Giữa dịch Covid-19, bác sĩ Pháp đặt câu hỏi: Sao người Việt luôn tử tế?
Giữa lúc dịch Covid-19 căng thẳng ở Pháp, một dòng tin nhắn xuất hiện trong nhóm người Việt tại Pháp: “Mến chào các anh chị và các bạn. Nếu nhóm mình có ai nấu cơm cho các y bác sĩ thì cho em góp chút sức…”.
Bác sĩ, y tá Bệnh viện Necker với món quà là những món ăn thuần Việt từ nhóm Trái tim Việt lúc 1 giờ sáng – NVCC
Nước Pháp đang thực hiện lệnh phong tỏa, số người nhiễm Covid-19 và tử vong tăng cao mỗi ngày. Người dân hoang mang, thận trọng. Khắp nơi, không khí chùng xuống nặng nề. Các y bác sĩ ở bệnh viện vắt hết sức chạy đua với khối công việc khổng lồ vì… quá tải.
Và dòng tin nhắn khiếm tốn ấy, nguyện vọng nhỏ bé ấy đã đánh thức lòng nhân ái vốn có của người Việt Nam.
Trái tim Việt: Những người chưa từng gặp nhau… ngoài đời
Họ là những người Việt đang sinh sống tại Pháp. Họ chưa từng gặp nhau ngoài đời hoặc là bạn bè của nhau trước đó. Họ đơn giản chỉ muốn góp chút công sức của mình, cổ vũ, động viên các bác sĩ, y tá ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Sau dòng tin nhắn hôm đó, một người, hai người, rồi nhiều người hưởng ứng. “Trái tim Việt” gồm một nhóm người Việt đi đến các bệnh viện ở Paris và vùng ngoại ô trao những phần quà đến các bác sĩ, y tá Pháp. Họ gặp gỡ, trao đổi, phân bổ công việc cho nhau qua mạng internet.
Những ngày này, vào siêu thị phải xếp hàng để đảm bảo siêu thị không quá đông, mọi người giữ được khoảng cách an toàn. Vì thế, việc chọn mua thực phẩm cũng mất khá nhiều thời gian của nhóm. Tuy nhiên, các bạn vẫn tuân thủ quy định của chính phủ: không tụ tập đông người, chỉ phân 2 thành viên cho mỗi lần đi mua và trao quà. Tất nhiên, thực phẩm luôn được các bạn trong nhóm chọn lựa kỹ lưỡng bằng cả tấm lòng.
Bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Necker nhận quà từ nhóm “trái tim Việt” – NVCC
Anh Giang Văn Khắc, thành viên của nhóm hồ hởi chia sẻ: “Chúng tôi trực tiếp đến bệnh viện, trao tận tay các y bác sĩ những phần quà là đặc sản Việt Nam như cà phê, trà, bánh, trái cây… Họ đón nhận tình cảm của người Việt mình với lòng xúc động, lời cảm ơn chân thành. Họ đeo khẩu trang và kính nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được những ánh mắt lấp lánh niềm vui. Chúng tôi ra về trong cảm xúc hân hoan khó nói thành lời. Thật mừng vì những phần quà đã được trao đúng nơi, đúng thời điểm”.
Nhóm tự tạo chi phí hoạt động trên tinh thần tùy khả năng mỗi người. Các bạn kêu gọi thêm bà con, gia đình, bạn bè và cộng đồng người Việt để có thể hỗ trợ thêm nhiều bệnh viện nữa. Trong các túi quà, nhóm còn cẩn thận ghi lời cảm ơn tới các bác sĩ, y tá: “Cảm ơn các bạn – những anh hùng của chúng tôi”.
Nhóm “Trái tim Việt” trao quà các bác sĩ, y tá Bệnh viện Bichat, quận 18 Paris – NVCC
Kể về mối duyên gặp gỡ qua mạng của những đồng hương cùng tâm nguyện, chị Thanh Huyền Chareunphol cho biết: “Mình xem ti vi thấy các y bác sĩ quá vất vả. Nghiêm trọng hơn, có bác sĩ tử vong vì bị nhiễm virus. Họ phải đối diện với hiểm nguy trong tâm thế của những người ra chiến trận mà không được phép sợ hãi. Bao nhiêu bệnh nhân đang đợi họ cứu chữa. Họ phải ăn các món nguội lạnh vì không có thời gian. Những hình ảnh đó làm tim mình đau nhói. Mình muốn động viên các y bác sĩ trong giai đoạn khó khăn này. Mình theo nghề nhà hàng nên có thể nấu một lần 40 – 50 phần ăn cho những người ở tuyến đầu chống dịch”.
