Giữa dịch COVID-19, Italy cho 10.000 sinh viên trường y tốt nghiệp sớm
Do thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Italy đã cho phép 10.000 sinh viên y khoa tốt nghiệp sớm.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện Brescia Poliambulanza ở vùng Lombardy, Italy ngày 17/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Đại học Italy, ông Gaetano Manfredi ngày 18/3 cho biết chính phủ nước này sẽ cho phép nhóm sinh viên y tốt nghiệp năm nay làm việc sớm hơn từ 8-9 tháng so với thời hạn tốt nghiệp, bỏ qua kỳ thi ra trường bắt buộc.
“Ngay lập tức sẽ có 10.000 bác sĩ bổ sung vào Hệ thống Y tế Quốc gia. Việc này sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ y tế mà quốc gia đang gặp phải”, Bộ trưởng Manfredi tuyên bố.
Vị quan chức nói thêm những sinh viên tốt nghiệp này sẽ được điều động tới các phòng khám đa khoa hoặc nhà riêng của những người lớn tuổi, từ đó cho phép các bác sĩ nhiều kinh nghiệm hơn tập trung tại các bệnh viện.
Trong ba tuần qua, có đến 1.135 bệnh nhân cầm chăm sóc y tế đặc biệt tại Lombardy – vùng bị dịch COVID-19 tác động nặng nề nhất Italy. Tuy nhiên, theo người đứng đầu phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Policlinico tại thành phố Milan – ông Giacomo Grasselli, vùng Lombardy chỉ có 800 giường chăm sóc đặc biệt.
Video đang HOT
Giới chức đang lắp đặt hàng trăm giường chăm sóc đặc biệt mới tại trung tâm triển lãm Fiera Milano. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn cần bổ sung đội ngũ y tế và hệ thống máy thở. Ngày 17/3, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tuyên bố ông sẽ ủng hộ 11 triệu USD để giúp lắp đặt trang thiết bị cho trung tâm y tế mới.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tính đến sáng 19/3, nước này ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 35.713 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 2.978 trường hợp (tăng 475 ca), có 4.025 ca hồi phục (tăng 1.084 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 14.363 ca nhập viện, 2.257 ca phải điều trị tích cực và 12.090 ca cách ly tại nhà.
Bảo Hà (baotintuc.vn)
Covid-19: Bác sĩ Ý và lời nói dối "huỷ hoại"
Cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 tại một bệnh viện ở TP Milan - Ý tạm dừng vào lúc 13 giờ mỗi ngày.
Vào thời điểm này, các bác sĩ trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của Policlinico San Donato gọi điện cho người thân của 25 bệnh nhân nhiễm virus corona trong tình trạng nặng - tất cả đều được dùng thuốc an thần và thở bằng ống thở - để cập nhật thông tin cho các gia đình.
Giờ ăn trưa từng là khoảng thời gian để thăm nuôi tại bệnh viện này. Nhưng bây giờ, khi nước Ý vật lộn với ổ dịch Covid-19 đã làm chết hơn 2.000 người, không thân nhân nào được phép vào bệnh viện và cũng không ai ở Ý rời khỏi nhà của họ nửa bước.
Theo Reuters, tính đến ngày 17-3, 2.158 người đã chết và 27.980 người bị nhiễm virus corona ở Ý - số ca mắc bệnh và tử vong cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Quan tài của một người chết vì Covid-19 được mang vào nghĩa trang ở Bergamo - Ý ngày 16-3. Ảnh: REUTERS
Bác sĩ Rest Resta, phó trưởng phòng ICU của Policlinico San Donato, cho biết: "Ngay cả khi bệnh nhân không có cơ hội sống sót, bạn vẫn phải nhìn vào mặt họ và nói 'Tất cả đều ổn'. Lời nói dối này sẽ hủy hoại bạn".
Trong suốt 3 tuần lễ, 1.135 người cần được chăm sóc đặc biệt ở vùng Bologna nhưng khu vực này chỉ có 800 giường chăm sóc đặc biệt.
Đau lòng hơn, các bác sĩ phải đối mặt thường xuyên hơn và nhanh chóng hơn với việc lựa chọn người có cơ hội sống sót cao hơn. "Chúng tôi không quen với những quyết định nghiệt ngã như vậy" - bác sĩ Resta, 48 tuổi, tâm sự.
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách tại bến phà ở Messina - Ý ngày 16-3. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các bác sĩ Ý nói rằng rất nhiều bệnh nhân Covid-19 cao tuổi đang có vấn đề về hô hấp và họ không thể dành cơ hội cho những người có hy vọng hồi phục mong manh như vậy.
Ông Giacomo Grasselli, điều phối viên tất cả các ICU toàn khu vực Lombardy, cho biết: "Tỉ lệ y tá cho bệnh nhân trong các ICU trong khu vực thường là 1:2. Bây giờ, cứ một y tá phải chăm sóc cho 4-5 bệnh nhân... Tất cả những người nhiễm bệnh đến bệnh viện trong tình trạng khó thở đều được gắn ống thở oxy. Vấn đề là ở mức độ nào và trong bao lâu".
Nếu tình trạng của họ xấu đi, các bác sĩ phải quyết định có nên cho họ vào chăm sóc tích cực hay không, ở đó họ sẽ được đặt nội khí quản.
Các thầy thuốc chống dịch Covid-19 ở Ý hằng ngày phải đưa ra quyết định chọn bệnh nhân để ưu tiên điều trị. Ảnh: REUTERS
Thế nhưng, ngày 7-3, Hiệp hội Gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Chăm sóc Chuyên sâu của Ý đã công bố các hướng dẫn mới: Ưu tiên cho những người còn thời gian sống nhiều hơn.
Ông Resta, từng là bác sĩ quân y, nói rằng tình hình ở Bologna còn tồi tệ hơn cuộc chiến năm 1999 ở Kosovo, nơi ông phục vụ trong đội cứu hộ trên không đưa các bệnh nhân từ Albania đến Ý.
Bây giờ, những người thân yêu của người chết vì Covid-19 thậm chí không thể tiếp cận quan tài vì sợ bị lây nhiễm virus.
Hoài Vy (Reuters/nld.com.vn)
Việt kiều Ý kể 'sự thật' dịch Covid-19: VN kiềm dịch rất tốt, mong Ý vượt gian khó! Việc bùng dịch Covid-19 ở Ý có rất nhiều yếu tố khách quan. Trường hợp của Ý, tôi thấy không phải vì cách ăn ở như nhiều người đang suy nghĩ mà bùng dịch. Việt Nam đang kiềm dịch rất tốt. Hãy gửi lời chúc mong Ý vượt cơn gian khó này. Dòng tâm sự của một Việt kiều Ý gửi đến Thanh...