Giông lốc liên tiếp làm tốc mái, gãy đổ nhiều cây trồng ở Bình Phước
Sáng 26/4, lực lượng chức năng ở xã Đức Hạnh, huyện biên giới Bù Gia Mập ( Bình Phước) đang phối hợp cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại do trận giông lốc xảy ra vào chiều tối 25/4.
Những diện tích cây cao su bị đổ gãy sau trận mưa lốc.
Theo người dân, trận mưa giông bắt đầu khoảng 5 giờ chiều ngày 25/4, mưa to kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã làm tốc mái nhiều căn nhà, nhiều cây cao su, cây điều bị đổ gãy đổ ở các thôn Phước Sơn, 19/5 và Bù Kroai.
Theo thống kê sơ bộ từ lực lượng chức năng địa phương đã có ít nhất 16 căn nhà bị tốc mái mức độ nặng tới nhẹ; nhiều cây trồng như điều, cao su bị gãy đổ nghiêm trọng.
Những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận mưa lốc.
Gia đình anh Điểu Cường ở thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh cho biết hàng chục cây cao su trong vườn đang trong giai đoạn cạo mủ bị trận giông lốc gây gãy đổ làm thiệt hại hàng chục triệu đồng; trong đó nhiều cây chỉ có thể có bỏ đi để trồng lại cây mới… Nghiêm trọng hơn, nhà của anh Điểu Đơi, một hộ dân trong thôn còn bị tốc mái hoàn toàn chỉ còn trơ khung tường bằng gạch.
Video đang HOT
Theo anh Điểu Đơi, lúc trời mưa to kèm theo giông lốc cả gia đình 4 người đang ở trong nhà thì bất ngờ tốc mái. Rất may cả gia đình không bị thương và chạy sang nhà bên cạnh để tạm trú qua đêm. Giông lốc còn làm bay cả mái tôn, nhiều đồ vật trong nhà bị hư hại.
Hiện chính quyền địa phương xã Đức Hạnh, lực lượng chức năng huyện Bù Gia Mập đang nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả giông lốc, đồng thời thống kê thiệt hại để báo cáo cấp thẩm quyền hỗ trợ người dân.
Trận mưa lớn kèm gió lốc ngày 24/4/2020 trên địa bàn xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước) khiến nhiều diện tích điều gãy đổ, căn nhà bị tốc mái.
Trước đó, vào tối 24/4, trên địa bàn xã Phước Tân, huyện Phú Riềng cũng xảy ra trận giông lốc làm tốc mái, gãy đổ nhiều cây trồng của người dân. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương có 3 căn nhà của người dân bị tốc mái hoàn toàn, một số căn nhà khác bị ảnh hưởng nhẹ và 14 ha điều bị gãy đổ ở các mức độ khác nhau.
Khoảng hơn tuần qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện nhiều cơn mưa “giải nhiệt” tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm. Tuy nhiên, những trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã khiến nhiều địa phương trong tỉnh thiệt hại về cây trồng, nhà cửa. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân chủ động gia cố nhà cửa, bảo vệ cây trồng để hạn chế thấp nhất những thiệt hại.
Tin, ảnh: K GỬI
Xóm trồng lan rừng quý hiếm, có giò lan đột biến giá vài chục triệu
Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều hộ đồng bào Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm ruộng. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 30 hộ "nhờ lan rừng mà sống khá hơn".
Những vườn lan rừng ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước)đã trở thành gia sản đối với người dân, khi có giá trị vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Đến thăm vườn lan của hộ anh Thạch Điểm ở ấp 4, xa Lộc Hưng mới cảm nhận được nét đẹp, mùi hương quyến rũ nồng nàn của các loài lan rừng, đặc biệt là ngọc điểm.
Vườn lan ngọc điểm của gia đình anh Thạch Điểm ở ấp 4, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) khoe sắc đón xuân Canh Tý 2020.
