Giữ từng tấc đất trong cuộc chiến tháng 2/1979
Quân xâm lược Trung Quốc huy động 19 sư đoàn, hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới tràn ngập biên giới phía Bắc.
Hồi nhớ lại cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, Trung tướng Lê Nam Phong, lúc đó là phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân đoàn 1, trấn giữ biên giới phía Bắc, kể: “Vừa giải phóng xong Phnom Penh, tôi nhận lệnh do chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Chu Huy Mân ký điều động về Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 để nhận nhiệm vụ mới. “Quân lệnh như sơn”, tôi bay từ Campuchia ra Hà Nội và có mặt ngay tại sở chỉ huy của quân đoàn tại Đồng Mỏ, Lạng Sơn ngay sau đó bắt tay vào các đợt phản công”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn (đứng giữa đội mũ xe tăng) đi thăm đơn vị bộ binh cơ giới năm 1979. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Giữ kín quân đoàn chủ lực
Tướng Lê Nam Phong kể tiếp lúc đó chưa kịp thay quần áo, chân ướt chân ráo có mặt tại sở chỉ huy để tham gia cuộc họp do Bộ Tổng tham mưu triệu tập các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng để phổ biến, quán triệt các nhiệm vụ cụ thể trong phòng ngự, phản công. Lúc đó Quân đoàn 1 được Bộ Quốc phòng quán triệt phải giữ bí mật triệt để, vì đây là lực lượng “át chủ bài”, chỉ cho tung ra các sư 312, 390 và lữ đoàn pháo.
Riêng sư 308 phải giữ kín, không được tung ra để đề phòng Trung Quốc (TQ) cho quân nhảy dù ở Bắc Giang, Bắc Ninh tập kích phía sau để chiếm Hà Nội. “Kinh qua nhiều cuộc chiến trực diện nên công việc đầu tiên của tôi lúc đó là đi thị sát nắm tình hình, thực binh của đối phương để triển khai ngăn chặn và đẩy lùi các đợt phản công quy mô lớn”.
Tướng Phong cho biết lúc đó TQ huy động 19 sư đoàn, hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới tràn ngập biên giới phía Bắc. Trong khi đó lực lượng các quân binh chủng của ta lúc đầu còn khá mỏng, xét về tương quan lực lượng rất chênh lệch khi đối đầu.
Để phá thế dàn hàng ngang và cơ động để nghi binh của đối phương, tôi được mật lệnh đánh thọc sâu 40 km vào đội hình của địch để nắm thực binh, quả đúng như dự đoán chiến thuật đối phương vận dụng “dàn hàng ngang và cơ động”. Sau trận thọc sâu đó, cấp trên ra lệnh yêu cầu rút lui và tổ chức “phòng thủ là chủ yếu”. Sau đó khi thời cơ thuận lợi ta mới tổ chức phản công trên nhiều mặt trận.
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, bùi ngùi kể lại cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Phản công, đánh bật quân xâm lược
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại để kịp thời triển khai phản công đẩy lùi 19 sư đoàn đang phong tỏa sáu tỉnh (Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La) biên giới, Bộ Quốc phòng đã gấp rút điều động các quân đoàn 1, 2, 3 và 4 cùng các quân binh chủng lúc đó đang trấn giữ ở biên giới phía Nam và Campuchia gấp rút cơ động ra biên giới phía Bắc.
Cuộc hành quân cơ động hùng hậu này sử dụng rất nhiều phương tiện, huy động rất nhiều thuốc men, đạn dược, hậu cần vô cùng phức tạp, trong khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh kinh tế kiệt quệ. Cộng thêm biên giới trải dài, rộng, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ còn mỏng, lực lượng tinh nhuệ, quân chủ lực đang nằm phân tán nên thế trận lúc đó khá cam go.
Video đang HOT
Ngược lại, bên kia biên giới TQ đã bày sẵn thế trận, đã diễn tập thực binh, bố trí các tuyến phòng thủ, xây dựng các tuyến đường biên cho xe cơ giới cơ động quân, kéo pháo vào rất dễ dàng, nắm thế chủ động trên chiến trường.
Bằng sự quả cảm và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất cha ông tới cùng, quân và dân ta đã phản công, đẩy bật được quân TQ ra khỏi các điểm chiếm đóng.
