‘Giữ hình ảnh là điều quá xa xỉ với hoa hậu ao làng’
Theo chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn, những cô gái đăng quang ở các cuộc thi kém uy tín thậm chí còn không hiểu giá trị của danh hiệu hoa hậu, á hậu là gì.
- Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một á hậu và nhiều người đẹp khác có liên quan đến đường dây bán dâm hàng nghìn USD. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực giải trí, hẳn thông tin này không khiến anh bất ngờ?
- Đúng vậy, tôi không bất ngờ. Khi họ có danh hiệu nhưng không đủ tài năng, đủ thực lực, đương nhiên họ sẽ phát triển theo con đường khác. Nếu có tài, sẽ chẳng có lý do gì để họ phải rẽ theo con đường bất chính, chạy theo những cám dỗ, để ảnh hưởng đến cả con đường sự nghiệp sau này.
Vấn đề ở đây là những đơn vị không đủ uy tín đã tạo ra những cuộc thi cũng không uy tín, thiếu chuyên nghiệp. Họ chọn ra các hoa hậu, á hậu với danh hiệu ảo và mặc chiếc áo quá rộng, cho nên những sự cố như vậy là đương nhiên.
- Nói như vậy, phải chăng đây chính là hệ quả của tình trạng loạn hoa hậu tại Việt Nam?
- Đúng là Việt Nam đang loạn hoa hậu, thị trường showbiz đang lũng đoạn. Nhiều người đi thi chui hoặc có những gương mặt thắng giải nhưng không hiểu vì sao lại thắng.
Bản thân những cô gái đó không hiểu được giá trị danh hiệu hoa hậu, á hậu mình khoác lên người là gì, thì làm sao đòi hỏi được họ phải giữ hình ảnh? Đó là điều quá xa xỉ với họ.
Lục lại quá khứ, bạn có thể thấy những cái tên dính líu đến bán dâm đều là hoa hậu, á hậu của những cuộc thi rất nhỏ, hay người ta còn gọi là cuộc thi “ao làng”.
Những ngày qua, dư luận lại xôn xao trước thông tin á hậu và các người đẹp liên quan đến đường dây bán dâm nghìn USD.
- Nhưng công chúng khó có thể nhận biết đâu là cuộc thi uy tín, đâu là sân chơi ao làng. Họ chỉ biết, cô này là hoa hậu, cô kia là á hậu…
- Đương nhiên, một con sâu sẽ làm rầu nồi canh. Những danh hiệu ảo đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cá nhân hoạt động nghiêm túc. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần phải rõ ràng, minh bạch hơn để công bằng với những người đẹp có tài năng và yêu nghề thực sự.
Chẳng hạn, với những người thi chui, làm ơn đừng gắn hai chữ hoa hậu, á hậu vào tên của họ. Hoặc là cần nói rõ hoa hậu của cuộc thi nào, chứ đừng gọi hoa hậu chung chung.
- Theo anh, để xảy ra tình trạng loạn hoa hậu, trách nhiệm thuộc về ai?
- Tôi nghĩ chẳng thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho ai, mỗi bên “tiếp tay” theo một cách khác. Nhưng theo tôi, cơ quan quản lý cần có chế tài nghiêm khắc, ai vi phạm, nên hủy ngay danh hiệu để làm gương.
‘Cuộc thi không đẳng cấp bát nháo như cái chợ’
- Bây giờ để đoạt giải hoa hậu, á hậu ở các cuộc thi được gắn mác quốc tế dường như dễ hơn đi thi trong nước. Có những cuộc thi khán giả lần đầu nghe tên, quy mô chỉ ở mức ao làng. Vậy có hay không chuyện mua bán giải ở những sân chơi này?
- Những cuộc thi không đủ đẳng cấp, bị gắn mác ao làng, sẽ chẳng có tiêu chí cụ thể nào về nhan sắc, tài năng… Nó chỉ bát nháo như cái chợ mà thôi.
