Giòn thơm bánh đa dừa xứ Thanh
Bánh đa dừa, tự bao giờ sự đơn sơ mộc mạc từ nguyên liệu cho đến hương vị làm nên thứ quà quê dân dã lại có sức hấp dẫn đến vậy. Có mặt ở khắp nơi, bánh đa dừa đã góp phần làm nên nét đặc trưng, sự đa dạng cho ẩm thực xứ Thanh.
Dân dã và mộc mạc nhưng hương vị bánh đa dừa cuốn hút nhiều người đam mê ẩm thực.
Bánh đa hay còn gọi là bánh tráng, tên gọi khiến người nghe hình dung ngay đến cách thức tạo ra nó. Đây là thức quà quen với nhiều người ở hầu khắp mọi nơi. Từ thành phố cho tới các vùng quê, chợ nào cũng bán bánh đa, mà bán quanh năm suốt tháng chứ chẳng phụ thuộc vào mùa vụ hay thời điểm nào trong năm. Ai cũng có thể bị “nghiện” bởi cái vị bùi bùi của vừng, thơm lừng của gạo. Đó là chưa kể còn có bánh đa gấc, nhất là bánh đa dừa thì khỏi phải nói, món ăn truyền thống này có sức hấp dẫn đến chừng nào.
Mang theo sở thích ẩm thực và thú vui khám phá, chúng tôi đến với những hộ làm bánh đa ở xã Nông Trường (Triệu Sơn). Ngay từ sáng sớm, bên trong những gian bếp nhỏ, người thợ làm bánh đang mải mê với công đoạn tráng bánh. Làn hơi nóng bay lên từ những chiếc nồi chuyên dụng mang theo hương thơm nhè nhẹ của thứ bột gạo quen thuộc như muốn níu chân chúng tôi. Mắt không rời khỏi những thao tác múc bột rồi nhẹ tay láng đều lên bề mặt chiếc khuôn căng bằng vải phẳng mịn trên miệng chiếc nồi đồng đã cũ, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi sự thuần thục và khéo léo bởi đôi bàn tay của một người đàn ông đứng tuổi. Vừa làm, anh Nguyễn Xuân Quang, thôn 5 vừa cởi mở cho biết: “Tráng bánh đa cũng không quá khó, chủ yếu là làm nhiều thành quen tay. Mỗi chiếc bánh được tráng hai lần. Sau khi lớp bột thứ nhất vừa chín, ta tiếp tục láng một lớp bột mỏng, sau đó rắc vừng lên bề mặt chiếc bánh. Khi bánh đã chín đều, mình phải dùng dụng cụ lấy bánh là ống nứa già tròn láng bóng ấn nhẹ, cuộn đều rồi đem trải ra tấm mành tre để đem đi phơi. Tuy nhiên, để làm được mẻ bánh thành công, chỉ các thao tác tráng bánh thôi chưa đủ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách pha chế và cả thời tiết có thuận lợi hay không…”.
Video đang HOT
Men theo những nếp nhà ngói cũ, từng tấm mành tre rải đều những chiếc bánh tròn xoe san sát nhau như đang hứng lấy cái hanh hao của gió và tìm kiếm những tia nắng ấm hiếm hoi để cựa mình cho khô ráo. Mỗi chiếc bánh khi mới đưa lên giàn còn mềm ướt nên bám chặt vào mặt mành nhưng khi đã đủ khô lại cong lên và ngả màu nâu đậm. Nhanh tay xếp bánh để giao cho khách, bà Nguyễn Thị Thoa, một người có 40 năm gắn bó với nghề chia sẻ: Nghề làm bánh đa rất nhiều công, nhất là với bánh đa dừa thì còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và phải cẩn thận trong từng công đoạn. Gạo làm bánh phải là thứ gạo khô như gạo Q5 hoặc Khang Dân và không được xát quá kỹ để giữ lấy phần áo lụa thì bánh mới dai mềm và xốp. Sau khi ngâm gạo từ 1 đến 3 tiếng, người ta sẽ mang gạo xay thành bột nước. Tùy theo nhiệt độ bên ngoài, nếu mùa đông thì ngâm gạo 3 tiếng, còn với mùa hè chỉ ngâm trong 1 tiếng để tránh bột bị chua. Trước đây, công đoạn xay bột diễn ra khá vất vả bằng những chiếc cối đá thì bây giờ nhờ có máy xay nên tiện hơn rất nhiều.
Để làm được ra chiếc bánh đa dừa thơm ngon và đẹp mắt, thành phần chính không thể thiếu là quả dừa. Nguyên liệu dừa được dùng ở hai dạng khác nhau. Với dừa tươi, người ta phải chọn dừa già để cho cùi dày, cứng có mùi thơm béo bùi. Sau khi nạo và nghiền nhỏ, phần cùi sẽ được và trộn đều cùng nước cốt và bột nước trước khi đem đi tráng. Còn với dừa khô thì người làm chỉ việc giã nát miếng dừa, cho vào bột để làm bánh. Nếu bánh làm từ dừa tươi cho mùi thơm béo ngậy nhức mũi thì bánh đa dừa khô lại đem theo thứ hương vị bùi bùi thấm sâu trong bánh.
