Giọt nước mắt muộn màng và chiếc băng ca cấp cứu ở phiên tòa
Phiên xử vụ buôn thuốc ung thư giả của Công ty VN Pharma sáng 25/9 diễn ra căng thẳng, khi các bị cáo người thì rơi những giọt nước mắt muộn màng, người thì phải chuyển đi cấp cứu.
Bị cáo Nguyễn Văn Thông được đưa đi cấp cứu giữa phiên xử sáng 25/9 vì biểu hiện sức khỏe không tốt
Đối diện với mức hình phạt tù cao nhất có thể lên đến tử hình như cáo trạng của VKSND đã nêu, tới hầu tòa trong phiên sơ thẩm lần 2 (từ 24/9 đến hết ngày 30/9), các bị cáo gồm có Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT – TGĐ VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó TGĐ VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó TGĐ VN Pharma), Phan Xuân Thiện – Phó TGĐ kiêm trưởng Phòng bán hàng và Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma), Nguyễn Văn Thông (người viết bộ tiêu chuẩn giả), Nguyễn Quỳnh Trang, cùng 3 bị cáo khác.
Trong số ba bị cáo bị bắt tạm giam là Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và Nguyễn Văn Thông, thì Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường có tiều tụy hơn so với 2 năm trước, nhưng vẫn rất bình tĩnh đối diện HĐXX.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Thông, phần lấy lời khai trong phiên xử sáng 25/9 đã bị ngắt ngang giữa chừng vì biểu hiện có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Bị cáo – dược sĩ Nguyễn Văn Thông là người được thuê viết bộ hồ sơ tiêu chuẩn giả cho Công ty VN Pharma. Dược sĩ Thông khai trước HĐXX ở thời điểm nhận được đề nghị của VN Pharma, bị cáo chỉ nhận được trang đầu tiên bản phô tô của hồ sơ, không có đầy đủ tài liệu, cũng không có con dấu của nước sở tại cấp chứng nhận cho hồ sơ đó, tức là thiếu tính pháp lý.
Nhưng bị cáo Thông vẫn cho rằng vì làm chuyên môn kỹ thuật nên chỉ cần như thế, còn về tính pháp lý thì công ty nào cũng phải tự chịu trách nhiệm.
Bị cáo Nguyễn Văn Thông ra về sau phiên xử chiều 24/9
Trên thực tế, bị cáo Thông đã phát hiện công thức thuốc trên Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC) không đúng, nên đã gửi email thông báo cho Nguyễn Minh Hùng và một số bị cáo khác biết công thức thuốc trên FSC không đúng, yêu cầu Hùng cấp FSC mới. Từ đó, bị cáo Võ Mạnh Cường đã gửi lại FSC mới.
Hợp đồng thuê viết bộ tiêu chuẩn giả có giá trị 30 triệu đồng. Bị cáo – kế toán trưởng Lê Thị Vũ Phương thừa nhận đã chuyển khoản tiền này tới bị cáo Thông, nhưng bị cáo Phương cho rằng mình chỉ thực hiện lệnh của cấp trên.
Dược sĩ Thông chỉ vì lòng tham nhận 30 triệu, mà ký vào hợp đồng viết thuê bộ tiêu chuẩn giả, tiếp tay cho một đường dây buôn lậu tàng trữ những bí mật động trời; để rồi nhận giá đắt là hai năm tạm giam và chưa biết phán quyết sắp tới của HĐXX sẽ như thế nào.
Bị cáo – dược sĩ Nguyễn Văn Thông trình bày: “Vì có chuyên ngành kiểm soát kỹ thuật, nên lúc nhận được hồ sơ tài liệu của VN Pharma gửi, bị cáo đã thấy các tài liệu có nhiều sai sót, cụ thể là Giấy FSC (giấy chứng nhận lưu hành tự do), Giấy GMP (chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt) có những thông tin vênh nhau. Đặc biệt là các thông số về chất chống ung thư rất cần cân nhắc”.