Chị kể chị đem ý tưởng này bàn với chồng và gia đình, mọi người đều nhiệt liệt tán đồng. “Thậm chí ba chồng mình còn nói: Đây là việc ý nghĩa con nên làm lúc này. Người Việt chúng ta có câu, thương người như thể thương thân. Chúng ta không phân biệt xuất thân, chủng tộc. Các con hãy làm vì trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội”, chị nói thêm.
Thắc mắc của vị bác sĩ Pháp “ Sao người người Việt Nam lúc nào cũng dễ thương và tử tế?”. Câu trả lời đơn giản nhất: “Bởi vì chúng tôi là người Việt Nam”.
Ban đầu khi nhóm “Trái tim Việt” chưa thành lập, vợ chồng chị Huyền đã liên lạc với đội FFSS. “Công việc của họ rất căng thẳng, phải điều phối bệnh nhân giữa các bệnh viện. Họ đang thực hiện nhiệm vụ ở Strasbourg. Khi họ tới Paris sẽ liên lạc với tụi mình ngay. Mình sẽ hỗ trợ họ 2 lần/tuần, mỗi lần 40 – 50 suất ăn”, chị cho biết. “Bây giờ mình hân hạnh là thành viên nhóm “Trái tim Việt”. Các anh chị trong nhóm ai cũng sẵn sàng góp của, góp công. Hy vọng cùng nhau, tụi mình sẽ mang đến cho những người ở tuyến đầu chống dịch nhiều hơn những món quà vật chất lẫn tinh thần, góp sức cùng nước Pháp vượt qua đại nạn này”.
Đậm đà hương vị Việt: Bánh cuốn, bún bò, nem rán, thịt kho trứng…
Không sống ở Paris và vùng ngoại ô như những đồng hương, chị Lê Thị Quỳnh Hoa sống tại Toulon, miền Nam nước Pháp đã kịp thời hỗ trợ bệnh viện quân đội Sainte Anne – Toulon khi lệnh phong toả toàn nước Pháp vừa ban ra. Là chủ tiệm ăn Việt nhỏ “Le Hanoi” trên phố Lamalgue – Le Mourillon, chị Hoa tình cờ gặp một vị khách là y tá bệnh viện đến mua thức ăn. Không giấu vẻ mệt mỏi sau ca trực dài, cô y tá kể thời điểm này, mỗi ngày cô phải làm việc từ 12 – 14 tiếng.
Chị Quỳnh Hoa, chủ tiệm ăn “Le Hanoi” chuẩn bị phần ăn cho các bác sĩ, bệnh viện quân đội Sainte Anne – NVCC
Vậy là chị Hoa nghĩ ngay đến cách tiếp sức cho các y bác sĩ bệnh viện. Chị liên lạc bệnh viện, bày tỏ thiện ý của mình. Hiện chị đều đặn tiếp tế miễn phí thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, mỗi lần 40 – 50 phần ăn Việt cho các bác sĩ, y tá các khoa trong bệnh viện. Chính chị đích thân chọn mua thực phẩm, chế biến và mang đến tận tay các y bác sĩ bệnh viện.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm bếp lâu đời, bà ngoại chị Hoa bán bánh cuốn Thanh Trì, mẹ chị có tiệm cơm Tuyết ở chợ Hàng Bè, Hà Nội. Chị Hoa từ bé đã quen hương vị bếp Việt. Chính vì thế, những món ăn qua bàn tay khéo léo của chị luôn đậm đà, thuần Việt. Chị ưu tiên những món đặc sản như bánh cuốn, bún bò, nem rán, thịt kho trứng, mì xào tôm, cơm gà nướng… phục vụ các y bác sĩ. Anh chồng người Pháp của chị cũng hăng hái giúp vợ đóng hộp cho kịp giờ giao.
“Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trên sa mạc. Xin hãy kể về những bạn khác trong nhóm. Họ nhiệt huyết hơn tôi rất nhiều’
Chị Thanh Hòa – trưởng nhóm Trái tim Việt
Mỗi tuần, trên trang Facebook của chị xuất hiện hình ảnh món ăn Việt hấp dẫn, kèm dòng trạng thái: “Thêm nữa, thêm nữa những món ăn thuần Việt gửi tặng các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng bệnh viện Sainte Anne. Các bạn là anh hùng, vị cứu tinh của chúng tôi. Hoan hô công việc khó khăn và đẹp đẽ các bạn đang làm. Gửi nụ hôn lớn tới tất cả các bạn! Hãy giữ gìn sức khỏe và cố lên!”.
