Giọng hát Việt nhí: ‘Nhí’ là cứu cánh cho nhà sản xuất
Năm nay The Voice Kids không gây ồn ào như mùa đầu, nhưng có thể thấy nó tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng, thu hút đông đảo công chúng theo dõi, bình phẩm và bỏ phiếu.
The Voice Kids chứng tỏ là nhân tố sống còn của làn sóng truyền hình thực tế đang đến hồi bão hòa hiện nay. Khi tất cả những chương trình truyền hình có người lớn tham gia đang đuối sức thì những thí sinh măng non đang là những niềm hy vọng lớn lao để khỏa lấp thị trường, và mang về những lợi ích thiết thực cho nhà sản xuất.
Hát bài lố tuổi? Bé cứ hát!
Trong tổng số khoảng hơn 130 bài mà các thí sinh thể hiện tại chương trình mùa này thì có khoảng 40 bài là nhạc ngoại và có hơn 50 bài là không đúng với lứa tuổi của những thí sinh từ 9 đến 15. Con số này còn cao hơn mùa đầu khi năm ngoái, nhạc ngoại chiếm khoảng 50 bài, còn nhạc người lớn chỉ hơn 40 bài.
Nhiều người ca thán chuyện này đã nhàm tai. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại. Nước ngoài cũng thế. Ngay chính chương trình The Vocie Kids gốc của Hà Lan cũng đầy rẫy chuyện tương tự. Bọn trẻ hát thậm chí còn shock hơn nhiều, từ I will Always Love You cho đến You And I, Bleeding Love…, toàn những bản nhạc tình nẫu tâm can. Nhưng ai quan tâm? Nó rất khác với những chương trình dành cho trẻ nhỏ nhưng móc túi người lớn theo kiểu Disney. The Voice Kids hay những chương trình truyền hình thực tế trẻ em khác cần phải nói là dành cho người lớn. Ai cũng bàn về việc thiếu thốn ca khúc thiếu nhi. Điều này đã nói mãi, nhưng có một điều chẳng thấy ai bàn, nếu không đủ bài thì tổ chức tìm kiếm tài năng nhí làm gì?
Thiện Nhân ôm chiếc úp quán quân cùng HLV của mình, ca sĩ Cẩm Ly.
Nhưng những chương trình như Giọng hát Việt nhí cuối cùng vẫn phải được tổ chức vì thật ra đó là sân chơi… người lớn. Sự mâu thuẫn ấy không khó lý giải. Trẻ con hát nhạc của người lớn đã là một sự tò mò đầu tiên. Bên cạnh đó, những bài hát của người lớn luôn có một sự bùng nổ, cao trào gây hấp dẫn cho người nghe. Người lớn nghe, người lớn thích và người lớn bầu chọn.
Thống kê của công ty khảo sát thị trường Datasection Việt Nam cho thấy, lượng công chúng chỉ tính riêng trên facebook (và gói gọn trong facebook chính thức của GHVN chứ chưa tính bên ngoài) đã lên đến vài trăm ngàn người “like” (thích), chưa kể hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ xung quanh. Trong số vài trăm nghìn người đó, có bao nhiêu đứa trẻ tuổi từ 9-15 được phép dùng facebook? Đó là còn chưa kể đến YouTube (con số hàng triệu), Google search và những mạng xã hội khác.
Vậy tóm lại, “nhí” là cái cớ cho người lớn giải khuây khi mà những chương trình truyền hình thực tế mà người trưởng thành tham gia, ngày càng bé dần. Người lớn thích, nhà sản xuất hài lòng, nhà tài trợ mỉm cười, rating tăng chóng mặt. Ai cũng muốn trẻ em được hát đúng tuổi, nhưng những cuộc thi truyền hình vốn cần công chúng chứ không quá quan trọng tài năng, lại không chấp nhận. Cuối cùng thì ai cấm được trẻ con được tiếp tục hát nhạc người lớn? Và Giọng hát Việt nhí tiếp tục thắng mùa 2, là điều dễ hiểu.
Video đang HOT
3 gương mặt của đêm chung kết (từ trái qua): Hoàng Anh, Thiện Nhân và Thiên Nhâm.
Nước mắt rơi trên sân khấu
Mùa thứ hai tiếp tục mang lại những lợi nhuận kếch xù cho nhà sản xuất và càng đẩy mức độ thắng thua lên thang cao nhất. Tiếc thay, nạn nhân của sự thắng thua ấy lại là bọn trẻ. Bởi nếu không thắng thua, sao những giọt nước mắt rơi trên sân khấu lại nhiều đến thế?
