Giữ hình ảnh cán bộ công chức không chỉ nơi công sở!
Hai sự kiện gần đây gây bão trong dư luận và để lại ấn tượng, hình ảnh không mấy đẹp, đó là ông Đào Vịnh Thuấn (nhân viên thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội) đánh phụ nữ và Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại (Sở Ngoại vụ Hà Nội) đánh một cụ già thất thập cổ lai hy.
Hình ảnh ông Đào Vịnh Thuấn, thanh tra giao thông Sở GTVT Hà Nội xô xát với nhân viên Vietnam Airlines
Cả hai đều đánh người tại nơi công cộng, đông người qua lại.
Có một biện minh rằng, cả hai nhân vật đánh người này, tuy là cán bộ cấp Sở, nhưng đang trong giai đoạn nghỉ phép chứ không phải đang trong thời điểm làm nhiệm vụ, nên không thể nói là cán bộ đánh dân. Lập luận này có vẻ không ổn, bởi cái danh từ “cán bộ” không chỉ gói gọn trong phạm vi khuôn viên công sở hay khi cán bộ làm nhiệm vụ, mà đó là một danh xưng gắn bó vĩnh viễn với người làm việc ở cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan chính quyền, được trả lương bằng ngân sách.
Thậm chí, một người khi về hưu, ở địa phương làng xóm vẫn giữ một thái độ tôn trọng, gọi là “cán bộ hưu”. Những cán bộ hưu trí là những người có tiếng nói khá trọng lượng ở địa phương nơi người đó thường trú. Có những vấn đề của địa phương, cán bộ chính quyền đương chức vẫn phải thỉnh thị ý kiến của các cán bộ hưu trí. Bởi, ở những người này, ngoài kinh nghiệm về quản lý, giải quyết công việc, còn là tấm gương về đức độ. Mà đức độ đó có được là nhờ học tập rèn luyện trong những năm tháng làm công tác.
Video đang HOT
Trở lại câu chuyện hai cán bộ “nghỉ phép” đánh người. Việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo nếu ông Hoàng sai phạm thì kỷ luật cách chức, thậm chí cho thôi việc, là nguyên tắc tổ chức, đương nhiên nên khỏi bàn. Ở đây bàn đến việc gìn giữ hình ảnh cán bộ công chức và cơ quan tổ chức.
Có lẽ các cơ quan tổ chức cần tăng cường giáo dục cho cán bộ nhân viên mình xác định được rằng, giữ gìn hình ảnh của cán bộ công chức, giữ gìn hình ảnh của cơ quan tổ chức, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ công chức. Không chỉ giữ trong phạm vi khuôn viên trụ sở hay lúc làm nhiệm vụ, mà hình ảnh đẹp của một tổ chức chính là hình ảnh của cán bộ công chức được thể hiện mọi lúc mọi nơi. Không thể lấy cái lý do mình đang trong giai đoạn nghỉ phép thì có quyền hành động một cách cơ bắp, cảm tính như những thanh niên ngoài xã hội. Bởi, khi nghỉ phép, hoàn toàn không có nghĩa anh không còn là tư cách cán bộ công chức nữa!
Mỗi một hành động của cán bộ công chức, dù bất cứ ở đâu, cương vị nào, thời điểm nào, cũng được xã hội, người dân nhìn vào đó mà đánh giá, nếu tốt thì sẽ noi gương, nếu xấu thì sẽ phê phán. Điều đó thấy rất rõ trong đợt mưa lũ vừa qua. Hình ảnh những cán bộ tỉnh, huyện xuống với làng xã bị ngập lụt, xắn quần cùng dân khiêng vác, cào bùn đất, dọn dẹp nhà cửa, phát mì tôm, gạo nước, thuốc chống sốt… đã đem lại những cảm xúc ấm áp, tình cảm xúc động trong lòng người dân. Hình ảnh một chiến sĩ cảnh sát giao thông bùn bết sũng lên quần, đứng giữa con đường lầy lội hướng dẫn xe qua tránh sụp ổ gà, đã được cộng đồng mạng chia sẻ với những lời đầy cảm kích, trân trọng.