Video đang HOT
Tôi không dám khẳng định 100% có chuyện mua giải hay không, vì tôi không mua giải cho học trò của mình bao giờ. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần nhìn vào gương mặt đăng quang, mọi người sẽ tự hiểu sau lưng nó là câu chuyện như thế nào.
- Năm 2017, Khánh Ngân – một học trò của anh – đăng quang Miss Globe và từng vướng tin đồn mua giải?
- Tin đồn thì nhiều lắm, tôi chẳng thể đi giải thích cho từng người được. Nhưng một cuộc thi với 43 năm tuổi đời và khoảng 60,70 thí sinh tham gia thì có thể coi là ao làng không?
Hơn nữa, tôi nghĩ, vị trí và hình ảnh của các học trò của mình trong showbiz hiện nay là câu trả lời chính xác nhất cho những tin đồn. Hiện, công ty của tôi cũng nắm giữ bản quyền của 10 cuộc thi quốc tế là Miss Earth, Super Model International, Mister International, Manhunt… Nếu cứ để tâm chuyện bị ném đá, ném gạch, mình đâu thể làm được gì.
Quốc tế tràn ngập cuộc thi sắc đẹp với quy mô nhỏ, chất lượng kém.
- Thế còn tin đồn Phúc Nguyễn cũng là một tú ông, cũng chăn “gà” cho đại gia?
- Tôi chưa bao giờ quan tâm đến những điều người khác nói sai về mình. Tôi cũng chưa bao giờ nhận mình là ông bầu vì bầu show phải quản lý, ăn chia tiền bạc với người đẹp, người mẫu. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận cát-xê của học trò. Tôi kiếm tiền bằng những hoạt động kinh doanh khác và có thể tự hào là đại gia của chính mình.
Bây giờ, tôi càng không phải bầu show, mà là một chuyên gia đào tạo, ngồi ghế giám khảo và sáng lập ra những cuộc thi.
- Với tai tiếng là tú ông, khách đại gia chắc hẳn tìm đến anh không ít?
- Đương nhiên, người có nhu cầu, có tiền sẽ tìm đến mình. Khi đó, tôi thẳng thắn trả lời “Xin lỗi, tôi không có dịch vụ đó”, chứ không mập mờ.
- Những con số họ đưa ra để ngã giá nằm trong khoảng 7.000-25.000 USD?
- Đúng là có những con số cũng khiến bản thân mình phải suy nghĩ. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Bởi tôi hiểu nếu mình bị cám dỗ, hậu quả sẽ rất lớn. Hơn nữa, tôi có thể kiếm tiền độc lập, tự làm ra những con số nghìn USD như vậy cơ mà.
‘Nửa tỷ đồng đi thi hoa hậu là bình thường’
- Khẳng định không mai mối cho đại gia, không ăn chia cát-xê với học trò, liệu ai có thể tin anh?
- Tôi không thể làm cho mọi người tin mình nhưng đó là sự thật. Khi bỏ tiền ra đầu tư, tôi thu lại bằng danh tiếng, bằng sự chuẩn bị. Chẳng hạn, bây giờ tôi mở công ty đào tạo, nếu không có những nhân tố trước đó, ai sẽ tìm đến công ty của tôi?
- Anh đã đầu tư bao nhiêu tiền cho học trò của mình ở mỗi cuộc thi sắc đẹp?
- Không có một con số nhất định cho tất cả, nhưng khoảng nửa tỷ đồng là bình thường. Đó là các khoản chi về trang phục, học những kỹ năng cần thiết để bước vào cuộc thi. Người ta vẫn nói người đẹp vì lụa, bạn không thể đi sâu với một bộ đồ tầm thường.
