Giữ sức khỏe cho mùa Euro
Đầu óc trống rỗng, mất tập trung trong công việc, suy nhược cơ thể, bệnh tim mạch, huyết áp trở nặng, là cảnh báo của bác sĩ dành cho các tín đồ bóng đá trong 3 tuần diễn ra cúp châu Âu.
Thức đêm theo quả bóng lăn, hôm sau phải đi làm, tình trạng này kéo dài suốt hơn 3 tuần sẽ khiến nhiều người đổ bệnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Thống kê từ các mùa bóng Euro trước tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Cấp cứu Trưng Vương, Nhân dân 115, Gia Định… cho thấy, từ giữa đến cuối mùa bóng, lượng bệnh nhân nhập viện do các chứng bệnh liên quan đến thức đêm đều tăng lên. Đặc biệt là người lớn tuổi mang bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, nguy cơ ốm càng cao.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (TP HCM), trong chu kỳ sinh học, giấc ngủ sâu sẽ đến từ 0h đến gần sáng, đây là thời gian mà các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc. Chính vì thế, việc thức đêm kéo dài mà ngày phải đi làm không được nghỉ ngơi, sẽ khiến cơ thể mau chóng suy sụp.
Theo các bác sĩ, trong thời gian diễn ra các trận đấu Euro, nếu bạn thức khuya kéo dài gần một tháng sẽ khiến giảm trí nhớ khó tập trung chú ý vào công việc ù tai, chóng mặt, mắt mờ. Người cũng dễ trở nên nóng nảy, cáu bẳn đau mỏi cơ thể, uể oải dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM khuyến cáo thức khuya dễ ảnh hưởng đến làn da, bởi đêm là thời gian để da “nghỉ dưỡng và hồi phục”. Tình trạng này thường xuyên sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, sạm và không mịn màng.
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy thì cho rằng, hệ thần kinh giao cảm sẽ không được nghỉ ngơi nếu thức đêm kéo dài. Điều này dễ dẫn đến mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu ở ngày hôm sau.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TP HCM, thức khuya hay trắng đêm xem đá bóng làm đảo lộn đồng hồ sinh học vốn ngủ đêm thức ngày. Ngoài việc gây mệt mỏi, thức đêm còn là nguyên nhân có thể khiến những người cao huyết áp, hay mắc bệnh tim mạch trở nặng.
Video đang HOT
“Thức đêm làm co thắt mạch máu, dễ dẫn đến các chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Điều này càng dễ xảy ra khi người xem bóng đá thường mang tâm lý hồi hộp, căng thẳng”, tiến sĩ Hoài Nam nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thiếu ngủ sẽ khiến cho mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là thính giác với triệu chứng ù tai.
Về chế độ dinh dưỡng, theo bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, ăn đêm có thể gây thừa cân béo phì hoặc vừa thức vừa uống bia rượu sẽ có hại. Do đó cần ăn đúng cách khi thức khuya xem đá bóng.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cho biết, dù chỉ ngồi xem đá bóng thì cơ thể vẫn tiêu hao năng lượng. Chính vì thế, về khuya ăn thêm chén cơm với trứng, cái bánh bao, tô mì gói thêm tí thịt bò, chén súp cua, cái bánh ngọt, ly sữa nóng, theo bác sĩ Thủy là lý tưởng.
Cũng theo các chuyên gia dinh dưỡng, để có thể phục hồi năng lượng, giảm mỏi mệt cả thể xác lẫn tinh thần cho ngày mới phải làm việc, người thức đêm nên ăn sáng đầy đủ chất và phải ăn thật no. Uống nước nhiều để giải nhiệt cho cơ thể cũng là việc làm hết sức quan trọng.
“Thức đêm sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất, do đó nên bổ sung vitamin ở dạng viên hoặc tự nhiên bằng cách dùng trái cây, rau quả như cà rốt, táo tây, trứng, mật ong, chanh, đu đủ…”, bác sĩ Thủy nhắc nhở.
Từ kinh nghiệm đêm xem đá bóng, sáng phải đi làm, nhóm Lộc – Thanh – Dũng nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3, TP HCM, cho rằng nên tranh thủ ngủ vào những lúc có thể ngủ, không cần ngủ lâu, chỉ cần ngủ sâu vẫn có thể giúp cơ thể không quá mệt mỏi.
Còn theo các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (TP HCM), tranh thủ ngủ sớm hơn bình thường hoặc tìm cách ngủ bù cũng là một trong những biện pháp giúp tín đồ của quả bóng tròn không bị kiệt sức.
“Để có thể đảm bảo sức khỏe làm việc, đặc biệt là những người làm nghề phải tập trung cao như lái xe, bác sĩ phẫu thuật, cần thiết phải hy sinh một trận bóng trong đêm”, một bác sĩ nói.