Riêng trận Bến Sỏi ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 4.000 tên xâm lược. Những người lính TQ bị bắt khi đó đã thốt lên rằng “sợ nhất là chiến tranh nhân dân, thứ hai là đặc công và đối đầu với bộ đội chủ lực Việt Nam” – tướng Lê Nam Phong kể lại và cho hay: “Nhiều tù binh khi bị bắt họ thật thà bảo trước khi đi họ không biết sẽ đánh Việt Nam”.
Đó là “một hành động xâm lược”! Việc bất ngờ sử dụng lực lượng quân sự rất lớn với hơn 600.000 quân tiến công vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn bộ tuyến biên giới Trung-Việt sáng 17/2/1979 không thể gọi bằng thuật ngữ nào khác là một hành động xâm lược. Lãnh đạo TQ thời kỳ đó tuyên bố với thế giới về việc sử dụng vũ lực để “dạy cho Việt Nam một bài học” là một sự ngạo mạn, thể hiện cách hành xử tự cho ta đây là “bề trên”. Hiện nay phía TQ vẫn tuyên truyền giải thích bản chất của cuộc chiến tranh năm 1979 là “cuộc phản kích tự vệ của TQ”… tìm cách “đổi đen, thay trắng” xuyên tạc bản chất của cuộc chiến tranh tội ác này. Đó là điều không thể chấp nhận được. TS-PGS-Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN THÀNH, Học viện Quốc phòng
Theo Phong Điền ( Pháp luật TP.HCM)
Biên giới tháng 2 năm 1979
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.
Báo Quân đội nhân dân đăng "4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc giội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, khu công nghiệp...".
Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Xem đồ họa).
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Khi đó, ông là cán bộ phòng biên tập ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa được tăng cường lên biên giới phía Bắc cuối năm 1978. Từ lúc chiến sự xảy ra đến đầu tháng 3/1979, ông theo chân công an vũ trang đi khắp chiến trường Cao Bằng, ghi lại những hình ảnh chân thực của cuộc chiến 38 năm trước bằng một chiếc máy ảnh và 20 cuộn phim.
Bất ngờ trước sự tấn công của quân Trung Quốc, người dân thị xã Cao Bằng ngược đường quốc lộ, băng rừng di tản về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên. Giữa dòng người tản cư có hai chị em cõng nhau chạy nạn. Hai đứa trẻ vừa đói, vừa mệt nhưng cũng không dám nghỉ ngơi. Nhiều năm qua, ông Trần Mạnh Thường vẫn hy vọng gặp lại hai chị em trong bức ảnh.
Cô bộ đội bế bé gái theo mẹ đi tản cư tại chân cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng). Mẹ của bé trúng đạn quân Trung Quốc bị thương nặng, được bộ đội đưa về tuyến sau. "Tình hình khi ấy rất khẩn trương, ai cũng hoang mang vì không nghĩ Trung Quốc lại đưa quân tràn qua bắn phá", ông Thường kể.
Từ ngày 17/2/1979 đến 18/3/1979 khi Trung Quốc rút quân, nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại.
Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập.
Nhà trẻ thị xã Cao Bằng chỉ còn là đống đổ nát.
Trâu bò bị giết dọc đường quân Trung Quốc đi qua.
Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị giết chết rồi ném xuống giếng.
Chị Nông Thị Ty, người dân thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo còn sống sót sau trận càn quét của quân Trung Quốc trả lời nhà báo Tiệp Khắc. Tại thôn này, 43 dân thường gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai bị giết hại.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, chủ yếu bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ.
Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực.
Bộ Quốc phòng Việt Nam gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về tham chiến.
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng "Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự".
Súng chống tăng DKZ, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được.
Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ.
Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới. Hàng hóa nhanh chóng được chi viện cho chiến trường phía Bắc.
Các thiếu nữ dân tộc Tày chuyển lương thực cho bộ đội.
Khi lệnh Tổng động viên được ban bố ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Hoàng Phương
Ảnh: Trần Mạnh Thường
Theo VNE
Dự thảo mới về ô tô nhập khẩu: Đã "dễ thở" hơn Dự thảo mới của Bộ GTVT không còn yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải nộp "Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng". Sau quá trình lấy ý kiến góp ý, đến nay nhiều hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đánh giá...