Hàng hiệu và hàng chợ luôn khác hẳn nhau. Để những học trò của tôi tỏa sáng ngay từ đầu, trang phục đóng vai trò rất quan trọng. Và đó cũng là một khoản chi lớn. Tiếp theo, để thí sinh được chú ý, bạn cần có năng khiếu, cầm kỳ thi họa. Để có hình thể đẹp, bạn cần luyện tập với PT…
- Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương vẫn được nhắc đến là một trong những học trò của anh. Vậy cô ấy có nhận được sự đầu tư như anh đề cập?
- Tôi chưa bao giờ khẳng định Phạm Hương là học trò của mình. Bởi vì Hương có những mốc phát triển sự nghiệp khác nhau. Tôi chỉ cộng tác với Hương đến hết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015. Sau khi cô ấy đoạt vương miện, chúng tôi hoàn toàn không còn cộng tác nhưng vẫn là anh em, hỗ trợ nhau về mặt truyền thông, định hướng.
Phạm Hương đi thi bằng 90% năng lực của cô ấy – thông minh, nhạy bén, có tiềm năng. Tôi chỉ đóng góp 10% hỗ trợ kinh nghiệm, đường lối, định hướng và một chút chi phí để mua sắm thứ này, thứ kia cho cuộc thi.
Nếu nhận là thầy của Phạm Hương, đào tạo cô ấy 100%, tôi không dám nhận.
Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn từng giúp đỡ Phạm Hương khi cô thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015. Ngoài ra, những người đẹp từng gắn bó với anh còn có Hoàng My, Trương Thị May, Khánh Ngân…
- Dường như có một điều anh quên nhắc đến ở Phạm Hương, đó là sự tham vọng?Trước khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ VN, Hương đã chinh chiến ở nhiều cuộc thi khác nhau…
- Chắc chắn rồi. Khi gặp Phạm Hương năm 2013, tôi hỏi cô ấy có muốn soán ngôi Thanh Hằng không? Không một chút do dự, Hương trả lời em muốn. Lúc đó, Thanh Hằng là siêu mẫu hàng đầu làng giải trí.
Chính vì câu trả lời này nên nhận lời giúp Phạm Hương. Không ai tính thuế ước mơ cả, bạn phải biết ước mơ cao thì mới có thể bay xa.
- Gắn bó với Phạm Hương từ ngày cô ấy chưa nổi tiếng như bây giờ. Anh nghĩ sao về những tai tiếng, thị phi mà Phạm Hương vướng phải – bị tố vô ơn, cặp đại gia…?
- Không có ai hoàn mỹ trong mắt người khác. Nếu bạn sống vì lời đánh giá của người khác, chắc chắn bạn không thành công được.
Phạm Hương nổi tiếng nên nhất cử nhất động đều được chú ý, mọi thông tin đều được khai thác. Khi khai thác hết ưu điểm, người ta sẽ khai thác đến mặt xấu. Đơn giản như vậy thôi!
Hương là một trong những trường hợp tôi nghĩ đã lên đến “đỉnh”, cần tìm cho mình điểm rơi an toàn, nên tiết giảm việc xuất hiện quá nhiều. Lỗi của Phạm Hương là thể hiện bản thân quá mãnh liệt. Nó không phải là điểm không tốt nhưng cần phải khắc phục.
- Mới đăng quang 3 năm mà đã lên đến đỉnh thành công, liệu có quá sớm?
- Sớm hay không còn tùy thuộc mỗi người. Trước khi lên ngôi hoa hậu, cô ấy đã trải qua nhiều cuộc thi. Đăng quang năm 24 tuổi, tôi nghĩ là độ tuổi đủ chín chắn để một bông hoa có thể bung ra rực rỡ rồi.
Hà Hiền
Theo Zing
Á hậu, hoa khôi, MC, người mẫu đua nhau bán dâm: Cám dỗ nào khủng khiếp thế?
Không phải đến khi có thông tin công khai về triệt phá những đường dây mua bán dâm cao cấp gồm các người đẹp có danh hiệu như Á hậu, hoa khôi, MC, người mẫu... thì dư luận mới biết về thế giới ngầm này. Đó đều là những nghề nghiệp cần giữ gìn hình ảnh nhưng cám dỗ nào khiến họ chấp nhận bán "vốn sẵn có" để một ngày vướng vòng lao lý?
