Giông lốc bất thường tại Hà Nội và những chiếc loa “vô tác dụng”?
Trận giông lốc tại Hà Nội chiều ngày 13/6 khiến 2 người chết, 5 người bị thương, gần 1.300 cây xanh gãy đổ, là chuyện đau xót đã xảy ra. Nhiều người cho rằng thiệt hại đã có thể ít hơn nếu cơ quan khí tượng biết tận dụng những chiếc loa phát thanh giăng khắp phố phường để thông báo thiên tai.
Liên quan đến trận giông lốc bất thường tại Hà Nội vừa qua, bên hành lang Quốc hội sáng nay (15/6), đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đã có những trao đổi về trách nhiệm của cơ quan khí tượng và chất lượng cảnh báo thiên tai.
Bà đánh giá như thế nào về trận giông lốc bất thường xảy ra chiều 13/6 tại Hà Nội?
Buổi chiều thứ 7 chúng tôi thảo luận tại Quốc hội về Luật khí tượng thủy văn, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải có Luật này nhằm đảm bảo cho công tác dự báo tất cả những gì gây ra tai họa cho người dân. Đến cuối chiều thì giông lốc xảy ra tại Hà Nội gây thiệt hại lớn.
Ông Trần Quang Năng – Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: “Với cơn giông chiều tối ngày 13/6, vào hồi 16 giờ 15 phút, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã có bản tin cảnh báo về cơn giông này. Thông tin đã được chúng tôi đăng tải trên các trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tuy nhiên thông tin này có thể chưa được sự quan tâm của tất cả mọi người”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An – đoàn Hà Nội
Thiệt hại do giông lốc gây ra tại Hà Nội vừa rồi rất lớn, hơn 1.000 cây xanh bị đổ, nhà dân bị tốc mái, tài sản của người dân là ô tô xe máy bị thiệt hại, nhưng đau xót nhất là có 2 người chết trong trận giông lốc này…
Ai cũng thừa nhận trận giông lốc vừa qua là bất thường, hiếm có trong nhiều năm, đây là thiên tai nên không thể lường trước được, và vì nó xảy ra quá bất ngờ nên dù ta có chuẩn bị đến mấy thì cũng khó. Vấn đề bây giờ là phải làm thế nào để dự báo trước được tốt hơn và chuẩn bị tất cả các tình huống để ứng phó. Sau khi giông lốc xảy ra, các cơ quan chức năng và rất nhiều người dân đã thức trắng đêm để khắc phục hậu quả, điều này thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao của cộng đồng.
Trong ngày xảy ra giông lốc, thời tiết tại Hà Nội được cơ quan khí tượng dự báo là trời nắng nóng, nhưng giông lốc đã xảy ra. Cơ quan khí tượng giải thích rằng việc cảnh báo đã được đưa ra 1 tiếng trước trước khi xảy ra giống lốc. Bà có cho rằng chất lượng dự báo có vấn đề?
Video đang HOT
Trong công tác dự báo thì khó có thể chính xác 100%, nhưng sự việc xảy ra vừa rồi cơ quan khí tượng cũng phải rút kinh nghiệm. Tôi theo dõi thấy cơ quan này có nói là đã thông báo về cơn giông lốc, nhưng thông báo như thế thì quá ngắn, dân không thể nào chủ động được để tránh trú. Trước một thảm họa thiên tai không ai chống được, nhưng theo tôi những việc như vừa rồi thì cần phải dự báo cách xa bao nhiêu tiếng, nếu có thông tin sớm sẽ tốt hơn nhiều, và nếu cần thiết bị hiện đại hơn thì nhà nước cũng nên đầu tư.
Hà Nội có hệ thống loa phát thanh của Cảnh sát giao thông tại các nút giao thông, hệ thống truyền thanh phường cũng rất gần với người dân, tuy nhiên sự việc nghiêm trọng vừa qua cơ quan khí tượng chỉ thông báo thiên tai qua trang web nội bộ. Bà có ý kiến gì về việc này?
Tôi nghĩ rằng phải có phương thức thông báo rộng rãi hơn, để làm sao thông tin phải đến được với người dân. Tôi nói đơn cử như người nông dân làm sao người ta đọc được web, hay người đang tham gia giao thông trên đường cũng không thể mở web mở mạng ra để theo dõi… Tôi nghĩ rằng phải làm sao để thông tin đến được với người dân càng sớm càng tốt, thậm chí để người nông dân đang làm việc ngoài đồng cũng có thể biết được về sự việc.
