Giữ ổn định đồng nhân dân tệ: Chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá cố định cho đồng nhân dân tệ so với đồng USD Mỹ cao hơn dự kiến.
Điều này báo hiệu rằng Bắc Kinh không có ý định làm suy yếu đồng nội tệ để bù đắp tác động từ các mức thuế quan của Mỹ.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngày 5/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố tỷ giá cố định cho đồng nhân dân tệ (CNY) so với đồng USD ở mức 7,1693 CNY/USD, so với mức 7,1698 vào cuối tháng 1.
Tỷ giá cố định, hay còn gọi là tỷ giá trung bình, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. PBoC chỉ cho phép tỷ giá giao dịch tăng hoặc giảm tối đa 2% so với tỷ giá cố định mỗi ngày.
Mặc dù nhiều nhà phân tích dự đoán rằng PBoC sẽ ấn định tỷ giá thấp hơn trong năm nay để giảm bớt gánh nặng thuế quan đối với các nhà xuất khẩu, tỷ giá cố định lại được giữ ở mức cao. Điều này được xem là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc không có kế hoạch đối phó với các mức thuế quan mới của Mỹ thông qua việc phá giá đồng nhân dân tệ. Trước đó, hôm 4/2, Chính phủ Mỹ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 10%.
Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định động thái này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc duy trì một bầu không khí đàm phán thuận lợi, tránh căng thẳng thêm trong quan hệ với Mỹ.
“Tỷ giá cố định hôm nay cao hơn dự báo của thị trường. Điều này phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc khó có thể giảm tác động của thuế quan Mỹ bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ. Mặc dù cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa bắt đầu, việc duy trì tỷ giá cố định mạnh mẽ có thể tạo ra bầu không khí đàm phán tích cực, vì Mỹ cũng không muốn đồng nhân dân tệ mất giá quá mạnh”, ông lập luận.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã trả đũa động thái tăng thuế của Mỹ bằng cách áp thuế đối với hàng hóa Mỹ và hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm khoáng sản. Việc này là một phần trong chiến lược đối phó với các biện pháp trừng phạt thương mại.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước sự gia tăng căng thẳng, các chuyên gia như ông Gary Ng từ Natixis Research nhận xét việc giữ tỷ giá ổn định giúp Trung Quốc tránh những biến động lớn về tỷ giá trong thời gian này.
“Đây là động thái nhằm ngăn chặn sự biến động bất ngờ sau kỳ nghỉ lễ dài và trước những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn”, ông cho hay.
Video đang HOT
Vào ngày 4/2, Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng với việc Mỹ tăng thuế quan bằng cách thông báo sẽ áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/2. Bắc Kinh cũng đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với một số khoáng sản và mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty công nghệ Google của Mỹ.
Trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm thuế quan trả đũa của Trung Quốc có hiệu lực, Nhà Trắng cho hay cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa được lên lịch.
Nhà kinh tế Ding cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tìm cách chống lại thuế quan của Mỹ bằng các biện pháp kích thích tài khóa, thay vì phá giá đồng tệ. Điều này sẽ hạn chế khả năng đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh trong tương lai.
Về mặt giao dịch quốc tế, tính đến trưa ngày 5/2, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng nhẹ lên mức 7,2897 CNY/USD, mặc dù trước đó đã giảm liên tiếp kể từ ngày 3/2.
Tuy nhiên, các chuyên gia, như ông Ng, cảnh báo rằng vẫn có khả năng đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá trong năm 2025 nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.
Điểm lại 5 động thái mà Trung Quốc đồng loạt thực hiện sau khi bị Mỹ áp thuế 10%
Trung Quốc đã thực hiện đồng loạt 5 biện pháp đáp trả sau khi bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa.
Tăng thuế với hàng hóa Mỹ
Hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Đáp lại quyết định tăng thuế lên 10% của chính quyền Tổng thống Trump, Trung Quốc thông báo áp thuế 10-15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Cụ thể, theo Tân Hoa xã, Ủy ban Thuế quan Hải quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 4/2 cho biết nước này sẽ áp thuế bổ sung đối với một số sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/2.
Theo tuyên bố của ủy ban này, thuế bổ sung 15% sẽ được áp dụng đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ.
Tuyên bố cũng cho biết dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô dung tích lớn và xe bán tải sẽ chịu mức thuế bổ sung 10%.
Trung Quốc nói rằng các biện pháp mới này nhằm đáp trả đợt tăng thuế đơn phương của Mỹ vào cuối tuần qua.