Không cám dỗ nào hơn vật chất, tiền bạc. Càng là nghề hướng đến công chúng càng cần giữ một "mặt tiền" sáng sủa, đầu tư kỹ lưỡng từ trang phục, phụ kiện đến xế sang. Vậy những người đẹp kể cả có danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, MC... nếu chỉ là công chức, hoạt động nghề nghiệp bình thường thì thật không dễ dàng để có vẻ ngoài sang chảnh trừ khi họ có sẵn một tiềm lực mạnh từ trước về xuất thân, kinh tế gia đình.
Theo dõi các cuộc thi sắc đẹp trong nước, có thể thấy một tỉ lệ cao những người đẹp có ngôi vị vốn xuất thân trong gia đình nghèo, bình dân..., nhưng chỉ một thời gian ngắn là họ một bước lên xế sang, đi đâu sẵn người tháp tùng, phục vụ. Thực tế, chiếc vương miện sắc đẹp hay danh hiệu không sẵn phép màu khiến họ đổi đời mà chính là những dòng chảy ngầm đầy thị phi với quá trình mua bán, đổi chác, thỏa thuận... luôn vây quanh họ.
Chính những bầu sô, trùm "chân dài"... từng công khai thừa nhận họ có tổ chức những bữa tiệc đặc biệt để kết nối giới doanh nhân, đại gia với những người đẹp. Họ miêu tả rằng, những người không thiếu tiền kia chỉ cần có người đẹp ngồi bên, ăn uống, chuốc rượu và hết cuộc vui thì ra về với giá nghìn đô. Nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là phần nổi rất giản đơn và câu chuyện không chỉ là như thế.
Một người đẹp trong đường dây bán dâm tại trụ sở công an
Siêu mẫu Hạ Vy có lần cay đắng kể lại, cô coi đó như một sai lầm của bản thân khi "làm tiệc" bởi "bà trùm", không ngờ sau cuộc vui ăn uống thì "gà cưng" của mình đã tự kết nối với đại gia, có những thỏa thuận khác mà cô không hay biết. Mảng tối ấy khiến chính nghề nghiệp của Hạ Vy, của những người mẫu chân chính, người đẹp có danh hiệu khác bị xem thường, quy chụp.
Trong showbiz hiện nay nổi lên hai đối tượng phổ biến. Một là có danh hiệu sẽ lấy chồng đại gia. Hai là tự tìm một con đường để "nâng cấp" bản thân từ một người đẹp "chân chưa ráo phèn" sang xài xế sang, hàng hiệu, dự event sang trọng... Việc "nâng cấp" ấy nếu thiếu những người sẵn sàng chịu chơi, chịu chi thì sao có thể hiện thực hóa. Người trong giới nhận định rằng, đó là những cuộc bán - mua, đổi chác đầy sòng phẳng, đôi khi nghiệt ngã.
Vụ việc của Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga cách đây chưa lâu là một ví dụ điển hình. Khi doanh nhân Cao Toàn Mỹ và Phương Nga đối diện nhau ở tòa, ai cũng hiểu câu chuyện giữa họ xoay quanh tình - tiền và đó là một vết đen khiến người sa ngã vào phải rất khó khăn mới có thể đứng dậy.
Nhiều lần, khi chúng tôi phỏng vấn Hoa hậu Ngọc Hân - một trong những Hoa hậu Việt Nam được công chúng yêu mến, cô có chia sẻ cuộc sống sau đăng quang của cô đầy rẫy khó khăn chứ không phải chỉ trải toàn hoa hồng như mọi người nghĩ. Hoa hậu Ngọc Hân theo đổi con đường thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu áo dài trong nhiều năm với những vất vả, chật vật.