Ngọc điểm là một trong những loại lan rừng có nguồn gốc từ Campuchia. Loài lan này chỉ nở vào mùa xuân, đúng dịp tết và rất quý hiếm. Anh Điểm cho biết, trước đây, hầu như trong nhà anh hay những gia đình xung quanh đều trồng vài dò lan rừng như một thú vui.
Khi nhận thấy nhu cầu thị trường, anh Điểm cùng nhiều người dân sang Campuchia lấy hàng về bán. Anh đang trồng các giống lan rừng gồm lan giả hạc, lan ngọc điểm, lan kiếm, lan long tu... với gần 1.000 dò. Mỗi dò lan anh trồng bán với giá từ vài trăm đến vài triệu, lan đột biến có giá vài chục triệu đồng. Nhiều người mua lan chưng bày trong dịp tết, vì vậy anh Điểm cũng có thu nhập khá.
Mê lan từ nhỏ nhưng thời gian gần đây, anh Nguyễn Văn Trọn ở ấp 4, xã Lộc Hưng mới đầu tư vào lan rừng. Anh sử dụng khoảng 300m2 vườn đầu tư làm nhà lưới, lắp giàn, hệ thống phun tưới nước tự động và các vật dụng để trồng lan. Hằng ngày, anh sang Campuchia mua lan về trồng, đồng thời bán sỉ, lẻ. Anh đang sở hữu hơn 2.000 dò lan với hàng chục loại, trong đó có giả hạc, hạc vĩ, kim điệp, ngọc điểm... Theo anh Trọn, trồng lan rừng không khó, chỉ cần tưới đủ nước, độ ẩm, ánh sáng và giá thể cho cây phát triển. Hiện nguồn tiêu thụ lan ngoài thị trường trong tỉnh, anh còn bán cho người yêu thích lan tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm gia đình anh lãi khoảng 70 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển.
Không chỉ trồng và bán lan tại nhà, nhiều người dân ở ấp 4, xã Lộc Hưng còn kinh doanh lan trên địa bàn tỉnh và các khu vực miền Tây. Bà Thị Sarai ở tổ 2, ấp 4 đã có hơn 10 năm làm nghề mua, bán lan tận Cần Thơ nên có biệt danh là "bà Hai Cần Thơ". Bà có 2 người con trai đã lập gia đình và hiện cũng đi tìm lan từ Campuchia về bán tại thị trấn Lộc Ninh.
Ấp 4, xã Lộc Hưng có 189 hộ dân, trong đó hơn 90% số dân là đồng bào Khơme. Bằng những giải pháp giảm nghèo, năm 2019, ấp đã giảm được 2 hộ, hiện vẫn còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Anh Lâm Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng cho biết: Nghề trồng và buôn bán lan rừng đã có ở Lộc Hưng từ nhiều năm nay. Từ 1-2 hộ ban đầu, đến nay toàn ấp 4 có hơn 30 hộ theo nghề lan. Và với mức thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây khác, lan rừng đang trở thành xu hướng mới trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người dân trong ấp. Nhiều gia đình có dòng lan đột biến gen thì mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Trong lan tạo nên không gian sống của con người gần gũi với thiên nhiên, giúp người trồng thỏa mãn niềm đam mê, thưởng thức vẻ đẹp lan rừng. Với riêng đồng bào ở ấp 4, xã Lộc Hưng, đây là hướng đi bền vững, giúp bà con thoát nghèo và nhiều hộ làm giàu từ trồng lan.
Duy Khôi
'Sài Gòn tử tế' của chàng trai Bình Phước Chàng trai ấy nói mình không được sinh ra ở Sài Gòn nhưng nhận được nhiều giá trị từ mảnh đất đô thị phương Nam này, nên "cần kể lại câu chuyện về vùng đất tử tế giúp mình trưởng thành". Nguyễn Văn Luận cùng những khoảnh khắc của Sài Gòn được ghi lại - Ảnh: Q.NG. Chàng trai quê Bình Phước ấy...