Nghề làm bánh đa không quá khó nhọc nhưng nhiều công đoạn đòi hỏi người thợ phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ. Với bánh đa dừa lại càng phải cẩn trọng hơn. Dừa là loại quả nhiều dầu nên thời gian phơi kéo dài hơn so với bánh đa thường. Trong khi phơi phải thường xuyên lật trở để bánh khô đều. Hơn nữa, do khó bảo quản nên loại bánh này thường được làm nhiều vào mùa đông, làm xong phải tiêu thụ ngay thì mới đảm bảo độ thơm ngon, giòn xốp.
Chúng tôi hỏi những người dân nơi địa phương về lịch sử nghề làm bánh đa của làng, chẳng ai nhớ nổi nghề này có tự bao giờ. Các vị cao niên trong làng, nhiều người nói từ khi bé đã thấy bà, thấy mẹ từ mờ sáng đã lụi cụi tráng bánh. Rồi cứ thế, nghề làm bánh gắn sâu vào đời sống của họ. Những bếp than hồng nướng bánh đã là một phần không thể thiếu ở góc sân mỗi nhà. Để rồi từ già trẻ, trai gái không ai là không biết quạt bánh. Một tay dùng quạt, một tay cầm bánh lật đi lật lại liên tục để bánh chín đều, không bị cháy đét lửa, các vết phồng phải nhỏ đều, không bị nổ bung. Thỉnh thoảng, thợ nướng bánh phải dùng tay hoặc cán quạt để uốn bánh sao cho chiếc bánh thành phẩm có độ cong nhất định, đẹp mắt. Khi chiếc bánh chuyển màu sậm, mùi thơm tỏa ra thì quy trình làm bánh mới kết thúc.
Dân dã và quen thuộc, dễ ăn, dễ “nghiện” nên hiếm ai không biết đến bánh đa. Sự thông dụng của thứ bánh này thấy rõ khi nó có thể kết hợp với nhiều món ăn khác như cháo lươn, nộm, ăn kẹp với các loại cá nướng…, hay đơn giản chỉ là nhâm nhi với chút nước mắm tương tỏi ớt cũng đủ làm người ăn thêm xuýt xoa, hào hứng. Và với bánh đa dừa, nó không đơn giản chỉ là một món ăn thường ngày mà bản thân nó còn thể hiện được nét đặc trưng của con người và miền đất xứ Thanh. Ở mảnh đất nhiều dừa, bốn mùa trĩu quả, người dân lao động đã biến những nguyên liệu gần gũi sẵn có để chế biến ra những món ăn vừa mộc mạc, dân dã nhưng lưu lại thứ hương vị tinh túy, thanh tao mang đậm chất quê hương xứ sở.
Ngày nay có muôn vàn thức quà từ bình dân đến sang trọng đắt đỏ nhưng dường như bánh đa dừa vẫn không hề bị “lép vế”. Nó vẫn trở thành món quà quê yêu thích của nhiều người và đặc biệt với những người đi xa, họ luôn tìm đến như để nhớ về với cội nguồn, với ký ức của một thời thơ ấu.
Những đặc sản tiến vua trên đất xứ Thanh
Xứ Thanh không chỉ là miền đất "địa linh nhân kiệt" mà còn nổi tiếng là một vùng văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc.
Từ vùng núi, đồng bằng đến miền biển của xứ Thanh đều có những món ăn truyền thống, chỉ góp mặt trong đời sống thường ngày nhưng qua bàn tay, sự sáng tạo, chế biến tinh tế của người dân đã trở thành những món ăn "trứ danh". Trong đó, nhiều món ăn đã trở thành sản vật tiến Vua một thời, như: Mắm tép Hà Yên (Hà Trung); phi cầu Sài (Hoằng Hóa); bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, bưởi Luận Văn (Thọ Xuân); mía tím Kim Tân (Thạch Thành)...
Bánh gai Tứ Trụ - sản vật tiến vua nổi tiếng của huyện Thọ Xuân.
Với những nguyên liệu đơn giản cộng với bí quyết gia truyền, sự khéo léo và sáng tạo, người quê Thanh đã cho ra đời những sản phẩm vừa thơm ngon vừa đậm đà hương vị quê hương. Cách chế biến món ăn của người Thanh Hóa không quá cầu kỳ nhưng luôn hấp dẫn, mang một hương vị riêng và gắn với những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Ví như món bánh răng bừa của quê hương xã Xuân Lập (Thọ Xuân) gắn với tục cày ruộng tịch điền của Lê Đại Hành hoàng đế; món chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc) gắn với nghĩa quân Lam Sơn "nếm mật nằm gai"; mía tím Kim Tân, mắm tép Hà Yên gắn với câu chuyện Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh...
Chúng tôi tìm về huyện Thọ Xuân, nơi được mệnh danh là vùng đất "hai Vua" với bề dày về truyền thống, văn hóa. Khi được hỏi về những sản vật tiến Vua nức tiếng một thời, mỗi người dân Thọ Xuân đều tự hào khi kể về chúng. Đó là bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, chè Sánh Lược, bưởi Luận Văn... Bánh lá răng bừa Xuân Lập là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Thọ Xuân. Theo sử sách, thuở ấy, dẹp xong giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, Vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên Nhân dân tích cực lao động sản xuất. Để tỏ lòng biết ơn vua, người dân nơi đây đã dành những hạt gạo ngon nhất để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, trộn với nhân bằng thịt lợn rồi gói bằng lá chuối tươi (chuối hạt) đã được hơ mềm qua lửa. Sau khi gói, chiếc bánh răng bừa có hình thon nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, chiều dài khoảng 20 cm rồi đem luộc hoặc hấp. Hương vị của bánh là sự kết hợp của mùi hương từ thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hành phi, hạt tiêu... Tục lệ làm bánh răng bừa dâng vua được người dân làng Trung Lập giữ mãi về sau. Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh răng bừa (170 hộ thường xuyên và 70 hộ không thường xuyên), tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp cưới hỏi, lễ hội, tết cổ truyền.... Nhờ sự nổi tiếng, hương vị độc đáo và những đặc trưng riêng, bánh răng bừa được người dân trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Ước tính hằng năm, người dân xã Xuân Lập cung cấp cho thị trường hơn 12 triệu chiếc bánh, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng.
Lần theo tiến trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, xứ Thanh không chỉ khẳng định vị thế là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi tinh hoa văn hóa hội tụ; mà ẩn sâu trong hương vị ẩm thực xứ Thanh luôn lồng ghép, gắn với những sự tích, huyền thoại, những câu chuyện gắn liền với cuộc đời, công trạng của các vị vua, anh hùng, hào kiệt nổi danh trong lịch sử. Chẳng ai biết, cây mía tím Kim Tân gắn bó với người dân huyện Thạch Thành từ khi nào nhưng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cây mía tím chính là đòn bẩy để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo các cụ cao niên kể lại, cây mía Kim Tân có từ lâu đời, gắn với truyền thuyết của Vua Quang Trung. Tương truyền rằng, xưa kia Vua Quang Trung đem quân ra Bắc đánh quân Thanh đã cho quân lính nghỉ ngơi tại vùng đất Thạch Thành. Người dân lấy mía ra thiết đãi nhà vua và nghĩa quân. Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon nên lấy tên của vùng đất Kim Tân đặt cho loại mía này. Khi đại phá quân Thanh thành công, Vua Quang Trung đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía tại Phố Cát (nay là thị trấn Vân Du). Cây mía Kim Tân vốn kén đất, chỉ thích hợp với đất đỏ bazan. Vì vậy, mặc dù được trồng tại rất nhiều nơi của huyện Thạch Thành, song chỉ cây mía trồng trên đồi đất xã Thành Trực là thơm ngon, mềm và phát triển tốt nhất. Hằng năm, toàn huyện phát triển khoảng 250 ha cây mía tím, tập trung nhiều ở các xã Thành Trực, Thành Tân, Thành Công... Khi vào chính vụ, nhiều thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và TP Thanh Hóa... đổ về thu mua, cung không đủ cầu. Thực tế phát triển của cây mía tím trên địa bàn huyện Thạch Thành cho thấy, tuy vốn đầu tư ban đầu cao nhưng các hộ trồng mía tím đạt doanh thu tới hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, bên cạnh việc trồng, chăm sóc, UBND huyện Thạch Thành còn chỉ đạo các địa phương thực hiện phục tráng, đăng ký chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu cho cây mía tím Kim Tân...
Theo khảo sát, trưng cầu ý kiến từ các nhà văn hóa, đến nay, chưa có tài liệu chính thống nào tổng hợp đầy đủ về những sản vật tiến vua trên đất Thanh Hóa. Nhưng với mỗi vùng, miền, địa phương đều có những sản vật riêng kết hợp hài hòa, tinh túy từ địa lý, văn hóa, phong tục và được người dân tương truyền là sản vật tiến vua. Mùa nào thức nấy, người dân xứ Thanh đã tạo nên những thứ sản vật vừa gần gũi vừa thanh tao để làm phong phú thêm cho sắc màu văn hóa của mình. Thời gian trôi đi, dù nếp gấp, vết hằn in của lịch sử có phai mờ thì những nét đặc sắc trong những sản vật ấy vẫn còn lưu mãi. Để ngày nay, mỗi vùng miền trên xứ Thanh đều tự hào, tự tin về những sản vật quê hương để đưa những sản vật ấy tiến xa hơn trên thị trường.
TP.HCM: "Cơm quê" giữa phố, ngon quên lối về Tạm quên đi những món Tây sang trọng, thử một lần ghé các quán cơm quê để có thể thưởng thức những bữa cơm "chuẩn ngon như cơm mẹ nấu" nhé! Địa điểm số 1: Cửa hàng ăn uống mậu dịch Nhà Quê Địa chỉ: 5D Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Thời gian phục vụ: 8 giờ - 20...