Một chiếc áo dài vừa ý khách, chính tay cô phải vẽ thiết kế, chỉnh sửa, thậm chí nghe cả lời chê trách mới có thể bán ra thị trường. Thỉnh thoảng, nhận được lời mời tham dự chương trình thiện nguyện, Ngọc Hân sẵn sàng mời người mẫu là bạn bè mình và cả những người mẫu nhí trình diễn để kêu gọi cộng đồng tham gia vào những hoạt động ý nghĩa.
Các Hoa hậu Việt Nam nổi tiếng tài sắc vẹn toàn như Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Nguyễn Thị Huyền... đều chọn con đường học vấn sau khi đăng quang. Bản thân họ thời điểm đăng quang đều đang là những sinh viên xuất sắc, tố chất tốt, nhiều hoài bão đẹp.
Còn bây giờ, hầu hết các cuộc thi "ao làng" mục đích tổ chức ra để thu kinh phí, kêu gọi quảng cáo, mua bán danh hiệu... nên tự thân những cuộc thi ấy đã "lọc" đối tượng ngay từ đầu là những cô gái học vấn thấp, có chút nhan sắc, tham vọng đổi đời, thích lọt vào mắt đại gia...
Đó là lý do lý giải vì sao ngày càng nhiều cuộc thi, nhiều danh hiệu tưởng như "trên trời rơi xuống" và càng có nhiều hơn những cô gái xinh đẹp bị gọi tên trong đường dây mại dâm cao cấp. Họ đã tự định giá bản thân mình chỉ gồm chút nhan sắc và tuổi xuân có thì có lứa chứ không tạo nên một giá trị nào khác cho mình như: học vấn, nhận thức, tự trọng... và tranh thủ hết mức có thể để "kinh doanh" vốn sẵn có.
Mỗi lần dư luận xôn xao khi một đường dây mua bán dâm bị triệt phá cũng là thời điểm nảy ra nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng "tuổi trẻ bồng bột" song có lẽ đó không phải nguyên nhân chính mà điều căn cốt nhất là sự vô cảm, thực dụng và tham vọng của con người đang ngày một gia tăng.
Không có cô gái bồng bột nào mà có thể biết cách lọt vào thế giới ngầm ấy, tồn tại tốt rồi ngày một "nâng giá" bản thân lên. Càng không có cô gái bồng bột nào trước cơ quan điều tra thản nhiên khai mọi hành động mua bán dâm, trước ống kính lấy tay che mặt và trước dư luận, báo chí vẫn một mực từ chối, khẳng định mình đang đi học, đi làm bình thường cả!
Xưa kia, nói đến những cô gái hành nghề "buôn phấn bán hương" thường gắn với câu chuyện bán mình vì hoàn cảnh gia đình, biến động cuộc sống, xã hội hay mưu mô, lừa lọc, sự thôn tính của những tầng lớp phong kiến... còn giờ đây, những bi kịch ấy không phải không có song số lượng áp đảo có lẽ vẫn là kiểu người ưa hưởng thụ, thích đổi đời, thích được đám đông tung hô như bà hoàng bà chúa.
Thế nên có người đẹp xuất thân khá giả, là sinh viên được gia đình chu cấp, là hoa khôi người mẫu đang có nghề nghiệp trong tay... vẫn quyết định bước vào con đường đầy cám dỗ vật chất ấy. Nhiều người trong số họ đã tin cứ có tiền là mua được tất cả, kể cả danh hiệu hay truyền thông, báo chí.
Theo Gia đình & xã hội
Người đẹp bán dâm hàng chục nghìn USD: Kiếm tiền nhanh, trả giá đắt? Chỉ vì cuộc sống vật chất hào nhoáng, một số người đẹp có danh hiệu đã đánh mất bản thân, chọn con đường kiếm tiền bằng đánh đổi thân xác. Và họ phải trả giá đắt cho những sai lầm của mình... "Vấn đề là tại mắc bệnh đồ hiệu?" Thông tin Công an TP.HCM vừa khám phá đường dây mại dâm có...