Hệ thống loa phát thanh của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội tại các nút giao thông (ảnh: Tiền Phong)
Hà Nội có hệ thống loa đến tất cả phố phường, làng xóm, ngõ ngách nên phải tận dụng để nâng cao hiệu quả thông báo. Nếu hôm 13/6 cơ quan khí tượng gọi đến các cơ quan thông tin thì tôi tin chắc rằng tất cả mọi thông tin khác sẽ được tạm ngừng để ưu tiên phát đi thông tin cảnh báo giông lốc sắp xảy ra.
Nói như vậy là cơ quan khí tượng chưa làm hết trách nhiệm, thưa bà?
Nếu quy trách nhiệm thì khó, nhưng cần nâng cao chất lượng dự báo.
Vậy cơ quan khí tượng đã thiếu sự nhạy bén và thiếu sự phối hợp trong việc xử lý thông tin liên quan đến trận giông lốc vừa qua?
Để đánh giá lỗi của ai bây giờ là không nên, vì sự việc đã xảy ra rồi, quan trọng là phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Tất cả những thông tin liên quan đến người dân, đặc biệt là liên quan đến mạng sống của người dân thì phải đặt lên hàng đầu, thông báo khẩn cấp và rộng khắp.
Dự thảo Luật khí tượng thủy văn đang được Quốc hội thảo luận đã nhắc tới các vấn đề trách nhiệm như thế nào, thưa bà?
Các đại biểu khi thảo luận đều cho rằng phải nâng cao độ chính xác của thông tin dự báo, không thể chính xác 100% nhưng cũng phải đảm bảo tương đối, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và cơ quan công bố các thông báo về vấn đề khí tượng thủy văn, tránh để xảy ra những thiệt hại lớn cho người dân hoặc thông báo có bão không chính xác gây hoang mang cho người dân.
Xin cảm ơn bà!
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Ninh Thuận đang trải qua hạn hán khốc liệt nhất 2 thập kỷ qua
Người dân Ninh Thuận đã và đang trải qua một đợt hạn hán khốc liệt nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Gần 50.000 người dân bị thiếu đói, nước uống, hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
Nắng hạn khốc liệt đang kéo dài tại Ninh Thuận. Ảnh: Hoàng Tâm
Lần đầu tiên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định công bố khẩn về tình trạng hạn hán trong toàn tỉnh vào ngày 9/6 vừa qua.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã trải qua gần 18 tháng bị nắng nóng gay gắt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là đợt hạn hán được xem là khốc liệt nhất tỉnh Ninh Thuận phải gánh chịu trong hơn 2 thập kỷ qua.
Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống. Hoa màu bị thiệt hại nặng nề, hơn 2.000 ha đất phải tạm ngưng sản xuất, trong khi đó, hạn hán kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn đàn gia súc thiếu nước uống, gần 500 con bị chết do suy kiệt...
Trước tình trạng trên, Chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp 172 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo cho tỉnh Ninh Thuận khắc phục hạn hán và cứu đói, cứu khát cho dân.
Đồng thời, trong ngày 10/6 vừa qua, Đoàn công tác của Quân khu 5 do Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính uỷ Quân khu 5 dẫn đầu đã đến tỉnh Ninh Thuận trao quà và hỗ trợ đồng bào nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn trong đợt hạn hán nghiêm trọng lần này.
Trao đổi với báo giới, Thiếu tướng Trần Quang Phương cho biết: "Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định trích 1,5 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ thiên tai của Quân khu để mua 3000 suất quà tặng cho bà con, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm thiết yếu."
Chia sẻ thêm, Thiếu tướng Trần Quang Phương còn cho biết: "Trước đó, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã cấp 5.000 mét khối nước cho 1280 hộ dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế và sắp tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh việc cấp nước miễn phí này cho bà con của tỉnh. Có thể nếu xã Phước Trung nắng hạn nặng nữa thì xe lọc nước của Quân khu 5 sẽ về phục vụ cho bà con."
Trong khi đó về phía tỉnh Ninh Thuận cũng đã có 3 đợt hỗ trợ gạo cho bà con vùng hạn hán, một tháng, một nhân khẩu được 15 kg gạo, hỗ trợ trong vòng 3 tháng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đợt hạn hán lần này ở Trung bộ sẽ kéo dài đến tháng 9.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng hạn hán khốc liệt nhất đang diễn ra ở Trung bộ.
Quốc Phan
Theo Dantri
Miền Bắc bớt nắng nóng, miền Trung vẫn 38 độ C Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong 10 ngày tới (từ 9/6 - 18/6), miền Bắc ít khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng; trong khi đó miền Trung tiếp tục hứng nắng nóng, nhiệt độ phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong 10 ngày tới, thời tiết miền Bắc...