Đáp lại sự cổ vũ của chị, các bác sĩ, y tá bày tỏ: “Cảm ơn sự hỗ trợ. Cảm ơn những món ăn ngon của bạn. Chúng tôi đã được thưởng thức”. Chị Hoa nói: “Tôi sẽ đồng hành cùng các bác sĩ, y tá bệnh viện Sainte Anne cho đến khi dịch bệnh dập tắt”
Bác sĩ, y tá Bệnh viện Pitie (quận 13 Paris) nhận quà từ nhóm “Trái tim Việt”
Tuy ở xa Paris, bận rộn với tiệm ăn, chị Hoa vẫn tìm cách hỗ trợ đồng đội nhóm “Trái tim Việt”. Chị chủ động liên hệ các bệnh viện ở Paris và vùng ngoại ô. Sau đó sắp xếp thời gian trao quà để anh chị em trong nhóm thực hiện. Chị kể: “Vui lắm! Qua điện thoại, các bác sĩ Pháp đều rất bất ngờ trước lời ngỏ ý của chúng tôi. Có người thốt lên: Ôi. Thật thế à? Tôi thắc mắc sao người Việt Nam lúc nào cũng dễ thương và tử tế thế nhỉ?!”
“Hy sinh” bộ drap giường mới tinh để may khẩu trang
Không chỉ trao quà, nhóm còn kêu gọi bà con kiều bào ủng hộ khẩu trang. Trong khi khẩu trang y tế đang khan hiếm, bệnh viện còn không đủ dùng thì người dân đâu thể dễ dàng trang bị cho mình khẩu trang khi ra ngoài. Thấy vậy, chị Bích Hảo Hamann liền may khẩu trang tặng những ai có nhu cầu. Ban đầu chị tặng kiều bào trong nhóm người Việt xa xứ. Sau chị may tặng những siêu thị gần nhà, hiệu thuốc.
Ngay chung cư của chị, chị đặt một hộp nhỏ những chiếc khẩu trang vải xinh xắn trên bàn, ghi dòng chữ: “Khẩu trang miễn phí” cùng icon trái tim bên cạnh. Những chiếc khẩu trang vải qua đường kim mũi chỉ của chị, được hàng xóm Pháp đón nhận với lòng trân trọng. Họ không quên gửi lời cảm ơn vào thùng thư nhà chị và cả email nữa.
Chị vui vẻ kể: “Thấy nhu cầu khẩu trang của mọi ngườI rất lớn. Mình muốn may tặng mọi người nhưng không có vải sẵn. Thế là hy sinh luôn bộ drap giường vải cotton mới tinh được mẹ chồng tặng hôm đám cưới. Nhà có bao nhiêu bộ drap vải cotton chưa sử dụng, mình mang ra hết may khẩu trang 3 lớp. Gần một tháng nay, mình “sản xuất” được 500 chiếc khẩu trang rồi. Chồng mình là người Pháp, anh ấy tự hào và luôn ủng hộ mình làm việc này”.
Khi được hỏi chị lấy đâu ra nguyên liệu cho ngần ấy khẩu trang, chị nói: “Người Việt chúng ta tình nghĩa, tương thân tương ái lắm. Mình chỉ cần hô lên mình cần vải, cần chỉ may, lập tức các bạn đem tới, đặt bên dưới chung cư cho mình. Việc của mình là cắt may sao cho thẳng thớm, đẹp đẽ nhất!”.
Hẹn gặp nhau sau đại dịch
Chị Thanh Huyền Chareunphol tâm sự: “Hiện tại, khi Pháp là nước thứ 4 thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Việt Nam vẫn đang khống chế dịch bệnh khá tốt. Mình thật sự yên tâm, nhẹ nhõm. Mong quê hương đất nước bình yên. Nơi đó có gia đình ông bà, cha mẹ, tất cả những người mình thương yêu. Mình nguyện sống tốt, làm những việc ý nghĩa dù ở xã hội nào”.
Là người năng nổ, nhiệt tình nhất trong nhóm “Trái tim Việt”, chị Thanh Hòa – trưởng nhóm từ chối kể về công việc thiện nguyện chị đang làm. Chị nói: “Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trên sa mạc. Xin hãy kể về những bạn khác trong nhóm. Họ nhiệt huyết hơn tôi rất nhiều”. Những người bạn, đồng đội của chị cũng vậy. Không ai muốn nói sâu, kể nhiều. Họ tự hào, hạnh phúc với việc mình làm. Họ dặn nhau giữ gìn sức khoẻ. Họ hẹn gặp nhau sau đại dịch, sẽ cùng nhau tay bắt mặt mừng trong đời thật chứ không phải qua màn hình internet.