Ngày 1/2, Tổng thống Trump thông báo các biện pháp áp thuế rộng rãi đối với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Canada và Mexico, trong đó hàng hóa Trung Quốc chịu thêm 10% thuế ngoài các mức thuế hiện có. Canada, Trung Quốc và Mexico là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ông Trump lý giải rằng các biện pháp này là nhằm trừng phạt các quốc gia không ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và các loại m.a tú.y, bao gồm fentanyl, vào Mỹ.
Mỹ đã hoãn áp thuế hàng hóa Mexico và Canada nhưng vẫn áp thuế với hàng hóa Trung Quốc theo kế hoạch.
Trung Quốc công bố các biện pháp thuế mới chỉ vài giờ sau khi ông Trump cho biết ông sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 24 giờ tới.
Khiếu nại lên WTO
Tiếp đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đã đệ đơn khiếu nại lên cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với quyết định của Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng động thái này nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.
Người phát ngôn này khẳng định việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với sản phẩm Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, đồng thời cho rằng hành động này mang tính đơn phương và là biểu hiện điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Theo Trung Quốc, động thái của Mỹ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, bào mòn nền tảng hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ, cũng như gây gián đoạn tính ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.
Mỹ đã nhiều lần đặt chủ nghĩa đơn phương lên trên chủ nghĩa đa phương, khiến phần lớn thành viên WTO lên án mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động của Mỹ và kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa chữa những sai lầm của mình".
Theo người phát ngôn nói trên, là một nước ủng hộ mạnh mẽ và đóng góp quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các thành viên WTO khác để đối phó với những thách thức do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây ra đối với hệ thống thương mại đa phương, đồng thời bảo vệ sự phát triển trật tự và ổn định của thương mại quốc tế.
Kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu hiếm
Trung Quốc cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với kim loại và hóa chất hiếm, bao gồm tungsten, tellurium, bismuth và molybdenum. Đây là những vật liệu được sử dụng trong nhiều thiết bị công nghiệp.
Điều tra chống độc quyền đối với Google
Biểu tượng Google tại California. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra đối với tập đoàn công nghệ Mỹ Google.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước ngày 4/2 thông báo sẽ tiến hành điều tra Google với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Trong thông báo, cơ quan trên nghi ngờ Google vi phạm Luật chống độc quyền của Trung Quốc, đồng thời xác nhận đã mở cuộc điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các cáo buộc chống Google.
Đưa 2 tập đoàn Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đưa tập đoàn thời trang PVH Corp. - công ty sở hữu thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein - cùng với hãng công nghệ sinh học Illumina vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, động thái này nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển theo đúng các quy định pháp luật liên quan. Bộ này tuyên bố: "Hai thực thể nói trên vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường bình thường, cản trở giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc và có hành vi phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp Trung Quốc".
Hồi tháng 9/2024, Trung Quốc đã tuyên bố điều tra PVH với cáo buộc tẩy chay vô lý bông từ khu tự trị Tân Cương.
Mỹ siết chặt thủ tục hải quan với hàng gửi qua bưu điện từ Trung Quốc
Về phần Mỹ, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới của Mỹ (CBP) thông báo từ ngày 4/2 theo giờ Mỹ, các gói hàng hóa và bưu kiện được gửi đến nước này bằng đường bưu điện từ Trung Quốc sẽ phải thực hiện thủ tục hải quan chính thức theo mức thuế mới đã được Tổng thống Donald Trump công bố.
Theo thông báo đăng ngày 3/2 trên Công báo Liên bang, các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả những mặt hàng trước đây đủ điều kiện được miễn thuế tạm thời, sẽ phải chịu mức thuế mới là 10% có hiệu lực từ 0h01' ngày 4/2 theo giờ bờ Đông nước Mỹ (tức 12h01 cùng ngày ở Việt Nam). Những gói hàng hóa và bưu kiện được gửi từ Trung Quốc đến Mỹ qua đường bưu điện cũng nằm trong diện bị áp thuế. Vì vậy, cơ quan trên đã ban hành hướng dẫn bổ sung cho các đơn vị vận chuyển về cách thức xử lý các kiện hàng theo lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp vận chuyển cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ cơ quan hải quan.
Hiệu ứng từ thuế quan của Mỹ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại bằng thông báo áp đặt hàng loạt thuế quan lên các đối tác thương mại chủ chốt, bao gồm Canada, Mexico và Trung Quốc. Động thái này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và đặt ra câu hỏi về tác động thực sự...