Tổng thống Nga cũng hi vọng “Berlin có thể ảnh hưởng đến chính phủ Kiev để thuyết phục họ không nên có những hành động bất cẩn”.
Tất cả những gì cần thông báo của người đứng đầu nước Nga chỉ gói gọn trong những thông điệp như vậy.
Thực tế thì khi vụ việc xảy ra, không quân Nga là người nhanh chân nhất khi hàng loạt máy bay Su-30, Su-25 liên tục xuất kích bảo vệ bầu trời khu vực Crimea và Biển Azov.
Các trực thăng quân sự mang theo tên lửa đối hạm, đối không của Nga quần thảo quanh khu vực cây cầu Kerch nối Nga với Crimea.
Những cơ quan cần phát ngôn của Nga cũng đã lên tiếng như Đại diện Nga ở Liên Hợp Quốc, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB)… Thông điệp được truyền tải đi cụ thể: Nga hành động để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Nga. Những gì được thực hiện là tuân thủ tuyệt đối theo luật quốc tế và luật pháp nước Nga.
Hỗn loạn ở eo biển Kerch không ngoài dự đoán của ông Putin
Đề phòng biến động trên khu vực Donbass, Ngoại trưởng Nga lên tiếng cảnh báo Ukraine đang chuẩn bị tấn công vũ khí hóa học hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Và khẳng định “Nga sẽ không ngồi yên nếu hai khu vực này bị tấn công bằng vũ khí hóa học”.
Biện pháp này có thể mang tính phòng xa, nhưng cũng đã được Moscow chuẩn bị và cảnh báo trước.
Nga không cảm thấy bất ngờ trước những lộn xộn đang xảy ra xung quanh mình. Hay nói cách khác, cuộc khủng hoảng ở biển Azov đã được báo trước từ nhiều tháng nay và nó có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Hay thời điểm xảy ra vụ việc ngay trước kỳ vận động tranh cử của Ukraine càng không phải chuyện lạ.
Theo Đỗ Tú (Báo Đất Việt)
Phản ứng của Tổng thống Putin sau vụ Nga bắt giữ tàu chiến Ukraine
Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ quan điểm của chính phủ Nga về vụ bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine sau khi cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: TASS)
Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn thông cáo của văn phòng báo chí Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/11, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ hy vọng Đức sẽ có tiếng nói với Ukraine trong vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch nhằm ngăn Kiev đưa ra những quyết định vội vàng.
"Ông Vladimir Putin đã đánh giá về các hành động khiêu khích của phía Ukraine, cũng như sự vi phạm trắng trợn các quy chuẩn của luật pháp quốc tế khi các tàu quân sự Ukraine cố tình phớt lờ các quy định về đi lại hòa bình tại vùng lãnh hải của liên bang Nga", thông cáo nêu rõ.
"Ông Vladimir Putin bày tỏ hy vọng rằng Đức sẽ tác động tới giới chức Ukraine và giúp họ tránh đưa ra những quyết định nóng vội hơn", thông cáo cho biết thêm.
Theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin do phía Đức đề xuất. Tổng thống Putin đã thể hiện sự quan ngại về việc Ukraine quyết định đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu và ban bố thiết quân luật.
"Phía Nga nhấn mạnh rằng ban lãnh đạo Ukraine phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì đã tạo ra một tình huống xung đột nữa, cũng như những rủi ro đi kèm. Tất cả những điều này rõ ràng đều diễn ra với toan tính về chiến dịch bầu cử Ukraine", thông cáo của Điện Kremlin cho biết.
Tổng thống Putin lưu ý rằng Cơ quan Biên giới Nga sẵn sàng cung cấp các thông tin bổ sung để làm rõ diễn biến vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch.
Trước đó, giới chức Nga nhận định vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch có thể giúp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cải thiện tỷ lệ ủng hộ trước kỳ bầu cử bằng cách kêu gọi tất cả người Ukraine chống lại Nga. Ngoài ra, mục tiêu ban bố tình trạng thiết quân luật của Tổng thống Poroshenko có thể nhằm hủy cuộc bầu cử diễn ra tại Ukraine vào năm sau trong bối cảnh ông Poroshenko đang bị thụt lùi trong chiến dịch tranh cử.
Theo cáo buộc của Nga, vào sáng 25/11, 3 tàu chiến của Hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải Nga khi đang trong hành trình từ biển Đen tới biển Azov. Bất chấp cảnh báo từ phía Nga, các tàu Ukraine vẫn thực hiện các hành vi mà Nga cho là "khiêu khích" và "nguy hiểm", buộc các tàu Nga phải sử dụng vũ khí để trấn áp. Sau vụ đụng độ, 3 binh sĩ Ukraine đã bị thương. Nga cũng bắt giữ 3 tàu Ukraine và đưa về cảng Kerch.
Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ việc xảy ra liên quan tới các tàu Nga - Ukraine, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky tuyên bố hành động của các tàu Ukraine là rõ ràng là "hành vi khiêu khích trắng trợn".
"Vấn đề ở đây là phía Ukraine đã thực hiện hành vi khiêu khích rõ ràng, đặt tính mạng của các thủy thủ (Ukraine) vào trạng thái nguy hiểm, mặc dù trước đó Ukraine vẫn thực hiện cơ chế đi lại trên eo biển Kerch mà không gặp bất kỳ vấn đề gì... Tuy vậy, các ngài vẫn cố tình bỏ qua hành vi khiêu khích này. Việc các ngài ủng hộ Ukraine đã dẫn tới sự leo thang căng thẳng trong tình hình tại đông Ukraine", ông Polyansky phát biểu trước các nước thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ Ukraine.
Thành Đạt
Theo Dantri/ TASS
Liên Hợp Quốc họp khẩn vì căng thẳng Nga-Ukraine ở Crimea Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp khẩn sáng nay 26/11 không lâu sau khi lực lượng an ninh Nga nổ súng, bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine bị cáo buộc vi phạm lãnh hải Nga gần bán đảo Crimea. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (Ảnh: Reuters) AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp...