Giống gà quý chân có vệt màu đỏ, dùng tiến vua đạt hạng 3 sao OCOP
Nhiều năm nay, giống gà Mía Sơn Tây (Hà Nội) đã được nhiều người biết tới bởi chất lượng thịt thơm ngon, mã đẹp.
Đặc biệt, gà trống khi trưởng thành ở phía ngoài chân gà có vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân, trông giống như sợi chỉ nên xưa kia được xem là giống gà quý, dùng để tiến vua, dân thần thánh… Gà Mía rất dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao khi giá bán thường dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg.
Sản phẩm gà mía Sơn Tây tham gia chấm điểm Chương trình OCOP của TP.Hà Nội và được công nhận hạng 3 sao. Ảnh: T.L
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có khoảng 45 sản phẩm có lợi thế phát triển sản xuất thành hàng hóa kinh doanh, đưa vào để triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nổi bật phải kể đến một số sản phẩm đã được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến như gà Mía Sơn Tây, bánh tẻ Phú Nhi, chả cá Thuần Việt, mật ong Kim Sơn, kẹo dồi phủ vừng Quý Thảo…
Năm 2019, ngân sách thị xã Sơn Tây bố trí trên 652 triệu đồng để triển khai Chương trình OCOP và hiện đã có 5 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, gồm: chả cá Thuần Việt, gà Mía Sơn Tây, kẹo dồi phủ vừng Quý Thảo, kẹo lạc Cao Quý Thảo và giò lợn Phùng Thị Quế.
Trong năm 2020, thị xã dự kiến lựa chọn 25 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP như: Bánh tẻ Phú Nhi, mật ong Kim Sơn, trà hoa cúc Sơn Đông, miến dong Cổ Đông…
Giống gà Mía rất thích hợp với phương thức chăn nuôi thả vườn, chúng có khả năng tự kiếm ăn tốt, sức đề kháng cao. Ảnh: H.B
Trong đó, gà Mía là giống gà đặc sản có nguồn gốc ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài như chợ Mía, chùa Mía. Xưa kia, giống gà này ngoài dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày còn cung cấp cho tất cả các ngày lễ trọng trong năm, thậm chí thời phong kiến, các lão làng còn chọn những con gà Mía đẹp nhất, tốt nhất để tiến vua hay cúng ở đình dâng thánh thần. Do đó, gà Mía còn được gọi là gà tiến vua.
Để duy trì và phát triển thương hiệu gà Mía Sơn Tây, các ban, ngành địa phương đã xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng từ con giống đến sản phẩm cuối cùng.
Video đang HOT
Ngoại hình chuẩn của gà Mía con trống có lông màu mận chín, con mái có lông màu lá chuối khô. Ảnh: N.T.Long
Trong nhóm các giống gà thân to của Việt Nam như Đông Tảo, Mía, Hồ, chọi, Móng… thì gà Mía được đánh giá có thân thịt đẹp và chất lượng thơm ngon, trọng lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các gia đình. Trung bình mỗi con gà trưởng thành nặng từ 2 – 2,2kg.
Nếu như 10-15 năm trước đây người ta chuộng gà Mía lai vì tăng trọng nhanh nhưng giờ lại thích gà Mía thuần vì chất lượng thịt tốt hơn. Có nhiều hình thức nuôi giống gia cầm đặc sản này nhưng phổ biến hơn cả là chăn thả và bán chăn thả.
Thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi thương mại và đầu tư Đoài Phương chăm sóc đàn gà Mía theo mô hình bán chăn thả với quy mô chăn nuôi từ 8.000 – 10.000 con. Ảnh: An Như
Ông Hà Văn Chiến, một hộ chăn nuôi gà Mía tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đang nuôi khoảng 5.000 con gà Mía với nhiều độ tuổi khác nhau. Đây là giống gà tương đối dễ nuôi, chỉ cần cho ăn đầy đủ bằng các loại thức ăn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ… Nếu chăm sóc tốt thì hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà Mía sẽ cao gấp 2-3 lần so với nuôi các giống gà khác, nhất là giá bán trên thị trường luôn duy trì mức cao, hiện đạt trung bình trên 90.000 đồng/kg”.
Gà Mía con trống khi trưởng thành ở phía ngoài chân gà có vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân, trông giống như sợi chỉ nên xưa kia được xem là giống gà quý, dùng để tiến vua. Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho gà Mía từ năm 2016.
Theo bà con chăn nuôi, gà Mía có chất lượng thịt thơm, da giòn, mỡ dưới da ít, có vị ngọt, đậm đà dai mềm thơm thịt, thịt chắc, màu trắng, da vàng ăn rất giòn, đậm ngọt. Ngoài những chất albumin, chất béo, thịt gà còn có các vitaminA, B1, B2, C, E, a-xít, can-xi, phốt pho, sắt. Hàm lượng protein và phức hợp của amino a-xít trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ có tác dụng cải thiện huyết áp và nhịp tim.