Lần nữa cũng phải nhấn mạnh, chuyện này không hiếm ở những chương trình như The Voice Kids khắp nơi. Đơn cử như mùa 2 của The Voice Kids tại Australia, cô bé 13 tuổi Remy đã khóc nức nở khi không được 4 HLV chọn ở vòng giấu mặt. Ngay lập tức một cuộc bút chiến ầm ĩ trên tất cả các báo rằng tại sao nhà đài (mà lại là đài truyền hình quốc gia) không cắt phần ấy đi mà lại để cho một đứa bé tuổi khóc lóc đau đớn trên sân khấu như thế. Những nhà đạo đức học, xã hội học, thậm chí cả tâm lý học nhảy vào mổ xẻ vấn đề và đều nói rằng cho bọn trẻ áp lực dưới ánh đèn sân khấu quá sớm là một việc làm câu khách quá trớn.
Đáp lại, Đài NINE nói họ đã tham khảo ý kiến phụ huynh của Remy và nhận được sự đồng ý mới cho phát sóng. Bên cạnh đó, phụ huynh Remy cũng nói rằng họ muốn con cái mình nhận ra rằng cuộc sống đầy rẫy khó khăn, quan trọng là con phải biết vượt qua nó. Nhưng nhiều khán giả đáp lại rằng họ sẽ tắt ti vi nếu chuyện này còn xảy ra, họ không muốn con cái mình bị tác động tâm lý thắng thua như thế. Và sau đó, nước mắt rơi ít hẳn trên sân khấu Voice Kids của Australia.
Cuộc chơi nào cũng có giá của riêng mình. Bọn trẻ trên con đường trưởng thành cần phải nghe nhiều lần chữ “không” cho những cố gắng của chúng. Chúng phải nghe để cố gắng hơn. Nhưng chúng cũng phải hiểu, sự cố gắng ấy là tốt cho chính bản thân mình, chứ không phải để làm lấy lòng người lớn và nhận về sự bình chọn khả quan.
Đó là một sự khác biệt rất lớn dù câu chuyện của bọn trẻ ở nơi nào cũng gần như giống nhau. Nhưng ở nước ngoài trẻ em được bảo vệ tuyệt đối.
Còn ở Việt Nam, rating mới là thứ cần được bảo vệ tối đa.
Theo Nguyên Minh/ Thể thao & Văn hóa
Giọng hát Việt nhí: Cẩm Ly từng khóc một mình vì quá áp lực
Cùng lắng nghe tâm sự của các HLV "Giọng hát Việt nhí 2014" để hiểu sâu sắc hơn về những thăng trầm họ phải trải qua trong chương trình năm nay.
Giọng hát Việt nhí 2014 đã trải qua một chặng đường dài và chỉ còn 2 đêm liveshow nữa thôi, ngôi vị Quán quân sẽ lộ diện. Cuộc thi không chỉ thu hút khán giả bởi sự hấp dẫn đến từ các em nhỏ mà còn bởi quá trình "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" của dàn HLV tâm huyết. Cùng gặp gỡ và lắng nghe một số chia sẻ của Cẩm Ly, Lam Trường, Lưu Hương Giang trước giờ liveshow 6.
Trước 2 ứng cử viên cuối cùng còn lại trong đội là Chí Công và Thiện Nhân, Cẩm Ly chia sẻ mình thấy vô cùng khó khăn khi đêm tới phải loại đi 1 trong 2 em. Nhận xét về từng em, Cẩm Ly cho biết, Thiện Nhân có giọng hát trời phú, rất sáng và truyền cảm. Ở lứa tuổi đó, chưa được học qua trường lớp nhưng đã hát được như vậy là điều rất hiếm hoi. Còn về phía Mai Chí Công, "chị Tư" không ngừng "xuýt xoa" về giọng ca trầm ấm, cách biểu cảm trong giọng hát, đặc biệt là "giọng khào" không phải ai cũng có được.
Trước nghi vấn, lo ngại của khán giả về việc bất kì thí sinh nào vào đội Cẩm Ly cũng đều phải hát nhạc dân ca, cô hoàn toàn không đồng tình. Cẩm Ly cho hay, mọi người đã có định kiến này ngay từ khi chương trình bắt đầu chứ không phải tới tận bây giờ. Mỗi thí sinh đều có điểm mạnh, nền tảng riêng. Cô chỉ từ đó phát huy và hướng các em đến những hình ảnh phù hợp nhất. Ví dụ như Mai Chí Công vẫn được chọn những ca khúc nhạc ngoại, nhạc trẻ để hát, Thiện Nhân cũng chỉ mới thử nghiệm 1 chút âm hưởng Nam Bộ ở vòng thi vừa rồi. Còn những thí sinh như Minh Tài, Ngọc Anh thì đã có chất dân ca sẵn từ trong người.