Theo vietbao
Chết vì... quá bổ
Dù rất cần thiết với người già, người suy nhược cơ thể, trẻ biếng ăn hoặc chậm lớn nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì thuốc bổ vẫn tác động xấu đến sức khỏe.
Một bệnh nhân dị ứng thuốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Đưa con đi khám tại Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chị Trần Nghĩa Thục (27 tuổi, ngụ huyện Thanh Trì - Hà Nội) cứ băn khoăn không hiểu tại sao cậu con trai 2 tuổi dù được "nạp" đều đặn 2-3 loại thuốc bổ mà vẫn biếng ăn, chậm nói, chậm đi đôi lúc co giật, nôn trớ. Các bác sĩ tại đây kết luận cậu bé bị thừa vitamin A, D và canxi.
Tự ý bổ sung
Lúc này, chị Thục mới tá hỏa và kể cho bác sĩ nghe gần một năm trước, sau khi đưa con đi khám dinh dưỡng, chị thường xuyên cho con uống theo đơn thuốc này. Thấy con vẫn biếng ăn, chậm lớn, chị đã tăng liều và mua thêm một số thuốc bổ sung canxi vì nghĩ đơn giản rằng thuốc bổ chắc uống nhiều một chút cũng chẳng sao.
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, việc bổ sung vitamin D và canxi quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến dư thừa canxi trong máu, gây ra trạng thái kích thích, co giật. Ngay cả vitamin A, dù đóng vai trò rất quan trọng giúp tăng cường thị giác nhưng nếu dùng liều cao kéo dài, đặc biệt ở trẻ em, sẽ dẫn đến viêm gan cấp. "Nguyên nhân dễ gây ngộ độc vitamin A ở trẻ là do trẻ đã uống sữa công thức, trong đó có chứa một lượng vitamin A phù hợp nhưng các bà mẹ không biết nên tự ý bổ sung thuốc có chứa các loại vitamin khác, kể cả vitamin A.
Tất cả tình huống này sẽ dẫn đến tích tụ vitamin A trong gan. Tương tự, việc dùng vitamin D liều cao kéo dài sẽ tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, tổn thương thận, tăng huyết áp", bác sĩ Đằng lưu ý.
Có thể tử vong
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Tĩnh (33 tuổi, ngụ Phú Thọ), nhập viện chiều 16-5 do dị ứng thuốc bổ.
Chị Tĩnh cho biết do bị đau mỏi xương khớp, ăn không ngon nên đã đi bốc thuốc nam của một ông thầy lang ở Yên Bái. Sau khi uống hết cốc thuốc chưa đầy 1 giờ, đầu óc choáng váng, nước mắt chảy ròng, toàn thân nổi mẩn, mặt sưng vù nên chị phải nhập viện theo dõi.
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, trung tâm không chỉ tiếp nhận các trường hợp dị ứng với thuốc tây y, đông y, thuốc nam mà còn nhiều trường hợp phản ứng với các loại thuốc bổ dạng vitamin, thuốc bổ giúp tăng chất nhờn của khớp, thậm chí cả thực phẩm chức năng. Biểu hiện là người bệnh phát ban đỏ toàn thân, ngứa, viêm da, phù nề, thậm chí sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Đừng lạm dụng
"Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại mà dùng vô tội vạ. Hiện tượng nhiều trẻ tử vong, nhiễm độc sau khi uống thuốc nam chứa chì cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ", bác sĩ Khánh nhắc nhở.
Còn theo bác sĩ Đằng, dù là vitamin nhưng mỗi loại thuốc đều có những tác hại khác nhau nếu lạm dụng. Chẳng hạn, vitamin A gây ngộ độc, đau nhức xương vitamin C gây sỏi thận, đau dạ dày vitamin D gây co giật lạm dụng canxi dễ gây táo bón hoặc sỏi thận. Đó là chưa kể đến các tác dụng phụ khác như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo cùng với sự bùng nổ của thị trường thuốc bổ, thuốc hỗ trợ sức khỏe, tình trạng chuộng thuốc bổ ngày càng phổ biến. Nhiều người uống các loại thực phẩm bổ sung, vitamin, thực phẩm chức năng vì nghĩ đó là những viên thuốc kỳ diệu giúp tăng cường sức khỏe. Thực tế, sử dụng thuốc bổ không thay thế được thức ăn. Do đó, thay vì tốn kém cho các loại vitamin, vi chất bổ sung hay thực phẩm chức năng, trước hết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng các nhóm thực phẩm. Nếu sử dụng các loại thuốc bổ, cần phải theo sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Theo Ngọc Dung
Người lao động
Xác định nguyên nhân đi tiểu nhiều về đêm Thói quen đi tiểu vào ban đêm hay gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ gây tổn hại cho sức khỏe. Các nhà KH của ĐH Kyoto xác định nguyên nhân người già hay đi tiểu nhiều vào ban đêm là do lượng protein trong cơ thể bị thiếu hụt. Protein này...