Tuy nhiên, phần trình bày trước tòa của bị cáo Thông đến đó thì bị dừng lại bất ngờ vì có biểu hiện sức khỏe không tốt. Bị cáo Thông dường như rất khó thở, đưa tay phải chặn lên trên ngực trái giữ khá lâu.
Video đang HOT
Thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM – cho phép đưa bị cáo ra ngoài để chăm sóc y tế. Nhân viên y tế phải đưa băng ca vào phòng xử để chuyển bị cáo Nguyễn Văn Thông đến Bệnh viện 115.
HĐXX công bố tại phiên tòa về việc dù ông Thông phải vắng mặt, nhưng do có luật sư bào chữa nên quyền lợi của bị cáo vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Được biết, ông Thông mắc nhiều bệnh: cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, loạn nhịp tim, thoái hóa cột sống, bệnh gút và khi chưa bị bắt, ông Thông đã phải đặt ống thông tĩnh mạch tim.
Trong phiên xử sáng 25/9, không phải một mình bị cáo Thông gặp vấn đề sức khỏe. Chín bị cáo được tại ngoại đã có mặt hầu tòa, thì nhiều người khai báo trong tâm trạng mất bình tĩnh, có người khi trả lời run rẩy, nhiều câu hỏi khai là “không nhớ” hoặc trả lời khá lộn xộn, khiến Chánh án phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới làm rõ nghĩa.
Các bị cáo tỏ ra rất căng thẳng
Thậm chí, những giọt nước mắt muộn màng rơi trên khóe mắt nguyên kế toán trưởng Lê Thị Vũ Phương, khi bị cáo trình bày đề nghị mong HĐXX xem xét, vì cho rằng chỉ là người làm công ăn lương và theo bị cáo khai thì mức lương nhận được từ Công ty VN Pharma chỉ có 8 triệu đồng/tháng. Đối diện với HĐXX, bị cáo Phương khai bị mất ngủ, trí nhớ giảm sút, tinh thần không còn minh mẫn.
Các bị cáo đều cố gắng tự biện minh cho hành vi trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Quỳnh Trang cũng thừa nhận việc thực hiện chỉ đạo của bị cáo Phan Cẩm Loan, sửa giá thuốc từ 27 USD lên 75 USD, là trái với pháp luật.
Cũng như bị cáo Phan Cẩm Loan khai nhận là người thừa hành lệnh của bị cáo Nguyễn Minh Hùng chuyển mẫu dấu giả của trong bộ hồ sơ Công ty Helix, đến phòng hành chính, để đi làm con dấu giả về đóng vào các hợp đồng “cho nhanh”, là việc làm sai trái.
Theo lời khai của bị cáo Phan Xuân Thiện, tại thời điểm xảy ra vụ án, VN Pharma có khoảng 10 con dấu giả của các công ty nước ngoài.
Như vậy, VN Pharma đã “phù phép” các hợp đồng, làm giả các tài liệu, tiêu chuẩn, chứng nhận, chi hoa hồng “khủng” tới 14 tỉ đồng cho đấu thầu, không từ một thủ đoạn nào để tuồn thuốc giả vào bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng người bệnh.
Trong khi theo kết luận giám định của Bộ Y tế cho thấy lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, đặc biệt là hoạt chất này không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Theo viettimes
Những khuôn mặt thẫn thờ trong phiên tòa VN Pharma
Người thẫn thờ lo âu, kẻ cúi mặt né ống kính phóng viên hay dõi mắt ngóng tìm người thân... là những hình ảnh được ghi lại tại phiên xử vụ án VN Pharma sáng 24/9.
Sáng nay (24/9), TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (VN Pharma). Sau gần 2 năm hầu tòa trở lại, cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng trông thất thần khi lực lượng an ninh áp giải đến tòa.
Bị cáo Hùng, Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm hầu tòa về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Quá trình bị dẫn vào tòa, bị cáo Cường luôn đưa mắt tìm kiếm, chào, nói chuyện với người thân.