Nhân dân rất công bằng, không vì những tì vết mà xóa sạch, xổ toẹt những gì tốt đẹp ở người cán bộ công chức. Do đó, giữ gìn hình ảnh cán bộ công chức đẹp mọi lúc mọi nơi tức là vừa tôn trọng nhân dân, vừa giữ được hình ảnh đẹp cho tổ chức nơi mình làm việc, công tác.
Đạo đức, hình ảnh cán bộ công chức cũng là điều trăn trở lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại đại hội Đảng lần thứ XII, tại hội nghị Dân vận toàn quốc ngày 27.5 vừa qua, và mới nhất tại hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 14.10, ngoài những việc khác, Tổng bí thư luôn trăn trở về công tác cán bộ. Trong đó ông nhấn mạnh, dặn đi dặn lại về đạo đức cán bộ công chức. “Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng”, Tổng bí thư nhận xét. Và ông chỉ đạo “kiên quyết loại bỏ cán bộ biến chất, lấy lại lòng tin với dân”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng luôn quan tâm đến việc chỉnh đốn hành vi của cán bộ công chức. Mới đây tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 sáng 17.8, ông căn dặn cán bộ công chức phải biết “3 xin”, đó là “xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi”. Và ngay tại đây, ông đã đưa ra lời xin lỗi đến toàn dân và người dân Quảng Nam, về việc đoàn xe theo ông vào phố đi bộ dù ông không hay biết. Với hành động đó, Thủ tướng đã không những đánh tan được những bình phẩm xuôi ngược, mà ngược lại đã lấy được hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Đã không ít lời khen Thủ tướng trên mạng xã hội. “Cán bộ làm gì, dân biết hết”, Thủ tướng nói tại buổi trực tuyến.
Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, nhưng cũng là tấm gương mẫu mực để dân nói theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy như vậy.
(Theo Thanh Niên)
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật trong vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam
Bốn cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, người đứng đầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung vừa bị kỷ luật sau vụ phá rừng quy mô lớn ở Quảng Nam.
Ngày 11/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam thông báo kết quả kiểm tra đồng thời thi hành kỷ luật Đảng với các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng pơ mu trái phép và vận chuyển, cất giấu gỗ tại khu vực biên giới cửa khẩu Nam Giang, thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang.
Hơn 60 cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Sơn Thủy.
Theo đó, Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang có 4 sĩ quan bị kỷ luật. Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc (Phó bí thư Đảng ủy, Đồn trưởng), trung úy Dương Văn Hoàng (Đội trưởng Đội kiểm tra, giám sát trạm kiểm soát cửa khẩu Nam Giang) cùng bị cảnh cáo. Thiếu tá Đỗ Hoàng Minh (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên) và Thượng úy Nguyễn Thế Nhân (phó bí thư, Phó trạm trưởng trạm Kiểm soát Cửa khẩu Nam Giang) cùng nhận hình thức khiển trách về Đảng.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Trung Thịnh (Bí thư chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang) cũng bị cảnh cáo về Đảng. Ông Đỗ Tuấn (Bí thư Chi bộ, giám đốc Ban quản lý, Hạt trưởng hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung) bị khiển trách.
Ngoài ra, Đảng ủy Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Chi bộ chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang bị kỷ luật cảnh cáo, chi bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị khiển trách.
Số gỗ cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Sơn Thủy.
Thông báo của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam không nhắc đến hình thức kỷ luật trung tá Lê Xuân Chính (Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang), người được cho là liên đới trách nhiệm trong vụ việc. Lý giải vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam Trần Xuân Vinh cho hay, quá trình kiểm tra phát hiện một số tình tiết cần phải làm rõ thêm để củng cố chứng cứ nhằm "xử lý đúng người, đúng việc".
Sơn Thủy
Theo VNE
Người đàn ông gần 30 năm nấu cơm cho cán bộ trực lũ Nhờ sức khỏe dẻo dai, lại khéo nấu nướng, nên mỗi khi lũ lớn bủa vây, ông lại trở thành đầu bếp lo những bữa cơm đạm bạc cho hàng chục con người có thêm sức trắng đêm canh lũ, bảo vệ an toàn cho bà con. Rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh một ngày đầu tháng 11. Con sông...