Giòn ngọt gỏi măng
Có vô số những món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng được chế biến từ các loại măng như măng xào lá lốt, vịt om măng, nhái om măng, măng ngâm dấm, nem măng… Trong những ngày thời tiêt mát mẻ thì món gỏi măng cũng là sự lựa chọn thích hợp.
Măng có tính hàn, thanh nhiệt và giữ nước tốt nên rất được người nội trợ lựa chọn để chế biến thành những món ăn cho bữa cơm gia đình. Trong những ngày tiết trời mát mẻ, món gỏi măng sẽ giúp thay đổi khẩu vị cho bữa cơm gia đình.
Nguyên liệu chế biến gỏi măng cũng đơn giản và dễ kiếm. Chỉ cần măng tươi, thịt ba chỉ, tôm sú cùng với các loại gia vị như mắm, mè, đường, chanh, ớt, tỏi, hạt nêm, rau răm và ăn kèm với gỏi là bánh tráng.
Thanh mát đĩa gỏi măng.
Trước khi tiến hành làm gỏi, cần sơ chế các nguyên liệu trước. Măng tươi mua về đem rửa sạch cho vào nồi luộc chín, rồi vớt ra để ráo. Sau đó thái sợi chỉ nhỏ. Tôm sú hấp chín, bóc vỏ, xé sợi nhỏ. Thịt ba chỉ cũng đem luộc chín, thái chỉ. Trong khi luộc thịt thì nêm chút bột nêm để thịt đậm đà hơn. Rau răm nhặt và rửa sạch rồi thái nhỏ để riêng.
Phi thơm hành trong chảo dầu, cho măng vào đảo qua chừng 2 phút với một chút đường, hạt nêm rồi bắc xuống bếp, tiếp đó cho thịt ba rọi, tôm sú vào trộn đều. Cuối cùng là công đoạn nước trộn.
Gỏi măng là món xuất phát từ Huế và được nhiều người nơi đây ưa chuộng. Do đó, khi trộn gỏi măng nhất thiết phải có mắm ruốc Huế. Còn với mỗi vùng miền, tùy theo khẩu vị có thể thay thế bằng nước mắm.
Nước trộn gỏi gồm một chút đường, tỏi, mắm ruốc, nước cốt chanh và không thể thiếu ớt. Tất cả trộn đều và tưới vào hỗn hợp gỏi măng, thịt, tôm. Sau đó cho rau răm, mè rang vàng trộn thật đều. Múc gỏi lên đĩa, rắc lên trên nhúm mè để món ăn trông hấp dẫn hơn.
Gỏi măng đậm đà, ăn giòn giòn, ngọt ngọt lại hơi dai, mùi thơm mát nhè nhẹ của rau răm và mùi thơm thoang thoản của mè rang rất thú vị. Gỏi măng ăn kèm với bánh tráng nước rất thích hợp, có thể dùng để nhậu hoặc ăn với cơm đều được.
Theo LĐO