Trước nhận định của mọi người về khả năng Thiện Nhân sẽ lên ngôi Quán quân, Cẩm Ly không quá đặt nặng vấn đề và nhìn ở 1 góc độ khách quan. Cô chia sẻ, có thể rất nhiều người đặt tình cảm và kì vọng vào Thiện Nhân, nhưng cũng có những bạn thích Chí Công, Hoàng Anh... Điều này chưa nói trước được gì. Đến phút cuối, có thể có những sự bất ngờ xảy đến. Ví dụ như, Đức Anh của đội Giang - Hồ từng là 1 ứng cử viên nặng ký nhưng lại không trụ lại được với cuộc thi. Do đó, "chị Tư" chỉ biết tập trung mang lại những điều tốt nhất cho các học trò, không nên vì những lời khen ngợi đó mà "khinh địch", hi vọng rằng tình cảm của người xem sẽ ở lại với các bé cho đến cuối cuộc thi.
Trước câu hỏi khó khăn nhất, liệu chị có quay trở lại làm HLV cho Giọng hát Việt nhí 2015, Cẩm Ly khá đắn đo. Cô cho biết, hiện tại mình quá mệt mỏi, xuống kí thấy rõ, luôn chóng mặt, cảm thấy kiệt sức. Nhiều đêm về Cẩm Ly còn nằm khóc một mình vì những áp lực từ chương trình, từ việc luyện tập, khán giả, bình luận trên mạng, hay chỉ từ cái quần, cái áo của học trò. Cô không muốn hứa hẹn điều gì, nhưng hiện tại cô chưa nghĩ đến việc tiếp tục công việc này ở năm sau.
Đối với HLV Lưu Hương Giang, 2 cái tên còn lại trong đội là 2 cá tính hoàn toàn trái ngược, sở hữu 2 đối tượng khán giả riêng biệt. Cô xem đây là 1 trải nghiệm mới cho cả 2 vợ chồng bởi mỗi lần tìm bài, dựng bài cho các em đều là những thử thách về độ nhạy bén của bản thân.
Trước một số nhận xét cho rằng đội Giang - Hồ chỉ chuyên chọn bài khó, quá sức và quá học thuật, Lưu Hương Giang cho biết, cô phân biệt rõ ràng giữa biểu diễn và dự thi. Nếu đem một ca khúc hit phổ biến, được nhiều người yêu mến vào cuộc thi, khán giả sẽ thấy ngay sự chênh lệch. Thử thách của các HLV là phải tìm ra ca khúc phát huy được sở trường của mỗi thí sinh, nhưng vẫn tạo được sự "ép-phê" trên sân khấu, để mỗi tiết mục phải có những ấn tượng nhất định.
Lưu Hương Giang cũng không cho rằng Top 2 năm nay của đội mình lại thua kém năm ngoái. Người ta thường tò mò, thích thú với những lần đầu tiên, đến lần thứ 2 trở đi hầu hết mọi người sẽ chê rằng không hay, không hấp dẫn bằng. Năm nay, cả 2 vợ chồng Lưu Hương Giang - Hồ Hoài Anh đã có những tiêu chí chọn thí sinh khác biệt hơn so với năm trước. Cô tỏ ra rất thích thú cách chọn thí sinh của Thanh Bùi ở mùa 1 và cho rằng thẩm mỹ âm nhạc là điều quan trọng của mỗi gương mặt nhí. Không thể năm nào đội Giang - Hồ cũng phải có các thí sinh như Quang Anh, điều đó sẽ tạo nên định kiến, khiến mọi người sẽ bị đóng khung suy nghĩ của mình. Với đội Giang - Hồ, Top 2 Hoàng Anh - Huyền Trân là 1 kết quả khá trọn vẹn
Về khả năng đăng quang lần thứ 2, Lưu Hương Giang cũng thẳng thắn cho biết, cô và Hồ Hoài Anh không hề đặt nặng chuyện thắng thua mà phải làm sao cho khán giả yêu mến học trò của mình. Nếu giành được ngôi Quán quân mà không ai phục thì cũng chẳng để làm gì. Cả Hoàng Anh và Huyền Trân đều không phải người hay hô hào kêu gọi bình chọn, thế nhưng vẫn nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của khán giả. Đó mới chính là điều ý nghĩa nhất. Cô cũng chia sẻ sẽ rất khó để 2 vợ chồng tiếp tục ngồi ghế nóng lần thứ 3 trong năm tới bởi cuộc thi đã chiếm quá nhiều thời gian, làm dở dang khá nhiều dự định của 2 vợ chồng. Nhưng ngay sau mùa 2, cả Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh chắc chắn sẽ có những dự án giúp đỡ cho thí sinh của mình về lâu dài.