Đã có những cá nhân người Việt xa xứ ủng hộ chính phủ, người dân Pháp khẩu trang y tế và khẩu trang vải với số lượng lên đến vài chục ngàn cái. Tấm chân tình, lòng hướng thiện, trách nhiệm với cộng đồng của những người Việt xa xứ đã thể hiện đậm nét, mang đến niềm an ủi ấm áp cho xã hội Pháp trong cơn đại nạn. Thắc mắc của vị bác sĩ Pháp “Sao người Việt Nam lúc nào cũng dễ thương và tử tế?”. Câu trả lời đơn giản nhất: “Bởi vì chúng tôi là người Việt Nam”.
1 giờ sáng, các bác sĩ, y tá bệnh viện Necker ngồi lại cùng nhau, chụp tấm ảnh gửi kèm dòng tin nhắn đến số điện thoại của nhóm “Trái tim Việt”: “Lời cảm ơn từ khoa hồi sức Bệnh viện Necker về sự hào phóng và chia sẻ của các bạn trong giai đoạn khó khăn đối với tất cả chúng ta. Hãy bảo trọng chính bạn và những người thân. Chúc sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc”.
Minh Tâm
Sống sót sau vụ sập toà nhà cách ly Covid-19, chàng trai gửi lời tới người cứu mình: 'Anh ấy đẹp trai lắm, lại còn rất cường tráng nữa'
Cảm ơn anh lính cứu hoả, nam nạn nhân không giấu giếm sự 'u mê' của mình.
Với những người đã cứu mạng sống của ta, không khó để gửi một lời cảm ơn chân thành đến họ. Thế nhưng nội dung lời cảm ơn như chàng trai họ Du này 'có điều gì đó sai sai'.
Video: Nam nạn nhân gửi lời cảm ơn ân nhân trên sóng truyền hình.
Vào tối 7/3, khách sạn Hân Giai (Xin Jia) nằm ở đường Nam Hoàn, phố Thường Thái khu Lý Thành, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến bất ngờ bị sập khiến khoảng 70 người bị chôn vùi bên trong.
Chàng trai họ Du là một trong số những nạn nhân may mắn được cứu sống sau gần 70 giờ mắc kẹt. Khi đang nằm hồi sức trong phòng bệnh dưới sự quan sát của các y bác sĩ, chia sẻ vài câu về cảm xúc của mình khi được cứu từ lưỡi hái tử thần trên sóng truyền hình, anh đã có những tâm sự khiến người nghe bất ngờ.
Được phóng viên hỏi: 'Bạn có điều gì muốn nói với anh lính cứu hoả đã cứu anh không?', nam nạn nhân không mất nhiều thời gian suy nghĩ mà trả lời luôn: 'Cảm ơn, thật sự vô cùng cảm ơn anh! Anh ấy đẹp trai lắm, lại còn rất cường tráng nữa'.
Câu trả lời thật thà khiến tất cả mọi người trong phòng bệnh không biết nên biểu cảm như thế nào cho đúng nữa. Chỉ mong rằng với tinh thần phấn khởi, chàng trai sẽ mau chóng bình phục!
Hình ảnh khách sạn khi chưa đổ sập.
Được biết, khách sạn Hân Giai hoạt động từ năm 2018, có tổng cộng 80 phòng. Chính quyền xác nhận, khách sạn này là một trong những điểm cách ly viêm phổi Vũ Hán Covid-19 tại địa phương. Người cách ly không phải là trường hợp nghi nhiễm bệnh, mà là từng đi đến khu dịch bệnh trọng điểm nên được theo dõi tại khách sạn này.
Video: Hiện trường vụ sập khách sạn
Video chia sẻ trên mạng cho thấy, khi xảy ra sự cố, xà ngang của khách sạn bị gãy đổ về phía sau, tường bê tông bên ngoài bị vỡ thành từng khối, toàn bộ khách sạn dường như bị san bằng.
Kỳ Duyên (baodatviet.vn)
Bố dựng 'Lâu đài Covid nguy nga' cho con giữa đại dịch Từ những chiếc hộp các tông, một ông bố người Anh đã xây dựng cho con trai một lâu đài tuyệt đẹp, có cả cầu kéo trong thời gian rảnh rỗi vì lệnh phong toả. Lâu đài Covid bằng thùng các tông Theo Daily Mail, trong vòng 4 ngày khi phải chịu cách ly, Steve Wilson, 52 tuổi, đã dựng nên một toà...