Trong số 12 bị cáo, có Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và Phạm Văn Thông bị bắt giam, 9 bị cáo còn lại được tại ngoại. Các bị cáo này có mặt tại phòng tòa khá sớm, ngồi thẫn thờ đợi lực lượng an ninh dẫn hai bị cáo Hùng và Cường vào để bắt đầu phiên tòa.
Tại phiên tòa sáng nay, tòa triệu tập gần 200 người, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (thời điểm xảy ra vụ án là Cục trưởng Cục Quản lý dược). Có 5/9 thành viên của Hội đồng giám định Bộ Y tế có mặt. Đại diện Cục Quản lý Dược tham dự phiên tòa là ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường không đến tòa. Với những người được triệu tập mà không có mặt, chủ tọa cho biết sẽ tiếp tục triệu tập trong quá trình xét xử.
Phiên tòa lần này có nhiều thay đổi so với phiên phúc thẩm gần 2 năm trước khi cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm khẳng định H-Capita là thuốc giả; tội danh của 12 bị cáo được chuyển từ Buôn lậu sang Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh, có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Trong số 12 bị cáo, có 3 nữ bị cáo thuộc công ty VN Pharma và 1 người của Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C. Quá trình chờ hội đồng xét xử làm việc, các bị cáo nữ luôn cúi mặt để né ống kính phóng viên.
Bước vào phiên tòa, HĐXX kiểm tra lý lịch của các bị cáo và những người liên quan. Bước lên khai báo lý lịch, bị cáo Nguyễn Minh Hùng lộ rõ vẻ mệt mỏi, có nhiều thông tin Hùng không nhớ.
Bị cáo Phạm Văn Thông, dược sỹ được Nguyễn Minh Hùng thuê viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita, được trả công 2.000 USD.
Theo cáo trạng, giai đoạn 2013 đến tháng 9/2014, Nguyễn Minh Hùng cùng Võ Mạnh Cường và đồng phạm đã dùng giấy tờ giả để đề nghị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc. Sau đó, các bị cáo làm giả hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, qua đó nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet giả chữa bệnh ung thư.
Thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 30/9.
Trước khi VKS đọc cáo trạng, chủ tọa nhắc nhở việc sử dụng tài liệu mật ở tòa. "Có một số tài liệu đóng dấu mật, chưa được giải mật. Đề nghị những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, đặc biệt là các luật sư lưu ý, khi sử dụng tài liệu này phải làm theo quy định pháp luật. Ai làm lộ bí mật Nhà nước sẽ bị xử lý theo luật", chủ tọa cảnh báo.
Phiên tòa có 2 đại diện VKS thay nhau đọc bản cáo trạng trong buổi đầu tiên của phiên xét xử.
Hàng chục dãy ghế được đặt ngoài hành lang cho những người liên quan theo dõi qua màn hình tivi. Các phóng viên cũng bị giới hạn tác nghiệp trong khu vực này.
Đến 11h30, sau khi VKS đọc xong bản cáo trạng, tòa tạm nghỉ, bị cáo Nguyễn Minh Hùng tỏ ra khá thoải mái so với biểu hiện thất thần vào thời điểm bị dẫn tới tòa sáng nay.
Tháng 7/2017, TAND TP.HCM xét xử Nguyễn Minh Hùng và 8 bị cáo về các tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tòa tuyên bị cáo Hùng 12 năm tù về tội Buôn lậu. Các bị cáo khác trong vụ án lĩnh từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù giam.
Ba tháng sau, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, đề nghị điều tra lại tội danh. Hơn 2 năm điều tra lại, cơ quan công an đã khởi tố thêm 3 người và thay đổi tội danh truy tố 12 bị cáo thành Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo Zing.vn
Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma khai gì tại tòa chiều nay? Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng mô tả, nhưng đưa ra lý do cho rằng không biết đó là sai, là phạm tội. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) thừa nhận toàn...