HLV Lam Trường có rất nhiều chia sẻ, tâm tư về lần đầu ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí. Thiên Nhâm và Linh Nhi với anh là 2 viên ngọc quý và vô cùng may mắn khi lọt vào Top 2 đội. Linh Nhi có giọng hát nội lực, "sự cố" lệch tông trong đêm trước đã vô tình giúp "anh Hai" phát hiện ra khả năng hát nốt cao của cô bé vượt quá sức tưởng tượng, tuy nhiên vấn đề anh lo lắng hiện tại là làm sao giúp Linh Nhi hát có hồn hơn, biết tiết chế, nhẹ nhàng hơn. Thiên Nhâm thực sự là 1 "ẩn số" của cuộc thi. Lam Trường chia sẻ, nếu Phương Mỹ Chi có sự trong sáng, nhẹ nhàng, rặt Nam Bộ thì Thiên Nhâm có vẻ hơi chững chạc hơn. Anh tưởng tượng cô bé có lẽ rất giống ca sĩ Hương Lan hồi nhỏ. Thiên Nhâm còn đa phong cách và giao cho thử thách nào cũng làm tốt. Với chỉ 1 số chỗ phát âm chưa chuẩn, cách lấy hơi còn chưa đúng, Lam Trường tự tin những khuyết điểm này sẽ sớm được khắc phục và cô bé sẽ có thể tiến xa trong tương lai.
Một điều thú vị, tạm dẫn đầu đội Lam Trường hiện nay là Thiên Nhâm - 1 màu sắc dân ca đặc biệt và duy nhất trong cuộc thi cho đến vòng này. Lam Trường tỏ ra khá thích thú. Thông thường khán giả sẽ nghĩ rằng, thí sinh đội Lam Trường phải có màu Pop Ballad chứ không phải là màu dân ca, phong cách chỉ hợp với đội "chị Tư" Cẩm Ly. Tuy nhiên, anh tự tin bản thân đã biết khai thác và hướng thí sinh đi đúng con đường của mình, đưa bé đến gần khán giả hơn. Công việc của anh là HLV chứ không phải là ca sĩ trong cuộc thi này, do đó anh không đến đây để tìm ra các "bản sao Lam Trường".
Quyết định "cứu" Thế Lân liên tục qua các vòng liveshow cũng là điều khiến nhiều khán giả quan tâm. Tuy nhiên, "anh Hai" khẳng định mỗi bé dừng lại đều có những lí do riêng. Điều anh thực sự hạnh phúc chính là ai dừng bước cũng khiến người hâm mộ "xôn xao". Anh cảm thấy các học trò của mình đã dần tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả, thay vì buồn vì bị "ném đá", anh cảm thấy mình có nhiều niềm vui hơn. Thế Lân cũng đã để lại dấu ấn tốt đẹp khi hát Acoustic "Đôi chân thiên thần", đó là 1 nỗ lực không thể chối cãi.
Lam Trường có lẽ là HLV "sung sức" nhất hiện tại khi đã có sẵn những kế hoạch như tổ chức đêm nhạc cho team, dự định thu âm, phát hành CD cho các bé và như anh từng chia sẻ, có thể sẽ bắt đầu con đường đào tạo, hướng dẫn các tài năng nhí trong tương lai. Tuy không khẳng định sẽ quay trở lại với chương trình nếu được mời nhưng Lam Trường sẽ luôn cố gắng hết sức, dồn hết tâm huyết cho thế hệ tiếp theo.
TheoHG / MASK Online
Những thiên thần nhí biết kiếm tiền từ nhỏ của Vbiz Ba giọng ca thành danh từ chương trình Giọng hát Việt - Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Hoàng Anh - đều đã đi hát kiếm tiền phụ giúp gia đình dù tuổi còn khá nhỏ. Hoàng Anh The Voice Kids: Là một trong ba thí sinh lọt vào đêm chung kết Giọng hát nhí 2014, thí sinh của đội Giang - Hồ đang...