Do có giá trị kinh tế cao nên hiện nay, giống gà Mía không chỉ được nuôi rộng rãi ở các xã thuộc Sơn Tây mà còn được bà con nhân rộng ra nhiều địa phương khác, đồng thời lai tạo với một số giống gà nội địa khác để nâng cao giá trị thương phẩm, thích nghi với điều kiện thời tiết mỗi vùng.
Bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, thị xã Sơn Tây đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, việc triển khai xây dựng NTM trong 10 năm qua của Sơn Tây đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, thị xã huy động trên 1.331 tỷ đồng để triển khai xây dựng NTM, đến nay thị xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Trước đó, cuối năm năm 2018, thị xã đã có 6/6 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM và hiện đang tiếp tục triển khai Đề án hoàn thành xã NTM nâng cao năm 2020 tại xã Kim Sơn. Theo UBND thị xã Sơn Tây, hiện tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt 50,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Giúp nông dân vượt bão dịch Covid-19
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2555-TB/TU về Kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở NNPTNT và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I/2020 của Hà Nội.
Giúp nông dân vượt khó khăn
Theo thông báo này, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu cần quán triệt rõ tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW về tam nông là vấn đề chiến lược; nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở NNPTNT, các đơn vị liên quan cần thực hiện quyết liệt hơn, phản ứng kịp thời và nhạy bén hơn; bám sát những chủ trương của Đảng, Thành ủy về nông nghiệp, nông thôn để có giải pháp ứng phó hiệu quả với những khó khăn phát sinh. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét lại kịch bản tăng trưởng, có giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến (thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trồng 4 sào bắp cải, thu nhập trung bình 7-10 triệu đồng/sào. Ảnh: H.V
Ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã phải cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con và tăng cường sản xuất thêm rau, củ, quả nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố. Ngành nông nghiệp cần và có khả năng tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm trước.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo, rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể để sử dụng đất hiệu quả, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất. Tăng cường đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc khu vực nông thôn; xem xét bổ sung một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo đà tăng trưởng...
Bí thư Thành ủy cũng giao Đảng đoàn HĐND thành phố xem xét, giải quyết sớm việc bổ sung tăng vốn ủy thác để Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội cho vay, giãn nợ cho người dân và doanh nghiệp giải quyết khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.
Đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU xem xét, đề xuất tăng thêm nguồn lực cho cả đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị Hội ND thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, thiết thực trong việc giúp đỡ, hướng dẫn nông dân vượt qua khó khăn. Trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp, ngân hàng; đẩy mạnh khai thác nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH, NNPTNT; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất...
Thu hoạch rau xà lách tại một trang trại trồng rau thuỷ canh trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Thiên Ngân
Chú trọng tiêu chí thu nhập
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong quý I/2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.
Các huyện có thu nhập bình quân của người dân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh: 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức: 55 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 53,8 triệu đồng/người/năm... Nhờ vậy, so với bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 367 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập, còn 15 xã chưa đạt.
Để giảm hộ nghèo, ngân sách thành phố đã bố trí trên 8.500 tỷ đồng, trong đó hơn 2.500 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng CSXH thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng nhà ở...; gần 5.000 tỷ đồng thực hiện chính sách cho người nghèo, hộ nghèo.
Qua rà soát cho thấy, thành phố đã đầu tư 1.050 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã dân tộc, miền núi. Với nguồn lực đầu tư lớn, đến nay Hà Nội đã có 371 xã đạt và cơ bản đạt, còn 11 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Về tiêu chí lao động có việc làm, lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội chỉ còn 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,3% vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 (đạt 95%). So với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí này. Còn 1 xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.
"Đáng chú ý, trong tổ chức sản xuất, các HTX trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, nhiều HTX đã làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên và nhân dân. Nội dung đề án củng cố của nhiều HTX đã tập trung vào việc mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới để nâng cao đời sống cho thành viên..."- ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thông tin.
Thanh Bình - Thiên Ngân
Giá gia cầm hôm nay 1/3: Gà lông màu giảm nhẹ, vịt chững lại Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá gia cầm hôm nay 1/3 tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) có xu hướng giảm nhẹ đối với giá gà thịt, như gà mía Sơn Tây giảm khoảng 4.000 đồng/kg về 85.000 - 95.000 đồng/kg. Giá vịt thịt hôm nay giao dịch ở ngưỡng từ 29.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Giá...